Cẩn thận với việc kết hợp các loại thuốc không kê toa phổ biến

Nhiều loại thuốc có chứa các thành phần giống nhau hoặc tương tự nhau, góp phần đáng kể vào nguy cơ vô tình dùng quá liều

Các loại thuốc mua tự do (OTC) luôn bày bán sẵn và có thể mua được bất cứ lúc nào tại hiệu thuốc hoặc tiệm tạp hóa địa phương như một giải pháp hiệu quả cho các căn bệnh hàng ngày. OTC là những cách dễ dàng, tương đối rẻ tiền để chữa đau đầu, các triệu chứng cảm lạnh và cúm, táo bón, tiêu chảy và các bệnh nhẹ khác mà đôi khi cả gia đình có thể gặp phải.

Khoảng 70% người Mỹ dùng thuốc OTC để điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Mặc dù các loại thuốc OTC thường được xem là an toàn, nhưng cũng có rủi ro, ngay cả khi được dùng theo chỉ dẫn.

Một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019 cho thấy 26,735 người ở Hoa Kỳ đã đến khoa cấp cứu vì tác hại do dùng thuốc ho và cảm lạnh OTC, và hơn 60% dùng thuốc OTC vì những lý do khác ngoài mục đích sử dụng.

Kết hợp thuốc OTC tiềm ẩn nguy hiểm

Thuốc OTC gây hại không chỉ là do việc người dùng tự chẩn đoán [bệnh] không chính xác; sự an toàn phụ thuộc vào việc dùng thuốc đúng cách và đọc kỹ nhãn thuốc. Đây là điều mà nhiều người không làm được. Ngay cả khi đó, việc phát hiện ra những cách kết hợp thuốc OTC tiềm ẩn nguy hiểm này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Tylenol (paracetamol) và thuốc cảm cúm không kê toa

Nhiều loại thuốc cảm cúm và cảm lạnh OTC có chứa acetaminophen để giảm các triệu chứng như đau họng, nhức đầu và sốt. Nhiều người không biết rằng acetaminophen là tên dược chất của Tylenol. Acetaminophen là một trong những loại thuốc giảm đau, hạ sốt được tin dùng và sử dụng nhiều nhất, có trong hơn 600 loại thuốc kê toa và không kê toa khác nhau. Mặc dù vậy, loại thuốc này vẫn có những tác dụng phụ nguy hiểm (và đôi khi gây tử vong). Mỗi năm, có khoảng 60,000 người nhập viện vì dùng quá liều acetaminophen.

Liều lượng khuyến cáo cho acetaminophen dựa trên cân nặng, tuổi tác, và tần suất dùng thuốc. Tuy nhiên, liều khuyến cáo tối đa vẫn có thể dẫn đến tổn thương gan nếu dùng trong thời gian dài. Khi dùng vượt quá liều tối đa cho phép có thể dẫn đến ngộ độc acetaminophen, nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương và suy gan cấp tính ở các nước Tây phương. Suy gan cấp tính đe dọa đến tính mạng, thường phải ghép gan.

Nếu uống rượu, bạn có thể hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào có chứa acetaminophen. Tiến sĩ James Walker, một bác sĩ lâm sàng và bác sĩ đa khoa nói với The Epoch Times: “Gan chuyển hóa cả rượu và acetaminophen, và chúng cạnh tranh trên cùng một loại enzyme. Nếu bạn uống rượu, gan sẽ bận rộn chuyển hóa rượu, khiến nhiều acetaminophen bị chuyển hóa thành một sản phẩm phụ độc hại có thể làm tổn thương tế bào gan.

Các loại thuốc cảm cúm và cảm lạnh OTC phổ biến như Dayquil, Mucinex và Theraflu có chứa acetaminophen với các liều lượng khác nhau. Vì vậy, hãy cẩn thận khi kết hợp những thuốc này với các loại thuốc OTC khác có chứa acetaminophen để tránh quá liều.

Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc acetaminophen bao gồm nôn mửa, đau bụng, và lú lẫn. Hãy đến thẳng phòng cấp cứu nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này sau khi dùng một liều cao acetaminophen. Điều trị ngay lập tức bằng than hoạt tính cùng với N-acetyl cysteine (thuốc dành cho ngộ độc acetaminophen) có thể cứu lá gan và tính mạng của bạn.

Khi mua thuốc cảm và cúm, hãy đọc nhãn để biết tên thuốc. Acetaminophen có thể được phân loại là thuốc giảm đau hoặc hạ sốt trên bao bì, nhưng đều là một. Ngoài ra, hãy tìm các chữ viết tắt của acetaminophen như APAP, AC và Acetam. Nó có thể được liệt kê là paracetamol ở một số nước Âu Châu, Úc, New Zealand và Ấn Độ.

Ibuprofen, Naproxen và Aspirin

Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống viêm không steroid (NSAID) phổ biến hơn nhưng chúng cũng có sẵn OTC. Ước tính có khoảng 30 triệu người dùng NSAID hàng ngày trên khắp Hoa Kỳ để điều trị chứng đau, viêm cấp tính, viêm kinh niên, và hạ sốt cao.

Mặc dù được sử dụng rộng rãi, nhưng NSAID cũng có thể không an toàn cho mọi người và có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là khi dùng quá mức hoặc khi vô tình kết hợp đồng thời các loại NSAID khác nhau.

Các NSAID phổ biến nhất bao gồm:

  • Ibuprofen (Advil, Motrin, Nuprin)
  • Naproxen (Aleve, Naprosyn)
  • Aspirin (Ecotrin, Bayer)

Điều quan trọng là phải biết tên của các nhãn hiệu NSAID khác nhau để tránh vô tình kết hợp vì có nhiều rủi ro và có thể gây ra các vấn đề trầm trọng về dạ dày, thận và tim.

NSAID ức chế một loại enzyme trong cơ thể gọi là cyclooxygenase (COX). Có hai loại COX: COX-1 và COX-2. Cả hai loại đều là các enzym tham gia vào quá trình sản xuất prostaglandin của cơ thể, dẫn đến cơn đau, sốt, và viêm.

COX-1 cũng bảo vệ niêm mạc dạ dày và hỗ trợ chức năng tiểu cầu, trong khi COX-2 chủ yếu là để phản ứng với tình trạng viêm. NSAID hoạt động bằng cách ức chế các enzym này, đó là lý do tại sao chúng còn được gọi là chất ức chế COX.

Aspirin và naproxen là chất ức chế COX-1, ibuprofen là chất ức chế COX không chọn lọc, ngăn chặn cả enzyme COX-1 và COX-2. Aspirin, naproxen và ibuprofen làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là ở dạ dày. Các loại thuốc này cũng có thể gây ra các vấn đề về thận do ức chế lưu lượng máu đến thận.

Do các rủi ro và tác dụng phụ khác nhau của NSAID, bạn cần phải nói chuyện với bác sĩ về việc dùng loại nào và trong bao lâu, điều này sẽ phụ thuộc vào tiền sử bệnh của bạn. Nếu bạn có vấn đề về dạ dày, thận hoặc tim, có thể nên thận trọng khi sử dụng NSAID hoặc không sử dụng.

Benadryl (diphenhydramine) và Dramamine (dimenhydrinate)

Nhiều người không nhận ra rằng Benadryl (diphenhydramine) và Dramamine (dimenhydrinate) đều là thuốc kháng histamine. Khi dùng cùng nhau có thể gây buồn ngủ quá mức, mờ mắt, tiểu khó, táo bón, và rối loạn nhịp tim.

Benadryl thường được dùng để điều trị các triệu chứng dị ứng như sổ mũi và ngứa mắt. Dramamine thường được dùng để điều trị say tàu xe và buồn nôn. Vấn đề là cả hai đều thuộc nhóm thuốc kháng cholinergic có trong một số loại thuốc theo toa khác dùng để điều trị rối loạn hô hấp, tiểu không tự chủ, và bệnh Parkinson.

Vào năm 2015, Hiệp hội các Trung tâm Kiểm soát Chất độc Hoa Kỳ đã báo cáo gần 14,000 trường hợp ngộ độc thuốc kháng cholinergic. Mặc dù không có trường hợp nào trong năm 2015 gây tử vong, nhưng các báo cáo trong những năm trước cho thấy có tới 51 trường hợp tử vong do độc tính kháng cholinergic.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng cholinergic trong thời gian dài có liên quan đến chứng mất trí nhớ ở người cao tuổi.

Một số loại thuốc kháng cholinergic phổ biến có thể tương tác với thuốc kháng histamine OTC, vì vậy bạn cần phải kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ để bảo đảm rằng bạn không vô tình kết hợp các loại thuốc này. Ngoài ra, nếu bạn bị các bệnh như phì đại tuyến tiền liệt, bí tiểu, tăng nhãn áp, các vấn đề về cơ, hoặc cường giáp, hãy nhớ thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng các loại thuốc này.

Rủi ro thuốc OTC gia tăng đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi

Thuốc OTC có thể gây hại cho bất kỳ ai, nhưng người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em thường dễ bị tổn thương hơn và có nguy cơ cao hơn.

Rủi ro cho trẻ em

Việc biết những loại thuốc trẻ em có thể dùng và ở độ tuổi nào là điều cần thiết. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) có các khuyến nghị về độ tuổi cụ thể khi cho trẻ uống acetaminophen và ibuprofen. Để có lời khuyên cập nhật nhất, hãy luôn kiểm tra với bác sĩ của con bạn.

Aspirin không được khuyên dùng cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên do có liên quan đến sự khởi phát của Hội chứng Reye. Mặc dù nguyên nhân chưa được biết, Tiến sĩ Walker giải thích rằng [hội chứng Reye] có mối liên quan chặt chẽ với việc sử dụng aspirin trong các bệnh do virus. “Hội chứng Reye là một tình trạng hiếm gặp nhưng trầm trọng, gây sưng tấy ở gan và não. Hội chứng này thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau khi bị nhiễm virus như cúm hoặc thủy đậu.

AAP không khuyên dùng thuốc ho hoặc cảm lạnh cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Một số phương pháp điều trị cảm lạnh an toàn và hiệu quả cho trẻ em bao gồm nhỏ nước muối khi bị nghẹt mũi, nghỉ ngơi, và uống nhiều nước.

Rủi ro khi mang thai

Một số loại thuốc OTC được biết là gây ra vấn đề trong thai kỳ. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc OTC nào trong khi đang mang thai, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ.

Theo Tiến sĩ Walker, “Các thuốc NSAID trong thời kỳ mang thai có thể gây rủi ro cho cả mẹ và bé. Chúng bao gồm các vấn đề tiềm ẩn đối với sự phát triển thận của em bé và nguy cơ đóng sớm ống động mạch, một mạch máu quan trọng của thai nhi. Đối với người mẹ, NSAID có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi sinh.”

NSAID như ibuprofen (Motrin, Advil), naproxen (Aleve), và aspirin (acetylsalicylate), đều được biết là gây ra các vấn đề trầm trọng về lưu lượng máu ở em bé nếu được sử dụng trong ba tháng cuối của thai kỳ (sau 28 tuần). Aspirin cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở cả mẹ và bé trong khi mang thai hoặc khi sinh.

FDA cũng khuyến cáo tránh sử dụng NSAID sau 20 tuần hoặc muộn hơn vì nguy cơ thiếu nước ối.

Thuốc thông mũi và một số thuốc kháng histamine có rủi ro, đặc biệt là khi dữ liệu an toàn về việc sử dụng thuốc OTC trong thai kỳ còn hạn chế.

Các giải pháp tự nhiên chữa ho và cảm lạnh khi mang thai cũng tương tự như các khuyến nghị dành cho trẻ em; nghỉ ngơi, truyền nước và ăn uống lành mạnh sẽ làm tăng tốc độ phục hồi và giảm bớt các triệu chứng.

Rủi ro cho người lớn tuổi

Tiến sĩ Walker giải thích rằng người cao niên có nhiều nguy cơ bị tương tác thuốc OTC và gặp tác dụng phụ hơn. “Khi chúng ta già đi, những thay đổi sinh lý của cơ thể có thể ảnh hưởng đến cách chuyển hóa thuốc. Chức năng thận và gan, vốn rất quan trọng đối với quá trình chuyển hóa và đào thải thuốc, thường suy giảm, dẫn đến làm tăng nồng độ thuốc trong cơ thể. Ngoài ra, những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong thành phần cơ thể, chẳng hạn như tăng mỡ và giảm khối lượng cơ, có thể thay đổi cách thức phân phối thuốc trong cơ thể.”

[Cơ thể] nhiều người lớn tuổi chưa quen với liều thích hợp và cách tương tác của thuốc OTC với các loại thuốc đang dùng khác, khiến họ có nguy cơ bị tổn hại đáng kể.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tập san Journal of Research in Social and Administrative Pharmacy (Nghiên cứu về Dược phẩm Hành chính và Xã hội), hơn một nửa các biến cố bất lợi do thuốc (ADE) liên quan đến người lớn tuổi là do thuốc OTC, đặc biệt là do NSAID gây ra. Bốn trong số 10 loại thuốc OTC được sử dụng thường xuyên nhất bao gồm ibuprofen, aspirin, acetaminophen và diphenhydramine.

Diphenhydramine là thủ phạm đáng chú ý gây ra các biến cố bất lợi do thuốc ở người lớn tuổi, làm tăng nguy cơ té ngã và độc tính kháng cholinergic vì 40% người cao tuổi dùng diphenhydramine kết hợp với các loại thuốc kháng cholinergic được kê toa khác để ngủ.

Có thể ngăn chặn các tương tác thuốc nguy hiểm bằng cách đánh giá cẩn thận tất cả các loại thuốc OTC và thuốc theo toa được sử dụng đồng thời, đồng thời xem xét tình trạng sức khỏe của từng người.

Kết luận

Mặc dù các loại thuốc OTC có thể hữu ích trong việc điều trị các cơn đau nhức nhẹ hoặc các triệu chứng dị ứng hoặc cảm lạnh dai dẳng, nhưng điều quan trọng là phải xem xét khả năng gây hại đáng kể của chúng khi không được sử dụng theo chỉ dẫn hoặc khi kết hợp với các loại thuốc khác.

Trước khi sử dụng thuốc OTC, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ về các triệu chứng, tiền sử sức khỏe, và các loại thuốc khác mà bạn đang dùng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Allison DeMajistre
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Allison DeMajistre, BSN, RN, CCRN, là một nhà văn y tế tự do của The Epoch Times. Cô là một y tá đã được chứng nhận và từng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc tích cực. Cô chuyên viết về các chủ đề liên quan đến bệnh tim mạch.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn