Hoa Kỳ ‘thả nổi’ Bắc Hàn, Nam Hàn cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân để phòng vệ
Tổng thống Nam Hàn vừa nói với thế giới rằng ông không còn tin tưởng vào Hoa Kỳ nữa.
“Có khả năng vấn đề này trở nên tồi tệ hơn và đất nước chúng ta sẽ giới thiệu vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc tự chế tạo các loại vũ khí này,” Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết hôm 11/01 tại một cuộc họp chung giữa bộ quốc phòng và bộ ngoại giao của Nam Hàn. “Nếu đúng như vậy, chúng ta có thể nhanh chóng sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình, bằng khả năng khoa học và công nghệ của chúng ta.”
Mỹ có một nghĩa vụ theo hiệp ước bảo vệ Đại Hàn Dân Quốc, tên gọi chính thức của Nam Hàn, và Hoa Thịnh Đốn đã mở rộng “chiếc ô hạt nhân” để bảo vệ nước này. Nói cách khác, Hoa Kỳ đã cam kết rằng nếu cần thiết, họ sẽ phóng vũ khí hủy diệt nhất của mình vào những kẻ nào tấn công Nam Hàn. Do đó, việc ông Yoon tuyên bố rằng chính phủ của ông có thể phải tự trang bị vũ khí hạt nhân, trên thực tế, có nghĩa là ông tuyên bố rằng ông không tin tưởng Hoa Thịnh Đốn sẽ tôn trọng lời hứa của mình.
Không tin Mỹ ư? Đó là điều mà những bằng hữu của Mỹ có thể nói riêng — chẳng hạn như các đồng minh NATO luôn ca cẩm điều đó trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh — nhưng đó không phải là điều mà những bằng hữu của Mỹ chính thức nói trước công chúng, vốn là điều mà ông Yoon vốn thân Mỹ vừa làm.
Và ông Yoon có lý do để không tin tưởng. Như ông David Maxwell của Tổ chức Bảo vệ Các nền Dân chủ nói với Gatestone, “Ngày nay, ngay cả một người mù cũng có thể dự đoán được và biết rằng [nhà độc tài Bắc Hàn] Kim Jong-un sẽ không phi hạt nhân hóa mặc dù thực tế là các chính sách của ông ta đã bị thất bại thảm hại.”
Một trong những quốc gia nghèo khổ nhất trên thế giới này đã liên tục trở thành quốc gia quyền lực nhất trong lịch sử. Các tổng thống Mỹ từ ông Bill Clinton đến ông Joe Biden đều thất bại hoàn toàn trong việc ngăn chặn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) chế tạo vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa.
Thất bại đó trong việc ngăn chặn Bắc Hàn dẫn đến những hậu quả. Người Bắc Hàn chẳng hạn, bất cứ lúc nào họ muốn, cũng có thể biến Nam Hàn thành một bãi phóng xạ. Hơn nữa, hỏa tiễn Hwasong-17 của Bắc Hàn có thể vươn tới bất kỳ khu vực nào của Hoa Kỳ, và hỏa tiễn này sẽ có thể sớm mang một đầu đạn hạt nhân, nếu đã chưa thể được như vậy.
Có nhiều lý do dẫn đến thất bại này của Mỹ, nhưng lý do quan trọng nhất là trong nhiều thập niên, Hoa Thịnh Đốn đã coi trọng việc kết nạp Đảng Cộng sản Trung Quốc vào hệ thống quốc tế này hơn là giải trừ hạt nhân của Bắc Hàn. Chẳng hạn, Tổng thống George W. Bush đã đặt Bắc Kinh làm trung tâm của các nỗ lực của thế giới nhằm hạ bệ Bình Nhưỡng bằng cách cho phép nước này tiến hành Đàm phán Sáu bên tệ hại từ năm 2003 đến năm 2009. Trong thời kỳ đó, các quan chức Trung Quốc đã sử dụng vai trò trung tâm của họ trong các cuộc đàm phán để bảo vệ đồng minh quân sự chính thức duy nhất của họ, Bắc Hàn. Ngay cả ngày nay, Hoa Kỳ vẫn hy vọng hợp tác với Bắc Kinh để kiềm chế độ gia tộc Kim, điều mà Đảng cộng sản [TQ] không có ý định làm. Do nỗ lực chiếm cảm tình người Trung Quốc, chính phủ ông Biden đang miễn phí cho Trung Quốc vì đã công khai ủng hộ cho các nỗ lực vũ khí hóa của Bình Nhưỡng.
Tại sao Trung Quốc lại ủng hộ một Bắc Hàn sở hữu hạt nhân? Cũng vì lý do đó mà họ ủng hộ chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan và ngày nay ủng hộ luôn cả chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Bắc Kinh sử dụng các lực lượng ủy nhiệm được trang bị vũ khí hạt nhân để khiến cho Mỹ và những bằng hữu của họ mất cân bằng. Các lực lượng ủy nhiệm cũng là con bài thương lượng hiệu quả: Gần như mỗi khi Bình Nhưỡng làm điều gì đó khiêu khích, Hoa Thịnh Đốn lại tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Trên thực tế, chúng ta không cần phải tự hỏi liệu Bắc Kinh có ủng hộ các chương trình vũ khí của Bắc Hàn hay không. Trung Quốc, trong nhiều thập niên, đã cho phép Bắc Hàn sử dụng các ngân hàng Trung Quốc để quản lý tiền thu được từ các hoạt động tội phạm và các hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Hồi tháng 06/2017, Chính phủ ông Trump cuối cùng đã mất kiên nhẫn và, theo Khoản 311 của Đạo luật PATRIOT USA, đã chỉ định Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc là “mối lo ngại chính về rửa tiền.” Việc chỉ định này có nghĩa là ngân hàng đó không còn có thể thực hiện các giao dịch bằng USD qua New York nữa.
Tuy nhiên, hồi năm 2018 ông Trump đã quyết định không thực thi luật rửa tiền đối với hai trong số “Tứ Đại” ngân hàng của Trung Quốc, gồm Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, những ngân hàng vốn đang quản lý các giao dịch đáng ngờ cho Bắc Hàn. Một trong Tứ Đại Ngân hàng đó, Ngân hàng Trung Quốc, đã bị phát hiện giấu tiền của CHDCND Triều Tiên.
Những chỉ định như vậy sẽ khiến các ngân hàng nhà nước này ngừng hoạt động ở mọi nơi bên ngoài Trung Quốc.
Nếu các ngân hàng này sụp đổ, thì hệ thống ngân hàng do nhà nước chi phối của Trung Quốc cũng sụp đổ theo. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng này chắc chắn có nghĩa là sự kết thúc của nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Quốc. Sự kết thúc của chế độ chính trị của ĐCSTQ có thể không còn lâu nữa đâu.
Bất kể tác động của việc chỉ định này là gì đi nữa, Hoa Kỳ cần thực thi luật pháp của mình. Mỹ không cho phép trùm ma túy Pablo Escobar đưa tiền phạm pháp qua New York, vậy tại sao Mỹ lại cho phép Trung Quốc làm điều đó cho Bắc Hàn?
Ngày nay, Bình Nhưỡng vẫn đang sử dụng các ngân hàng Trung Quốc.
“Các cố vấn gần đây của chính phủ Hoa Kỳ xác nhận rằng Trung Quốc vẫn là quốc gia trợ giúp chính cho hoạt động rửa tiền của Bắc Hàn,” ông Joshua Stanton, người đã trợ giúp Quốc hội soạn thảo các lệnh trừng phạt Bắc Hàn, nói với Gatestone trong tháng này. “Chính phủ ông Biden vẫn chưa áp dụng một hình phạt đáng kể nào đối với một ngân hàng hoặc tập đoàn lớn của Trung Quốc vì vi phạm lệnh trừng phạt của Bắc Hàn.”
Ông Stanton cũng là người thường viết về các vấn đề trừng phạt Bắc Hàn trên One Free Korea. “Thất bại này là một sự lựa chọn,” ông nói với Gatestone hồi năm ngoái. “Số tiền mà ông Kim Jong-un có được bằng cách lừa đảo, tấn công máy điện toán, và nhu liệu mã độc tống tiền ransomware và số tiền mà ông ta sử dụng để chế tạo bom để đe dọa chúng ta đang được rửa thông qua các ngân hàng của chúng ta. Chúng ta đang trao cho ông Tập Cận Bình và ông Kim quyền miễn trừ trên thực tế để tiếp tục làm điều đó.”
Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Yoon của Nam Hàn không có ấn tượng đặc biệt gì với Mỹ.
Ông Yoon đã cố gắng rút lại lời nói của mình vào ngày hôm đó sau những nhận xét khiến người ta phải ngạc nhiên này.
“Phần quan trọng nhất trong những bình luận ngày hôm qua của ông ấy là, như một biện pháp thiết thực vào lúc này, điều quan trọng là phải tăng cường một cách hiệu quả khả năng răn đe được mở rộng trong liên minh an ninh giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ,” một quan chức giấu tên từ văn phòng của ông Yoon nói với các phóng viên. “Tuy nhiên, khi nói đến an ninh, tình huống xấu nhất luôn phải được tính đến, và từ góc độ đó, ông ấy đang thể hiện rõ ràng hơn cam kết và quyết tâm của mình với tư cách là tổng tư lệnh để bảo vệ người dân trước mối đe dọa vũ khí hạt nhân ngày càng leo thang của Bắc Hàn.”
Nam Hàn là một bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Nếu Seoul phát triển vũ khí hạt nhân, họ sẽ phải thoái trào [khỏi hiệp ước này].
Có lẽ Nam Hàn nên rút lui [khỏi hiệp ước này]. Trung Quốc, vốn cũng là một bên ký kết, đang tự do phổ biến công nghệ vũ khí hạt nhân cho các quốc gia nguy hiểm, chẳng hạn như Pakistan và Iran, ngoài Bắc Hàn, và Hoa Kỳ đã hành động đôi chút, đôi khi không làm gì cả. Đồng thời, Hoa Thịnh Đốn lại liên tục ngăn cản Nam Hàn và Đài Loan chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông Yoon đã giúp ích cho thế giới bằng cách phơi bày sự điên rồ trong chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ. Hoa Thịnh Đốn cần ngừng e sợ Bắc Kinh và bắt đầu bảo vệ các đồng minh như Nam Hàn và cả chính họ.
Bài viết được Viện Gatestone phát hành lần đầu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times