COVID kéo dài? Bấm huyệt và thảo dược có hiệu quả điều trị

Ho, sương mù não, tức ngực, mệt mỏi, rối loạn khứu giác hoặc vị giác – những triệu chứng COVID kéo dài này có đang làm phiền bạn hoặc gia đình bạn không? Thời nay, khi mà Tây y vẫn thiếu các phương pháp điều trị hiệu quả và rộng rãi cho căn bệnh này thì Trung y đã cung cấp một số liệu pháp điều trị hiệu quả.

Trong chương trình “Trung y: Quá khứ và Hiện tại” trên kênh NTD Trung Hoa, bác sĩ Thi Thừa Tu, giám đốc Phòng khám Trung y Thi Thừa Tu, chia sẻ về các ca lâm sàng trong điều trị các triệu chứng COVID kéo dài dựa trên thể trạng của từng người. Ông hướng dẫn cách giúp tăng sức đề kháng, giảm nhẹ các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài qua xoa bóp bấm huyệt và liệu pháp ăn kiêng.

Một tổng quan y văn được đăng trên Tập san Nature Reviews Microbiology (Đánh Giá Vi Sinh Vật Học Tự Nhiên) vào năm 2023 ước tính có ít nhất 65 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng COVID kéo dài trên toàn thế giới, trong đó, tỷ lệ cao nhất là ở những người từ 36 tuổi đến 50 tuổi. Có hơn 200 triệu chứng COVID kéo dài ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Theo bác sĩ Thi, từ góc độ của Trung y thì mỗi người sẽ có những triệu chứng COVID kéo dài khác nhau vì việc nhiễm virus đã kích hoạt những vấn đề tiềm ẩn trong cơ thể.

Các trường hợp lâm sàng trong điều trị hội chứng COVID kéo dài

Bác sĩ Thi đề cập rằng, nhiều bệnh nhân gặp hội chứng COVID kéo dài có các triệu chứng giống như cúm nhưng trên thực tế, hầu hết họ không phải là cúm. Ông từng chữa trị cho một cặp vợ chồng bị ho suốt 3 tháng. Theo quan điểm của Trung y, cơn ho kéo dài như vậy không chỉ là bệnh về đường hô hấp mà trước đây thường được coi là thể trạng kém của bệnh nhân. Bác sĩ Thi tùy theo triệu chứng mà lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau. Sau khoảng một tuần, di chứng ho liên tục của cặp vợ chồng đã được chữa khỏi.

Triệu chứng của một số bệnh nhân bị COVID kéo dài là mất vị giác hoặc khứu giác. Ví dụ, một bà mẹ 37 tuổi không ngửi được mùi khi thay tã cho con suốt một tháng rưỡi. Bác sĩ Thi cho biết, trong trường hợp này, Trung y có thể điều chỉnh sự ổn định của niêm mạc đường hô hấp của bệnh nhân. Vị giác và khứu giác của bệnh nhân có thể được phục hồi trong vòng 2 tuần sau khi điều trị.

Bác sĩ Thi phát hiện ra rằng, nhiều bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài cảm thấy tức ngực và đánh trống ngực nhưng hầu hết họ không có vấn đề gì về tim hoặc phổi. Một số trường hợp có vấn đề ở đốt sống ngực dẫn đến chức năng tim phổi kém và trong trường hợp này là không phải do hội chứng COVID kéo dài gây ra.

Nhiều bệnh nhân còn bị đau đầu và chóng mặt kéo dài. Nguyên nhân có thể là do đốt sống cổ bị lệch. Khi gặp phải tình trạng này, trước tiên bác sĩ Thi sẽ kiểm tra xem cột sống cổ của bệnh nhân có thẳng hàng hay không, vì lệch đốt sống cổ sẽ gây chèn ép các mạch máu và dây thần kinh cột sống. Việc căn chỉnh lại đốt sống cổ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực lên dây thần kinh, các cơn đau đầu và chóng mặt thường sẽ thuyên giảm ngay lập tức.

Bác sĩ Thi cho biết, những bệnh nhân có triệu chứng sương mù não do hội chứng COVID kéo dài thường khó ngủ, không thể nghỉ ngơi khi ngủ dẫn đến thể lực ngày càng kém. Đối với tình huống này, có thể dùng Thuốc bổ huyết Bạch chỉ để tăng chức năng tim phổi. Sắc thuốc theo tỷ lệ 5 phần rễ Hoàng kỳ và 1 phần rễ Bạch chỉ. Uống vào mỗi buổi sáng để dưỡng khí và huyết và phục hồi thể lực.

Trung y đã phát hiện ra một hệ thống gọi là “kinh mạch” – là đường dẫn lưu thông năng lượng, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Một số điểm cụ thể trên kinh mạch gọi là huyệt vị. Việc kích thích các huyệt vị này thông qua châm cứu hoặc bấm huyệt có thể điều trị các bệnh của các cơ quan tương ứng.

Giảm nhẹ các triệu chứng COVID kéo dài bằng cách gõ hoặc bấm huyệt hoặc cào vào da đầu

Bác sĩ Thi cho biết, Trung y cũng có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài như ho dai dẳng, sương mù não và yếu cơ bằng cách kích thích các huyệt.

Đối với người bệnh ho dai dẳng, có thể ấn vào hai huyệt.

  • Thứ nhất là huyệt Hợp cốc (LI 4), nằm giữa ngón cái và ngón trỏ. Chức năng chính của huyệt này là tăng sức đề kháng, có thể ấn năm lần cho một lượt.
  • Thứ hai là huyệt Liêm tuyền (CV 23), nằm tại phần lõm phía trên yết hầu. Có thể ấn nhẹ vào huyệt 5 lần.
COVID kéo dài? Bấm huyệt và thảo dược có hiệu quả điều trị
Giữa xương bàn ngón thứ nhất và thứ hai, tại chỗ lõm ở động mạch quay của ngón trỏ. (Ảnh: The Epoch Times)
COVID kéo dài? Bấm huyệt và thảo dược có hiệu quả điều trị
Huyệt Liêm tuyền (Ảnh: The Epoch Times)

Một số bệnh nhân có các triệu chứng sương mù não, chẳng hạn như lú lẫn, hay quên, mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém, người bệnh cảm thấy tức cổ, lưu thông huyết kém. Bác sĩ Thi đề nghị xoa bóp huyệt Phong trì (GB 20), nằm bên dưới xương chẩm bằng cách dùng tay hoặc gậy xoa bóp, giúp giảm tình trạng sương mù não một cách hiệu quả. Ngoài ra, có thể thực hiện cạo da đầu, ban đầu có thể không thoải mái nhưng sau đó lại có cảm giác sảng khoái và tràn đầy sinh lực.

COVID kéo dài? Bấm huyệt và thảo dược có hiệu quả điều trị
Ở chỗ lõm giữa hai bên khối cơ dưới xương chẩm. (Ảnh: The Epoch Times)

Đối với người bị chứng đau nửa đầu, bác sĩ Thi khuyên nên ấn vào các huyệt Thái dương (Ex-HN5) và Suất cốc (GB 8) ở bên bị đau có thể hữu ích. Huyệt Thái dương nằm ở chỗ lõm ở hai bên trán, gần đuôi của lông mày. Đồng thời, huyệt Suất cốc (GB 8) nằm ở vị trí rộng bằng hai ngón tay, ngay phía trên vành tai.

COVID kéo dài? Bấm huyệt và thảo dược có hiệu quả điều trị
Huyệt Thái dương nằm ở chỗ lõm, cách điểm giữa của đuôi lông mày và đuôi mắt một đoạn bằng độ rộng của ngón tay. (Ảnh: The Epoch Times)

Ưu điểm của Trung y trong điều trị hội chứng COVID kéo dài

Điều trị bằng Trung y thường sử dụng 2 phương pháp:

  • Một là tăng năng lực của cơ thể, như uống một số loại thuốc bổ để tăng dần sức đề kháng và để cơ thể tự đào thải bệnh tật một cách tự nhiên.
  • Hai là loại bỏ các yếu tố bệnh lý, giảm bớt gánh nặng cho cơ thể, cho phép hệ miễn dịch tự phục hồi.

Theo bác sĩ Thi, ưu điểm lớn nhất của Trung y trong điều trị hội chứng COVID kéo dài là có thể ổn định hệ miễn dịch. Cơ thể con người có một “hệ miễn dịch bập bênh,” nếu khả năng phản ứng miễn dịch quá mạnh sẽ xảy ra các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch quá yếu sẽ làm cho virus và vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Phương pháp điều trị bằng Trung y có thể cân bằng hệ miễn dịch bấp bênh này.

Một ưu điểm khác là Trung y có thể tăng khả năng tự phục hồi của cơ thể và làm giảm các triệu chứng khác nhau của hội chứng COVID kéo dài.

5 loại thảo mộc Trung Hoa thường được sử dụng cho những bệnh nhân có bệnh lý khác nhau

1. Thuốc bổ khí

Rễ Hoàng kỳ, Nhân sâm, Hà thủ ô và Ngũ vị tử giúp thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào. Rễ Hoàng kỳ thích hợp cho những người dễ đổ mồ hôi và dễ bị cảm lạnh. Nhân sâm rất lý tưởng cho những người dễ bị cảm lạnh hoặc bị bệnh khi mệt mỏi.

2. Thuốc bổ huyết

Các loại thảo mộc như rễ Xuyên khung, rễ Bạch chỉ, rễ Tam thất và rễ Huyết sâm giúp tăng khả năng phục hồi mạch máu. Nếu phụ nữ dễ bị nhiễm trùng hoặc bị cảm lạnh trong, trước hoặc sau kỳ kinh nguyệt có thể dùng rễ Xuyên khung và rễ Bạch chỉ để điều trị. Đối với phụ nữ có cục máu đông trong kỳ kinh nguyệt, nên dùng rễ Tam thất và rễ Huyết sâm.

3. Thuốc bổ dương

Để duy trì nhiệt độ cơ thể và tăng khả năng chống cảm lạnh, dùng rễ Phụ tử bào chế sẵn, Quế chi và Tế tân Trung Hoa.

4. Thuốc bổ tỳ

Phục linh, Bạch truật và Hoài sơn cải thiện chức năng hấp thu và chuyển hóa của tỳ và vị, thích hợp cho người khó tiêu, gầy gò, khó tăng cân, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.

5. Thuốc phòng cảm mạo, trúng gió

Quế chi, Ma hoàng, rễ Phòng phong, Kinh giới, rễ Khương hoạt, giúp tăng khả năng chống lại tác nhân gây bệnh của cơ thể, thích hợp cho những người dễ bị cảm lạnh sau khi đổ mồ hôi hoặc đi ra gió và có thể được dùng để phòng ngừa hội chứng COVID kéo dài.

Thực phẩm giúp tăng sức đề kháng

Bác sĩ Thi giải thích rằng, các thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa mạnh như: trà, khoai lang và tỏi, thường giúp tăng sức đề kháng.

Người dễ cảm lạnh có thể ăn khoai lang. Những người cảm thấy nóng hoặc thường xuyên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ có thể uống trà. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ăn khoai lang thường xuyên có thể dẫn đến tăng cân và uống trà chứa caffeine vào buổi chiều tối có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tỏi có đặc tính kháng khuẩn tương đối mạnh nên có thể giúp tăng tác dụng kháng khuẩn của niêm mạc miệng. Tuy nhiên, tỏi không phù hợp với những người bị bệnh trĩ, viêm xoang, viêm nang lông, dị ứng hoặc ngứa.

Cháo hạnh nhân và hoa Lily

Đối với những bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài, bị ho dai dẳng, mệt mỏi, suy nhược toàn thân và hấp thu thức ăn kém, bác sĩ Thi khuyên nên ăn món cháo thuốc có tên là “Cháo hạnh nhân và hoa Lily” để bổ sung dinh dưỡng.

Cho 10g hạnh nhân, 10g hoa Lily, 10g Bạch quả, 50g gạo trắng, 20g đường phèn và 500ml nước vào nấu chung.

Trong đó, đường là nguồn năng lượng được cơ thể con người hấp thụ nhanh nhất, hạnh nhân và hoa Lily giúp dưỡng phổi và giảm ho. Hạt Bạch quả có tác dụng chữa ho, cải thiện hệ tiêu hóa và chức năng não bộ.

Đối với những bệnh nhân tiểu đường bị hội chứng COVID kéo dài, bác sĩ Thi khuyến cáo không nên cho gạo trắng và đường phèn vào món cháo nói trên.

Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng thường có bán ở các cửa hàng thực phẩm tự nhiên hoặc siêu thị Á Châu. Tuy nhiên, do thể trạng của mỗi người là khác nhau, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Spring Lin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Spring Lin là ký giả tại Nhật Bản. Ông viết về các chủ đề sức khỏe cho The Epoch Times từ năm 2022, chủ yếu tập trung vào Y học Tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn