Nghiên cứu: Xem TV có liên quan đến hành vi giác quan không điển hình ở trẻ mới biết đi

Mối tương quan có thể có ý nghĩa với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và bệnh tự kỷ.

Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Y Drexel, việc cho trẻ dưới 2 tuổi xem ti vi quá nhiều có thể góp phần dẫn đến các hành vi xử lý cảm giác không điển hình.

Nghiên cứu được công bố trên JAMA Pediatrics (JAMA Nhi khoa) vào ngày 08/01, phân tích dữ liệu về việc xem tivi hoặc DVD của 1,471 trẻ sơ sinh và mới biết đi ở độ tuổi 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng từ Nghiên cứu Nhi đồng Quốc gia.

Để đánh giá kết quả xử lý giác quan của trẻ lúc 33 tháng tuổi, các tác giả đã đưa ra một bảng câu hỏi cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, được thiết kế để cung cấp thông tin chi tiết về cách trẻ xử lý những gì chúng nhìn, nghe và ngửi.

Bà Karen Heffler, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Drexel và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết mối tương quan này có thể có “ý nghĩa quan trọng với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và tự kỷ.”

Bà Heffler phát biểu trong một thông cáo báo chí: “Xem xét mối liên quan giữa thời gian dùng thiết bị kéo dài và các vấn đề về phát triển và hành vi ngày càng tăng, việc giảm thời gian dùng có thể có lợi cho trẻ mới biết đi có những triệu chứng này, cùng với các phương pháp xử lý cảm giác do nhà trị liệu nghề nghiệp cung cấp.”

Các tác giả phát hiện khi trẻ 24 tháng tuổi, việc xem tivi nhiều sẽ dẫn đến phát triển các hành vi xử lý cảm giác không điển hình, chẳng hạn như “tìm kiếm cảm giác” và “tránh cảm giác,” cũng như “kém nhạy cảm” khi trẻ 33 tháng tuổi.

Trẻ tiếp xúc với bất kỳ thiết bị màn hình nào ở độ tuổi 12 tháng được phát hiện có khả năng biểu hiện “hành vi giác quan cao” cao hơn 105% thay vì các hành vi giác quan điển hình, liên quan đến mức độ kém nhạy cảm lúc 33 tháng tuổi.

Khi trẻ được 18 tháng tuổi, mỗi giờ tiếp xúc với màn hình hàng ngày làm tăng 23% khả năng thể hiện các hành vi giác quan “cao,” là hành vi liên quan đến tránh cảm giác và kém nhạy cảm.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, ở trẻ 24 tháng tuổi, mỗi giờ tiếp xúc với màn hình hàng ngày liên quan đến việc tăng 20% khả năng thể hiện mức độ tìm kiếm cảm giác, độ nhạy giác quan và hành vi tránh cảm giác ở mức độ ‘cao’ lúc 33 tháng tuổi.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh thời gian tiếp xúc với màn hình có liên quan đến các kết cục sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và mới biết đi, như chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỷ, các vấn đề về hành vi, khó ngủ, vấn đề về chú ý và chậm giải quyết vấn đề.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku của Nhật Bản và Trường Y thuộc Đại học Hamamatsu phát hiện việc cho trẻ mới biết đi xem màn hình có thể làm chậm sự phát triển về kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề của trẻ.

Trong nghiên cứu được công bố hôm 08/01 trên JAMA Pediatrics, các tác giả đã theo dõi 7,097 cặp mẹ con từ năm 2013-2017.

Theo kết quả, những đứa trẻ xem màn hình nhiều hơn 4 giờ/ngày dễ bị chậm phát triển ở cả 4 tiêu chí khi được 2 tuổi.

Các bé cũng có nhiều khả năng tiếp tục chậm phát triển cả về kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề khi được 4 tuổi.

Bài báo nêu rõ: “Những bà mẹ có con trẻ dành nhiều thời gian xem màn hình có đặc điểm là trẻ hơn, chưa bao giờ sinh con và có thu nhập hộ gia đình, trình độ học vấn thấp và bị trầm cảm sau sinh.”

Các tác giả cũng nhận ra khó khăn của bậc cha mẹ thời nay trong việc cắt giảm thời gian xem màn hình. Họ nói, nếu việc tiếp xúc là không thể tránh khỏi, tốt hơn hết là cha mẹ nên cùng con cái xem một số chương trình giáo dục chất lượng cao.

Bill Pan đã đóng góp cho báo cáo này.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Aldgra Fredly
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn