Đảo chính ở Niger: Những lo ngại về kế hoạch sử dụng quân đội khu vực để khôi phục nền dân chủ
Hôm 26/07, Niger chìm trong cảnh tượng hỗn loạn chính trị khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị lực lượng bảo vệ tổng thống lật đổ trong một cuộc đảo chính. Đây là một nhóm có nhiệm vụ bảo vệ văn phòng của ông và bảo vệ đất nước khỏi các cuộc đảo chính như cuộc đảo chính mà họ đã thực hiện.
Thông báo trên một đài truyền hình nhà nước Niger, nhóm binh sĩ này cho biết việc họ giành quyền kiểm soát là do “tình hình an ninh tiếp tục xấu đi, quản lý kinh tế và xã hội yếu kém,” và rằng “các lực lượng quốc phòng và an ninh đang kiểm soát tình hình. Tất cả các đối tác bên ngoài được yêu cầu không can thiệp.”
Hai ngày sau, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống Niger từ năm 2011, tuyên bố mình là nguyên thủ quốc gia trong một bài diễn văn trên truyền hình.
Xét về địa lý, Niger là quốc gia lớn nhất ở Tây Phi, thuộc khu vực Sahel — một khu vực bất ổn với các cuộc đảo chính quân sự bủa vây tứ phía và thường xuyên xảy ra các cuộc nổi dậy có liên quan đến các nhóm khủng bố như Boko Haram, al Qaeda, và ISIS.
Trước cuộc đảo chính này, Niger là một trong số ít các nền dân chủ còn lại ở Sahel, và ông Bazoum là nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ đầu tiên kế vị một nhà lãnh đạo khác kể từ khi Niger giành độc lập khỏi Pháp vào năm 1960.
Tuy vậy, cuộc đảo chính gần đây không gây ngạc nhiên vì đất nước này liên tục phải đối mặt với mối đe dọa nổi dậy. Ngay cả khi ông Bazoum được bầu làm tổng thống vào năm 2021, đã có một âm mưu đảo chính khoảng hai ngày trước khi ông nhậm chức nhưng đội cận vệ của tân tổng thống đã ngăn chặn thành công nỗ lực này.
‘Ngoại giao cưỡng chế’
Cuộc đảo chính gần đây của Niger đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới cũng như sự lên án từ các quốc gia Tây phương bao gồm Hoa Kỳ, EU, Anh quốc, Liên minh Phi Châu, khối khu vực Tây Phi ECOWAS, và Pháp – cường quốc thực dân trước kia của Niger.
Mặc dù Nga lên án cuộc đảo chính này, nhưng ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, được cho là đã ca ngợi việc cuộc đảo chính quân sự ở Niger. Ông mô tả sự kiện này “không gì khác hơn là cuộc tranh đấu của người dân Niger với quân thực dân của họ.”
Khi Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) phản ứng hôm 30/07, đầu tiên họ ban hành lệnh trừng phạt Niger và sau đó đưa ra tối hậu thư cho chính quyền quân sự cai trị yêu cầu họ nhượng lại quyền lực trong vòng một tuần hoặc đối mặt với một cuộc can thiệp quân sự.
ECOWAS là một khối liên minh khu vực bao gồm 15 quốc gia Tây Phi.
Nhưng kế hoạch sử dụng vũ lực của ECOWAS không nhận được sự đồng tình của một số nhóm và thậm chí cả các chính phủ do quân đội quản lý trong khu vực.
Hôm 31/07, Burkina Faso và Mali — cả hai quốc gia thành viên ECOWAS nằm dưới sự quản lý của quân đội — đã đưa ra một tuyên bố chung cảnh báo rằng “bất kỳ sự can thiệp quân sự nào đối với Niger sẽ được xem là một lời tuyên chiến chống lại Burkina Faso và Mali.”
Guinea, quốc gia nằm dưới sự quản lý của quân đội từ năm 2021, cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Niger và kêu gọi khối này “tỉnh táo lại.”
Tuy nhiên, thời hạn ngày 07/08 của ECOWAS đã qua đi mà không có gì thay đổi khi chính quyền quân sự Niger từ chối rút lui khỏi quyền lực và trả tự do cho ông Bazoum đang bị giam giữ.
Thay vào đó, chính quyền quân sự này đã thông báo vài giờ trước thời hạn của khối rằng không phận của đất nước sẽ bị đóng cửa cho đến khi có thông báo mới vì “mối đe dọa can thiệp đang được chuẩn bị ở một quốc gia láng giềng.”
Chính quyền quân sự đã cho thấy tinh thần sẵn sàng của họ trước một cuộc can thiệp quân sự tiềm tàng khi binh lính từ các vùng khác của đất nước mới đây đã xuất hiện ở Niamey, thủ đô của Niger.
Nhưng các nhà lãnh đạo của ECOWAS từng nói rằng mọi phương án đều đang được xem xét — bao gồm cả việc sử dụng vũ lực — để khôi phục nền dân chủ ở Niger và trả tự do cho ông Bazoum.
Khối khu vực đã nhắc lại điều này khi triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp được tổ chức hôm 10/08 tại Abuja, Nigeria.
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, người đảm nhận chức chủ tịch ECOWAS hồi tháng Bảy, cho biết vào cuối hội nghị thượng đỉnh rằng, “Mọi phương sách đều được đưa ra thảo luận, kể cả việc sử dụng vũ lực như là phương sách cuối cùng.”
Những nhà lãnh đạo của khối này cũng chỉ thị khai triển một lực lượng trực chiến để khôi phục nền dân chủ ở Niger. Ngay trước khi ECOWAS chỉ thị khai triển lực lượng trực chiến, chính quyền quân sự của Niger đã đe dọa sẽ sát hại ông Bazoum nếu khối khu vực cố gắng can thiệp quân sự.
Trước đó, ông Tinubu đã viết thư gửi Quốc hội nước mình cho biết ECOWAS có ý định sử dụng vũ lực ở Niger nếu những nhà lãnh đạo cuộc đảo chính không nhượng lại quyền lực. Nhưng các nhà lập pháp, đặc biệt là những vị từ các tiểu bang phía bắc giáp với Niger, đã phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của quân đội.
Nhiều người Nigeria nói rằng đất nước của họ đang phải đối mặt với các vấn đề an ninh của chính mình, vì vậy việc Nigeria khai triển quân đội — đội quân hùng mạnh nhất trong khu vực — không phải là một quyết định khôn ngoan.
Hôm 12/08, một số cư dân ở tiểu bang Kano của Nigeria đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch sử dụng vũ lực để khôi phục chế độ dân chủ ở Niger.
Họ vừa diễn hành vừa hô vang: “Người Niger là anh em của chúng tôi. Người Niger cũng là gia đình của chúng tôi.”
Họ giương cao những cờ lá cờ của Nigeria và Niger và tiếp tục hô lớn: “Niger là của chúng tôi. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Cuộc chiến nhắm vào Niger là bất công, một âm mưu của các thế lực phương Tây.”
Họ lo sợ chiến tranh ở Niger sẽ có tác động tàn phá đối với Nigeria, đặc biệt là đối với các cộng đồng giáp ranh với quốc gia do quân đội kiểm soát.
Nhưng để khôi phục trật tự hiến định ở Niger và duy trì sự ổn định trong khu vực, ông Nnamdi Chife, một nhà phân tích an ninh ở Nigeria, nói rằng việc sử dụng vũ lực không phải là không thích đáng. Ông cho biết điều đó được gọi là “ngoại giao cưỡng chế; lực lượng được ngoại giao hậu thuẫn.”
“Việc Nigeria đang gặp những thách thức an ninh riêng không có nghĩa là chúng tôi không thể can thiệp [quân sự],” ông Chife nói với The Epoch Times. “Chiến tranh không dễ chịu, nhưng quý vị phải hậu thuẫn cho việc đàm phán ngoại giao của mình bằng vũ lực.”
“Chúng tôi không thể nói rằng vì chúng tôi đang đối mặt với những khó khăn an ninh nội bộ, nên chúng tôi cứ thế để cho các nền dân chủ bị lật đổ. Rất sớm thôi, một số người ở Nigeria có thể sẽ manh nhai hình thành ý tưởng [đảo chính] tương tự.”
Trong khi đó, ECOWAS trước đó đã gửi quân can thiệp vào Liberia, Sierra Leone, Guinea-Bissau, và Gambia vì những lý do khác nhau, trong đó có giúp chấm dứt các cuộc nội chiến.
Trường hợp của Gambia rất đáng chú ý.
Hồi năm 2017, ECOWAS đã khai triển lực lượng quân sự để lật đổ Tổng thống đương thời Yahya Jammeh, người không muốn chấp nhận thất bại và từ bỏ quyền lực sau cuộc bầu cử. Nhưng ông buộc phải từ chức sau khi phô trương vũ lực ở biên giới.
ECOWAS có đáng trách không?
Các cuộc đảo chính đang trở nên phổ biến ở châu Phi. Tất cả các cuộc đảo chính đều xảy ra ở châu Phi, trừ 17 cuộc đảo chính được ghi nhận ở những nơi khác trên khắp thế giới kể từ năm 2017, như một chính biến ở Myanmar năm 2021 chẳng hạn. Trong số sáu âm mưu đảo chính ở châu Phi hồi năm 2021, bốn âm mưu đã thành công, cho thấy các cuộc đảo chính dễ dàng được hình thành và thực hiện ở lục địa này.
Ông Chife cho biết các cuộc đảo chính thành công ở Burkina Faso, Guinea, và Mali có thể đã truyền động lực cho quân đội Niger lật đổ ông Bazoum. Ông quy trách nhiệm cuộc đảo chính này là do ECOWAS và Liên minh Phi Châu không có khả năng “thực hiện hành động đáng kể nào để ngăn chặn đảo chính.”
Ông Chife nói: “Những gì tôi mong đợi ECOWAS sẽ làm là hành động tương tự mà họ đang thực hiện, tức là sử dụng đàm phán và vũ lực để khôi phục nền dân chủ ở Niger. Những hành động tương tự như thế lẽ ra phải được thực hiện ở Burkina Faso và Mali.”
Các nhà phân tích nói rằng khu vực này cuối cùng có thể bị lật đổ nếu ECOWAS không hành động nhanh chóng để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực đảo chính nào khác.
Ông Chife nói: “Nếu không làm được như thế, thì những kẻ âm mưu đảo chính sẽ thành công, đảo chính sẽ trở thành một chuyện bình thường, và họ sẽ bắt đầu chuyển đổi nền dân chủ. Khu vực Tây Phi sẽ rất sớm chìm trong nội chiến.”
Sợ chiến tranh
Niger có nhiều nguồn tài nguyên và là nhà sản xuất lớn về uranium, một nguyên tố kim loại nặng cung cấp nhiên liệu hạt nhân. Mặc dù vậy, Niger — với dân số chỉ hơn 27 triệu người một chút — vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Nhiều người Nigeria đổ lỗi cho Pháp, cường quốc thực dân cũ cai trị Niger, là nguyên nhân gây ra tỷ lệ nghèo đói cao và tình trạng an ninh ngày càng xấu đi ở đất nước của họ.
Sau cuộc đảo chính, các cuộc biểu tình bài Pháp đã thu hút sự chú ý khi hàng ngàn người Niger ra đường để ủng hộ chính quyền quân sự, vẫy cờ Nga, và giương cao các biểu ngữ có dòng chữ “Đả đảo Pháp, ông Putin muôn năm.”
Mặc dù quốc gia giàu uranium này đang phải chống chọi với các cuộc nổi dậy từ các phần tử thánh chiến, nhưng nước này dường như tương đối ổn định hơn so với các nước láng giềng trong khu vực. Ông Bazoum là một đồng minh quan trọng của phương Tây trong việc kiềm chế hoạt động di cư bất hợp pháp và chiến đấu chống lại các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo ở Sahel.
Theo dự án Dữ liệu Sự kiện và Vị trí Xung đột Vũ trang, kể từ năm 2021, số người thiệt mạng được báo cáo do bạo lực và xung đột chính trị ở Niger thấp hơn so với các nước láng giềng trong khu vực Sahel.
Tuy nhiên, đội quân nổi dậy này nói rằng mối đe dọa thánh chiến là lý do chính khiến quân đội lên nắm quyền ở Niger.
Những cuộc đảo chính ở Burkina Faso và Mali không thay đổi được gì. Có nhiều người thiệt mạng hơn được ghi nhận trong các cuộc tấn công thánh chiến kể từ khi quân đội lên tiếp quản ở hai nước, bất chấp sự hiện diện của 1,000 lính đánh thuê được trang bị đầy đủ từ Tập đoàn Wagner ở Mali.
“Cả hai quốc gia đang tranh đấu để ngăn chặn những người Hồi Giáo, đó cũng là cái cớ mà họ đã đưa ra cho hành động tiếm quyền của mình. Họ chỉ tìm cơ hội để thâu tóm quyền lực,” ông Chife nói. “Niger đã cố gắng [chiến đấu với các chiến binh thánh chiến], vì vậy không có lý do gì để thâu đoạt quyền lực. Nếu cuộc đảo chính này không được giải quyết, thì vấn đề an ninh của Niger cũng có thể gia tăng,” chẳng hạn như ở Burkina Faso và Mali do quân đội cai trị.
Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Tập đoàn Wagner đang “lợi dụng ưu thế” từ sự bất ổn ở Niger.
Ngay cả ông Bazoum cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Wagner ở châu Phi.
Trong một bài bình luận đăng trên The Washington Post hôm 03/08, ông Bazoum viết rằng “với lời mời công khai từ những kẻ âm mưu đảo chính và các đồng minh trong khu vực của họ, thì toàn bộ khu vực trung tâm Sahel có thể rơi vào tầm ảnh hưởng của Nga thông qua Tập đoàn Wagner, một lực lượng mà sự khủng bố tàn bạo của họ đã lộ rõ ở Ukriane.”
Chưa rõ diễn biến tiếp theo là gì. Ông Chife nói: “Nỗi sợ hãi duy nhất là chiến tranh.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times