ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát xuất cảnh trong bối cảnh số lượng công dân chạy khỏi Trung Quốc gia tăng mạnh
ĐCSTQ được cho là đã thắt chặt kiểm soát việc đi ra ngoại quốc của công dân Trung Quốc để giữ thể diện khi rất nhiều người đang bỏ chạy.
Hiện tượng số lượng người dân Trung Quốc tham gia phong trào “bỏ chạy” gia tăng mạnh — tức là chạy khỏi Trung Quốc bằng cả phương thức hợp pháp và bất hợp pháp — đã thu hút sự chú ý của quốc tế kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp dụng lệnh phong tỏa hà khắc “zero-COVID” kéo dài 3 năm gây ra vô số bi kịch nhân đạo.
Hầu hết họ đều chọn những con đường khác nhau để đến Hoa Kỳ, điểm đến lý tưởng của họ.
Trong khi đó, ĐCSTQ được cho là đã thắt chặt kiểm soát việc đi ra ngoại quốc của công dân Trung Quốc để giữ thể diện vì rất nhiều công dân đang bỏ chạy, trái ngược với lời tuyên bố về sự “tin tưởng” vào hệ thống của ĐCSTQ.
Các con đường khác nhau
Theo những gì truyền thông đưa tin và theo lời chia sẻ của những công dân bỏ chạy nói với The Epoch Times, thì công dân Trung Quốc ở các tầng lớp kinh tế khác nhau lựa chọn những con đường khác nhau để vào Hoa Kỳ.
Những người có đủ tiền thì có thể vào Mexico thông qua thị thực Schengen hoặc thị thực thăm thân ngắn hạn. Một số sử dụng thị thực Hàn Quốc để vào Panama mà không cần thị thực, và một số người thì trực tiếp xin thị thực Mexico theo sự sắp xếp của một cơ quan và vượt qua biên giới phía nam Hoa Kỳ bằng con đường ngắn nhất.
Những người Trung Quốc khác đã đi những chặng đường dài hơn, đầu tiên là bay tới Thái Lan, sau đó tới Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đến Ecuador. Những người khác qua Hồng Kông để bay đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Lô (Lu), người đang kinh doanh ở Thái Lan, nói với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát xuất cảnh. Tên đầy đủ của ông, cùng với những người khác được đề cập trong câu chuyện này, sẽ được giữ kín vì sự an toàn.
Nếu mọi người tham gia một nhóm du lịch, họ sẽ không bị các nhân viên kiểm soát biên giới gây khó dễ. Nhưng những người đi du lịch độc lập rất có thể sẽ bị hải quan thẩm vấn trong thời gian dài về lý do họ đến Thái Lan.
“Các nhà chức trách lo ngại rằng sau khi người dân đến Thái Lan, họ có thể đi từ Thái Lan đến Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Mỹ, rồi vào Hoa Kỳ,” ông nói. “Một số người đến từ Thành Đô, Lạc Dương, và các vùng khác của Trung Quốc nói với tôi rằng khi họ rời Trung Quốc với tư cách cá nhân, thì tất cả họ đều bị thẩm vấn, thời gian thẩm vấn ngắn nhất là 25 phút.”
Ông Lô cho rằng sở dĩ hải quan thẩm vấn người dân như vậy là chắc hẳn họ đã nhận được lệnh từ cấp trên phải điều tra lý do người dân rời đi.
Ông Trương (Zhang), người vừa chạy khỏi Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng khi họ rời Trung Quốc qua Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 09/2023, việc này diễn ra tương đối suôn sẻ và không có nhiều hạn chế. Nhưng kể từ đầu tháng 12/2023, nước này bắt đầu thắt chặt các hạn chế.
Ông Trương cho biết một người bạn của ông đến Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 12/2023, nhưng tình hình đã khác.
“Ông ấy đã mua một vé máy bay bắt buộc phải quá cảnh ở Thành Đô, Trung Quốc. Có nghĩa là ông ấy phải bay từ Bangkok đến Thành Đô rồi mới tới được Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói. “Khi ông ấy đến Phi trường Thành Đô, nhân viên phi trường Trung Quốc này đã chặn ông ấy lại và cố gắng kéo ông ấy về khu nội địa của Trung Quốc, ngăn cản ông ấy rời đi. May mắn thay, ông ấy đi cùng một hành khách khác là người Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực quốc tế trong phi trường này và đã không đi qua phía khu vực Trung Quốc của phi trường. Một khi vào phía khu vực Trung Quốc, thì chắc chắn ông ấy sẽ không thể ra khỏi đất nước. Bây giờ ông ấy nghĩ về điều đó và cảm thấy khá đáng sợ.”
ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát để giữ thể diện
Ông Dương (Yang), một người Trung Quốc xa xứ ở Thái Lan, nói với The Epoch Times: “Những người Trung Quốc có ý định bỏ chạy đó, hầu hết đều đã rời đi sau khi ĐCSTQ từ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19. Hiện nay vẫn còn nhiều người rời đi hơn vì họ cần thời gian lo liệu về gia đình, con cái, địa sản, và việc buôn bán kinh doanh ở Trung Quốc, nên họ dần dần rời đi.” Ông cho rằng chắc chắn chế độ cộng sản này đang cố gắng trấn áp việc này, vì hiện nay có quá nhiều người Trung Quốc bỏ chạy.
“Nhiều người Trung Quốc chưa bị cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ thẩm vấn. Họ không bị ĐCSTQ chú ý, hoặc không phải là trọng tâm chú ý của đảng này, nên họ đã có thể rời đi. Những người bị an ninh quốc gia thẩm vấn đều bị hạn chế không được rời khỏi Trung Quốc, nên họ phải tìm cách rời khỏi nước này một cách bất hợp pháp,” ông nói.
Ông Ngụy (Wei), người mới đến Hoa Kỳ năm ngoái, kể với The Epoch Times: “Tôi nghe nhiều người nói rằng nhiều cảng ở Trung Quốc hiện đang thắt chặt việc kiểm soát xuất cảnh.”
Ông Lý Bắc Tỉnh (Li Beixing), đã đến Hoa Kỳ năm ngoái, chia sẻ với The Epoch Times: “Nhân viên hải quan của ĐCSTQ yêu cầu tôi lôi hết mọi thứ trong túi ra, sau đó họ lấy điện thoại di động của tôi để kiểm tra hồ sơ liên lạc của tôi. Họ thẩm vấn tôi ít nhất hai giờ đồng hồ, hỏi mọi câu hỏi mà họ có thể nghĩ ra.”
Ông Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua), cựu giám đốc tuân thủ của một công ty quản lý tài sản đại lục, nói với The Epoch Times rằng mọi người ở Hoa lục trước đây đều có thể nộp đơn xin cấp sổ thông hành, nhưng bây giờ thì không được nữa rồi. Những người có sổ thông hành cũng không được phép gia hạn.
Trong những ngày gần đây, một bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Bài đăng này cho biết huyện Liên Giang ở tỉnh Phúc Kiến đã tổ chức một cuộc họp với chủ đề là “Cuộc họp khai triển của huyện Liên Giang nhằm trấn áp nạn buôn lậu sang Hoa Kỳ và kiểm soát những kẻ chủ chốt liên quan đến gian lận” để nhắm mục tiêu vào phong trào “bỏ chạy” trong huyện này.
Ông Ngô (Wu) đến từ Phúc Kiến nói với The Epoch Times rằng những gì xảy ra ở Liên Giang là sự thật. Ông nói: “Nếu người nào bị bắt ở đó, thì họ sẽ bị phạt đến mức khuynh gia bại sản.”
Ông Ngô cho biết, huyện Liên Giang là quê hương của người Hoa kiều, và là nơi nổi tiếng về buôn lậu người ra ngoại quốc. Sau ba năm áp dụng lệnh phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ vì COVID-19, một số lượng lớn người dân đã bắt đầu lại bỏ chạy, và nhiều người đang được đưa lậu sang các nước khác, hầu hết đều trốn sang Hoa Kỳ.
“Tại sao [ĐCSTQ] cần phải trấn áp tình trạng đó? Mọi người đều đi hết, không còn ai ở đây nữa, và điều đó nghe có vẻ tệ trong cộng đồng quốc tế,” ông Wu nói.
Ông Lý (Li) ở Liên Giang cũng xác nhận tin tức của The Epoch Times về việc trấn áp của huyện Liên Giang, nói rằng tình hình gần đây rất nghiêm ngặt. “Chính vì ĐCSTQ sợ mất mặt, nên giới quan chức cấp cao đang kìm kẹp quan chức địa phương, giờ người bị bắt quả tang buôn lậu người ra ngoại quốc sẽ bị kết án tù.”
Hồi tháng Năm năm ngoái, nhóm nhân quyền quốc tế Safeguard Defenders đã công bố một báo cáo nói rằng ĐCSTQ “đang ngày càng phải sử dụng đến các lệnh cấm xuất cảnh để trừng phạt những người bảo vệ nhân quyền (HRD) và gia đình họ, bắt người làm con tin để buộc các mục tiêu ở ngoại quốc phải quay trở lại Trung Quốc (một thủ đoạn được gọi là thuyết phục quay trở về, một hình thức đàn áp xuyên quốc gia), kiểm soát các nhóm sắc tộc-tôn giáo, tiến hành ngoại giao con tin và đe dọa các ký giả ngoại quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times