Tác hại do tiêu thụ bắp biến đổi gene

Bắp cùng với những phụ phẩm vốn có nhiều vấn đề là phần cốt lõi của ngành công nghiệp thực phẩm và thịt chế biến

Mặc dù ít người nhận ra, nhưng có nhiều loại phản ứng bất lợi với bắp. Loại duy nhất mà các bác sĩ dị ứng thông thường chú ý đến là dị ứng thực phẩm.

Các ngành công nghiệp thực phẩm và thịt đã qua chế biến đều tập trung vào bắp được sản xuất công nghiệp. Đa số mọi người không biết về điều này.

Một số dạng của bắp được tìm thấy trong đa số các loại thực phẩm đã qua chế biến, cho dù đó là chất làm ngọt (xi-rô bắp có hàm lượng fructose cao, dextrose và sorbitol), chất tạo kết cấu (dextrin và maltodextrin), ngũ cốc (bột bắp, bột bắp thô hoặc gluten bắp), rượu (etanol), protein (zein), tinh bột bắp hoặc bất kỳ phụ phẩm nào khác.

Bắp là nguồn thức ăn cho đa số các động vật — gà, heo, bò và thậm chí là cá nuôi ở trang trại. Bắp cũng được dùng để sản xuất dầu bắp có trong dầu ăn và bơ thực vật, và vô số phụ gia thực phẩm.

Mặc dù việc sử dụng hàng loạt là một ưu điểm, có rất nhiều vấn đề đã nảy sinh do sản xuất công nghiệp quá nhiều bắp.

Các nhược điểm không được thừa nhận rộng rãi bao gồm dị ứng thực phẩm, không dung nạp thực phẩm, nghiện thực phẩm, ăn uống vô độ, các vấn đề sức khỏe trầm trọng và phức tạp khác. Việc sản xuất công nghiệp cũng cho thấy hệ thống nông nghiệp dựa vào bắp vốn tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên nhưng không hiệu quả trong việc sản xuất thực phẩm lành mạnh.

Đa số bắp trong nguồn cung thực phẩm đều thuộc loại biến đổi gene, bao gồm cả biến đổi để phun được với lượng glyphosate (một loại thuốc diệt cỏ nguy hiểm) cao hơn.

Nguồn trợ cấp cho [sản xuất] bắp là rất lớn, với khoảng 116 tỷ USD từ năm 1995 đến năm 2020, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp do Nhóm Công tác Môi trường tổng hợp.

Theo số liệu của Agriculture Fairness Alliance (AFA), nguồn trợ cấp bắp hàng năm đã tăng lên trong những năm gần đây.

“Vào năm 2020, những người trồng bắp đã nhận được ít nhất 9 tỷ USD từ người đóng thuế thông qua các gói cứu trợ, chương trình bảo vệ hàng hóa, cứu trợ thiên tai, chương trình bảo tồn, bảo hiểm vụ mùa được trợ cấp và các khoản bồi thường do gián đoạn thương mại,” một báo cáo của AFA nêu rõ.

Các kiểu phản ứng khác nhau với bắp

Mặc dù ít người nhận ra, nhưng có nhiều loại phản ứng bất lợi với bắp. Loại duy nhất mà các bác sĩ dị ứng thông thường chú ý đến là dị ứng thực phẩm thực sự.

Dị ứng thực phẩm thực sự

Dị ứng thực phẩm thực sự với bắp xảy ra khi cơ thể tiết kháng thể Immunoglobulin E (IgE), có thể gây ra các triệu chứng đột ngột và tiến triển nhanh chóng như nổi mề đay, phát ban, hen suyễn hoặc khó thở.

Một nghiên cứu mù đôi, có đối chứng với giả dược năm 2008, được công bố trên Tập san Clinical and Experimental Allergy (Dị ứng Lâm sàng và Thực nghiệm), cho thấy bắp là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng IgE với thực phẩm ở người lớn và trẻ em, và phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu đã bị dị ứng với bắp khi trưởng thành.

Một bài xã luận cũng trên tập san này đã giải thích rằng bắp được báo cáo là gây ra các phản ứng dị ứng trầm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ, đặc biệt là ở những khu vực thường ăn bắp, chẳng hạn như phía nam Âu Châu và Mexico.

Không dung nạp thực phẩm

Không dung nạp thực phẩm, hay nhạy cảm với thực phẩm, là một phản ứng phụ với thực phẩm mà không có sự tham gia của hệ miễn dịch. Theo Phòng khám Cleveland, chứng không dung nạp thực phẩm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và xảy ra khi hệ tiêu hóa không thể phân hủy một số loại thực phẩm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đầy hơi, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác.

Trong khi Phòng khám Cleveland và một số nơi phân biệt giữa dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm dựa trên sự hiện diện của phản ứng miễn dịch, các nơi khác ít chắc chắn hơn.

Theo một bài xã luận năm 2013 trên Tập san Dị ứng, Bệnh hen suyễn và Miễn dịch học Ấn Độ, chứng không dung nạp thực phẩm có thể là do những khiếm khuyết của enzym, tác dụng kích thích trực tiếp hoặc độc tố từ thực phẩm. Thông thường, các triệu chứng có tính chất kinh niên hơn và có thể liên quan đến đường tiêu hóa (đau quặn bụng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón và hội chứng ruột kích thích), nhưng cũng có thể liên quan đến da (phát ban, mày đay, viêm da và chàm) và đường hô hấp (mũi tắc nghẽn, viêm xoang và hen suyễn). Có một số bằng chứng về việc xác định tình trạng không dung nạp thực phẩm bằng cách dùng immunoglobulin G (IgG) đặc hiệu với thực phẩm (một kháng thể liên quan đến phản ứng miễn dịch) theo hướng dẫn.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ dễ phát triển chứng không dung nạp thực phẩm hơn so với nam giới và nhiều người đã không được chẩn đoán.

Nghiện thực phẩm và ăn uống vô độ

Một số người thèm ăn và ăn bắp vô độ. Một lý do có thể là vì bắp có hàm lượng calorie, carbohydrate, và chỉ số đường huyết cao gây tăng đường huyết kèm theo hạ đường huyết sau đó. Điều này có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn, ít nhất là ở một số người.

Một lý do khác có thể là nghiện dị ứng thực phẩm, trong đó cơ thể trở nên nghiện về mặt sinh lý với chất gây dị ứng, bắt đầu thèm ăn và ngày càng muốn ăn nhiều hơn. Hiện chưa có nhiều hiểu biết về vấn đề này.

Bất kể lý do chính xác của việc nghiện ăn bắp là gì, khi tư vấn cho những khách hàng gặp khó khăn trong việc kiểm soát thói quen ăn uống, tôi nhận thấy rằng việc tránh ăn bắp một cách nghiêm ngặt đối với những người thèm ăn và ăn quá nhiều bắp là rất quan trọng để khắc phục tình trạng này.

Cô J.J. Virgin, tác giả của “The Virgin Diet” cũng khuyên bạn nên tránh ăn bắp. Không chỉ cảm giác thèm ăn và ăn quá mức, các triệu chứng khác mà mọi người không biết là do phản ứng với bắp cũng biến mất.

Vấn đề về GMO và Thuốc trừ sâu

Một yếu tố phức tạp trong các phản ứng đối với bắp là phần lớn bắp được biến đổi gene (GM) để tăng khả năng chịu đựng với một lượng lớn thuốc diệt cỏ hóa học và thuốc trừ sâu tích hợp riêng.

Nghiên cứu trên động vật đã cho thấy các vấn đề sức khỏe trầm trọng, đặc biệt là nhiễm độc gan và thận do ăn bắp biến đổi gene.

Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên Tập san Khoa học Môi trường Âu Châu đã chia sẻ kết quả từ thử nghiệm đầu tiên trên động vật để kiểm tra tác động lâu dài của việc tiếp xúc với bắp biến đổi gene chịu được Roundup và thuốc diệt cỏ Roundup hoàn chỉnh. Nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa các mức độ khác nhau của cả bắp biến đổi gene và Roundup với tổn thương gan, thận trầm trọng ở chuột đực và khối u tuyến vú ở chuột cái. Những con chuột cái cho thấy tỷ lệ tử vong tăng gấp hai đến ba lần, cũng như tử vong sớm hơn.

Tăng nguy cơ tử vong và tử vong sớm hơn cũng thể hiện rõ ở các nhóm chuột đực ăn bắp biến đổi gene.

Hồi phục sau các phản ứng bất lợi do bắp

Các protein mới trong bắp biến đổi gene có thể khiến cơ thể tạo ra lượng lớn một loại tế bào bạch cầu thường liên quan đến dị ứng.

Trong một bài báo trên Tập san Elle năm 2013 được lan truyền trên mạng, “The Bad Seed: The Health Risks of Genetically Modified Corn – Hạt giống tai hại: Nguy cơ sức khỏe của bắp biến đổi gene,” nhà văn Caitlin Shetterly đã mô tả cách cô có một loạt các triệu chứng kỳ lạ, bao gồm đau đớn lan tỏa khắp cơ thể, phát ban, kiệt sức, đau đầu, buồn nôn và mất ngủ. Cô đã gặp rất nhiều bác sĩ và thử nhiều liệu pháp, nhưng không có kết quả.

Cuối cùng, cô đã tìm đến một bác sĩ dị ứng. Vị bác sĩ tin rằng cô đã có phản ứng với bắp biến đổi gene. Những thay đổi trong DNA có thể hoạt động như các protein dị ứng, kích thích sản xuất quá mức bạch cầu ái toan (một loại bạch cầu tiền viêm), gây nên tình trạng viêm ở khắp cơ thể và các triệu chứng đa cơ quan. Bác sĩ khuyên cô nên loại bỏ hoàn toàn bắp khỏi các bữa ăn. Điều đó thật khó thực hiện, nhưng khi cô làm vậy, đa số các triệu chứng đều biến mất, một số khá nhanh chóng.

Vài năm trước khi đọc bài báo của nhà văn Shetterly vào năm 2013, tôi có một khách hàng bị các triệu chứng đa cơ quan và được chẩn đoán hội chứng đau cơ tăng bạch cầu ái toan. Đây là một tình trạng miễn dịch hệ thống đặc trưng bởi số lượng bạch cầu ái toan tăng cao. Tôi đã khuyên cô ấy nên ngừng tiêu thụ hoàn toàn các thực phẩm biến đổi gene (GMO) và bắp. Chỉ trong vòng vài tháng, lần đầu tiên sau gần 20 năm số lượng bạch cầu ái toan của cô đã về mức bình thường.

Cô đã có rất nhiều cải thiện sức khỏe khác nhau, bao gồm những cải thiện đáng kể về dị ứng, hen suyễn và bình thường hóa các yếu tố nguy cơ bệnh tim. Sau một năm, cô đã tiết kiệm được 7,000 USD chi phí y tế so với năm trước! Câu chuyện thành công của cô đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tôi, và là lý do để tôi viết cuốn sách “Going Against GMOs – Phản đối GMO.”

Bắp không lành mạnh cho môi trường và sức khỏe

Hệ thống [sản xuất] bắp của Mỹ không hiệu quả trong việc cung cấp cho người dân Mỹ một phương thức ăn uống đa dạng và bổ dưỡng cần thiết cho sức khỏe lâu dài.

Trong một bài báo năm 2013 được đăng lại trên Tập san Scientific American, ông Jonathan Foley, giám đốc sáng lập của Viện Môi trường tại Đại học Minnesota, đã viết rằng bắp cần nhiều đất hơn bất kỳ loại cây trồng nào khác của Hoa Kỳ, cũng như một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên khác như nước. Giống với tất cả các loại cây trồng độc canh được trồng ồ ạt, bắp cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và sinh vật gây hại.

Như tôi đã tóm tắt trong cuốn “Phản đối GMO”:

“Đã đến lúc cần hiểu rằng hệ thống [sản xuất] bắp của Mỹ đã tạo ra một mớ hỗn độn theo nhiều cách khác nhau. Nếu giữ vững lập trường và tránh hết mức có thể kể cả các nguồn bắp không biến đổi gene được sản xuất hàng loạt, bao gồm các nguồn thịt từ động vật ăn bắp, chúng ta rõ ràng có thể nói không với hệ thống nông nghiệp lấy bắp làm trung tâm đang khiến chúng ta phát ốm.”

Những cách cơ bản để tránh tiêu thụ bắp

Nếu bạn đã sẵn sàng với thử thách tránh xa bất kỳ sản phẩm nào chứa bắp và xem liệu điều này có tạo ra sự khác biệt trong cảm nhận của bản thân hay không — hoặc nếu bạn đã biết mình bị dị ứng bắp, không dung nạp bắp, nghiện ăn bắp, thừa cân, hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến đường huyết — hãy hiểu rằng việc tránh ăn bắp là hoàn toàn không dễ dàng. Bắp không chỉ có trong các nguồn hiển nhiên như bắp rang, bắp xiên, snack bắp, bánh tráng bắp hoặc bánh tamales.

Bắp có mặt ở khắp nơi trong các nguồn cung cấp thực phẩm. Ngay cả các sản phẩm bạn không bao giờ ngờ tới như thịt nguội, bánh nướng thông thường, bánh nướng không chứa gluten, bánh quy giòn, kẹo, kẹo cao su, gia vị, nước sốt, nước sốt salad và các chất bổ sung dinh dưỡng cũng chứa các phụ phẩm của bắp (tinh bột bắp, bột bắp xay thô, cám bắp, dầu bắp, xi-rô bắp, acid citric, dextrose, fructose, xylitol và kẹo cao su xanthan).

Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Ghi nhãn Dị ứng Thực phẩm yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm phải dán nhãn các sản phẩm bao gồm tám chất gây dị ứng thực phẩm hàng đầu: sữa; trứng gà; đậu phộng; đậu nành; lúa mì; các loại hạt; cá; và động vật có vỏ. Tuy nhiên, đạo luật không đề cập đến bắp.

Do đó, tránh ăn bắp thậm chí còn khó hơn tránh xa các chất gây dị ứng thực phẩm khác. Việc này cần vốn hiểu biết sâu rộng và tư duy như một thám tử.

4 mẹo giúp tránh tiêu thụ bắp

Mặc dù cần có thời gian để trở thành một người mua sắm hiểu biết về bắp, nhưng bạn có thể bắt đầu với bốn mẹo hữu ích sau đây:

– Tránh xa thực phẩm chế biến sẵn bất cứ khi nào có thể. Cho đến nay, đây là hướng dẫn quan trọng nhất cần tuân theo. Hãy chọn trái cây và rau củ tươi, các loại hạt, và đậu chưa qua chế biến.

– Tránh ăn các loại trứng thông thường, thịt gà, thịt bò và thịt heo từ động vật được cho ăn bắp. Thay vào đó, hãy mua thịt thành phẩm 100% được nuôi bằng cỏ, trứng đồng cỏ và cá được đánh bắt tự nhiên.

– Tránh các phụ phẩm bắp. Hãy kịp cập nhật một danh sách dài các nguồn tiềm ẩn của bắp trong thực phẩm bằng cách truy cập các trang web về bệnh dị ứng bắp và tìm hiểu các phụ phẩm phổ biến của bắp.

– Tìm sản phẩm được dán nhãn “không có bắp” hoặc “paleo.” Những thực phẩm này không chứa bất kỳ loại bắp nào, nhưng hãy thận trọng. Không có định nghĩa quy định cho những thuật ngữ này, và những công ty thực phẩm đôi khi không biết tất cả các thành phần ẩn chứa bắp. Hãy dùng phán đoán khi đánh giá các thành phần. Nếu bạn nghi ngờ, hãy trực tiếp gọi điện hoặc viết thư cho các công ty để hỏi về nguồn nguyên liệu của họ.

Cô Melissa Diane Smith là một ký giả và nhà tư vấn dinh dưỡng toàn diện, cô đã viết về các chủ đề sức khỏe trong hơn 25 năm. Cô là tác giả của một số cuốn sách về dinh dưỡng, bao gồm “Hội chứng X,” “Phản đối ngũ cốc,” “Không chứa Gluten suốt cả năm,” và “Phản đối GMO.”

Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Melissa Diane Smith
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Melissa Diane Smith là một nhà tư vấn dinh dưỡng toàn diện và ký giả viết về các chủ đề sức khỏe trong hơn 25 năm. Cô là tác giả của một số cuốn sách về dinh dưỡng, bao gồm “Syndrome X” (Hội chứng X), “Going Against the Grain” (Chống lại ngũ cốc), “Gluten Free Throughout the Year” (Không Gluten trong suốt cả năm), và “Going Against GMOs” (Chống lại GMOs).
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn