Nghiên cứu: Giảm trầm cảm sau sinh bằng liệu pháp chống lo âu trước sinh

Một cách tiếp cận phòng ngừa đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến bằng liệu pháp nhận thức hành vi sẽ mang lại lợi ích cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Người ta kỳ vọng rằng giai đoạn sau sinh tràn ngập niềm vui có thể khiến tình trạng trầm cảm giảm bớt khi cứ năm bà mẹ thì có một người gặp phải điều này.

Phụ nữ và con trẻ có thể cảm nhận được ảnh hưởng của chứng trầm cảm sau sinh – đôi khi trong nhiều năm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy liệu pháp và bài tập được thiết kế đặc biệt nhằm giảm lo âu cho bà mẹ khi mang thai có thể giúp giảm đáng kể các trường hợp trầm cảm sau sinh.

Một thử nghiệm lâm sàng đã chia 755 phụ nữ thành nhóm can thiệp trước sinh và nhóm chăm sóc định kỳ để so sánh giai đoạn lo âu và trầm cảm trong sáu tuần đầu sau sinh. Những người trong nhóm can thiệp nhận được sáu buổi học—và bài tập về nhà—dựa trên liệu pháp nhận thức hành vi.

“Kết quả thực sự khả quan. Bài tập rất có hiệu quả với những phụ nữ mà chúng tôi tuyển chọn vào nghiên cứu, những người ít nhất có các triệu chứng lo âu ở mức độ nhẹ hoặc trầm trọng hơn. Chúng tôi nhận thấy khả năng gặp phải tình trạng trầm cảm sau sinh giảm 81%,” Nhà nghiên cứu chính, bà Pam Surkan, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, nói với The Epoch Times.

Kết quả được công bố vào tháng Hai trên tập san Nature Medicine (Y học tự nhiên). Trong số những phụ nữ thuộc nhóm can thiệp, 12% cho biết họ đã trải qua giai đoạn trầm cảm nặng, so với 41% ở nhóm đối chứng.

“Thông điệp cần ghi nhớ là, bạn có thể ngăn ngừa trầm cảm sau sinh nếu giảm bớt triệu chứng lo âu khi mang thai,” bà Surkan cho biết, đồng thời bổ sung thêm rằng những người phụ nữ này ghi nhận lợi ích của các bài tập thở và thư giãn được học. “Có rất nhiều chương trình tương tự nhưng không rõ liệu có hiệu quả hay không.”

Loại hình chăm sóc có thể tiếp cận được

Các nhà nghiên cứu đã dành một năm để phát triển chương trình—có tên là Happy Mother-Healthy Baby (Mẹ hạnh phúc-Con khỏe mạnh)—với ý kiến đóng góp từ các chuyên gia tâm lý, bà mẹ và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Liệu pháp hành vi nhận thức, tiêu chuẩn vàng để điều trị chứng lo âu, sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách nhận biết và thay thế những suy nghĩ và hành vi xâm phạm, dựa trên nỗi sợ — chẳng hạn như sợ sảy thai — bằng những suy nghĩ và hành vi mang tính xây dựng hơn.

Những người không phải chuyên gia đã được đào tạo để cung cấp liệu pháp cho các bà bầu mang thai ít nhất 22 tuần ở Pakistan. Ý tưởng là, liệu một giải pháp tiết kiệm có thể được ứng dụng để tiếp cận càng nhiều phụ nữ càng tốt hay không. Các nhà nghiên cứu chọn Pakistan vì dân số ở đây có thu nhập thấp và mức độ lo âu cao.

Bà Surkan đang tìm kiếm nguồn tài trợ để thử nghiệm chương trình ở khu vực Baltimore. Kể từ khi kết quả được công bố, các hệ thống chăm sóc sức khỏe đã liên hệ để áp dụng chương trình. Bà cho biết các nhà nghiên cứu dự định sẽ phổ biến rộng rãi sau khi điều này được phát triển cho Hoa Kỳ.

Bà Catherine Schmidt, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về chứng lo âu ở phụ nữ (người không tham gia nghiên cứu), nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng, phát hiện này đặc biệt đáng khích lệ đối với phụ nữ và các cơ sở chăm sóc sức khỏe có nguồn lực hạn chế.

Bà nói: “Một trong những khía cạnh hứa hẹn nhất của nghiên cứu là các giải pháp can thiệp không cần thực hiện bởi các chuyên gia được đào tạo mà bởi những người không chuyên.”

Trẻ em khỏe mạnh hơn

Bà Schmidt nói thêm: “Đầu tư vào sức khỏe tâm thần của bà mẹ thực sự là đầu tư cho đứa trẻ và cộng đồng của chúng ta. Những bà mẹ khỏe mạnh với tinh thần minh mẫn có thể đáp ứng nhu cầu của con mình hiệu quả hơn, điều này tạo nên cảm giác an toàn và kết nối với con của họ trong những tháng đầu tiên quan trọng sau sinh.”

Bà Surkan giải thích, cả tình trạng lo âu trước sinh và trầm cảm sau sinh đều có thể khiến phụ nữ và con trẻ bị suy nhược. Nghiên cứu trước đây đã ghi nhận mối liên quan giữa hai điều này và tác hại kéo dài với trẻ sơ sinh.

Ví dụ, phụ nữ bị trầm cảm khi làm mẹ có nhiều khả năng sinh non và sẩy thai tự nhiên, cũng như sinh con nhẹ cân, sống thụ động, thu mình, rối loạn điều hòa sự chú ý và hưng phấn, cũng như nhận thức thấp hơn. Những khó khăn trên có thể tồn tại suốt cuộc đời, theo một bài báo năm 2004 trên tập san Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em.

Bà Surkan cho biết, lý do chính là vì phụ nữ trầm cảm sau sinh khó có động lực để chăm sóc cho con mình một cách tốt nhất.

Theo bà Schmidt, các triệu chứng của người mẹ — chẳng hạn như suy nghĩ xâm phạm, vô vọng, trầm ngâm, cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng — có thể không được chú ý hoặc bị bỏ qua đơn giản vì họ đã quá tải và phải tập trung vào việc sống sót.

Theo Postpartum Support International (Hỗ trợ sau sinh quốc tế), một tổ chức cung cấp giáo dục và kết nối các gia đình để hỗ trợ các nguồn lực, những thay đổi đáng kể trong việc sinh nở và đưa em bé mới về nhà khiến việc xác định vấn đề trở nên khó khăn.

Hỗ trợ trong thời kỳ tiền sản là điều quan trọng

Can thiệp sớm là tốt nhất, bao gồm các chiến lược phòng ngừa đơn giản. Tuy nhiên, trầm cảm sau sinh có thể đi kèm với cảm giác xấu hổ, khiến việc chăm sóc trở nên phức tạp.

Bà Schmidt nói: “Việc chuyển sang làm mẹ khiến phụ nữ cảm thấy rất cô lập và trở nên khó hiểu, đồng thời họ cũng dễ mắc các bệnh tâm thần trong thời điểm quan trọng này. Vẫn còn rất nhiều sự kỳ thị khi nói đến sức khỏe tâm thần của phụ nữ sau sinh và chúng tôi còn nhiều tiến bộ cần đạt được.”

Các chương trình chống lo âu như Happy Mother-Healthy Baby không chỉ hữu ích mà còn giúp người bệnh tiếp cận được các chuyên gia như chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ, nhà trị liệu, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia về giấc ngủ của trẻ sơ sinh.

Thiếu sự trợ giúp có thể khiến người mới làm mẹ cảm thấy thất vọng. Và sau đó, họ còn đối mặt với những yếu tố gây căng thẳng khác, bà Schmidt giải thích, chẳng hạn như áp lực văn hóa đối với việc cho con bú và cảm giác thất bại khi cần đến sữa công thức, hoặc những thay đổi về an ninh công việc hoặc tài chính.

Bà nói: “Khi nói đến sức khỏe tâm thần của phụ nữ, các giải pháp phòng ngừa và cung cấp hỗ trợ trước khi mọi thứ leo thang là hiệu quả nhất. Việc phát hiện sớm triệu chứng có thể tạo sự khác biệt. Một trong những điểm mạnh của nghiên cứu là họ đã cung cấp trước các công cụ.”

Tìm kiếm sự trợ giúp

Văn phòng Dịch vụ Y tế và Con người về Sức khỏe Phụ nữ Hoa Kỳ đưa ra những lời khuyên bổ sung sau sinh như sau:

  • Gọi 1-833-TLC-MAMA (1-833-852-6262) bất cứ lúc nào để được giúp đỡ miễn phí với sự bảo mật. Nếu đang gặp khủng hoảng, bạn cũng có thể gọi điện hoặc nhắn tin cho Đường dây cứu hộ tự tử và khủng hoảng theo số 988.
  • Yêu cầu giúp đỡ—hãy trung thực và cụ thể về nhu cầu của bạn. Bạn thậm chí có thể muốn tạo một kế hoạch hỗ trợ trước sinh.
  • Tìm một nhóm trợ giúp—bệnh viện, nhà thờ và các tổ chức cộng đồng thường cung cấp các nhóm cộng đồng sau sinh cụ thể.
  • Nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe—hỏi về các nguồn lực và sự trợ giúp khác.
  • Chăm sóc cho bản thân—nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nghỉ giải lao và nói chuyện với mọi người về những cảm xúc và khó khăn của bạn.
  • Tránh thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong thời gian này.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn