Nghiên cứu bộ lọc không khí không hiệu quả trong việc chống lại COVID và các nhiễm trùng đường hô hấp khác; Một số chuyên gia không đồng ý

Các bộ lọc không khí đã được bán sạch trong thời kỳ đại dịch nhưng nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của thiết bị này trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm. Một chuyên gia đã có quan điểm khác.

Từng được coi là lá chắn giúp con người chống lại sự tấn công dữ dội trên không khí của COVID, những công cụ dùng để bảo vệ luồng không khí có thể đã không còn là những sản phẩm hữu ích hàng đầu nữa.

Trong đại dịch COVID, các cơ quan y tế công cộng đã khuyến khích mọi người dùng ba loại bộ lọc không khí để ngăn chặn sự lây truyền virus trong không khí. Đó là các bộ lọc không khí dạng hạt hiệu quả cao (HEPA) để loại bỏ virus khỏi không khí; bộ lọc tia cực tím (UV) dùng ánh sáng tần số cao để vô hiệu hóa virus trong không khí; và các chất ion hóa mang điện cho các hạt giúp lắng đọng trên bề mặt thay vì trôi nổi tự do.

Một đánh giá khoa học đã phân tích các bằng chứng trên toàn thế giới và kết luận rằng bộ ba bộ lọc không khí có rất ít khả năng bảo vệ con người khỏi bị lây nhiễm qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thực tế, việc đánh giá này được thực hiện dựa trên việc tiến hành các công việc xem xét, đánh giá rất tỉ mỉ.

Bộ lọc không khí được phát hiện là không hiệu quả trong ‘Thế Giới Thực’

Một phân tích gộp mới đây về các nghiên cứu thực nghiệm và quan sát toàn cầu được thực hiện từ năm 1970 đến năm 2022 phân tích việc lọc không khí trong nhà để ngăn ngừa lây nhiễm vừa được công bố trên Tập san Preventive Medicine (Y học Dự phòng). Các nhà nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ lây nhiễm và các triệu chứng của những người tiếp xúc với máy lọc không khí ở không gian công cộng trong nhà tối thiểu 20 tiếng mỗi tuần.

Sau khi tổng hợp dữ liệu từ 32 nghiên cứu, họ đã không tìm được bất kỳ lợi ích thuyết phục nào của các phương pháp làm sạch không khí trong việc làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc số lần xuất hiện của triệu chứng ngoại trừ việc lây nhiễm đã được xác nhận.

Mặc dù họ đã tìm thấy tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn trong một số nghiên cứu đoàn hệ kiểm tra bộ lọc HEPA và chất ion hóa, nhưng họ cũng phát hiện ra rằng: với các thiết kế nghiên cứu khác nhau đem lại các kết quả khác nhau.

Mặc dù ô nhiễm môi trường và bề mặt giảm bằng tia UV và bộ lọc HEPA, nhưng có rất ít “bằng chứng chắc chắn” cho thấy những phương pháp này làm giảm một cách hiệu quả tình trạng lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa.

Người dẫn đầu nhóm nghiên cứu – bà Julii Brainard, người có bằng tiến sĩ về khoa học môi trường của Trường Y khoa Norwich của Đại học East Anglia, nói với The Epoch Times rằng không nên dựa vào các phương pháp làm sạch không khí để ngăn ngừa các triệu chứng và tình trạng lây nhiễm qua đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp.

Bà lưu ý rằng thay vào đó, chúng ta nên làm “nhiều” việc hiệu quả hơn để ngăn ngừa bệnh tật – đặc biệt là bệnh nặng – do lây nhiễm.

Bà nói, “Chích vaccine đứng đầu danh sách các lựa chọn thay thế. Giãn cách xã hội, đặc biệt là khi mới bị bệnh, cũng có thể ngăn ngừa được sự lây nhiễm.” Mặc dù vậy, bà thừa nhận, việc giãn cách xã hội có thể khó duy trì.

Bà Brainard nhấn mạnh, các phương pháp làm sạch không khí chỉ có thể làm chậm dịch bệnh chứ không thể ngăn chặn được.

Bà tiếp tục, “Đây là lý do tại sao chích vaccine lại [có hiệu quả] tuyệt vời. Chích vaccine có thể ngăn chặn dịch bệnh, sự lây lan và ngăn ngừa bệnh nặng mà không điều gì khác có thể làm được.”

Nghiên cứu bị giới hạn bởi chính thiết kế ban đầu, cần có nhiều nghiên cứu hơn

Theo bà Brainard, hạn chế chính của nghiên cứu này là thiết kế nghiên cứu chỉ cho phép nhóm nghiên cứu tóm tắt những nghiên cứu có sẵn, nghĩa là không có nghiên cứu nào là thông tin “mới.”

“Đó là lý do tại sao chúng tôi thường xuyên tuyên bố rằng sẽ rất tốt nếu có được các kết quả từ các thí nghiệm được thực hiện trong 2 đến 3 năm vừa qua, để xem liệu các kết quả đó có nhất quán hay không khi các phương pháp lọc không khí đang được phát triển liên tục.” Bà giải thích qua email và cho biết rằng dữ liệu được công bố gần đây như thế nào là vấn đề quan trọng, đặc biệt là với việc áp dụng công nghệ trong việc làm sạch không khí.

“Chúng tôi không thể loại trừ rằng một số công nghệ mới sẽ có kết quả khác hoặc các nghiên cứu mô tả với cỡ mẫu lớn hơn sẽ cho thấy tác động thực sự [của các thiết bị lọc không khí], nhưng hiếm hoi hơn hoặc rất nhỏ nếu các kết quả đó có tính nhất quán,” bà Brainard tiếp tục và nói thêm rằng có nhiều lý do chính đáng để tin rằng những nghiên cứu mới hơn sẽ không giúp được nhiều hơn cho các phương pháp làm sạch không khí để ngăn ngừa lây nhiễm qua đường hô hấp.

Theo bà Brainard, khả năng cao là hầu hết các trường hợp lây nhiễm đều xảy ra ngay lập tức và các phương pháp làm sạch không khí đơn giản là không thể khử nhiễm không khí đủ nhanh trước khi nguồn bệnh lây truyền. Ngoài ra, vì hầu hết quá trình lây nhiễm có thể xảy ra ở khoảng cách ngắn và bộ lọc không khí không ngăn được mọi người đứng gần nhau nên bộ lọc không khí không thể giải quyết được vấn đề quan trọng (khoảng cách gần) cần thiết để ngăn chặn sự lây nhiễm.

“Tôi chưa thấy có bài đánh giá nào công bố về mức độ gần gũi về mặt vật lý của những người đang ở thời điểm có khả năng lây nhiễm; làm cách nào mà ai đó có thể thu thập thông tin đó một cách đáng tin cậy?” Bà đưa ra câu hỏi, “Nhưng ở một khía cạnh tương đối, chúng ta biết rằng khoảng cách gần có ý nghĩa lớn đối với nguy cơ lây nhiễm, [đó] là lý do tại sao trong thời kỳ đại dịch, mọi người được khuyên nên đứng cách nhau 6 feet hoặc 2m.”

Theo chuyên gia: Nghiên cứu có sai sót nghiêm trọng

Tiến sĩ Jacob Teitelbaum, bác sĩ nội khoa được hội đồng chứng nhận, tác giả và giám đốc của Practitioners Alliance Network, nói với The Epoch Times rằng nghiên cứu này đã không đề cập cụ thể đến dịch bệnh COVID, thay vào đó đề cập đến các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp và đường tiêu hóa nói chung. “Đó là một nghiên cứu yếu và không cung cấp được nhiều thông tin lâm sàng hữu ích.”

Tiến sĩ Teitelbaum cho biết nghiên cứu cho thấy rằng bộ lọc HEPA có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trong khi đề xuất rằng bộ lọc HEPA có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm nói chung, tiến sĩ Teitelbaum lưu ý rằng không thể đưa ra quyết định lâm sàng dựa trên nghiên cứu “thiếu sót một cách vô vọng” này. Những người tham gia chỉ cần dành 15% khoảng thời gian trong ngày ở trong không gian được lọc không khí thì sẽ bảo vệ được cơ thể không bị lây nhiễm trong khoảng thời gian còn lại trong ngày.

Ngoài ra, ông còn phát hiện thấy ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng máy điều hòa không khí cơ bản – nếu không được vệ sinh đúng cách, còn có thể làm lây lan chất gây ô nhiễm – là hệ thống lọc “vô nghĩa.” Các nhà nghiên cứu cũng so sánh giữa việc lọc không khí với việc mở cửa sổ – đã được chứng minh là có thể kiểm soát được sự lây nhiễm trong không khí.

Theo Tiến sĩ Teitelbaum, các biện pháp như mở cửa sổ đã giải thích cho lý do tại sao các cuộc biểu tình rầm rộ với hàng ngàn người san sát bên nhau lại không làm tăng đột biến số ca nhiễm COVID – chính là do những cuộc tụ họp này diễn ra ngoài trời.

Ông nói, “Trong một thế giới đầy rẫy những nghiên cứu vô nghĩa về COVID, tôi thấy đây là một ví dụ điển hình cho một nghiên cứu như vậy.”

Điều gì thực sự bảo vệ con người chống lại sự lây nhiễm lây lan?

Tiến sĩ Teitelbaum nói, “Hãy nhớ rằng trong hầu hết các hộ gia đình, nếu có ai đó bị bệnh COVID, thì chỉ 1 trong 6 thành viên trong gia đình sẽ bị nhiễm bệnh từ họ. Điều đó có nghĩa là sức đề kháng của chúng ta là rất quan trọng.”

Để tăng sức đề kháng, ông khuyến nghị như sau:

  • Dùng vitamin tổng hợp chất lượng cao có các thành phần như kẽm, vitamin C và các chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng khác.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng thức uống không đường, “có thể thêm một hoặc hai muỗng cà phê đường vào cà phê hoặc trà cũng được.”
  • Ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm để làm mới lại hệ thống miễn dịch.

Tiến sĩ Teitelbaum cho biết, “Những phương pháp đơn giản này đã cải thiện đáng kể hệ thống miễn dịch, có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh COVID.” Ông cũng khuyến nghị nên uống tinh chất quả cây Cơm cháy và các loại thực vật tương tự để giảm thiểu rủi ro về đường hô hấp do virus nói chung.

Nguy cơ lớn nhất đã qua

Tiến sĩ Teitelbaum cho biết vì hầu hết mọi người hiện nay đều đã phơi nhiễm với virus nên nguy cơ lây nhiễm cao nhất của đại dịch đã qua.

Ông nói thêm, với các loại virus mới, đợt bùng phát đầu tiên là có xu hướng nghiêm trọng nhất, giống như sự tàn phá của bệnh sởi ở Châu Mỹ và Hawaii. Ông lưu ý, “Bây giờ chúng ta phần lớn đã vượt qua được thời điểm đó rồi. Khi sức đề kháng của mọi người tăng lên thì COVID-19 chỉ còn là một mối đe dọa lây nhiễm có thể kiểm soát được trong số nhiều mối đe dọa mà chúng ta đang cùng chung sống.”

Tiến sĩ Teitelbaum nói, “Điều đó thực sự là một lẽ thường và không gây sợ hãi. Sợ hãi mạn tính là độc hại. Thay vào đó, tôi xin mời mọi người hãy chọn lẽ thường.”

The Epoch Times đã liên hệ với nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu, bà Brainard, để đưa ra bình luận.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn