Tác hại của hạt vi nhựa đến sức khỏe

Hạt vi nhựa được tạo ra trong quá trình sản xuất, sử dụng và tái chế các sản phẩm nhựa. Khi xâm nhập vào cơ thể người, hạt vi nhựa có thể gây ra nhiều loại bệnh về hô hấp, tiêu hóa, làm gián đoạn giấc ngủ, góp phần gây béo phì và làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2 và thậm chí là ung thư.

Hạt vi nhựa là những mảnh nhựa ở dạng khối, sợi hoặc hình cầu có đường kính hoặc chiều dài dưới 5mm. Hạt vi nhựa thường xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta hít vào, nuốt vào hoặc qua da. Nói chung, các hạt vi nhựa có hình dạng sợi và nhỏ hơn sẽ độc hại hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nuốt phải hạt vi nhựa có thể gây tổn thương thành ruột, dẫn đến viêm, mất cân bằng oxy hóa và thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các bệnh tự miễn, ung thư và bệnh thoái hóa thần kinh.

Hít phải hạt vi nhựa có thể gây kích ứng, tổn thương hệ hô hấp và có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn.

Hạt vi nhựa khi tiếp xúc với da có thể gây ngứa, viêm, đồng thời có thể dẫn đến rối loạn nội tiết và tổn thương hệ sinh sản.

Bên cạnh những rủi ro trực tiếp đến sức khỏe, hạt vi nhựa còn có thể chứa lượng lớn các hóa chất và chất gây ô nhiễm. Theo nghiên cứu tổng quan của Anh, các rủi ro sức khỏe khi tiếp xúc với hạt vi nhựa đã thành một danh sách dài, bao gồm rối loạn thính giác, suy chức năng tuyến giáp, béo phì, giảm chất lượng tinh dịch, hen suyễn ở trẻ em, tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2, v.v.

Ngoài ra, hạt vi nhựa trong môi trường có thể làm rối loạn nhịp sinh học và bài tiết melatonin, dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Về tác dụng của hạt vi nhựa đến bệnh béo phì, một số nghiên cứu cho thấy vi hạt nhựa có thể phá vỡ sự điều hòa và chuyển hóa hormone, dẫn đến tăng cân.

Vào tháng Bảy, một nghiên cứu được công bố trên tập san Khoa học & Công nghệ Môi trường đã tìm thấy hạt vi nhựa trong các mẫu mô tim và mẫu máu của bệnh nhân phẫu thuật tim. Kết quả cho thấy 9 loại hạt vi nhựa, với đường kính lớn tới 184 micron.

Nghiên cứu cũng tìm thấy polymethyl methacrylate (một loại nhựa) trong tâm nhĩ trái, mô mỡ thượng tâm mạc và mô mỡ màng ngoài tim của các mẫu vật thu thập được.

Năm 1987, polymethyl methacrylate được phân loại là chất gây ung thư nhóm 3 trong danh sách các chất gây ung thư do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới công bố.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng vi hạt nhựa đã được tìm thấy trong máu, phổi, phân và nhau thai người.

Năm 2022, các nhà nghiên cứu tại Vrije Universiteit Amsterdam đã phân tích mẫu hiến máu của 22 người khỏe mạnh. Người ta phát hiện ra rằng 77% người hiến máu có lượng hạt nhựa có thể định lượng được trong máu, 50% mẫu máu chứa polyetylen terephthalate (thường được sử dụng trong chai nhựa), 36% chứa hạt nhựa trong vật liệu đóng gói polystyrene (dùng trong thực phẩm và các sản phẩm đóng gói khác) và 23% chứa polyetylen (được sử dụng trong túi nhựa).

Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng vi hạt nhựa có thể bám vào màng ngoài của tế bào hồng cầu và có thể hạn chế khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu.

Một nghiên cứu đăng trên tập san Môi trường khí quyển năm 2022 cho thấy trong số 13 mẫu mô phổi của con người được đánh giá, có 39 lượng vi nhựa được phát hiện trong 11 mẫu, từ đó xác định được 12 loại vi nhựa, bao gồm polypropylen, polyetylen terephthalate và nhựa, cùng các loại khác.

Ngoài ra, hạt vi nhựa cũng được phát hiện ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng và trong nhau thai của phụ nữ mang thai.

Nguồn hạt vi nhựa

Hạt vi nhựa dường như có ở khắp mọi nơi và đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ các sản phẩm công nghiệp lớn đến thiết bị y tế và đồ gia dụng hàng ngày, bao gồm cả hàng dệt may như nylon, acrylic và polyester; mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như chất tẩy tế bào chết và kem đánh răng; bao bì và hộp đựng bằng nhựa như chai nước giải khát, hộp đựng thực phẩm, túi nhựa, lốp xe bị mòn (khi lốp xe chà xát trên đường sẽ phóng xuất ra những mảnh cao su nhỏ chứa hạt vi nhựa); và các loại sơn và lớp phủ thải ra các hạt vi nhựa vào môi trường trong quá trình sử dụng và loại bỏ.

Ngoài ra, hạt vi nhựa cũng có mặt trong không khí. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy nồng độ hạt vi nhựa trong nhà cao hơn nhiều so với ngoài trời.

Các nhà khoa học đã kêu gọi chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân hành động để giảm sử dụng các sản phẩm nhựa và chế biến rác thải nhựa đúng cách nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe người dân.

Thật không may, có vẻ như con người không thể sống thiếu sản phẩm từ nhựa được nữa. Sản lượng nhựa nguyên sinh đã tăng từ 2 triệu tấn/năm vào năm 1950 lên 367 triệu tấn vào năm 2020. Dự kiến đến năm 2050, sản lượng hàng năm sẽ vượt quá 1 tỷ tấn.

Ngoài ra, hiện chưa có phương pháp nào có thể phân hủy hoàn toàn hạt vi nhựa. Vật liệu nhựa truyền thống rất khó phân hủy và có thể tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Bất chấp các biện pháp nhằm giảm tác động môi trường của chất thải nhựa, bao gồm tái chế, đốt và chôn lấp, ô nhiễm nhựa vẫn không thể tránh khỏi. Tỷ lệ tái chế chung của nhựa đã qua sử dụng chỉ từ 9 đến 30%.

Các nhà khoa học đã đề xuất khái niệm nền kinh tế tuần hoàn nhựa, trong đó nhựa được tái sử dụng và tái chế càng lâu càng tốt để giảm lượng nhựa polyme thải ra môi trường. Năm 2022, Hội đồng Âu châu đã sửa đổi dự luật nhằm hạn chế sử dụng nhựa polyme trong mỹ phẩm. Nhiều quốc gia như Canada và Mỹ cũng đã đề xuất hoặc thực hiện các lệnh cấm nhằm ngăn chặn việc sử dụng hạt vi nhựa trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn