Các vụ bắt giữ liên quan đến ngày 06/01 tiếp tục gia tăng trong năm 2024, gần đạt mốc 1,400 vụ
Dữ liệu của DOJ cho thấy, tính đến hết hôm 05/04, con số 122 vụ bắt giữ đã vượt quá 70 vụ bắt giữ trong năm 2023 và 50 vụ bắt giữ trong năm 2022. Gần 7 trong 10 lời nhận tội là các tội nhẹ.
Một báo cáo cho thấy số người bị bắt vì bị cáo buộc phạm tội trong ngày 06/01 tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ là gần 1,400 người. Tỷ lệ các vụ bắt giữ trong quý đầu tiên của năm nay cho thấy sự gia tăng mạnh so với năm 2023 và năm 2022.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) báo cáo rằng tính đến thời điểm hết giờ làm việc hôm 05/04, 1,387 người đã bị bắt kể từ khi xảy ra vụ xâm phạm và bạo lực tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01/2021.
Hồ sơ của DOJ cho thấy trong ba tháng đầu năm nay, 122 vụ bắt giữ được ghi nhận trong năm 2024 đã vượt xa rất nhiều so với 70 vụ bắt giữ trong cùng thời kỳ năm 2023 và 50 vụ bắt giữ trong quý đầu tiên của năm 2022.
FBI đã bắt giữ 367 người vì các cáo buộc liên quan đến vụ ngày 06/01 kể từ ngày 06/04/2023, và 612 người kể từ ngày 06/04/2022.
Chính xác là 1,300 người đã bị buộc tội đi vào và ở trong một tòa nhà hoặc khu vực hạn chế ra vào; một tội nhẹ. Trong số đó, 122 cáo buộc liên quan đến một vũ khí sát thương hoặc nguy hiểm.
Ít nhất 353 người đã bị buộc tội cản trở một cách sai trái một thủ tục chính thức — trọng tội thường hay bị buộc tội nhất liên quan đến vụ việc ngày 06/01 — một cáo buộc gây tranh cãi đang bị thách thức trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Trong số các vụ bắt giữ cho đến nay, 36% là vì hành hung, chống cự hoặc cản trở viên chức hoặc nhân viên chấp pháp. Bản báo cáo cho biết hơn 1/4 trong số những vụ bắt giữ đó liên quan đến vũ khí sát thương hoặc nguy hiểm.
70% là tội nhẹ
Theo báo cáo của DOJ, khoảng 791 người đã nhận tội về các cáo buộc liên quan đến vụ ngày 06/01, 69% trong số đó là tội nhẹ và 31% là trọng tội. Khoảng 12% số lời nhận tội là liên quan đến việc hành hung một nhân viên chấp pháp.
Bản báo cáo cho biết gần 860 người đã được xét xử trong các vụ án hình sự, với 61% bị kết án tù có thời hạn và 20% bị quản thúc tại nhà.
Việc bắt giữ và truy tố các vụ án ngày 06/01 đã tạm dừng trong một khoảng thời gian trong năm 2023, sau đó tiếp tục gia tăng cho đến năm 2024.
Việc DOJ truy tố các bị cáo ngày 06/01 sẽ vấp phải những thử thách nghiêm trọng trong thời gian còn lại của năm 2024.
Vào ngày 16/04, Tối cao Pháp viện sẽ nghe tranh luận bằng miệng về một thách thức đối với việc sử dụng các đạo luật chống gian lận doanh nghiệp một cách đáng tranh cãi để truy tố các bị cáo với cáo buộc cản trở phiên họp chung của Quốc hội được triệu tập vào ngày 06/01/2021 để thực hiện việc kiểm phiếu theo nghi thức của Đại Cử tri đoàn.
Tháng 12/2023, Tối cao Pháp viện đã đồng ý tiếp nhận thách thức của bị cáo vụ ngày 06/01 Joseph Wayne Fischer, 57 tuổi, ở Jonestown, Pennsylvania—một trong 353 người bị buộc tội cản trở một cách sai trái Quốc hội vào ngày 06/01. Phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng Sáu.
Nhiều luật sư bào chữa tin rằng Tối cao Pháp viện sẽ chấm dứt việc DOJ sử dụng Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 để truy tố các bị cáo vì đã làm trì hoãn nhiều giờ phiên họp chung của Quốc hội do bạo lực tại Tòa nhà Quốc hội. Đạo luật đằng sau tội danh này đã được đưa ra để ngăn chặn kiểu can thiệp bằng chứng như đã thấy trong các vụ bê bối của tập đoàn Enron và công ty Arthur Andersen.
Một vụ kiện liên quan đến ngày 06/01 khác gần đây đã được đưa lên Tòa phúc thẩm liên bang cho khu vực Hoa Thịnh Đốn, nơi đã ra phán quyết rằng vì mục đích tăng nặng hình phạt liên bang, phiên họp chung của Quốc hội không được coi là “sự thi hành công lý.” Trong một số trường hợp, những yếu tố tăng nặng hình phạt này đã dẫn đến mức án tù dài hơn rất nhiều.
Các luật sư bào chữa cho biết trong số gần 900 vụ án ngày 06/01 đã xét xử xong, có khả năng sẽ có một số vụ kiện khác về Hiến Pháp.
Một vụ kiện tiềm năng sẽ nêu ra việc các thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang cho đến nay vẫn từ chối cho phép thay đổi địa điểm ngay cả trong duy nhất một vụ kiện về ngày 06/01. Các bị cáo đã lập luận rằng việc công khai quá nhiều trước phiên tòa và đội ngũ bồi thẩm đoàn hầu như là ủng hộ Đảng Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn khiến các bị cáo ngày 06/01 gần như không thể có được một phiên tòa công bằng.
Một lập luận kháng cáo phổ biến khác mà các đội bào chữa đưa ra là các công tố viên liên bang được cho là đã giấu kín bằng chứng ngoại phạm. Vụ Brady kiện Maryland tại Tối cao Pháp viện năm 1963 đã xác định rằng việc giữ lại bằng chứng quan trọng cho việc buộc tội hoặc trừng phạt là vi phạm quyền được xét xử đúng theo luật của bị cáo.
Trong hơn ba năm qua, các luật sư bào chữa đã phàn nàn về cơ sở dữ liệu “bằng chứng toàn cầu” của DOJ, trong đó chứa hàng triệu tài liệu, ảnh, và video clip.
Họ nói rằng hệ thống này có thể làm cho người ta gần như không thể tìm thấy bằng chứng ngoại phạm mà các công tố viên đáng lẽ phải cung cấp cho bị cáo ngay từ đầu.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times