Truyền thông trực tuyến và bộ não: Cách công nghệ có thể thay đổi chúng ta

Cuộc sống trực tuyến đã trở thành một phần của “bình thường mới,” với cả lợi ích và hạn chế. Hãy tìm hiểu cách điều hướng phản ứng bộ não của chúng ta.

Bộ phim được giới phê bình đánh giá cao “Good Will Hunting” (Tạm dịch: Chàng Will Tốt Bụng), Matt Damon đã đóng vai thiên tài Will Hunting. Hunting có thể trích dẫn vô số sách nhờ trí nhớ phi thường. Nhưng Hunting có những vấn đề cá nhân, anh đã sử dụng trí thông minh sách vở để chế nhạo những người dám thách thức điểm yếu bản thân. Bước ngoặt cuộc đời của Hunting xảy ra khi bác sĩ tâm lý cho thấy rằng tất cả những thông tin lớn lao này không thể thay thế cho niềm vui được trải nghiệm cuộc sống trực tiếp, sống động.

Thông điệp này vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới hiện đại với các mạng xã hội và vô vàn các thông tin phong phú. Dù có kho tàng dữ liệu ngay tại ngón tay của mình, nhưng có một số khác biệt giữa thế giới thật và trực tuyến.

Bộ não sẽ ra sao khi chúng ta sống ngày càng lâu trong thế giới ảo, và điều này ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta như thế nào? Những phát hiện cho thấy bộ não bị kích thích quá mức nhưng lại thiếu sự nuôi dưỡng, tức là chúng ta thường xuyên tiếp xúc quá nhiều thông tin nhưng lại thiếu hiểu biết.

Giải mã ảnh hưởng của công nghệ đối với bộ não

Công nghệ và quá trình nhận thức có mối quan hệ phức tạp không dễ điều hướng. Ví dụ:

  • Công nghệ giúp truyền thông thu hút sự chú ý, làm tăng việc dùng phương tiện truyền thông vốn có thể dẫn đến sự thèm muốn.
  • Truyền thông trực tuyến khiến chúng ta phân tâm nhưng khuyến khích sự sáng tạo.
  • Internet giúp chúng ta nhanh chóng thu thập thông tin dễ dàng hơn nhưng ảnh hưởng đến những gì chúng ta ghi nhớ (và trân trọng) lâu dài.
  • Mạng xã hội là con dao hai lưỡi; vừa giúp chúng ta kết nối xã hội ở một số mặt nhưng cũng khiến chúng ta thiếu đi những mặt khác – khiến chúng ta sống trong thế giới trực tuyến nhiều hơn.

Tất cả nằm ở hệ thống khen thưởng của bộ não

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã biết rằng thế giới trực tuyến rất kích thích và gây nghiện. Internet dễ dàng cung cấp những liều “dopamine” nhanh (“phần thưởng” được gia tăng bởi cocaine) cho hệ thống khen thưởng của bộ não. Càng ngày bạn càng thèm muốn những “liều” số hóa.

Ngoài ra, vô số kỹ thuật tiếp thị thần kinh được áp dụng để làm cho truyền thông hấp dẫn nhất có thể.

Ví dụ, Facebook tuyển dụng hàng loạt tiến sĩ để tối ưu hóa các tính năng nhằm tối đa hóa sự tham gia của người dùng.

Những tính năng như lướt vô hạn, thông báo, và kết hợp từ/ngữ cụ thể đều đang khai thác điểm yếu trong bộ não chúng ta: vùng hạch nhân amygdala, rất nhạy cảm với sự mới mẻ và mối đe dọa tiềm tàng. Do đó, những tính năng này thu hút sự chú ý và điều hướng người dùng. Khi cạnh tranh tăng lên nhằm giành được sự chú ý của bạn, các công ty đẩy mạnh nội dung mới lạ (đôi khi lố bịch), như meme (nhận thức lan truyền).

Đa nhiệm vụ: tính hiệu quả so với sự phân tâm

Internet cung cấp vô vàn nội dung theo kiểu tự chọn, khiến chúng ta dễ bị phân tâm và khó tập trung vào những gì quan trọng.

Một nghiên cứu đã cho thấy rằng bộ não của những người sử dụng internet nhiều có ít chất xám hơn ở các khu vực liên quan đến sự chú ý lâu dài và những người này phải làm việc chăm chỉ hơn để kiểm soát xung động.

Thế giới trực tuyến – với các liên kết, nhiều dòng thông tin, và thông báo – cũng cám dỗ chúng ta thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người dùng thực hiện đa nhiệm trực tuyến chuyển đổi nội dung mỗi 19 giây. Tuy nhiên, hầu hết mọi người giảm khả năng tập trung khi làm nhiều nhiệm vụ.

Mặc dù điều này có vẻ đáng lo ngại, nhưng một điểm sáng là tâm trí trôi nổi có thể khơi gợi sự sáng tạo. Quả thực, internet đã tạo ra nhiều hiện tượng độc đáo. Chúng ta chỉ hy vọng rằng sự sáng tạo không phải trả giá bằng sự tham gia nhiệm vụ có chọn lọc và có ý nghĩa.

Công nghệ thay đổi những gì chúng ta ghi nhớ?

Một cảnh trong bộ phim nổi tiếng “The Matrix” (Ma Trận), nhân vật chính, Neo, tải trực tiếp hàng loạt kiến thức vào bộ não qua dây cáp. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người lớn lên cùng với internet, cuộc sống trực tuyến có vẻ rộng lớn và đầy hứa hẹn, mặc dù có thể ít “con người” hơn.

Nhiều người đánh giá cao cuộc sống hiện đại khi có thể dễ dàng “giao phó” thông tin cho thiết bị công nghệ. Chúng ta lưu trữ thông tin đó và tra cứu khi cần. Chúng ta xem lại nguyên văn toàn bộ lịch sử trò chuyện của ai đó trong một năm. Nghiên cứu cho thấy mọi người tìm kiếm thông tin chi tiết rất nhanh, nhưng ghi nhớ thông tin kém chính xác hơn sau đó.

Bộ nhớ của não có hai “con đường thông tin.” Một khi hình ảnh mới được xử lý, thông tin này sẽ được chuyển đến hệ thống “where (ở đâu)” cung cấp bản đồ tinh thần về thời gian và không gian hoặc hệ thống “what (cái gì)” cung cấp thông tin, liên kết, và thái độ.

Bộ não có ít động lực hơn để ghi nhớ sâu khi thông tin được truy cập tức thì. Hệ thống “what (cái gì)” được sử dụng ít hơn trong quá trình tìm kiếm trực tuyến; cho thấy người dùng không suy nghĩ sâu sắc (dựa vào trí nhớ ngữ nghĩa trước đây) hoặc mã hóa một cách vững chắc (tích hợp thông tin mới). Do đó, những ký ức mới không được luyện tập có thể phai mờ – hay nói cách khác là “sử dụng hoặc đánh mất.” Nhưng trớ trêu thay, khi được hỏi, mọi người thường đánh giá quá cao khả năng ghi nhớ của mình do phụ thuộc vào công nghệ số.

Vậy điều này có nghĩa là gì đối với xã hội? Một mặt, vì mọi người không cần phải cố gắng bảo quản và tìm kiếm thông tin, bộ nhớ nhìn chung có thể mã hóa kém hơn. (“Bạn đã làm gì vào thứ Năm tuần trước?” “Tôi không biết một tiếng tới tôi sẽ phải ở đâu. Điện thoại sẽ nhắc nhở cho tôi biết.”)

Ngoài ra, các phương thức mà chúng ta đã quen dùng để ghi nhớ như sách vở, cuộc trò chuyện, cộng đồng có thể đang phai mờ. Một số bằng chứng cho thấy công nghệ khiến chúng ta suy nghĩ phân tích ít hơn, vì chúng ta thường nhận thức về những nét tinh tế của cuộc sống khi suy ngẫm.

Mặt khác, khi mở tung nhận thức hạn chế của chúng ta, công nghệ cho phép một số người hoàn thành nhiều hơn và nhớ “những chi tiết quan trọng” với sự tập trung tốt hơn.

Nghịch lý mối quan hệ mạng xã hội

Con người là sinh vật xã hội, nhưng các kết nối trực tuyến đi kèm với một số động lực độc đáo.

Trên mạng, mọi người có xu hướng tập trung vào bản thân hơn và thể hiện một phiên bản cuộc sống thuận lợi. Mạng xã hội bị chỉ trích vì vừa thu hút vừa tạo ra những người ái kỷ. Nói về chính bản thân mình cũng là một loại phần thưởng. Do đó, mạng xã hội lợi dụng xu hướng tự nhiên này, cung cấp phần thưởng mà mọi người đánh giá cao hơn cả tiền bạc.

Tuy nhiên, những phiên bản chỉnh sửa trên mạng xã hội lại kém thực tế. Tiếp xúc với những người bạn đồng trang lứa có vẻ thành công hoặc hạnh phúc hơn làm giảm lòng tự trọng, đặc biệt là ở thanh thiếu niên vẫn đang phát triển vùng trán (vùng chịu trách nhiệm xử lý và điều chỉnh bản thân), khiến thanh thiếu niên tự ý thức hơn và dễ chịu ảnh hưởng từ bạn bè hơn.

Ngoài ra, các thuật toán cũng khuyến khích nội dung tương tự nhau, tạo ra các không gian vang dội nơi xu hướng ban đầu của người dùng được củng cố (và quan điểm trái ngược bị giảm bớt). Vì bộ não bị thu hút bởi sự mới lạ, nên các nền tảng đẩy mạnh nội dung cực đoan hơn để duy trì sự tham gia. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi mạng xã hội gây chia rẽ (và ngày càng kỳ quái hơn).

Có thể nói rằng mạng xã hội không phải là tất cả. Mặc dù không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội khi chúng ta có thể giữ liên lạc với mối quan hệ xa và tìm kiếm cộng đồng cùng chí hướng – thậm chí trị liệu cho những người đối phó với bệnh tật – nhưng mạng xã hội thiếu một số khía cạnh kết nối “thế giới thực.”

Chúng ta bỏ ra ít công sức hơn khi nhanh chóng gửi một lượt thích hoặc một lời chúc “sinh nhật vui vẻ.” Kỹ năng xã hội tự giới thiệu, đối thoại hoặc giải quyết xung đột cũng có thể bị lược bỏ. Ngoài ra, do ẩn danh hoặc thiếu sự hiện diện thực tế, một số người hành xử thô lỗ hơn khi họ phải đối mặt trực tiếp với đối tác.

Chúng ta phải làm gì để dùng công nghệ đúng cách?

Cuộc sống trực tuyến đem lại cả lợi ích và thách thức. Dựa vào cách chúng ta được lập trình, cuộc sống trực tuyến gợi lên hoặc gia tăng một số xu hướng trong khi lảng tránh những xu hướng khác.

Vậy chúng ta có nên đốt cháy laptop và bắt đầu lại từ đầu không? Thay vì duy trì lập trường bảo thủ, chúng ta có thể cần đưa ra quyết định thông minh hơn về cách tương tác với công nghệ.

Dưới đây là một số gợi ý

1. Sử dụng có trách nhiệm

Giả sử rằng bạn đã dành ba tiếng trước máy tính và thậm chí không hoàn thành công việc của mình. Có thể một cái nhìn thoáng qua một trang blog đã dẫn dắt bạn và khiến bạn quên cả thời gian. Trong trường hợp này, hãy sử dụng một ứng dụng như RescueTime để theo dõi thời gian sử dụng màn hình hoặc đặt báo thức cho các khoảng nghỉ theo thời gian cố định.

2. Đặt rào cản

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân và hạn chế thói quen xấu, thì việc gây trở ngại cho mong muốn hành động có thể là một ý tưởng hay. Hiện nay, rất nhiều ứng dụng cho phép khóa màn hình thiết bị hoặc chặn một số trang web trong giờ làm việc. (Lưu ý: Bảo mật dữ liệu cá nhân.) Đôi khi, chỉ cần đặt giới hạn là đủ. Nếu những cám dỗ như nhắn tin và những thứ tương tự vẫn rất mạnh mẽ, giải pháp tốt nhất là tách biệt hoàn toàn, như để điện thoại trong xe hơi của bạn.

3. Giảm tính bốc đồng

Vì công nghệ chiếm đoạt sự chú ý, chúng ta có thể tái cấu trúc thiết bị đang dùng để tránh các tính năng bắt mắt. Ví dụ, thiết lập ngay lập tức điện thoại thành màu đen và trắng để làm giảm sự hấp dẫn. Loại bỏ biểu tượng với các ứng dụng như Minimalist Phone giúp giảm việc sử dụng bốc đồng. Một mẹo đơn giản khác là thiết lập hoàn toàn màn hình thành một nền đen.

4. Ưu tiên giao tiếp trực tiếp

Nếu bạn muốn gắn kết xã hội, hãy gặp gỡ bất cứ khi nào có thể. Nhiều công ty hiện thực hiện chế độ làm việc từ xa kết hợp, nhưng những ngày làm việc ở văn phòng giúp xây dựng mối quan hệ mà nền tảng trực tuyến khó làm được.

5. Đầu tư vào bản thân

Nếu bạn muốn tìm kiếm một nơi ăn uống gần đó, tìm kiếm nhanh trực tuyến là điều cần thiết. Nhưng nếu bạn đang cố gắng thu nạp kiến thức sẽ theo bạn suốt đời, hãy thực hiện các hoạt động thách thức tạo ra các kết nối mới, như vẽ sơ đồ khái niệm, thảo luận với người khác, hoặc trả lời các câu hỏi tư duy phản biện.

6. Đánh giá cao khoảnh khắc

Chúng ta mong muốn bảo tồn và chia sẻ trải nghiệm bằng hình ảnh, tin nhắn, và hashtag. Tuy nhiên, mọi người thường không đánh giá cao khoảnh khắc vì quá chú tâm vào việc ghi chép. Hãy chỉ chụp một vài bức ảnh thực sự tốt, và dành nhiều thời gian hơn để ngắm nhìn, lắng nghe, ngửi, và nếm.

Khi công nghệ phát triển, chúng ta nhận thức ra giá trị và cách con người hoạt động như thế nào. Điều này giúp chúng ta tự hỏi rằng, “Liệu chúng ta trở nên tốt hơn hay tệ hơn vì cách sử dụng công nghệ?” và làm cho mọi thứ phù hợp hơn.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Robert Backer
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Robert Backer là nhà tâm lý học, nhà thần kinh học, nhà nghiên cứu học thuật và nhà tư vấn. Công việc của ông đã trải rộng trên nhiều tổ chức, bao gồm University of Pennsylvania, University of Delaware, Columbia, Yale, NYU và NIH. Nền tảng của ông bao gồm tâm lý học lâm sàng và chăm sóc sức khỏe, cũng như tâm lý xã hội, nhận thức và tổ chức. Ông yêu thích nghệ thuật cổ điển Đông phương và Tây phương, thiền định và khám phá tiềm năng con người.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn