Nghiên cứu: Sức khỏe răng miệng kém làm trầm trọng thêm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nghiên cứu mới cho thấy vi khuẩn trong miệng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thông qua việc kích hoạt tình trạng viêm phổi và thay đổi hệ vi sinh vật.

Ho dai dẳng và thở khò khè là hai triệu chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏ e tổng quát của bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng nếu bệnh nhân bị bệnh nướu răng, thì những triệu chứng này sẽ càng nặng hơn. Nghiên cứu mới tiết lộ lý do tại sao viêm nha chu, một bệnh nhiễm trùng nướu phổ biến, lại thúc đẩy sự tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lý phổi không thể hồi phục và thường gây tử vong, ảnh hưởng đến gần 16 triệu người Mỹ.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra cách vi khuẩn từ nướu bị viêm có thể di chuyển đến phổi, làm trầm trọng thêm các triệu chứng COPD. Những phát hiện từ Đại học Tứ Xuyên mang lại hy vọng về các phương pháp điều trị mới nhằm kiểm soát căn bệnh đánh cắp hơi thở.

Vi khuẩn đường miệng trực tiếp kích hoạt các đợt cấp của bệnh COPD

COPD, bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ sáu trên thế giới.

Căn bệnh này đang âm thầm làm tổn thương hàng triệu người Mỹ vì nhiều người không hề biết rằng họ đang bị bệnh. Tiến sĩ Norman Edelman, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Stony Brook Medicine, giáo sư nội khoa và là thành viên nòng cốt của chương trình y tế công cộng tại đại học Stony Brook nói với The Epoch Times rằng tại Hoa Kỳ, hút thuốc lá dẫn đến hầu hết các trường hợp bị bệnh COPD, trong khi nấu ăn trên bếp lửa là yếu tố dẫn dắt ở các nước kém phát triển.

COPD làm tổn thương đường thở và phổi, do đó cản trở luồng không khí và hơi thở. Các triệu chứng chính là ho, tiết nhiều chất nhầy và thở khò khè. Bệnh nhân cũng bị các đợt cấp tính trầm trọng với các triệu chứng đột ngột xấu đi trong nhiều ngày.

Mặc dù nghiên cứu trước đây đã liên kết nhiễm trùng khoang miệng với sự tiến triển của bệnh COPD, nhưng cơ chế chính xác vẫn chưa rõ ràng. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy cả hai chỉ có mối liên hệ với nhau qua hút thuốc lá, vốn là một yếu tố nguy cơ chung.

Nghiên cứu mới của Đại học Tứ Xuyên, được công bố trên Tập San Hội Vi Sinh Hoa Kỳ (American Society for Microbiology Journals), phát hiện mầm bệnh bệnh nướu răng liên quan trực tiếp đến đợt cấp bệnh COPD thông qua kích hoạt các tế bào miễn dịch phổi, làm tăng vi khuẩn gây viêm phổi. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều này trên mô hình động vật.

Nhà vi trùng học và đồng tác giả nghiên cứu Yan Li cho biết trong một thông cáo báo chí, “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu bổ sung trên người để xác nhận cơ chế này. Phát hiện của chúng tôi có thể dẫn đến một chiến lược điều trị COPD mới và đầy tiềm năng.”

Tiến sĩ Thomas Kilkenny, giám đốc khoa hồi sức tích cực bệnh phổi tại Bệnh viện Đại học Staten Island, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng nghiên cứu đã chỉ ra việc chăm sóc răng miệng kém có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn miệng như P. gingivalis xâm nhập vào phổi.

Ông nói với The Epoch Times, “Điều này tạo nên mức độ viêm mãn tính vượt xa mức độ như trong COPD”. Ông lưu ý rằng mặc dù chỉ riêng các loại vi khuẩn khác nhau cũng có thể làm tăng số ca nhiễm trùng đường hô hấp, nhưng “trọng tâm của nghiên cứu là các tế bào viêm.”

Vi khuẩn lưu hành trong miệng kích hoạt việc sản xuất quá mức các hóa chất truyền tín hiệu miễn dịch gọi là cytokine. Tiến sĩ Kilkenny cho biết, các cytokine gây ra tình trạng viêm có hại và làm xáo trộn những cấu trúc bình thường của phổi.

70% trường hợp COPD do hút thuốc

Nguyên nhân sâu xa đằng sau hầu hết các trường hợp COPD có thể phòng ngừa được là hút thuốc lá. Tiến sĩ Kilkenny cho biết thêm, hút thuốc sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch của phổi giải phóng những cytokine, gây ra tình trạng viêm. Hút thuốc chiếm 70% các trường hợp.

Các yếu tố nguy cơ không bao gồm hút thuốc:

  • Tiền sử nhiễm trùng phổi ở trẻ em.
  • Tiền sử bệnh hen suyễn.
  • Khói từ việc nấu nướng và sưởi ấm ở nhà.
  • Khói thuốc lá thụ động.
  • Đột biến gen có thể gây ra bệnh.

Thiếu vitamin D cũng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh COPD. Một phân tích tổng hợp năm 2020 cho thấy nhiều bệnh nhân COPD bị thiếu vitamin D. Hơn nữa, bổ sung vitamin D giúp cải thiện chức năng phổi cho những bệnh nhân này.

Chuyên gia: Chống nhiễm trùng nướu răng để duy trì sức khỏe tổng thể

Theo Tiến sĩ Edelman, mặc dù nghiên cứu này có thể dẫn đến các phương pháp điều trị COPD trong tương lai, nhưng là trong tương lai xa. Ông nhấn mạnh rằng tốt hơn cả là mọi người nên chăm sóc sức khỏe nha chu của chính mình.

Ông nói, “Đối với tôi, câu chuyện có thật mà nhiều người chưa biết, là bệnh nha chu là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh toàn thân.” Những bệnh này bao gồm bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Ông lưu ý rằng tỷ lệ nhiễm trùng nướu răng ở các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn là một vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng.

Cụ thể, Tiến sĩ Edelman cho biết ông đã quan sát thấy khoảng 1/3 trẻ em có thu nhập thấp ở Long Island, nơi ông hành nghề, bị sâu răng hoặc bệnh nướu răng. Ông lưu ý rằng việc lan truyền về các hệ quả gắn liền với sức khỏe răng miệng kém nên được ưu tiên hơn là ảnh hưởng về liệu pháp điều trị trong dài hạn của nghiên cứu này.

“Câu chuyện về sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng hơn,” ông nói.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn