CDC tìm cách giảm tình trạng nhiễm trùng huyết góp phần gây ra hơn 700 ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi ngày

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã bắt đầu chương trình mới nhằm giảm số ca tử vong do nhiễm trùng huyết ở các bệnh viện của Hoa Kỳ.

Nhiễm trùng huyết là tình trạng đe dọa đến tính mạng do phản ứng quá mức của cơ thể với nhiễm trùng. Tình trạng này cần được chăm sóc y tế khẩn cấp để bảo đảm bệnh nhân không bị tổn thương mô hoặc nội tạng, hoặc tử vong. Theo CDC, ít nhất 1.7 triệu người lớn tại Hoa Kỳ bị nhiễm trùng huyết mỗi năm và ít nhất 270,000 người tử vong trong khi nhập viện.

Gần đây, CDC đã đưa ra sáng kiến Hospital Sepsis Program Core Elements (Các Yếu Tố Cốt Lõi Của Chương Trình Nhiễm Trùng Huyết Tại Bệnh Viện) nhằm bảo đảm các bệnh viện ở Hoa Kỳ có nguồn lực và nhân sự cần thiết để đối phó với các trường hợp nhiễm trùng huyết.

Cơ quan này cho biết trong tuyên bố hôm 25/08, “Sáng kiến mới, quan trọng này được tạo ra nhằm giúp các bệnh viện khai triển, giám sát, và tối ưu hóa các chương trình nhiễm trùng huyết và cải thiện tỷ lệ sống sót.”

“Cuộc khảo sát mới đây của CDC về 5,221 bệnh viện cho thấy 73% bệnh viện có các nhóm [chuyên về] nhiễm trùng huyết, nhưng chỉ có một nửa (55%) báo cáo rằng các trưởng nhóm được cho phép có thời gian riêng để quản lý các chương trình điều trị nhiễm trùng huyết.”

Hầu hết mọi bệnh nhiễm trùng, bao gồm COVID-19, RSV, và cúm, đều có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Cơ quan này cho biết 87% người lớn bị nhiễm trùng huyết nhập viện với tình trạng bệnh nhiễm trùng không thuyên giảm.

Chương trình nhiễm trùng huyết của CDC tập trung vào 7 yếu tố, bao gồm khai triển các cấu trúc và quy trình nhằm cải thiện việc xác định, kiểm soát, và hồi phục nhiễm trùng huyết; đo lường dịch tễ học nhiễm trùng huyết và tiến độ đạt được mục tiêu; bổ nhiệm lãnh đạo sau chương trình, và giáo dục nhiễm trùng huyết cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, v.v.

Tiến sĩ Mandy Cohen, giám đốc CDC cho biết trong tuyên bố hôm 24/08, “Nhiễm trùng huyết đang cướp đi quá nhiều sinh mạng. [1/3] người tử vong trong khi nhập viện. Chẩn đoán nhanh và điều trị thích hợp ngay lập tức, bao gồm thuốc kháng sinh, là những điều cần thiết để cứu sống bệnh nhân, nhưng những thách thức của việc nhận thức và nhận biết nhiễm trùng huyết là rất lớn.”

“Đó là lý do CDC kêu gọi tất cả các bệnh viện ở Hoa Kỳ có chương trình nhiễm trùng huyết và nâng cao tiêu chuẩn chăm sóc nhiễm trùng huyết bằng cách kết hợp 7 yếu tố cốt lõi này.”

Sáng kiến của CDC đã nhận được trợ giúp từ American Hospital Association (Hiệp Hội Bệnh Viện Hoa Kỳ – AHA). Tiến sĩ Chris DeRienzo, giám đốc điều hành của hiệp hội, cho biết trong tuyên bố hôm 25/08, “Nhiễm trùng huyết là căn bệnh phức tạp và không có cách tiếp cận “phù hợp cho tất cả” để xác định, điều trị, và phòng ngừa ở bệnh viện.”

“Đó là lý do Các Yếu Tố Cốt Lõi Về Nhiễm Trùng Huyết của CDC cung cấp một nền tảng rộng rãi để các bệnh viện xây dựng chương trình họ cần nhằm trợ giúp cho cộng đồng một cách tốt nhất.”

Tình trạng bắt đầu với bệnh nhiễm trùng hiện có

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh và nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch hoạt động quá mức, có thể gây nguy hiểm. Nhiễm trùng huyết xảy ra khi bệnh nhiễm trùng trong cơ thể bệnh nhân gây ra phản ứng quá mức của hệ miễn dịch.

Hình ảnh tư liệu năm 2003 về việc thành viên quân đội Hoa Kỳ chích vaccine đậu mùa ở Vịnh Aden ngoài khơi Djibouti. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
Hình ảnh tư liệu năm 2003 về việc thành viên quân đội Hoa Kỳ chích vaccine đậu mùa ở Vịnh Aden ngoài khơi Djibouti. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Dưới điều kiện bình thường, hệ miễn dịch sẽ phản ứng với nhiễm trùng bằng cách phóng thích các chất hóa học. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức, sẽ dẫn đến tình trạng viêm nặng trong cơ thể.

Mặc dù vi khuẩn là nguyên nhân gây ra mọi trường hợp nhiễm trùng huyết, các loại virus gây ra COVID-19 và nhiễm nấm cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.

CDC cảnh báo, “Hầu hết trường hợp nhiễm trùng huyết bắt đầu trước khi bệnh nhân nhập viện. Bệnh nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng huyết thường bắt đầu ở phổi, đường tiết niệu, da hoặc đường tiêu hóa. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng huyết có thể nhanh chóng dẫn đến tổn thương mô, suy nội tạng, và tử vong.”

“Gần 1/4 đến 1/3 người nhiễm trùng huyết đến khám sức khỏe trong tuần trước nhập viện.”

Những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng huyết bao gồm người có miễn dịch yếu; người bị các bệnh kinh niên như tiểu đường, bệnh thận, và ung thư, những người sống sót sau nhiễm trùng huyết trước đó; người từ 65 tuổi trở lên; và trẻ dưới 1 tuổi.

Một số triệu chứng của nhiễm trùng huyết gồm nhịp tim nhanh hoặc mạch yếu, khó thở, lú lẫn hoặc mất phương hướng, sốt và run rẩy.

CDC khuyên người có thể bị nhiễm trùng huyết nên “được chuyên gia chăm sóc sức khỏe đánh giá và điều trị khẩn cấp.”

Điều trị nhiễm trùng huyết, thách thức cho các cặp vợ chồng

Một cách để điều trị nhiễm trùng huyết là dùng thuốc kháng sinh tùy theo loại nhiễm trùng. Cũng có thể truyền dịch qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa huyết áp giảm xuống mức thấp gây nguy hiểm [tính mạng].

Thuốc [điều trị bệnh này] có thể bao gồm corticosteroid giúp giảm viêm trong cơ thể và thuốc vận mạch cho những người có huyết áp quá thấp. Bệnh nhân cũng có thể được cung cấp oxy qua máy thở, mặt nạ và ống thông mũi.

Vào năm 2022, các nhà nghiên cứu từ Úc xác định một nhóm protein giúp tiêu diệt vi khuẩn trong hệ miễn dịch của người có thể đưa đến việc phát triển các thuốc có khả năng chống lại các tình trạng như nhiễm trùng huyết. Các protein miễn dịch này có thể trực tiếp liên kết và tiêu diệt một số vi khuẩn.

Mặc dù việc điều trị là một phương diện của quản lý nhiễm trùng huyết, bệnh này có thể đặt ra những thách thức cho người chăm sóc bệnh nhân.

Nghiên cứu từ Đài Loan được công bố vào năm 2022 cho thấy 23.5% vợ/chồng của bệnh nhân nhiễm trùng huyết phát triển bệnh về tâm thần sau khi người bạn đời của họ xuất viện.

Những cặp vợ chồng này không có tiền sử rối loạn tâm lý nhưng lại phát triển các rối loạn như trầm cảm và lo âu sau khi xuất viện.

Khả năng bị bệnh tâm thần được phát hiện là cao hơn ở những người có vợ/chồng ở lại bệnh viện lâu hơn.

Nguy cơ bị rối loạn tâm lý cao hơn ở những người chăm sóc là phụ nữ lớn tuổi, người có thu nhập thấp, hoặc người bị các bệnh lý khác.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn