Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, chịu trách nhiệm về cuộc bức hại Pháp Luân Công, qua đời ở tuổi 96
Theo các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân, người đã một tay phát động một trong những cuộc đàn áp tàn bạo nhất đối với một nhóm tín ngưỡng trong thời hiện đại, qua đời ở tuổi 96.
Ông Giang Trạch Dân, lãnh đạo cao nhất của chế độ cộng sản này từ năm 1993 đến năm 2003, đã qua đời vì bệnh bạch cầu và suy đa tạng. Ông mất lúc 12 giờ 13 phút chiều giờ địa phương ở Thượng Hải, nơi ông từng là thị trưởng thành phố.
Di sản của ông là một trong những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong lịch sử, chịu trách nhiệm cho vô số nhân mạng do vai trò lãnh đạo của ông trong việc phát động cuộc đàn áp chống lại Pháp Luân Công hồi năm 1999.
Thăng tiến trong sự nghiệp chính trị
Ông Giang sinh ngày 17/08/1926, tại Dương Châu, tỉnh duyên hải Chiết Giang thuộc miền Đông Trung Quốc, một khu vực nằm ở phía tây bắc trung tâm tài chính Thượng Hải.
Theo lời ông Giang, người chú của ông, một anh hùng cộng sản bị thiệt mạng khi chiến đấu với quân Nhật trong Đệ nhị Thế chiến, đã nhận nuôi ông khi ông mới 13 tuổi. Trong khi các nhà sử học vẫn hoài nghi về tuyên bố này của ông Giang, thì rõ ràng là ông ta đã tìm cách tách mình ra khỏi mối liên hệ với người cha Giang Thế Tuấn (Jiang Shijun). Ông Thế Tuấn từng là một bộ trưởng trong chính phủ bù nhìn dưới thời chiếm đóng của Nhật Bản trong những năm 1940, một chức vụ được xem là Hán gian.
Theo tiểu sử của ông trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, ông Giang gia nhập Đảng vào năm 1946 khi đang theo học tại Đại học Giao thông Thượng Hải.
Cũng theo tờ Nhân dân Nhật báo, năm 1956, ông Giang sang Nga sinh sống, làm một thực tập sinh tại Nhà máy Xe hơi Stalin. Tuy nhiên, đã có đồn đoán cho rằng ông Giang gia nhập Quân khu Viễn Đông của KGB khi được đào tạo ở Moscow.
Năm 1985, ông trở thành thị trưởng Thượng Hải kiêm phó bí thư Thành ủy Thượng Hải, và gia nhập Cục Chính trị của Ủy ban Trung ương vào năm 1987.
Năm 1989, ông Giang thăng tiến quyền lực, ngay sau khi lãnh đạo tối cao đương thời Đặng Tiểu Bình điều động thiết vận xa và quân đội để đàn áp những sinh viên biểu tình đòi dân chủ tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Chỉ vài tuần sau vụ đại thảm sát này, ông Giang đã được tiến cử lên làm tổng bí thư Đảng, lãnh đạo chính quyền, thay thế ông Triệu Tử Dương, vốn là người đồng cảm với những sinh viên biểu tình.
Nhiều người tin rằng ông Giang, đột ngột được thăng chức khi sắp sửa mãn nhiệm chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải vào thời điểm đó, là người đã được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc đàn áp quân sự tại trung tâm chính trị của đất nước, nơi đã sát hại ước tính hàng ngàn người biểu tình không vũ trang.
Năm 1990, ông Giang nắm quyền lãnh đạo quân đội sau khi ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố từ chức. Ba năm sau, ông Giang có thêm chức danh chủ tịch nước.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Giang thường ca ngợi những thành tựu của mình, trong đó có việc lấy lại Hồng Kông từ sự cai trị của Anh quốc vào năm 1997, và đưa đất nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.
Tuy nhiên, điều mà ông Giang chưa bao giờ đề cập đến là vô số những người bất đồng chính kiến Trung Quốc đã bị giam giữ sau song sắt. Hành động đàn áp của ông Giang đã lên một tầm cao mới vào năm 1999, khi ông phát động cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Chiến dịch chính trị tàn bạo này cũng khiến ông Giang trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên phải đối mặt với các vụ kiện khi đang nắm quyền. Năm 2009, ông Giang và bốn quan chức cao cấp của ĐCSTQ đã bị truy tố vì phạm tội tra tấn và diệt chủng đối với các học viên Pháp Luân Công tại tòa án quốc gia Tây Ban Nha.
Năm 2003, ba nhóm ủng hộ Tây Tạng đã cùng nhau đệ một đơn kiện hình sự lên Tối cao Pháp viện Tây Ban Nha, cáo buộc ông Giang và ông Lý Bằng, cả hai đều đã mãn nhiệm lần lượt chức chủ tịch nước Trung Quốc và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (hay Quốc hội), phạm tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại ở Tây Tạng.
Một cuộc đàn áp sâu rộng
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, gồm các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý phổ quát chân, thiện, và nhẫn cùng với các bài tập tĩnh tại hàng ngày. Kể từ khi được giới thiệu tại Trung Quốc vào năm 1992, môn tu luyện này đã trở nên phổ biến, ước tính đã có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên tại Trung Quốc đại lục đến cuối thập niên 90.
Ngày 10/06/1999, để chuẩn bị cho chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công, ông Giang đã ra lệnh trực tiếp thành lập một tổ chức Đảng ngoài vòng pháp luật với mục đích phối hợp và chỉ thị cuộc đàn áp sắp tới thông qua các chi nhánh trên toàn quốc. Được biết đến với tên gọi Phòng 610 vì ngày thành lập tổ chức này là ngày 10/06, cấu trúc và các chức năng của tổ chức này tương đương với cơ quan Gestapo khét tiếng của Đức Quốc Xã.
Ông Giang đã tuyên bố rằng ông sẽ xóa sổ Pháp Luân Công trong vòng ba tháng bằng cách bôi nhọ thanh danh của các học viên, vắt kiệt tài chính của họ, và hủy hoại thân thể họ. Học viên nào bị sát hại trong cuộc bức hại sẽ được tuyên bố là do nạn nhân tự sát và hỏa táng ngay lập tức mà không có chứng nhận [nguyên nhân tử vong]. Chính quyền Trung Quốc đã điều động mọi nguồn lực sẵn có — bao gồm hệ thống tòa án, các ban tuyên truyền, các tổ chức văn hóa và chính trị, và các trường học — nhằm nỗ lực xóa sổ Pháp Luân Công.
Các hãng truyền thông nhà nước — truyền hình, đài phát thanh, báo chí, và sau này có cả Internet — ở mọi cấp độ đã phục vụ ĐCSTQ để tạo ra những tin giả vu khống các bài giảng của Pháp Luân Công, bôi nhọ nhà sáng lập pháp môn này, và hạ thấp nhân phẩm của các học viên. Chiến dịch gây thù hận đã tạo ra nhiều trò lừa bịp, chẳng hạn như “1,400 ca tử vong” được cho là do việc tu luyện Pháp Luân Công gây ra, vụ tự thiêu tại Thiên An Môn được dàn dựng, và tuyên bố rằng Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với Đảng do “các lực lượng chống Trung Quốc” ở ngoại quốc dàn dựng.
ĐCSTQ cũng mở rộng tuyên truyền ra ngoại quốc để phỉ báng Pháp Luân Công và chính trị hóa vấn đề này. Nhiều hãng truyền thông quốc tế lặp đi lặp lại những lời lẽ miệt thị và các luận điệu do ĐCSTQ thêu dệt để vu khống Pháp Luân Công, đẩy cuộc bức hại này ra vũ đài thế giới một cách hiệu quả bằng cách khiến khán giả hiểu lầm hoặc cảm thấy thù địch đối với môn tu luyện này.
Dưới sự lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân, chính quyền Trung Quốc đã tự do sử dụng bạo lực cực đoan, tuyên truyền liên tục, và các chiến thuật tẩy não nhằm buộc các học viên Pháp Luân Công phải lựa chọn giữa đức tin và mạng sống của họ. Trong suốt cuộc bức hại này, hàng triệu người đã bị cầm tù hoặc bị giam giữ trong các trại lao động, các trại tạm giam, bệnh viện tâm thần, cơ sở cai nghiện ma túy, hoặc “hắc lao” không chính thức vì họ không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Các nhóm nhân quyền đã ghi lại hơn 100 phương pháp tra tấn mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để bức hại Pháp Luân Công, cũng như việc sử dụng các chất độc hại, gây hại cho thần kinh. Nhiều học viên đã qua đời, chịu thương tật, hoặc trở nên điên loạn vì bị ngược đãi như vậy.
Rất khó ước tính số người thiệt mạng do cuộc đàn áp này gây ra, vì việc truyền thông tin ra khỏi Trung Quốc đại lục gặp khó khăn. Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ do các học viên Pháp Luân Công thành lập để ghi lại cuộc bức hại, đã xác nhận và xác thực 4,828 học viên đã tử vong dưới bàn tay của chính quyền này vì không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng con số thật sự có thể còn lớn hơn rất nhiều do nhiều trường hợp tử vong đã không được báo cáo, hoặc do các nạn nhân đã bị sát hại trong những điều kiện tối mật — chẳng hạn như để thu hoạch nội tạng của họ.
Bên cạnh các hình thức tra tấn về tinh thần và thể xác, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời ông Giang Trạch Dân còn áp đặt các biện pháp để loại Pháp Luân Công ra khỏi đời sống cộng đồng. Các học viên đã bị sa thải, bị đuổi học khỏi trường phổ thông hoặc đại học, hoặc bị tước mất lương hưu và các phúc lợi khác. Thân nhân của các học viên cũng phải gánh chịu nỗi thống khổ to lớn, vì cuộc đàn áp này đã làm cho vô số gia đình tan vỡ.
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Năm 2006, một phụ nữ đến từ vùng đông bắc Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ đã trở thành nhân chứng đầu tiên lên tiếng về nạn thu hoạch nội tạng, khi cô làm chứng rằng chồng cũ của mình đã mổ lấy giác mạc của hàng ngàn học viên Pháp Luân Công kể từ đầu những năm 2000.
Trong những năm kể từ thời điểm đó, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) và các nhà nghiên cứu độc lập khác đã tiến hành các cuộc điều tra sâu rộng và kiểm chứng các cáo buộc thu hoạch nội tạng. Một điều tra viên gọi đó là một tội ác “chưa từng thấy trên hành tinh này.”
Năm 2016, các nhà điều tra David Kilgour, David Matas, và Ethan Gutmann đã cùng xuất bản một báo cáo dài 700 trang về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Họ ước tính rằng các bệnh viện Trung Quốc đã thực hiện 60,000 đến 100,000 ca phẫu thuật cấy ghép hàng năm và nguồn hiến tặng chính đến từ các học viên Pháp Luân Công.
Vào năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập bao gồm một hội đồng gồm các luật sư và chuyên gia nhận thấy, vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý, rằng chính quyền Trung Quốc đã và đang tiếp tục thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống “trên một quy mô đáng kể” trong nhiều năm, và rằng các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính. Tòa án này đã ra phán quyết rằng hoạt động này tương đương với tội ác phản nhân loại.
Ảnh hưởng chính trị kéo dài
Năm 2002, ông Giang chuyển giao chức danh bí thư đảng cho ông Hồ Cẩm Đào, và một năm sau đó ông chuyển giao chức danh chủ tịch nước. Nhưng ông vẫn giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng, giám sát quân đội của chính quyền này cho đến năm 2004.
Ngay cả sau khi đã từ bỏ mọi chức vị, ông Giang vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng chính trị từ sau hậu trường thông qua những thân tín của mình.
Khi ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo hiện tại của chính quyền, lên nắm quyền vào năm 2012, nhiều đồng minh của ông Giang, được gọi là “Băng đảng Thượng Hải,” vẫn còn tại vị trong quân đội, ngành tư pháp, bộ máy an ninh, và các chính quyền địa phương.
Trong số đó có ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Ban Thường vụ Chính trị ĐCSTQ và là cựu lãnh đạo bộ máy an ninh nội bộ của chính quyền.
Để ủng hộ người bảo trợ của mình là ông Giang, ông Chu đã trung thành thực thi cuộc bức hại Pháp Luân Công. Theo trang Minghui.org, ông Chu, từng là Bí thư Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên thuộc phía tây nam Trung Quốc, đã thưởng cho những người trong các trại tù và trại lao động những phần thưởng tài chính vì đã tích cực tra tấn các học viên của nhóm tín ngưỡng này. Ông Chu cũng có khả năng đóng một vai trò lãnh đạo trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức có thể diễn ra.
Năm 2015, ông Chu đã bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm quyền, làm rò rỉ bí mật quốc gia, cùng nhiều tội danh khác. Bản án của ông Chu được các hãng truyền thông do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn mô tả là một chiến thắng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.
Ảnh hưởng chính trị của ông Giang gần đây đã giảm dần sau khi nhiều nhân vật cao cấp trong phe ông Giang, chẳng hạn như cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Tôn Lập Quân, đã bị giam giữ và bị kết án trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.
Trong những năm qua, ông Tập đã thắt chặt kiểm soát Đảng, thanh trừng các nhân vật trong phe của ông Giang. Ông Tập củng cố vững chắc quyền kiểm soát của mình tại Đại hội Đảng lần thứ 20 diễn ra hồi tháng Mười, khi ông bảo toàn được nhiệm kỳ thứ ba và đưa bốn đồng minh của mình vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, cơ quan đầu não nội bộ của Đảng.
Tàn phá nền kinh tế
Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công trong hai thập niên qua đã tiêu tốn một lượng lớn nguồn lực tài chính, con người và xã hội, đồng thời gây thiệt hại cho quốc gia và người dân Trung Quốc một tài sản không thể tính đếm được.
Theo các cuộc điều tra của WOIPFG, Trung Quốc đã chi trung bình gần một phần tư doanh thu hàng năm để đàn áp Pháp Luân Công trong những năm cao điểm của cuộc bức hại. Một nguồn tin khác chỉ ra rằng ĐCSTQ đã điều động các nguồn lực tương đương 3/4 GDP của Trung Quốc để duy trì cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Một quan chức của Bộ Tài chính Trung Quốc thừa nhận rằng “chính sách đàn áp Pháp Luân Công được duy trì nhờ một khoản tài trợ hào phóng. Nếu không có số tiền này, thì họ sẽ không thể duy trì cuộc đàn áp.”
Băng đảng ông Giang đã điều động hàng triệu nhân viên để thực hiện cuộc đàn áp. Tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, và các lợi ích khác được phân phối cho nhóm này vượt quá 100 tỷ nhân dân tệ trong chi tiêu hàng năm.
Những ví dụ về các chi phí khác liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công bao gồm việc sử dụng các phần thưởng tài chính để khuyến khích người dân tố giác các học viên với chính quyền, thuê đặc vụ và côn đồ ở ngoại quốc để theo dõi và sách nhiễu các cộng đồng Pháp Luân Công ở ngoại quốc, mua phương tiện truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại để bôi nhọ Pháp Luân Công, và viện trợ ngoại quốc dành cho các nước đang phát triển để đổi lấy việc ủng hộ thành tích nhân quyền của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc và tại các diễn đàn quốc tế khác.
Ghi chú của biên tập viên:
Để phơi bày tội ác to lớn, vô tiền khoáng hậu trong việc thăng tiến quyền lực và cai trị của ông Giang, năm 2014, The Epoch Times đã phát hành một loạt bài viết được trình bày theo các chương như một cuốn sách có nhan đề “Bất Cứ Điều Gì Vì Quyền Lực: Câu Chuyện Về Giang Trạch Dân Của Trung Quốc.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times