Từ biệt chi phí chìm, lựa chọn sáng suốt

Chi phí chìm giống như một món quà. Và nếu bạn muốn thay đổi, thì hãy nói lời từ biệt. Quá khứ đã đem tặng cho bạn nhiều món quà, nhưng trong cuộc sống hiện tại chúng lại là điều mà bạn không muốn sở hữu chúng.

chi phí chìm
Có đôi khi chúng ta đã lãng phí tiền bạc, thời gian – vậy hãy gác lại quá khứ để thay đổi hiện tại và hướng tới tương lai. (Ảnh: udra11/Shutterstock)

Chẳng thể nhớ là tôi đã dành bao nhiêu thời gian trong việc đưa ra quyết định từ bỏ công việc luật sư – có lẽ là phải mất hàng trăm giờ đồng hồ cho việc “có” hoặc “không” đó. Và đa số khoảng thời gian này đã qua đi một cách lãng phí.

Các bạn đừng hiểu sai ý tôi, có một số vấn đề quan trọng tôi phải suy nghĩ để đưa ra quyết định thông minh, sáng suốt. Ví dụ, tôi cần đảm bảo việc mình có thể nuôi sống gia đình và chắc chắn rằng việc lựa chọn nghề nghiệp mới sẽ bổ sung tốt hơn những gì tôi còn thiếu với tư cách là một luật sư. Nhưng các yếu tố đó không khiến tôi tốn nhiều thời gian, năng lượng và tinh thần của mình so với những suy nghĩ dai dẳng khác, đó là:

Việc từ bỏ tấm bằng luật,mình đã phải học tập rất chăm chỉ để đạt được, liệu có phải là điều khôn ngoan không?

Mình có nên rời khỏi công ty luật uy tín mà mình đã làm việc không?

Liệu có sai lầm khi đánh đổi những danh tiếng mà mình đã xây dựng với tư cách là một luật sư không?

Cuối cùng, tôi quyết định rằng tôi cần thay đổi. Sau này mỗi khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng thật vô ích khi sa đà vào quá nhiều vào những thứ không quan trọng. Tôi đã mắc vào hiện tượng “ngụy biện chi phí chìm”.

Ngụy biện chi phí chìm là nguyên nhân phổ biến của việc ra quyết định thiếu sáng suốt, bao gồm các quyết định trong công việc và sự nghiệp, nhưng sai lầm này còn bao trùm rộng hơn những việc đó. Chi phí chìm là khoản đầu từ về thời gian, tiền bạc hoặc công sức trong quá khứ và không thể thay đổi được bởi bất kỳ quyết định nào trong hiện tại và tương lai. Những khoản đầu tư đó là không lấy lại được.

Sự ngụy biện này nảy sinh theo nhiều cách khác nhau. Bạn đã bao giờ đọc một cuốn sách rồi cảm thấy nhàm chán giữa chừng, nhưng vẫn cố tiếp tục đọc cho hết? Hai giờ bạn dành để bắt đầu đọc một cuốn sách không nên để ảnh hưởng đến việc quyết định tiếp tục đầu tư thêm thời gian vào một thứ không đáng giá, tuy nhiên đây là chuyện thường hay xảy ra. Chúng ta càng dành nhiều năng lượng hoặc nguồn lực cho điều gì đó, thì lại càng khó từ bỏ nó.

Nếu rất khó để dừng một cuốn sách đang đọc dở, bạn có thể hiểu tại sao chi phí chìm lại ảnh hưởng đến quyết định gắn bó với nghề luật của tôi, mặc dù trong sâu thẳm tôi muốn theo đuổi một công việc khác. Bạn có thể liên tưởng đến trường hợp của bản thân, vì hầu hết mọi người đều phải đấu tranh để tạo ra sự thay đổi do không muốn tổn thất về thời gian, tiền bạc hoặc sức lực mà mình đã đầu tư.

Ngụy biện chi phí chìm, đi tìm nguyên nhân

Một trong những lý do chính khiến chúng ta trở thành nạn nhân của ngụy biện chi phí chìm là tình trạng hiện tại – cho dù chúng ta có không thỏa mãn đến đâu – thường là con đường ít sự cản trở, không cần nhiều nỗ lực, ít rủi ro hoặc thay đổi.

Một lý do khác là xu hướng suy nghĩ ngắn hạn. Mặc dù ai cũng thích một phần thưởng lớn hơn là nhỏ, nhưng đa số chúng ta thích nhận ngay một phần thưởng hơn là việc chờ đợi để có một phần thưởng trong tương lai – ngay cả khi phần thưởng trong tương lai có giá trị hơn hiện tại rất nhiều.

Hiện tượng này, một dạng sai lệch nhận thức, được gọi là “chiết khấu hyperbol”. Nó đại diện cho nhận định rằng phần thưởng càng xa trong tương lai thì càng không có động lực tức thì để thực hiện công việc đó. Vì vậy, xu hướng coi trọng phần thưởng ngắn hạn có thể khiến chúng ta giảm gấp đôi các khoản đầu tư trong quá khứ, bởi vì lời hứa về phần thưởng dài hạn lớn hơn dường như ít cụ thể hơn.

Nói tóm lại, việc chúng ta tập trung vào chi phí chìm vì nó khiến chúng ta cảm thấy như không có rủi ro. Nhưng thực tế, chi phí chìm được xác định là chi phí không thể thu hồi có nghĩa là chúng ta cần phải cân nhắc về những rủi ro mà nó mang lại. Xét cho cùng, việc đưa ra các quyết định trong tương lai dựa trên những chi phí chìm trong quá khứ khiến chúng ta bị sa lầy trong hoàn cảnh hiện tại. Và nếu hoàn cảnh đó không phù hợp với mục tiêu tương lai thì trình trạng trì trệ hiện tại chính là một rủi ro.

Nhận biết để đưa ra quyết định khi nào nên gắn bó và khi nào cần từ bỏ là một việc không dễ dàng. Kiên trì là một tính cách tốt, nhưng kiên trì một cách mù quáng để theo đuổi các mục tiêu sai trái sẽ không mang lại gì ngoài sự nuối tiếc hoặc bất mãn.

Warren Buffett đã từng nói, “Điều quan trọng nhất là: Khi bạn đang thấy mình ở dưới một cái hố sâu thì điều cần làm là ngừng đào nó”.

Bạn muốn một điều gì đó mới mẻ và khác biệt không? Bản năng có thể thúc giục bạn đi theo một hướng khác, nhưng chi phí chìm có thể đang níu giữ bạn ở lại hiện tại.

Để có được lựa chọn sáng suốt, chúng ta phải biết chấp nhận từ bỏ chi phí chìm trong quá khứ. Đây là cách Seth Godin nhìn nhận về chi phí chìm:

“Mọi thứ bạn sở hữu, tất cả quần áo trong tủ, thành tích học tập và hơn thế, có khi chỉ đơn giản là một món quà. Đó là một món quà mà quá khứ của bạn đang tặng cho hiện tại và bạn có muốn món quà đó ngày hôm nay hay không là tùy thuộc vào bạn. Nó đơn giản như vậy – bạn không nợ gì quá khứ của mình, ngoài việc cân nhắc xem những món quà này có hữu ích cho hiện tại – ngay lúc này và ở đây- hay không. ”

Chi phí chìm giống như một món quà. Bạn có thể chia tay nó nếu bạn muốn. Và nếu bạn muốn thay đổi, thì hãy nói lời từ biệt.

Jay Harrington là tác giả, luật-sư và trở  thành doanh nhân, điều hành một thương hiệu phong cách sống truyền cảm hứng ở phía bắc Michigan có tên là Life and Whim. Anh sống với vợ và ba cô con gái tại một thị trấn nhỏ và viết về cuộc sống có mục đích.

Jay Harrington
Thiên Minh biên dịch

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn