Nghiên cứu: Thực phẩm chế biến có liên quan đến ‘hóa chất vĩnh cửu’ trong máu người

Nghiên cứu cho thấy ăn thực phẩm nhiều chất xơ như trái cây, rau và ngũ cốc giúp giảm nồng độ hóa chất trong cơ thể.

Theo một nghiên cứu gần đây, việc ăn nhiều thực phẩm chế biến và đóng gói dẫn đến làm tăng nồng độ của một số hóa chất trong cơ thể vốn gây ra các biến chứng về sức khỏe.

Nghiên cứu được bình duyệt, công bố trên The Journal Environment International (Tập san Môi Trường Quốc Tế) vào ngày 4/2, đã điều tra về việc thói quen ăn uống sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nồng độ PFAS trong máu ở thanh niên. Các chất Perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFAS), còn được gọi là “hóa chất vĩnh cửu,” có liên quan đến nhiều vấn đề bất lợi cho sức khỏe như ung thư, có tác động tiêu cực đến chức năng miễn dịch và sinh sản.

PFAS được dùng trong sản xuất đồ nội thất, vải và một số đồ gia dụng khác. Các thử nghiệm gần đây cho thấy các hóa chất này còn có cả trong nước uống, bao bì thực phẩm và vật nuôi.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về sự tiêu thụ thực phẩm từ 727 thanh niên và xác định rằng việc ăn nhiều loại thực phẩm như thịt chế biến sẵn, trà và thực phẩm chế biến bên ngoài có liên quan đến việc tăng mức PFAS trong cơ thể theo thời gian.

Cô Hailey Hampson, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Sức khỏe Môi trường thuộc Trường Y khoa Keck và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy rằng ngay cả những thực phẩm có quá trình chuyển hóa khá lành mạnh cũng có thể bị nhiễm PFAS. Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét đến các thành phần tạo nên thực phẩm ‘lành mạnh’ theo một cách khác.”

Thịt chế biến

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng “việc ăn nhiều thịt lợn, xúc xích, thịt bò và các loại thịt chế biến khác có liên quan đến nồng độ PFAS cao hơn.” Họ cho rằng PFAS “có thể bị tích tụ trong các sản phẩm thịt thông qua một số nguồn phơi nhiễm.”

“Các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói và bánh mỳ kẹp xúc xích có thể tích tụ PFAS thông qua tiếp xúc trong quá trình chế biến hoặc nấu nướng. Các dạng thịt khác, như thịt lợn và thịt bò chưa qua chế biến, có thể đến từ động vật được nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm PFAS hoặc được đóng gói trong bao bì chống dầu mỡ có chứa PFAS.”

Theo quan sát cho thấy lượng trà tiêu thụ nhiều hơn có liên quan đến mức PFAS cao hơn. Nghiên cứu suy đoán rằng sự xuất hiện của PFAS trong trà có thể là do túi trà làm bằng giấy. Điều này cho thấy rằng “các sản phẩm giấy là nguồn gây ô nhiễm chính cho PFAS.”

Ăn nhiều bánh ngọt và bánh nướng nhỏ cũng có liên quan đến nồng độ PFAS trong máu tăng cao. Vì giấy bọc món tráng miệng đã được chứng minh là có hàm lượng fluoride cao, nên trong trường hợp này nồng độ PFAS trong máu cao có thể là do vật liệu đóng gói.

Các nhà nghiên cứu đã trích dẫn một phân tích trước đó cho thấy rằng lượng chất xơ ăn vào có thể làm giảm nồng độ PFAS trong máu. Do đó, ăn các thực phẩm nhiều chất xơ như trái cây, ngũ cốc và rau quả sẽ giúp giảm nồng độ PFAS.

Nghiên cứu nhận được tài trợ từ Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (NIEHS), Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), Quỹ Hastings và Viện Y tế Quốc gia (NIH). Các tác giả tuyên bố không có lợi ích cạnh tranh.

Ô nhiễm bao bì

Vì vật liệu đóng gói nhiễm PFAS được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm nên nghiên cứu đã xem xét việc tiếp xúc với hóa chất từ các tiệm bán đồ ăn nhanh và nhà hàng.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các món ăn được đặt hàng phổ biến như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, bánh mỳ kẹp xúc xích, bánh burritos, tacos, fajitas và pizza. Khi những loại bánh này được đặt hàng từ các tiệm thức ăn nhanh hoặc nhà hàng thì mức PFAS được quan sát thấy là cao hơn. Ngược lại, những món này được chuẩn bị ở nhà thì không có nồng độ PFAS tăng cao.

“Những kết quả này cho thấy thức ăn nhanh có thể gây phơi nhiễm PFAS cao hơn, có thể là do bao bì thực phẩm chống dầu mỡ có chứa PFAS.”

Các phát hiện này cho thấy việc giám sát công khai các sản phẩm thực phẩm và thức uống có thể giúp xác định và loại bỏ nguồn ô nhiễm.

Một số tiểu bang đã thực hiện một số giải pháp liên quan đến vấn đề này. Năm ngoái, tổng chưởng lý California đã ban hành thư thông báo yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất ống hút giấy và vật liệu đóng gói thực phẩm công bố mức PFAS trong sản phẩm của họ.

Ông Jesse A. Goodrich, Phó giáo sư về khoa học dân số và y tế công cộng tại Trường Y khoa Keck và là tác giả cao cấp của nghiên cứu cho biết: “Đó thực sự là một bước đi đúng hướng. Những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm nhiều loại quy định như vậy trên khắp cả nước.”

“Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là nghiên cứu đầu tiên điều tra về việc cách ăn uống có liên quan như thế nào đến những thay đổi của PFAS theo thời gian. Việc xem xét nhiều thời điểm cho chúng tôi ý tưởng về việc thay đổi cách ăn uống thực sự có thể ảnh hưởng đến mức PFAS như thế nào.”

Sự hiện diện của PFAS

Một nghiên cứu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) năm ngoái đã thử nghiệm các mẫu nước máy từ 716 địa điểm trên khắp cả nước, kiểm tra sự hiện diện của 32 loại PFAS và đã xác nhận rằng trung bình ít nhất một PFAS được phát hiện trong khoảng 45% mẫu nước máy.

Nhà nghiên cứu thủy văn Kelly Smalling, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết vào ngày 5/7 rằng “Các nhà khoa học của USGS đã thử nghiệm các mẫu nước được thu thập trực tiếp từ bồn rửa nhà bếp của người dân trên toàn quốc. Đây là một nghiên cứu toàn diện nhất cho đến nay về PFAS trong nước máy từ cả giếng tư nhân và nguồn cung cấp công cộng.”

PFAS được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” vì PFAS không dễ bị phân hủy trong cơ thể con người hoặc trong môi trường.

Ngay cả ống hút làm từ thực vật, được quảng cáo rộng rãi là thân thiện với môi trường, cũng bị phát hiện có chứa hóa chất vĩnh cửu. Trong một nghiên cứu vào tháng 8/2023, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ PFAS trong 39 nhãn hiệu ống hút bán ở thị trường Bỉ được làm từ 5 chất liệu: giấy, tre, thủy tinh, thép không gỉ và nhựa.

Nghiên cứu cho biết: “PFAS được phát hiện có mặt trong hầu hết các loại ống hút, nhưng chủ yếu ở những loại làm từ vật liệu có nguồn gốc thực vật” như giấy và tre.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn