Các loại nấm dược liệu: Đông trùng hạ thảo, Linh chi và Bờm sư tử

Thị trường nấm dược liệu đang bùng nổ. Có ba loại nấm phổ biến nhất với tiềm năng chữa bệnh đáng chú ý giúp chúng ta cải thiện sức khỏe.

Đây là phần 4 trong “Các loại thực phẩm chức năng thịnh hành với tiềm năng bất ngờ

Phần 1. Hãy bỏ qua các quảng cáo cường điệu, chúng ta có 4 lý do chính để sử dụng thực phẩm chức năng

Phần 2. Dây thìa canh (Gymnema Sylvestre) giúp kiểm soát đường huyết và cảm giác thèm đường

Phần 3. Resveratrol: Một Polyphenol mạnh mẽ làm chậm quá trình lão hóa tế bào

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ khám phá cơ sở khoa học đằng sau một số thực phẩm chức năng phổ biến và đầy hứa hẹn để giúp quý vị quyết định xem loại nào phù hợp với mình.

Nấm dược liệu đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến sức khỏe cũng như các bác sĩ y khoa vì hương vị và tiềm năng chữa bệnh vượt trội.

Cùng với sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng, các sản phẩm kết hợp nấm dược liệu cũng trở nên đa dạng. Thời nay, quý vị có thể tìm thấy các loại trà, các sản phẩm thay thế cà phê, thực phẩm chức năng và các sản phẩm thực phẩm khác có chứa ba loại nấm dược liệu phổ biến nhất gồm: Đông trùng hạ thảo, Linh chi và Bờm sư tử (Hầu thủ).

Mỗi loại nấm đều có một danh sách các hợp chất hoạt tính sinh học riêng biệt, trong đó nhiều hợp chất có đặc tính kháng viêm, chống ung thư, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch và các lợi ích sức khỏe tiềm năng khác.

Khi lựa chọn sản phẩm làm từ nấm như thực phẩm chức năng cho một lợi ích sức khỏe cụ thể – như để giảm căng thẳng, tăng sức đề kháng hay cải thiện năng lượng [cơ thể] – điều quan trọng cần xem xét là nên dùng bộ phận nào của nấm, cũng như các hợp chất hoạt tính sinh học và đặc tính trị liệu của loại nấm đó.

Các đặc tính trị liệu

Nấm là một phần của vương quốc nấm, vốn bao gồm các loại nấm men đơn bào đơn giản, các thể quả [đa bào] phức tạp và nấm mốc. Tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta. Nấm là nguồn [dược liệu] của một số loại thuốc quan trọng, bao gồm thuốc kháng sinh và [thuốc trị mỡ máu] statin. Cây nấm có nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm thể quả, thể sợi và bào tử – mỗi bộ phận có các đặc tính khác nhau.

Thể quả là phần trên cùng của cây nấm, đây là bộ phận mà hầu hết mọi người gọi là mũ nấm và thường mọc ở trên mặt đất.

Thể sợi (mycelium) là mạng lưới các cấu trúc phân nhánh tương tự như rễ cây nằm dưới mặt đất. Thể sợi bao gồm các cấu trúc rất nhỏ gọi là sợi nấm (hyphae) có chức năng hấp thụ dưỡng chất từ đất và vận chuyển đến các bộ phận khác của cây nấm. Thể sợi cho phép các cây nấm kết nối, gửi và nhận dưỡng chất từ nhau để tăng khả năng sống sót ngoài môi trường. Một số loài nấm có thể sợi rộng lớn, như thể sợi nấm loài Armillaria có thể bao phủ một diện tích hơn 1,000 mẫu Anh (4047m²) trong các điều kiện thích hợp.

Các bào tử tương đương như các hạt giống và là cơ quan sinh sản của nấm. Một cây nấm có thể tạo ra hàng tỷ bào tử vô cùng nhỏ. Vòng đời của nấm bắt đầu từ các bào tử này.

Các đặc tính trị liệu thay đổi tùy theo từng bộ phận của cây nấm. Do đó, việc kiểm tra nhãn sản phẩm có liệt kê thể quả, thể sợi hay cả hai bộ phận hay không là điều quan trọng.

Các loại nấm dược liệu: Đông trùng hạ thảo, Linh chi và Bờm sư tử
(Ảnh minh họa: The Epoch Times, Shutterstock)

Trong một podcast của Trường Cao đẳng Y khoa Tự nhiên, cô Hania Opienski, chuyên gia dinh dưỡng tự nhiên, nhà châm cứu và y học năng lượng, được hỏi về bộ phận nào của nấm có tác dụng trị liệu tốt nhất. Cô trả lời, “Lý tưởng nhất là quý vị nên dùng sản phẩm làm từ thể quả, bộ phận này cần nhiều thời gian nhất để phát triển nên sẽ có nồng độ hợp chất hoạt tính cao nhất.”

Cô Opienski cho biết, mặc dù thể quả thường chứa hàm lượng hợp chất sinh học có hoạt tính trị liệu cao hơn, nhiều sản phẩm nấm thương mại trên thị trường được làm từ thể sợi do thời gian sản xuất thành phẩm nhanh hơn thay vì phải đợi thể quả trưởng thành và thu hoạch rồi bào chế làm thực phẩm chức năng.

Cấu trúc phức tạp và các hợp chất có hoạt tính sinh học trong mỗi loại nấm đóng vai trò quan trọng trong các tác dụng trị liệu đối với cơ thể con người.

Các cơ chế tác dụng của nấm dược liệu

Trong cuốn sách “Medicinal Mushrooms: A Clinical Guide” (Nấm dược liệu: Hướng dẫn lâm sàng) của tác giả Martin Powell, liệt kê khoảng 14,000 loài nấm. Khoảng 5% trong số này có khả năng sản sinh các hợp chất có hoạt tính sinh học rộng rãi và mang lại các lợi ích trị liệu.

Các đặc tính chữa bệnh và các cơ chế hoạt động bắt nguồn từ các hoạt chất sinh học, vốn có hàm lượng khác nhau tùy theo từng loại nấm.

1. Beta-glucan

Hoạt chất sinh học quan trọng nhất trong nấm là beta-glucan, một loại polysaccharide đặc trưng bởi khả năng điều hòa hệ miễn dịch. Beta-glucan có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ trao đổi chất và tiêu hóa.

Tùy thuộc vào loài và bộ phận của nấm [được chiết xuất] mà cấu trúc phân tử của beta-glucan có thể rất khác nhau cả về hình dạng và kích thước. Các loại beta-glucan khác nhau có mặt trong vương quốc nấm có thể có nhiều tác động khác nhau đến cơ thể con người.

2. Triterpene

Triterpene là một nhóm các hợp chất hòa tan trong rượu, đóng vai trò quan trọng trong các đặc tính kháng virus, kháng viêm và thậm chí là an thần.

[Mỗi loài nấm] có các triterpen riêng biệt, đáng chú ý nhất là acid ganoderic trong nấm Linh chi và acid betulinic trong nấm Chaga. Nghiên cứu phát hiện có hơn 300 loại triterpenoid trong nấm Linh chi, nhiều hợp chất trong số này không được tìm thấy ở các loài nấm khác.

3. Sterol

Nấm cũng sản xuất các sterol – chủ yếu là ergosterol – được chứng minh có tác dụng chống lại một số loại khối u khác nhau trong các nghiên cứu trên động vật. Sterol hoạt động giống như cholesterol nhưng có thể giúp giảm mức cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, các dẫn xuất ergosterol được báo cáo là có hoạt tính chống lão hóa tương tự như hợp chất resveratrol.

Ergosterol cũng là tiền chất của vitamin D, nên khi nấm tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài sẽ làm tăng hàm lượng vitamin D. Đây là lý do tại sao một số loại thực phẩm chức năng vitamin D được làm từ nấm.

4. Statin

Các nhà nghiên cứu phát hiện một số loại nấm giúp giảm cholesterol vì chúng có chứa các statin như lovastatin, hoạt chất được dùng trong các loại thuốc hạ cholesterol. Tuy nhiên, điều quan trọng nên lưu ý là cần dùng lượng lớn bột nấm để mang lại tác động đáng kể.

3 loại nấm dược liệu nổi bật

Có ba loại nấm đang có nhu cầu tiêu thụ cao vì các đặc tính chữa bệnh vượt trội bao gồm: Đông trùng hạ thảo, Linh chi và Bờm sư tử (Hầu thủ). Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng chữa bệnh, các loại nấm này có thể gây ra tác các dụng phụ cho người đang đồng thời dùng các loại thuốc khác. Quý vị nên trao đổi với bác sĩ về việc dùng bất kỳ thực phẩm chức năng nào, bao gồm cả thảo dược và nấm dược liệu.

1. Đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo có lẽ là loại nấm nổi tiếng nhất trong tất cả các loại nấm. Đây chính là loại nấm ký sinh gây bệnh cho nền văn minh được nhắc đến trong loạt phim “The Last of Us” (“Những người cuối cùng”) trên kênh truyền hình HBO và loại nấm này cũng là chủ đề thảo luận trên podcast của [bình luận viên nổi tiếng] Joe Rogan, ông tuyên bố sẽ dùng Đông trùng hạ thảo trước các buổi tập luyện.

Ông Rogan nói trong podcast, “Đông trùng hạ thảo giúp quý vị có thêm năng lượng.”

Có khoảng 750 loài Đông trùng hạ thảo có nguồn gốc từ các vùng núi cao của Trung Quốc.

Đông trùng hạ thảo rất độc đáo vì chúng bắt nguồn từ bào tử. Các loại đông trùng hạ thảo khác nhau ký sinh và phát triển trên các loại côn trùng khác nhau. Sau đó, loại nấm này tiêu diệt vật chủ và bắt đầu mọc mầm từ xác của vật chủ. Có hai loại Đông trùng hạ thảo là Cordyceps Sinensis và Cordyceps Militaris

Cordyceps Sinensis

Cordyceps Sinensis (C. sinensis), còn gọi là nấm sâu bướm, bắt đầu vòng đời bằng cách ký sinh lên ấu trùng của loài sâu bướm sống dưới đất. Điều này khiến cho C. sinensis được xếp vào loại nấm ký sinh thay vì nấm thông thường.

Trong lịch sử, C. sinensis đã được dùng để điều trị một số bệnh, bao gồm các bệnh về phổi, thận, gan và tim mạch. Ngoài ra, C. sinensis còn được biết đến như một phương pháp để điều trị chứng rối loạn chức năng tình dục ở nam giới và tăng sức đề kháng. Điều thú vị là vào năm 1993, thị trường C. sinensis ở Trung Quốc bùng nổ khi đội điền kinh nữ của Trung Quốc liên tiếp lập kỷ lục thế giới, [các thành tích này] được cho là nhờ dùng thuốc bổ làm từ nấm sâu bướm.

Từ đó, giá của C. sinensis cũng tăng vọt, một nghiên cứu năm 2020 cho biết giá của C. sinensis là 20,000 USD/kg, khiến C. sinensis trở thành “loại nấm đắt nhất thế giới.”

C. sinensis chính gốc, được nuôi bằng cách ký sinh lên ấu trùng sâu bướm đêm, chỉ được tìm thấy trên Cao nguyên Tây Tạng. Mặc dù C. sinensis không có trong thực phẩm chức năng nhưng quý vị có thể mua dạng nguyên con ở một số nước Á Châu.

Cordyceps Militaris

Cordyceps Militaris có thể được nuôi cấy mà không cần [ký sinh trên] côn trùng. Việc nuôi cấy trên giá thể là ngũ cốc thay vì côn trùng giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn và giá cả phải chăng hơn. Hơn nữa, các thành phần hóa học của C. sinensis và C. militaris có thể thay thế cho nhau về mặt lâm sàng vì hai loài này có một số hoạt chất sinh học giống nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy C. militaris có hàm lượng cordycepin và adenosine cao hơn nhiều so với C. sinensis, giúp cho C. militaris trở thành lựa chọn tốt hơn.

Các loại nấm dược liệu: Đông trùng hạ thảo, Linh chi và Bờm sư tử
Nấm Đông trùng hạ thảo hoang dã. (Ảnh: Edwin Butter/Shutterstock)

Lợi ích sức khỏe của Đông trùng hạ thảo

Do C. sinensis rất khó tìm, nên các thông tin tham khảo sau đây về Đông trùng hạ thảo đều liên quan đến Cordyceps militaris.

Đông trùng hạ thảo đã thu hút được sự chú ý trong giới khoa học nhờ vào hàm lượng cordycepin. Cordycepin là một chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học mạnh mẽ được tạo ra trong Đông trùng hạ thảo. Nghiên cứu cho thấy cordycepin có đặc tính chống ung thư, chống oxy hóa và kháng viêm. Ngoài ra, cordycepin còn có tác dụng dược lý tiềm năng trên gan, thận và hệ tim mạch.

Các nhà nghiên cứu tin rằng Đông trùng hạ thảo và cordycepin dần dần có thể được sử dụng thương mại trong ngành dược phẩm.

Đông trùng hạ thảo có lẽ được biết đến nhiều nhất nhờ khả năng tăng mức năng lượng và hỗ trợ cơ thể sản xuất adenosine triphosphate (ATP), nguồn năng lượng chính cho tế tế bào. Cordycepin có tính chất hóa học tương tự như adenosine.

Một nghiên cứu trên 28 người trưởng thành tiêu thụ hỗn hợp nấm có chứa Đông trùng hạ thảo trong khi vận động thể chất cường độ cao trong ba tuần đã cho thấy sự cải thiện đáng kể mức VO2 max, lượng oxy mà cơ thể hấp thụ khi vận động mạnh, đây là chỉ số đánh giá sức khỏe tim mạch.

Cô Opienski cho biết, nếu quý vị khỏe mạnh và muốn dùng sản phẩm [chức năng] để tăng năng lượng tế bào và oxy hóa thì Đông trùng hạ thảo là lựa chọn tuyệt vời cho các vận động viên muốn cải thiện thành tích thể thao.

Rủi ro và tác dụng phụ của Đông trùng hạ thảo

Hầu hết mọi người dung nạp tốt Đông trùng hạ thảo nhưng loại nấm này có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa như: buồn nôn, tiêu chảy và khô miệng. Loại nấm này có tác dụng hạ đường huyết và kháng virus, do đó cần thận trọng khi dùng đồng thời với thuốc kháng virus hoặc thuốc chống tiểu đường.

2. Linh chi

Doanh số bán hàng hàng năm trên toàn cầu của nấm Linh chi đạt khoảng 4.3 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 6.4 tỷ USD vào năm 2028. Điều này khiến Linh chi trở thành một trong những loại nấm dược liệu phổ biến nhất trên thế giới thời nay. Linh chi được mệnh danh là “nấm trường sinh” trong văn hóa Nhật Bản. Ở Trung Quốc, loại nấm này được gọi là “Trường thọ” thay vì Linh chi và được mệnh danh là “thảo dược quyền năng.” Hàng ngàn năm qua, con người đã dùng nấm Linh chi để tăng cường sức sống, trợ giúp chức năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện tuổi thọ.

Tên khoa học của nấm Linh chi là Ganoderma lucidum, để mô tả thể quả sáng bóng của nấm — trong đó, “gano” nghĩa là sáng bóng và “derma” nghĩa là da.

Nấm Linh chi thường mọc theo dạng hình kệ trên thân cây chết hoặc đang mục. Linh chi sản xuất để làm thực phẩm chức năng thường được nuôi cấy trên các khúc gỗ tự nhiên hoặc gỗ tổng hợp trong điều kiện được kiểm soát.

Nấm Linh chi mọc ở một trang trại. (Ảnh: apiguide/Shutterstock)
Nấm Linh chi mọc ở một trang trại. (Ảnh: apiguide/Shutterstock)

Lợi ích sức khỏe của nấm Linh chi

Các lợi ích sức khỏe của nấm Linh Chi là nhờ vào hàm lượng beta-glucan, triterpenes và sterol cao có trong thành tế bào của nấm. Tuy nhiên, việc chiết xuất ba hợp chất này từ nấm không hề đơn giản và việc ăn trực tiếp nấm cũng không có lợi vì các hợp chất này bị bao bọc bên trong thành tế bào và phải được chiết xuất bằng nước nóng hoặc rượu.

Các lợi ích sức khỏe nấm Linh chi được báo cáo rất ấn tượng, giúp loài nấm này trở thành một trong những loại nấm dược liệu được dùng phổ biến nhất trên thế giới. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các cơ chế hoạt động thật sự của nấm Linh chi khiến loài nấm [có dược tính] mạnh mẽ như vậy. Bên cạnh nhiều lợi ích tiềm năng như giảm cholesterol, hạ đường huyết và hạ huyết áp, nấm Linh chi được biết đến nhiều nhất với các đặc tính khác.

Cô Opienski cho biết, nấm Linh chi là một trong những loại nấm có khả năng điều hòa miễn dịch mạnh nhất. Loài nấm này còn được biết đến như một chất cân bằng hệ thần kinh và đã được sử dụng hàng ngàn năm qua trong y học cổ truyền để hỗ trợ giấc ngủ, giảm căng thẳng, giảm lo âu và trầm cảm. Cô giải thích trên podcast, “Nấm Linh chi được biết đến với tác dụng làm dịu hệ thần kinh và giúp làm chậm hoặc giảm phản ứng căng thẳng.”

Cô Opienski cũng cho biết nấm Linh chi được coi là nấm trường sinh vì đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ.

Cô nói, “Quá trình oxy hóa và viêm là hai trong số các nguyên nhân gây lão hóa tế bào,” đồng thời lưu ý rằng nấm Linh chi có thể giúp ngăn ngừa hai yếu tố này.

Mặc dù tất cả các loại nấm đều có tác dụng thích ứng, nấm Linh chi là một trong những [loài nấm có chứa] các chất thích ứng (adaptogens) được biết đến nhiều nhất, giúp cơ thể thích ứng với căng thẳng. Chất thích ứng là chất giúp làm dịu cơ thể và cho phép cơ thể thích nghi với căng thẳng. Nếu quý vị bị lo âu hoặc kích động quá mức, dùng nấm Linh chi có thể giúp làm dịu hệ thần kinh.

Nấm Linh chi có khả năng chống ung thư nhờ hàm lượng triterpen cao, làm giảm sự biểu hiện của metalloproteinase trong chất nền tế bào, một loại enzyme tạo điều kiện cho các tế bào ung thư di căn. Nấm Linh chi cũng hạn chế sự gắn kết của các tế bào ung thư với niêm mạc mạch máu để ngăn chặn sự lan rộng của các tế bào ung thư theo dòng máu.

Tác dụng chống khối u của Linh chi có thể giúp điều trị ung thư phổi, mô mềm, gan, máu trắng, vú, buồng trứng, đại tràng và bàng quang.

Cô Opienski cho biết nhờ tác dụng kháng viêm nên nấm Linh chi có thể được dùng trong điều trị chứng phì đại tuyến tiền liệt lành tính hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Một đánh giá tổng quan cho thấy bệnh nhân được chỉ định các phác đồ điều trị chống ung thư có chứa nấm Linh chi có khả năng đáp ứng với hóa trị và xạ trị cao hơn 1.27 lần. Một nghiên cứu khác cho thấy 65% ​​bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến triển cho biết chất lượng cuộc sống đã cải thiện sau khi dùng nấm Linh chi.

Rủi ro và tác dụng phụ của nấm Linh chi

Nấm Linh chi có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ bao gồm buồn nôn và mất ngủ. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, mặc dù hiếm gặp, bao gồm nhiễm độc gan, tiêu chảy mạn tính, nhiễm ký sinh trùng ảo tưởng (ảo tưởng rằng mình bị nhiễm ký sinh trùng) và tăng bạch cầu ái toan, một loại tế bào bạch cầu.

Người đang dùng thuốc chống đông máu nên thận trọng khi dùng các sản phẩm từ nấm Linh chi do nguy cơ chảy máu tăng cao. Nấm Linh chi cũng có thể làm tăng sức đề kháng và chống chỉ định đối với người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Vì nấm Linh chi có thể làm giảm huyết áp, nên việc dùng nấm Linh chi cùng với thuốc điều trị cao huyết áp có thể khiến huyết áp xuống quá thấp.

Dùng nấm Linh chi với thuốc chống tiểu đường cũng có thể khiến lượng đường trong máu giảm quá thấp.

3. Bờm sư tử (Hầu thủ)

Nấm Bờm sư tử (Hericium erinaceus) không phải là loại nấm điển hình gồm có mũ nấm và thân nấm. Thay vào đó, nấm Bờm sư tử có “răng” thay vì mang, nơi phóng thích các bào tử. Đây là một loại nấm hoại sinh, mọc trên các cây chết hoặc khúc gỗ mục. Quý vị có thể dễ dàng nhìn thấy loại nấm này khi đi dạo trong rừng vào cuối mùa hè và mùa thu.

Nghiên cứu cho thấy nấm Bờm sư tử có các hoạt chất sinh học độc đáo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nấm bờm sư tử ăn được (Hericium erinaceus) mọc trên cây. (Ảnh: Kirsanov Valeriy Vladimirovich/Shutterstock)
Nấm bờm sư tử ăn được (Hericium erinaceus) mọc trên cây. (Ảnh: Kirsanov Valeriy Vladimirovich/Shutterstock)

Lợi ích sức khỏe của nấm Bờm sư tử

Hai hoạt chất sinh học chỉ có ở nấm Bờm sư tử là hericenone và erinacine, giúp hỗ trợ sức khỏe bộ não, hệ miễn dịch và đường tiêu hóa. Theo truyền thống, nấm Bờm sư tử được biết đến với công dụng cải thiện sức khỏe tiêu hóa bằng cách ngăn chặn vi khuẩn gây loét dạ dày nhưng gần đây loài nấm này được biết đến nhiều hơn với các lợi ích tiềm năng trong việc hỗ trợ sức khỏe bộ não.

1. Các lợi ích tiềm năng cho bộ não

Hai hoạt chất sinh học là hericenone và erinacine giúp nấm Bờm sư tử khác biệt với tất cả các loại nấm khác vì hai hoạt chất này có thể dễ dàng vượt qua hàng rào máu não và kích thích sản xuất yếu tố tăng trưởng thần kinh (NGF). NGF có vai trò quan trọng trong việc phát triển các tế bào thần kinh và bảo vệ các bộ phận của bộ não khỏi tình trạng viêm gây hại, vốn là nguyên nhân gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh đa xơ cứng.

Nấm Bờm sư tử cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng sa sút trí tuệ. Một nghiên cứu cho thấy người trưởng thành từ 50 đến 80 tuổi dùng 250mg nấm Bờm sư tử 3 lần mỗi ngày trong 16 tuần đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra nhận thức so với nhóm dùng giả dược và có khả năng nhận thức tổng thể tốt hơn trong quá trình dùng thực phẩm bổ sung này. Tuy nhiên, điểm kiểm tra của họ giảm bốn tuần sau khi nhóm nghiên cứu ngừng sử dụng nấm Bờm sư tử.

Cũng có bằng chứng cho thấy nấm Bờm sư tử có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm, giảm lo âu và giảm căng thẳng. Trong một nghiên cứu năm 2010, người tham gia ăn bánh quy có bổ sung 0.5g thể quả của nấm Bờm sư tử trong 4 tuần cho thấy họ ít lo lắng hơn so với những người ăn bánh quy giả dược. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự gia tăng NGF góp phần tạo ra tác dụng chống lo âu.

2. Yếu tố tăng trưởng thần kinh (NGF) và trục ruột-não

Yếu tố tăng trưởng thần kinh không chỉ giới hạn ở sức khỏe thần kinh, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh một số hoạt động trong cơ thể. Khi thiếu yếu tố này có thể liên quan đến bệnh tim, tiểu đường loại 2 và các tình trạng viêm khác.

Nấm Bờm sư tử theo truyền thống được dùng để điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa như loét dạ dày và viêm dạ dày mạn tính. Bằng chứng mới cho thấy mối liên quan giữa nấm Bờm sư tử với NGF là rất quan trọng trong việc tái cân bằng và cải thiện hệ vi sinh đường ruột. Kích thích NGF có thể cân bằng vi khuẩn đường ruột, giúp chữa lành niêm mạc ruột. NGF tăng lên cũng có thể chữa lành hệ thần kinh ruột (hệ tiêu hoá) và hệ thần kinh, kích thích “trục ruột-não,” [là con đường] giao tiếp hai chiều giữa hệ thần kinh trung ương (bộ não) và hệ thần kinh ruột của đường tiêu hóa (hệ tiêu hoá). Trục ruột-não bị gián đoạn có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần, bao gồm hội chứng ruột kích thích, trầm cảm và lo âu.

Rủi ro và tác dụng phụ của nấm Bờm sư tử

Nấm Bờm sư tử có một số tác dụng phụ, bao gồm đau bụng và phát ban da nếu dùng liều cao hơn. Loài nấm này cũng có thể làm chậm thời gian đông máu, do vậy người đang dùng thuốc làm loãng máu cần thận trọng. Nấm Bờm sư tử cũng có thể làm giảm đường huyết, không nên dùng cùng với thuốc hạ đường huyết.

Kết luận

Có rất nhiều loại nấm dược liệu mọc trong vương quốc nấm. Đông trùng hạ thảo, Linh chi và Bờm sư tử là những loại phổ biến nhất nhưng chắc chắn không phải là những loại duy nhất có lợi ích chữa bệnh tiềm năng.

Nấm là các thực thể độc đáo, không phải thực vật cũng không phải động vật. Các hợp chất và chất chuyển hóa độc đáo sản sinh từ nấm sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng cũng như giới khoa học. Khi có thêm nhiều nghiên cứu, chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều hơn về cách dùng những loại nấm dược liệu này như là những đồng minh đắc lực trong hành trình tìm kiếm sức khỏe và sức sống.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Allison DeMajistre
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Allison DeMajistre, BSN, RN, CCRN, là một nhà văn y tế tự do của The Epoch Times. Cô là một y tá đã được chứng nhận và từng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc tích cực. Cô chuyên viết về các chủ đề liên quan đến bệnh tim mạch.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn