Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ đem lại hy vọng cho bệnh nhân tiểu đường không thể dùng Metformin

Loại thuốc đầu tay được kê toa cho hầu hết những người bị tiểu đường loại 2 thường là metformin – nhưng vì nhiều lý do, nhiều bệnh nhân không thể dung nạp thuốc.

Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các giải pháp thay thế hiệu quả bằng việc xem xét một nhóm thuốc chống loạn thần thế hệ cũ. Họ phát hiện ra những loại thuốc này có thể nhắm đến một loại enzyme liên quan đến việc giảm đường máu.

Phát hiện của họ được công bố trên tập san Diabetes.

Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư John Ussher làm việc tại khoa dược và khoa học dược phẩm của Đại học Alberta, nói trong một tuyên bố: “Nhu cầu tìm ra các liệu pháp mới cho bệnh tiểu đường loại 2 ngày càng tăng.”

15% bệnh nhân không thể sử dụng Metformin

Giáo sư Ussher giải thích mặc dù Metformin là một trong những liệu pháp điều trị phổ biến cho bệnh tiểu đường loại 2, nhưng khoảng 15% bệnh nhân không thể dùng loại thuốc này gồm cả những bệnh nhân ở giai đoạn muộn.

“Chúng ta đang cố gắng tìm kiếm các liệu pháp hoặc liệu pháp kết hợp mới khi bệnh tiến triển, quan trọng hơn là tìm ra các nhóm thuốc mới nhắm vào các cơ chế mới để có thể thử nhiều lựa chọn giúp hạ đường huyết hơn”, ông nói.

Metformin là lựa chọn hàng đầu cho hầu hết bệnh nhân tiểu đường loại 2, song cũng có những rủi ro liên quan đến việc dùng thuốc. Một số người không nên sử dụng metformin.

Tiến sĩ Jessica Folek, được đào tạo nghiên cứu sinh về phẫu thuật nội tiết và giám đốc phẫu thuật béo phì tại Long Island Jewish Forest Hills, một bộ phận của Northwell Health ở New York, nói với The Epoch Times: “Dùng metformin có nguy cơ làm tăng acid lactic máu.”

Chống chỉ định của Metformin:

  • Suy thận
  • Suy tim sung huyết
  • Tiền sử bệnh gan
  • Đang dùng thuốc ức chế Carbonic anydrase
  • Trên 65 tuổi

Các tác dụng phụ về đường tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn, và đầy hơi cũng thường gặp ở bệnh nhân khi lần đầu dùng metformin.

Tiến sĩ Folek giải thích: “Ở hầu hết các bệnh nhân, những tác dụng phụ này sẽ cải thiện sau khi dùng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên ở một số người, những tác dụng phụ này không cải thiện và cuối cùng họ phải dừng thuốc.”

Các loại thuốc cũ được tái sử dụng giúp ích cho bệnh nhân nhanh hơn

Phát triển thuốc rất phức tạp, tốn thời gian, và tốn kém.

Quá trình này bao gồm các thử nghiệm lâm sàng kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của một loại thuốc và có thể mất nhiều năm để phát triển từ phòng thí nghiệm sang sử dụng trên lâm sàng. Tái sử dụng các loại thuốc hiện có có thể rút ngắn đáng kể quá trình này.

Mặc dù vẫn phải có các thử nghiệm lâm sàng, nhưng việc tái sử dụng một loại thuốc hiện có cho phép các nhà khoa học tập trung riêng vào hiệu quả và tính an toàn cho [mục đích] sử dụng mới. Điều này có thể làm cho [việc dùng] loại thuốc có sẵn với chức năng mới sẽ nhanh hơn.

Giáo sư Ussher và nhóm của ông tập trung vào một loại enzyme gọi là SCOT, liên quan đến cách tạo ra năng lượng từ ketone. SCOT tăng hoạt động có thể góp phần gây ra bệnh tiểu đường loại 2.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một thế hệ thuốc chống loạn thần cũ là diphenylbutylpiperidin (DPBP) có thể ức chế SCOT.

Giáo sư Ussher giải thích: “Những loại thuốc này “cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách ngăn chặn cơ đốt cháy ketone làm nguồn nhiên liệu.”

Giáo sư Ussher trước đây đã tìm thấy một loại thuốc DPBP gọi là pimozide có thể được dùng để điều trị bệnh tiểu đường, nhưng nhóm của ông đã mở rộng nghiên cứu để xem liệu các loại thuốc DPBP khác cũng có thể đem lại hiệu quả hay không.

Giáo sư Ussher cho biết: “Hiện chúng tôi đã thử nghiệm ba loại thuốc và tất cả đều tương tác với loại enzyme này.”

Các lựa chọn thay thế hiện tại cho metformin

Tiến sĩ Folek cho biết: “Các loại thuốc thay thế nếu [bệnh nhân] không thể dùng metformin dưới dạng đơn trị liệu đầu tay (cách dùng thuốc đơn lẻ) bao gồm các thuốc ức chế SGLT2.

Nhóm thuốc này bao gồm canagliflozin, dapagliflozin, và empagliflozin (Farxiga, Jardiance, Invokana).

Ngoài ra còn có các chất chủ vận thụ thể GLP1 như liraglutide và semaglutide, chất ức chế DPP4, và nhóm thuốc gliptin bao gồm sitagliptin (Januvia).

Các loại thuốc khác có thể được dùng là sulfonylurea, như glipizide, glyburide và glimepiride. Nhưng tiến sĩ Folek nhấn mạnh rằng những thuốc này không được dùng thường xuyên như thuốc đầu tay vì tác dụng phụ tăng cân.

Bệnh nhân bị mất chức năng tế bào beta trong tuyến tụy có thể cần dùng insulin.

Chuyên gia nói rằng cần phải ‘Vô cùng thận trọng’

Tiến sĩ Folek chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu cần tiến hành hết sức thận trọng trong việc tái sử dụng các loại thuốc chống loạn thần cũ để điều trị bệnh tiểu đường loại 2.

Cô gợi ý rằng vì những loại thuốc này đang được tái sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường, nên cần điều chỉnh lại công thức để không có tác dụng kích thích thần kinh đối với bộ não.

Giáo sư Ussher và nhóm của ông nhận thấy những loại thuốc chống loạn thần này cũng có một số tác dụng phụ trầm trọng, một trong đó là các triệu chứng ngoại tháp. Chúng bao gồm các chuyển động không tự chủ như run cơ, co thắt, cứng cơ, cử động khuôn mặt và bồn chồn.

Các tác dụng phụ đáng kể khác là rối loạn nhịp tim và tăng nồng độ hormone prolactin. Các triệu chứng của tăng prolactin bao gồm ngừng kinh nguyệt ở phụ nữ và không có khả năng tiết sữa.

Đối với cả hai giới, tăng prolactin có thể gây vô sinh, suy giảm ham muốn tình dục và ở nam giới, rối loạn cương dương.

Tiến sĩ Folek cho biết: “Những tác dụng phụ này đối với nhóm thuốc chống loạn thần cũ là một trong những lý do khiến chúng không được dùng rộng rãi như nhóm ‘thuốc chống loạn thần không điển hình’ mới hơn với ít tác dụng phụ hơn.

Những tác dụng phụ tiềm ẩn khác có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, bao gồm thờ ơ và tinh thần chậm chạp.

Tiểu đường loại 2 là có thể ngăn ngừa

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 là hạn chế – nếu không muốn nói là loại bỏ – việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, “điều này rất khó, vì chúng có ở khắp mọi nơi trong xã hội của chúng ta,” tiến sĩ Folek nói.

Các loại thực phẩm tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường là những loại gần gũi nhất với tự nhiên.

Cô giải thích: “Hãy ăn thực phẩm toàn phần càng nhiều càng tốt và thêm nhiều rau củ và thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn trong các bữa ăn. Một nửa khẩu phần ăn nên là rau củ và càng nhiều màu sắc càng tốt để tối đa hóa lượng dưỡng chất thực vật.”

Hoạt động thể chất cũng rất quan trọng. Để ngăn ngừa bệnh tật, chúng ta nên tập thể dục vừa phải ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần, tối thiểu 150 phút mỗi tuần.

Các hoạt động có thể bao gồm làm vườn, đi xe đạp, đi bộ, đi bộ đường dài, và các hoạt động khác.

Tiến sĩ Folek lưu ý: “Rèn luyện sức đề kháng và tập tạ cũng được khuyên nên là một phần trong cách ăn kiêng, vì nó làm tăng độ nhạy cảm của cơ bắp với insulin. Mục tiêu là ngăn ngừa tình trạng kháng insulin có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.”

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn