Lượng truy cập hàng tháng của ChatGPT giảm gần 10% do ‘không còn mới lạ’
Theo một báo cáo mới đây của công ty dữ liệu Internet SimilarWeb, lưu lượng truy cập hàng tháng trên dịch vụ chatbot AI ChatGPT đã sụt giảm gần 10% trong tháng Sáu. Đây là lần đầu tiên biểu đồ này đi xuống sau nhiều tháng tăng trưởng liên tiếp.
Theo báo cáo hôm 03/07 của SimilarWeb, lưu lượng truy cập toàn cầu trên máy điện toán để bàn và thiết bị di động vào trang web ChatGPT trong tháng Sáu ước tính đã giảm 9.7% so với tháng Năm. Tại Hoa Kỳ, mức giảm hàng tháng này cho thấy rõ rệt hơn, ở mức 10.3%. SimilarWeb cho biết lưu lượng truy cập sụt giảm sau “nhiều tháng tăng trưởng chóng mặt.” Số lượng khách truy cập vào ChatGPT trên toàn thế giới đã giảm 5.7%, trong đó lượng thời gian khách truy cập trên trang web này giảm 8.5%.
Character.AI, trang chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) độc lập phổ biến thứ hai sau ChatGPT, cũng đã mất dần sức hút, với lưu lượng truy cập toàn cầu giảm 32% trong tháng Sáu. Các cựu kỹ sư của Google đã thành lập Character.AI.
“Dường như ChatGPT sẽ không tiếp tục phát triển chừng nào dịch vụ này trở thành trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới,” báo cáo cho biết. “Việc giảm sức hút không chỉ xảy ra đối với ChatGPT mà còn xảy ra đối với một trong những đối thủ cạnh tranh chính của công cụ này là dấu hiệu cho thấy sự mới lạ trong các cuộc trò chuyện của AI đã không còn nữa. Từ nay về sau, các chatbot sẽ phải chứng minh giá trị thực của mình, thay vì cho rằng sẽ được công nhận một cách hiển nhiên.”
Chi phí chạy ChatGPT, một dịch vụ miễn phí của OpenAI, được cho là tiêu tốn khoảng 700,000 USD mỗi ngày để vận hành. OpenAI sử dụng ChatGPT như một chìa khóa thu hút các khách hàng tiềm năng – những công ty có khả năng mua thêm các dịch vụ AI của họ trong tương lai.
Rủi ro thông tin sai lệch
Lượng truy cập ChatGPT giảm sau khi xuất hiện các vấn đề với chatbot AI. Công cụ này thường xuyên đưa ra thông tin sai sự thật cũng như thông tin đúng sự thật, gây ra mối đe dọa lớn về thông tin sai lệch đồng thời làm giảm uy tín của dịch vụ này.
Theo một báo cáo hồi tháng 03/2023 của công ty theo dõi thông tin sai lệch NewsGuard, phiên bản mới nhất của chatbot AI, ChatGPT-4, đã lan truyền “nhiều thông tin sai lệch hơn” so với phiên bản trước đó.
Báo cáo cho biết: “NewsGuard nhận thấy rằng ChatGPT-4 đã thúc đẩy những lối đưa tin sai sự thật nổi bật không chỉ thường xuyên hơn mà còn thuyết phục hơn ChatGPT-3.5, bao gồm cả các phúc đáp mà dịch vụ này tạo ra dưới dạng các bài báo, bài đăng Twitter, và kịch bản truyền hình bắt chước các hãng thông tấn nhà nước của Nga và Trung Quốc, những người cung cấp thông tin sai lệch về sức khỏe, và những người theo thuyết âm mưu nổi tiếng.”
“Mặc dù NewsGuard nhận thấy rằng ChatGPT-3.5 hoàn toàn có thể tạo ra nội dung có hại, nhưng ChatGPT-4 thậm chí còn làm điều đó tốt hơn: Nhìn chung, các phúc đáp của phiên bản này kỹ lưỡng, chi tiết, và thuyết phục hơn, đồng thời ít đưa ra tuyên bố từ chối trách nhiệm hơn.”
Một số ý kiến cho rằng chất lượng ChatGPT giảm là do OpenAI thỏa hiệp nhằm giảm chi phí vận hành dịch vụ này. Những người khác đưa ra giả thuyết rằng các quy định đang dần hình thành ở Liên minh Âu Châu và các nơi khác đã khiến OpenAI tắt một số khả năng nhất định của ChatGPT để tránh vi phạm các quy tắc, do đó tạo ra các vấn đề về chất lượng.
Cấm các dịch vụ AI, mối đe dọa AI
Các lệnh cấm sử dụng AI đã được các công ty, chính phủ, và các tổ chức khác thực hiện, do đó có khả năng ảnh hưởng đến việc tích hợp rộng rãi các dịch vụ như ChatGPT. Các công ty lớn như Apple, Verizon, Samsung, JPMorgan Chase, và Bank of America đã cấm AI tại nơi làm việc.
Cuối tháng Sáu, một bản ghi nhớ mà Axios có được cho thấy rằng Tòa Bạch Ốc đã đặt ra các hạn chế đối với việc sử dụng ChatGPT, chỉ cho phép phiên bản Plus của dịch vụ này vốn “kết hợp các tính năng bảo mật cần thiết để bảo vệ dữ liệu của Hạ viện.”
Hồi tháng Ba, Ý đã cấm ChatGPT ở nước này do lo ngại về quyền riêng tư. Dịch vụ đó chỉ được khởi động lại một tháng sau khi OpenAI giải quyết các vấn đề do cơ quan bảo vệ dữ liệu của quốc gia này đưa ra.
Nhiều công ty và chính phủ đang lo lắng về tác động của AI đối với những thứ như bảo vệ dữ liệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, và sự thiên vị được tích hợp sẵn cùng với những thứ khác.
Những lo ngại về những rủi ro thảm khốc tiềm tàng của AI cũng đặt một dấu chấm hỏi về việc liệu công nghệ này sẽ được phép phổ biến rộng rãi đến mức nào. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi ban hành quy định và lệnh cấm đối với công nghệ này.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp sáng tạo như sản xuất âm nhạc và làm phim đang có những hạn chế đáng kể. Một trong những lý do nổi bật khiến các nhà biên kịch đình công ở Hollywood gần đây là để phản đối việc khai triển AI trên quy mô lớn trong các hãng phim.
Các diễn viên cũng đã lên tiếng phản đối việc sử dụng công nghệ AI để bổ sung cho những cố gắng trên màn ảnh của họ.
Không giống như những gì các công ty công nghệ xem là một chiến thắng dễ dàng, việc áp dụng AI đã vấp phải sự phản kháng gay gắt trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực.
Trong một bài diễn văn tại hội nghị công nghệ Collision ở Toronto hôm 28/06, ông Geoffrey Hinton, một giáo sư khoa học máy điện toán tại Đại học Toronto, người còn được mệnh danh là một trong những “bố già AI,” đã cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo có thể phát triển mong muốn giành quyền kiểm soát từ con người nhằm đạt được các mục tiêu đã được lập trình của nó.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times