Tại sao một số trẻ em cho rằng chúng đặc biệt hơn những đứa trẻ khác
Trẻ có tính ái kỷ không phải lúc nào cũng tự hào về bản thân mình. Mặc dù trẻ tin rằng mình giỏi hơn những người khác, nhưng không có nghĩa là chúng hài lòng với chính con người mình.
Trẻ có tính ái kỷ (chứng yêu bản thân thái quá) luôn cảm thấy mình vượt trội hơn những người khác, khao khát được ngưỡng mộ, được đối xử đặc biệt hơn. Khi mong muốn này không được đáp ứng, trẻ dễ bị khích động, tỏ ra hung hăng.
Tại sao một số trẻ em có tính ái kỷ, trong khi những trẻ em khác lại biểu hiện khiêm tốn hơn về bản thân? Một cuộc nghiên cứu về vấn đề này cho thấy, quá trình xã hội hóa (quá trình con người liên tục tiếp thu văn hóa vào nhân cách của mình) đóng một vai trò quan trọng.
“Con đặc biệt, đặc biệt hơn tất cả những bạn khác!”
Ái kỷ thường được hiểu như một chứng rối loạn nhân cách. Nhưng nếu chỉ là tính ái kỷ, thì đó không phải là một trạng thái rối loạn, mà là một đặc điểm nhân cách bình thường thể hiện khác nhau giữa các cá nhân. Cách nhận biết tính ái kỷ có thể thông qua các câu tự vấn: “Tôi là một tấm gương tuyệt vời cho những bạn khác noi theo”, “những đứa trẻ như tôi xứng đáng nhận được nhiều hơn những bạn khác”.
Tính ái kỷ được biểu hiện rõ khi trẻ lên 7 tuổi – độ tuổi mà chúng có thể tự đánh giá toàn diện và dễ dàng so sánh mình với những người khác: “Con đặc biệt, đặc biệt hơn tất cả những bạn khác!”
Tại sao một số trẻ lại có tính ái kỷ? Điều gì khiến chúng cảm thấy mình đặc biệt hơn những người khác? Những câu hỏi này đã làm đau đầu các nhà tâm lý học hơn một thế kỷ nay.
Một số nhà tâm lý học cho rằng tính ái kỷ được hình thành và nuôi dưỡng do thiếu vắng tình cảm yêu thương của cha mẹ. Trẻ em có thể đã tự nâng mình lên một bệ đỡ để lấp đầy khoảng trống cảm xúc.
Hoặc cũng có thể trẻ nhận được sự tán dương và đánh giá quá cao của cha mẹ, coi con mình như một “thiên tài bẩm sinh” hoặc như một “món quà của Thượng đế dành cho nhân loại”. Trẻ có thể nội tâm hóa những lời tán dương và hình thành những quan điểm thổi phồng, tự hào thái quá về bản thân.
“Con tôi là món quà của Thượng đế dành cho nhân loại”
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã thực hiện cuộc thử nghiệm dựa trên quan điểm của cha mẹ, theo dõi đo lường 4 lần trong khoảng thời gian 6 tháng về sự tán dương, đánh giá quá cao của cha mẹ đối với con cái cũng như mức độ ái kỷ và tự hào về bản thân của con trẻ.
Trái với suy nghĩ thông thường, trẻ có tính ái kỷ không phải lúc nào cũng tự hào về bản thân mình. Mặc dù trẻ tin rằng mình giỏi hơn những người khác, nhưng không có nghĩa là chúng hài lòng với chính con người mình.
Kết quả thử nghiệm cho thấy tính ái kỷ và tôn trọng bản thân có nguồn gốc khác biệt rõ ràng.
Khi trẻ nhận được những lời khen ngợi, đánh giá cao từ cha mẹ, chúng phát triển tính ái kỷ cao hơn. Được đánh giá cao, xem ra có vẻ lành tính, nhưng đã truyền tải cho trẻ một cảm nhận rằng chúng là những cá nhân vượt trội, những người được hưởng các đặc quyền hơn người khác.
Còn khi trẻ nhận được tình cảm yêu thương ấm áp từ cha mẹ, chúng lại phát triển tính tôn trọng thân cao hơn. Cảm thấy hài lòng về bản thân nhưng không đặt mình cao hơn những người khác.
Phát triển tính tôn trọng bản thân mà không nuôi dưỡng tính ái kỷ
Xã hội hóa không phải là nguồn gốc duy nhất của tính ái kỷ. Ái kỷ cũng có yếu tố di truyền ở mức độ từ ít đến nhiều. Theo nghiên cứu cho thấy, ngoài yếu tố di truyền, tính ái kỷ còn được hình thành qua những trải nghiệm xã hội. Phát hiện này có thể mở đường cho các biện pháp can thiệp để giảm thiểu tính ái kỷ ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Từ những năm 1980, xã hội ngày càng quan tâm đến việc nâng cao tính tôn trọng bản thân của trẻ em. Điều này được xem như liều vacxin hữu dụng giúp bảo vệ trẻ khỏi chứng lo âu, trầm cảm.
Nhưng trong nỗ lực nâng cao tính tôn trọng bản thân trẻ, các bậc cha mẹ lại thường vô tình đánh giá trẻ quá cao, hào phóng đưa ra những lời khen ngợi, tán dương dành cho con trẻ khiến chúng cảm thấy mình là những cá nhân phi thường.
Một giải pháp hiệu quả mà các nhà nghiên cứu đưa ra nhằm giảm thiểu tính ái kỷ ở trẻ: Cha mẹ chỉ cần thể hiện tình cảm yêu thương ấm áp dành cho con cái, không nói với chúng rằng chúng tốt hơn hoặc xứng đáng hơn so với các bạn khác.