‘Hóa chất vĩnh cửu’ hiện diện trong 95% dâu tây

Dâu tây, nho và nhiều loại trái cây, rau củ khác trồng ở Anh đã được phát hiện có chứa các chất per- và poly-fluoroalkyl, hay PFA.

Dâu tây, nho và nhiều loại trái cây, rau quả đã được phát hiện có chứa các hóa chất nguồn gốc từ thuốc trừ sâu mà các nhà vận động cho rằng có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy ngoài môi trường.

Mạng lưới Hành động Thuốc trừ sâu Vương quốc Anh (Pesticide Action Network UK – PAN UK) đã phân tích các cuộc điều tra chính phủ và phát hiện “hóa chất vĩnh cửu,” các chất per- và poly-fluoroalkyl (PFA) có trong nhiều loại thực phẩm vào năm 2022.

Hiện nay có hơn 10,000 biến thể của PFA, được sử dụng trong hàng trăm sản phẩm từ mỹ phẩm chống thấm nước và chất chống bẩn, cho đến thảm lót và dụng cụ nấu ăn chống dính.

PAN UK đã phân tích kết quả kiểm tra của chính phủ và nhận thấy PFA có trong 95% mẫu dâu tây, 61% mẫu nho và 38% mẫu cà chua.

PFA cũng được tìm thấy với nồng độ cao trong trái anh đào và rau bina.

Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra) có một ủy ban cố vấn về dư lượng thuốc trừ sâu, đã thử nghiệm hơn 3,300 mẫu thực phẩm và thức uống có sẵn trong chuỗi cung ứng của Vương quốc Anh vào năm 2022.

Họ tìm kiếm dư lượng từ 401 loại thuốc trừ sâu được phun trên cây trồng. Ít nhất 15% mẫu đào, dưa chuột, mơ và đậu đều chứa PFA.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Chuyên gia về Dư lượng Thuốc trừ sâu trong Thực phẩm cho biết 56.4% mẫu có chứa dư lượng thuốc trừ sâu nhưng thấp hơn mức dư lượng tối đa (maximum residue level – MRL) được cho phép trong luật thực phẩm.

‘Người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ăn phải những hóa chất này’

Ông Nick Mole từ PAN UK cho biết: “Ngày càng nhiều bằng chứng liên quan đến PFA với các bệnh lý trầm trọng như ung thư. Điều đáng lo ngại là người tiêu dùng Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ăn phải những hóa chất này, một số trong đó có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể của họ tới tận tương lai.”

Ông nói thêm: “Chúng ta cần khẩn trương nâng cao hiểu biết tốt hơn về những rủi ro sức khỏe liên quan đến việc ăn phải những ‘hóa chất vĩnh cửu này và làm mọi cách để loại bỏ các hóa chất đó khỏi chuỗi thức ăn.”

PAN UK đang kêu gọi chính phủ cấm 25 loại thuốc trừ sâu PFA hiện đang được sử dụng ở Anh, 6 loại trong số đó được phân loại là “rất nguy hiểm.”

PAN UK cho biết mức dư lượng tối đa không tính đến các con đường phơi nhiễm PFA tiềm ẩn khác, chẳng hạn như bao bì thực phẩm bằng nhựa, nước uống và nhiều loại sản phẩm gia dụng.

Năm 2004, DuPont đã đồng ý dàn xếp ngoài tòa án cho một vụ kiện tập thể do 50,000 cư dân sống gần một nhà máy ở Parkersburg, Tây Virginia, nơi sản xuất axit perfluorooctanoic (PFOA), một thành phần chính trong Teflon.

Người dân cho rằng PFOA đã làm ô nhiễm nguồn nước địa phương, dẫn đến dị tật bẩm sinh và các mối nguy hiểm khác cho sức khỏe.

Năm ngoái, nhà sản xuất hóa chất 3M đã đạt được thỏa thuận trị giá 10.3 tỷ USD với một số hệ thống nước uống công cộng của Hoa Kỳ để giải quyết các cáo buộc về ô nhiễm từ “hóa chất vĩnh cửu”.

Trên khắp thế giới đã dấy lên mối lo ngại về PFA, loại chất được nghiên cứu có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm ung thư, rối loạn nội tiết tố, các vấn đề về hệ thống miễn dịch và bệnh gan.

Tháng trước các chuyên gia ở Canada cho biết đã đến lúc phải hành động.

Bà Cassie Barker, người quản lý chương trình chất độc tại Bộ Bảo vệ Môi trường, nói với ủy ban môi trường Canada rằng các hóa chất có một trong những liên kết mạnh nhất trong hóa học hữu cơ, khiến chúng gần như không thể bị phân hủy.

Vào tháng 5/2023, Bộ Y tế Canada đã ban hành một bản dự thảo khuyến nghị, sau khi xem xét khoa học các bằng chứng sẵn có, cho biết [cộng đồng] khoa học yêu cầu dán nhãn PFAS là chất độc hại theo Đạo luật Bảo vệ Môi trường Canada.

Nghiên cứu mới được công bố từ Úc

Hôm thứ Hai (8/4), Đại học New South Wales ở Úc đã công bố nghiên cứu cho thấy PFA được tìm thấy trong nước mặt và nước ngầm trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng có liên quan đến các vấn đề về môi trường và sức khỏe, bao gồm cả một số bệnh ung thư, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết về quy mô thực sự và tác động tiềm ẩn của vấn đề này.”

Bà Shubhi Sharma từ Chem Trust, tổ chức vận động bảo vệ con người và động vật khỏi các hóa chất độc hại, cho biết: “PFA là một nhóm hóa chất hoàn toàn nhân tạo, không tồn tại trên hành tinh cách đây một thế kỷ và hiện đã làm ô nhiễm mọi ngóc ngách.”

The Epoch Times đã liên hệ với Defra để đề nghị bình luận.

PA Media đã đóng góp vào báo cáo này.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Chris Summers
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông Chris Summers là một ký giả tại Vương quốc Anh đưa tin về nhiều vấn đề quốc gia, với mối quan tâm đặc biệt đến tội phạm, trị an, và luật pháp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn