Bắc Kinh duy trì thanh khoản cho các ngân hàng và các tỉnh
Bắc Kinh đang nỗ lực thực hiện nhiều việc để duy trì tính thanh khoản cho các ngân hàng và các tỉnh. Bất chấp sự bảo đảm từ chính quyền về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và mức tăng trưởng mạnh 5%, những hành động được thực hiện cho thấy một chính quyền trung ương đang lo lắng về những rủi ro tài chính và chính trị từ những khoản nợ được tích lũy trong nhiều năm.
Vậy nỗ lực duy trì khả năng chi trả này cho thấy Bắc Kinh đang trù tính điều gì?
Trong những tuần qua, Bắc Kinh đã thực hiện một số bước để giảm rủi ro tài chính trong nền kinh tế Trung Quốc. Những bước đi này không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng làm giảm rủi ro sụp đổ của một ngân hàng hay một tỉnh vốn có thể gây ra sự đổ vỡ lớn. Nhiều ngân hàng lớn đã công bố phát hành trái phiếu vốn để củng cố bảng cân đối kế toán. Chính quyền một tỉnh đã mua lượng lớn nợ xấu từ một ngân hàng sắp phá sản do sự ràng buộc của ngân hàng này với lĩnh vực địa ốc. Các tỉnh đang gặp khó khăn sẽ phát hành gần 2 ngàn tỷ nhân dân tệ trái phiếu dài hạn với mục đích duy nhất là để trả nợ sắp đến hạn. Chỉ trong tuần này (23-29/10), Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), và đã thực hiện những thay đổi nhằm giao quyền kiểm soát trực tiếp ngân hàng này và các cơ quan liên quan cho chính quyền trung ương và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP).
Vậy những biện pháp về kinh tế và chính trị liên tiếp này cho thấy điều gì?
Thứ nhất, dù đưa ra những tuyên bố lạc quan, nhưng Bắc Kinh vẫn rất lo lắng về những rủi ro kinh tế và tài chính ở Trung Quốc. Trong những thông báo gần đây, Bắc Kinh viện dẫn sự cần thiết phải kiểm soát rủi ro và quản lý nợ để tránh xảy ra vấn đề. Mặc dù việc nhấn mạnh vào nhu cầu kiểm soát rủi ro là không đáng ngạc nhiên, nhưng chính sách và nhân sự lại làm nổi bật quan điểm của Bắc Kinh. Những rủi ro này không chỉ cần nhấn mạnh mà còn cần có hành động thực chất.
Thứ hai, các biện pháp của Bắc Kinh nhằm nắm giữ quyền kiểm soát PBOC và tập trung quyền ra quyết định đối với các vấn đề tài chính cho thấy sự thiếu tin tưởng vào ban lãnh đạo và các chính sách. Trung Cộng vừa cần vừa sợ các chủ ngân hàng, các lãnh đạo địa phương, và các nhà hoạch định chính sách nhưng cũng rất nghi ngờ họ. Câu thành ngữ Trung Quốc “thiên cao hoàng đế viễn” (tạm dịch: “trời cao, hoàng đế xa,” có thể hiểu một cách đơn giản là ông trời thì ở trên cao, còn hoàng đế thì cách xa, có nghĩa là người nắm quyền khó có thể kiểm soát được những địa phương ở xa, không thể theo dõi sát sao, nên người ở bên dưới có khả năng làm loạn. Cũng có thể hiểu ở mức nhẹ hơn là “phép vua thua lệ làng”) nói lên nhiều điều về cách mà chính quyền trung ương nhìn nhận các tỉnh và các cơ quan. Trong các ngân hàng và ngân hàng trung ương có ít cán bộ Đảng và họ chỉ tập trung vào kinh doanh. Điều này gây bất an trong giới lãnh đạo Đảng, nơi mà lòng trung thành với Đảng vẫn được xem là đặc tính được coi trọng trên hết.
Vậy chúng ta có thể chứng kiến điều gì trong tương lai?
Các biện pháp về tài chính và nhân sự cho thấy Bắc Kinh đang hiểu rõ hơn về các rủi ro trong nền kinh tế Trung Quốc. Sự hiểu biết rõ hơn này làm tăng mối lo ngại của họ về những giải pháp cần đưa ra trước những rủi ro lớn rõ ràng hơn trong các ngân hàng và tài chính cấp tỉnh. Có nghĩa là Bắc Kinh sẽ đề ra các chính sách bổ sung để ngăn chặn những rủi ro mà họ phát hiện. Trong quá khứ, các chính sách này có nghĩa là trì hoãn và làm ngơ, một khả năng rất có thể sẽ xảy ra khi giới lãnh đạo Đảng dần hiểu rõ hơn về tình hình. Tuy nhiên, các chính sách đó cũng có thể là nhiều gói cứu trợ tài chính và các chính sách quản trị rủi ro hơn sẽ được khai triển.
Cũng có khả năng các chính sách này trong thực tiễn sẽ theo sát hơn với mong muốn của Bắc Kinh. Trong nhiều năm, các thông báo của Đảng tập trung vào quản lý nợ và không giấu nợ, nhưng trong nhiều năm, cả hai việc này đều đã không thành. Với việc tập trung hóa quyền kiểm soát và cài cắm những nhân sự chủ chốt, các quan chức cao cấp bảo đảm việc kiểm soát chặt hơn nhiều vì họ không tin các cấp dưới sẽ thực hiện những mệnh lệnh của họ.
Việc tuân thủ chặt chẽ hơn các chính sách của Bắc Kinh trên thực tế sẽ như thế nào?
Thực ra sự tuân thủ này là không rõ ràng, do những vấn đề kinh tế phức tạp mà Đảng đã tạo ra và cho phép tồn tại một cách nhức nhối trong nhiều năm. Nhiều năm qua, Bắc Kinh nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hạn chế sự gia tăng nợ, trong khi lại đồng thời đặt ra những mục tiêu tăng trưởng viển vông và làm ngơ với những gì các lãnh đạo cấp tỉnh đã làm để đạt được các mục tiêu đó. Giờ đây, Bắc Kinh lại gia tăng mức độ thâm hụt ngân sách chính thức chỉ để nuôi tiếp nợ cũ, điều đó không tạo ra hoạt động mới nào mà một mô hình kinh tế nặng về đầu tư như vậy rất cần đến. Không rõ các chính sách tập trung sẽ khác biệt ra sao trong thực tiễn, nhưng có vẻ sẽ đồng bộ và thắt chặt hơn; tuy nhiên, sự cân bằng khó khăn mà các cơ quan quản lý cần đạt được giữa việc tạo ra hoạt động và kiểm soát rủi ro hiện sẽ càng trở nên khó đạt được hơn bao giờ hết.
Bắc Kinh dường như đang hiểu rõ hơn về mức độ sâu rộng của các vấn đề mà họ phải đối diện và có vẻ như không quá tin tưởng vào cấp dưới. Sự tiếp quản kiểm soát của Trung Cộng sẽ tiết lộ khả năng giải quyết vấn đề kinh tế của họ và có khả năng không mang lại điều gì khác ngoài việc siết chặt hơn việc kiểm soát của Đảng.
Thiên Cầm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times