Kế hoạch chi trả cho vụ kiện Opioid bỏ qua một nhu cầu quan trọng

Cơn khủng hoảng opioid chỉ ra cần có sự quản lý trong việc điều trị đau và tập trung nghiên cứu việc sử dụng các thuốc gây nghiện một cách thông minh hơn.

Cơn khủng hoảng opioid đã dẫn đến hơn 500,000 người tử vong do quá liều trong 2 thập kỷ qua. Chính phủ liên bang, các bang và các tổ chức khác đã đệ đơn kiện các nhà sản xuất, nhà cung cấp và nhiều hiệu thuốc như một cách để giải quyết những tác hại và biến chứng do việc kê đơn opioid không phù hợp gây ra.

Hàng tỷ USD trong các thỏa thuận đã được cấp, và rất có thể là nhiều hơn nữa.

Để đảm bảo những khoản chi này được sử dụng đúng vào các vấn đề có liên quan đến opioid, các nhóm chính sách và sức khỏe cộng đồng do các chuyên gia tại Đại học Johns Hopkins và Đại học Harvard cùng các tổ chức khác đã dẫn đầu đề xuất khung kế hoạch chi tiết về những việc ưu tiên cần làm với số tiền này. Nhưng không một chính sách nào giải quyết nhu cầu của một nhóm người quan trọng: những bệnh nhân bị đau cấp tính và mãn tính.

Nhưng lỗ hổng trong điều trị và chăm sóc đau, một trong những yếu tố chính khiến việc kê đơn opioid không hợp lý ngay ban đầu vẫn tồn tại. Tôi là một bác sĩ nội khoa – một nhà khoa học chuyên sâu về thuốc giảm đau. Các đồng nghiệp của tôi, chuyên gia luật Barbara McQuade, bác sĩ gây mê Chad Brummett và tôi đều tin rằng có 3 cách để các khoản tiền này được sử dụng để cải thiện điều trị đau cũng như giải quyết các lỗ hổng đối với bệnh nhân đau cấp tính và mãn tính.

1. Quản lý đau toàn diện

Có hai loại đau phổ biến. Đau cấp tính thường đột ngột và rõ ràng. Đó là một cảm giác đau thường gặp sau một vết cắt hoặc một vết thương, giúp cảnh báo cơ thể về tổn thương mô. Đau cấp tính rất phổ biến, và thường biến mất khi cơ thể chữa lành tổn thương.

Đau mãn tính vẫn tồn tại ngay cả khi mô đã lành và tổn thương đã được chăm sóc. Khi điều này xảy ra, cơn đau có thể từ triệu chứng chuyển thành bệnh mạn tính. Rất nhiều tình trạng có thể gây đau mãn tính, từ viêm khớp, đau nửa đầu đến đau cơ xơ hoá và các loại đau thần kinh như đau dây thần kinh tọa, đau zona thần kinh. Lý do đau cấp tính chuyển thành mãn tính không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Do sự kết hợp của nhiều yếu tố, các tiếp cận điều trị đau gần đây (chẳng hạn như khái niệm về dấu hiệu sinh tồn thứ 5 để làm giảm cơn đau trên thang điểm từ 0 -10) dẫn đến việc quá tin dùng thuốc và làm hạn chế các phương pháp điều trị. Tất cả những điều này vẫn tồn tại cho đến nay.

Tuy nhiên, phương pháp chăm sóc giảm đau mạn tính hiệu quả nhất thường là các liệu pháp không dùng thuốc. Quản lý đau toàn điện cần sự chăm sóc từ một nhóm các bác sĩ lâm sàng khác nhau, chẳng hạn như bác sĩ vật lý trị liệu và bác sĩ tâm lý. Nó cũng đòi hỏi một loạt các tiếp cận điều trị và phương pháp chăm sóc, gồm liệu pháp hành vi, tập trung đến khía cạnh tâm lý và xã hội của cơn đau. Phương pháp tiếp cận bổ sung và tích hợp như châm cứu, phản hồi sinh học và yoga cũng có thể được kết hợp với các can thiệp như tiêm, châm kim khô và kích thích điện.

Việc kết hợp các liệu pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào từng người bệnh, nhưng mục đích đều là giảm bớt cơn đau, lấy lại được khả năng hoạt động hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Cách tiếp cận đa chuyên ngành và đa phương thức để quản lý đau này đã trở nên ít phổ biến do áp lực tài chính sau sự gia tăng dịch vụ chăm sóc có quản lý vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 90. Hạn chế trong tiếp cận quản lý đau toàn diện có thể dẫn đến các kết cục xấu hơn cho bệnh nhân. Một nghiên cứu đã chỉ ra việc chính sách bảo hiểm loại bỏ vật lý trị liệu ra khỏi chương trình quản lý đau đã ảnh hưởng tồi tệ hơn đến sức khỏe thể chất và tâm lý xã hội của những bệnh nhân đau mạn tính trong vòng 1 năm sau điều trị so với những bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả cho vật lý trị liệu. 

Việc cấp kinh phí để hỗ trợ cách tiếp cận điều trị đa chuyên ngành và dựa trên nhóm không chỉ cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân bị đau mà còn giúp họ tăng khả năng tiếp cận những Trung tâm Y học và Khoa học.

2. Mô hình chăm sóc dựa trên bằng chứng

Việc chuyển nghiên cứu sang mô hình chăm sóc dựa trên bằng chứng sẽ mang đến những tiếp cận điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Mô hình chăm sóc này xem xét bằng chứng từ các nghiên cứu lâm sàng và áp dụng các phát hiện đó để cải thiện chăm sóc người bệnh.

Ví dụ, bằng chứng ủng hộ sử dụng liệu pháp nhiệt và châm cứu cho đau thắt lưng cấp tính và không dùng opioid cho cơn đau do sỏi thận. Tuy nhiên bệnh nhân có thể không được sử dụng các biện pháp điều trị này một phần là vì mức độ bao phủ của các điều trị này rất thay đổi.

Kê đơn opioid là một lĩnh vực khác, nó có một số lỗ hổng trong bằng chứng về hiệu quả điều trị đau cấp tính và mãn tính. Cho đến một vài năm trước, vẫn chưa có câu trả lời dựa trên dữ liệu về liều lượng opioid được kê sau những phẫu thuật thông thường. Điều này một phần dựa trên giả định rằng bệnh nhân cần opioid theo đơn sau một số phẫu thuật nhất định, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Xây dựng các khuyến cáo quản lý đau dựa trên bằng chứng để tránh việc kê đơn opioid không cần thiết vẫn là trọng tâm của các tổ chức, chẳng hạn như Mạng lưới Tham gia Kê đơn Thuốc Opioid.

3. Nghiên cứu đau cấp tính và mãn tính

Cần thêm nghiên cứu tiên tiến hơn để phát triển các liệu pháp điều trị đau cấp tính và mãn tính. Một bản tóm tắt các liệu pháp điều trị đau cấp tính cho thấy thiếu bằng chứng ủng hộ các liệu pháp hiện tại cho những bệnh nhân mắc bệnh hồng cầu hình liềm, đau thần kinh cấp tính và đau cổ.

Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) đã tăng cường tài trợ cho những nghiên cứu về đau và opioid trong những năm gần đây thông qua Sáng kiến HEAL (HEAL Initiative), một chương trình tập trung vào nghiện opioid và quản lý đau. Vào năm 2019, NIH đã trao 945 triệu USD cho các dự án nhằm cải thiện điều trị đau mạn tính, giảm lạm dụng và quá liều opioid, và hồi phục thuận lợi sau nghiện opioid. Mặc dù có những nỗ lực này nhưng nhiều lỗ hổng vẫn tồn tại ở cả nghiên cứu đau trên lâm sàng và thí nghiệm.

Hãy lắng nghe những bệnh nhân bị đau

Tác động của đau đến kinh tế được ước tính có giá trị hơn 700 tỷ USD ở Mỹ khi được điều chỉnh theo lạm phát. Hơn một nửa số tiền đến từ chi phí chăm sóc, trong khi nửa còn lại là do giảm năng suất hoặc không còn khả năng lao động.

Giải quyết các lỗ hổng trong điều trị nghiện và phòng chống quá liều opioid là thiết yếu để đảo ngược sự lan tràn của opioid. Nhưng thậm chí chỉ thực hiện một số trong 3 cách để cải thiện chăm sóc giảm đau này cũng có thể làm giảm số tiền mà Hoa Kỳ cần chi trả cho cơn đau.

Mark.C Bicket là trợ lý của giáo sư gây mê tại Đại học Michigan. Bản gốc bài báo này được công bố tại The Conversation.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn