Nghiên cứu: Tỷ lệ sinh trên toàn cầu đang sụt giảm

Tỷ lệ sinh ở hầu hết các quốc gia sẽ trở nên quá thấp để có thể duy trì các mức dân số vào cuối thế kỷ này và hầu hết các ca sinh trên thế giới sẽ diễn ra ở các nước nghèo hơn, theo một nghiên cứu được công bố hôm 20/3/2024.

Xu hướng này sẽ dẫn đến sự phân chia “baby boom – thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh” và “baby bust – thế hệ có tỷ lệ sinh giảm sút bất thường” trên toàn thế giới, dẫn đến sự bùng nổ về sinh đẻ tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp vốn dễ bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về kinh tế và chính trị hơn, nhà nghiên cứu cấp cao Stein Emil Vollset của Viện Đo Lường Y Tế và Đánh Giá (IHME) tại Đại học Washington ở Seattle cho biết trong một tuyên bố.

Một nghiên cứu được đăng trên Tập san The Lancet dự đoán rằng 155 trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, hoặc 76% quốc gia, sẽ có tỷ lệ sinh thấp dưới mức thay thế dân số vào năm 2050. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính rằng đến năm 2100, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 198, hay 97%.

Các dự báo này dựa trên các cuộc khảo sát, điều tra dân số và các nguồn dữ liệu khác được thu thập từ năm 1950 đến năm 2021 là một phần của Nghiên cứu về Gánh nặng Bệnh tật, Tổn thương và Yếu tố Nguy cơ toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết, vào cuối thế kỷ này, hơn 3/4 số ca sinh còn sống là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, trong đó hơn một nửa là ở châu Phi cận Sahara.

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ sinh toàn cầu – số con sinh ra trung bình trên mỗi phụ nữ – đã giảm từ khoảng 5 con vào năm 1950 xuống còn 2.2 vào năm 2021.

Đến năm 2021, 110 quốc gia và vùng lãnh thổ (54%) có tỷ lệ sinh thấp dưới mức thay thế dân số là 2.1 con trên một phụ nữ.

Nghiên cứu nhấn mạnh một xu hướng đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia như Nam Hàn và Serbia, nơi tỷ lệ sinh thấp hơn 1.1 trẻ trên một phụ nữ, khiến họ phải đối mặt với những thách thức của lực lượng lao động đang suy giảm.

Những quốc gia có nguồn lực hạn chế nhất “sẽ phải vật lộn với việc làm thế nào để trợ giúp cho những nước có tỷ lệ dân số trẻ nhất, tăng trưởng nhanh nhất trên hành tinh – những nước có tình hình chính trị và kinh tế bất ổn nhất, đang chịu sự căng thẳng về nhiệt độ và hệ thống y tế,” ông Vollset nói.

Các tác giả lưu ý rằng, các dự đoán bị hạn chế bởi số lượng và chất lượng của dữ liệu trong quá khứ, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 từ năm 2020 – 2021.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn