Một người lính nhầm giấm với rượu và câu chuyện đẹp được người đời ca tụng
Vào thời nhà Đường, có một vị tướng soái mở yến tiệc chiêu đãi trong quân. Một người lính bồi rượu đã cầm nhầm bình giấm và ngỡ rằng đó là bình rượu ngon, dẫn tới việc một phán quan đã uống giấm chua đầy cả bụng. Chẳng ngờ rằng, câu chuyện này được người đời sau di lưu và ca tụng.
Chủ soái đội quân Thiên Đức của nhà Đại Đường tên là Lý Cảnh Lược. Bên cạnh ông có một phán quan tên là Nhậm Địch Giản. Đây là chức quan đầu tiên mà ông ấy đảm nhận sau khi thi đỗ tiến sĩ.
Ông Nhậm Địch Giản xuất thân trong gia đình quan lại. Tổ tiên của ông qua các đời đều có người làm quan. Cao tổ Nhậm Nhã Tương từng giữ chức Tể tướng vào những năm đầu kiến lập nhà Đại Đường. Phụ thân Nhậm Bằng từng đảm nhiệm chức Thứ sử Lăng Châu. Tuy đã trở thành một viên quan, nhưng ông Nhậm Địch Giản lại không mang dáng vẻ cao ngạo như những người xuất thân từ gia đình quyền thế khác, mà là người rất phúc hậu.
Một lần nọ, quân Thiên Đức tổ chức yến tiệc trong quân linh đình. Khi đó có một người lính đứng bên cạnh bồi rượu cho ông Nhậm Địch Giản. Anh ta cầm nhầm bình giấm, mà vẫn ngỡ rằng đó là bình rượu ngon. Người lính rót đầy rượu vào ly của ông. Nhậm Phán quan vừa ngửi mùi đã biết người bồi rượu cầm nhầm bình giấm. Lúc ấy, Nhậm Phán quan không nói một lời, nâng ly đầy giấm uống cạn. Thì ra ông lo lắng Lý Cảnh Lược là người nghiêm khắc trong quân đội, ông ấy sẽ vì sai sót lần này mà xử tử người lính, nên ông đã che đậy lỗi sai của người này.
Trong một yến tiệc lớn như vậy, mọi người đều đang thỏa thích ăn uống no say, chỉ có Nhậm Phán quan là uống đầy một bụng giấm chua. Ông tìm được một lý do, nói nồng độ của bình rượu kia không đủ mạnh, và yêu cầu hãy đổi cho ông một bình rượu mạnh khác.
Kết quả là, Nhậm Phán quan sau khi quay trở về liền bắt đầu thổ huyết. Sau khi sự việc này được lan truyền, các tướng sĩ trong quân đội đều cảm động rơi nước mắt. Mọi người cho rằng ông quá độ lượng và rất có khí phách của một trưởng bối. Chủ soái Lý Cảnh Lược cũng cảm khái không thôi. Ông ấy cũng vì chuyện này mà giảm bớt rất nhiều hình phạt trong quân.
Năm Trinh Nguyên thứ 20 (năm 804), chủ tướng Lý Cảnh Lược qua đời. Các tướng sĩ trong quân cùng tấu thỉnh, ủng hộ Nhậm Phán quan làm Thống soái. Sau khi Giám quân biết được chuyện này đã tự ý giam giữ ông Nhậm Địch Giản. Các tướng sĩ nghe được tin tức này đều kinh ngạc. Hành động của Giám quân khiến dân chúng phẫn nộ. Tất cả đều đứng bên ngoài hét lớn. Nhậm Phán quan phá cửa sổ và thoát ra ngoài.
[Nhậm Địch Giản] dám gây sự, vượt uy quyền của Giám quân, lại còn tạo nên động tĩnh lớn như vậy, lẽ nào là muốn tụ tập người dân để tạo phản sao? Giám quân liền gửi một bản tấu chương lên triều đình. Đường Đức Tông phái sứ giả đi điều tra tình hình. Sau khi biết được tình hình thực tế, Hoàng đế liền ban bố một chiếu thư, bổ nhiệm ông Nhậm Địch Giản giữ chức vụ thay cho tiền Chủ soái Lý Cảnh Lược, đồng thời còn lệnh cho ông làm Thứ sử Phong Châu, Thiên Đức Quân Sứ. Từ đó, con đường làm quan của ông Nhậm Địch Giản ngày càng thăng tiến.
Vào năm Nguyên Hòa thứ 5 (năm 810), Tiết độ sứ của quân Nghĩa Vũ là Trương Mậu Chiêu thỉnh cầu triều đình bổ nhiệm người khác đảm nhận chức vụ thay ông ấy, đồng thời liên tục dâng lên bốn bản tấu chương. Hoàng đế Đường Hiến Tông vì vậy mới đồng ý. Nhờ đó, ông Nhậm Địch Giản được cải bổ giữ chức Nghĩa Vũ Hành quân Tư mã.
Tuy nhiên, sau khi Tiết độ sứ Trương Mậu Chiêu rời đi, Dương Bá Ngọc đã phát động cuộc tạo phản vào ngày 11 tháng Mười cùng năm. Ông Nhậm Địch Giản lần nữa bị tống giam. Ông nổi tiếng là người có đức độ và rất được lòng các tướng sĩ. Vì vậy, các binh sĩ đã âm thầm lên kế hoạch diệt trừ phản tặc. Trong vòng ba ngày sau đó, các binh sĩ đồng lòng hiệp lực dẹp loạn được cuộc tạo phản của Dương Bá Ngọc. Ông Nhậm Địch Giản được khôi phục chức vị.
Kể từ sau loạn An Sử, nhà Đường rơi vào tình cảnh các phiên trấn cát cứ, ngoại tộc xâm nhập và hoạn quan chuyên quyền. Loạn trong giặc ngoài liên tục xảy ra. Các tướng quân trấn giữ phiên trấn cũng nhân cơ hội này để tạo phản, dẫn tới cục diện các phiên trấn cát cứ ngày càng thêm nghiêm trọng.
Không lâu sau khi cuộc nổi loạn của Dương Bá Ngọc lắng xuống, Binh mã sứ Trương Tá Nguyên cũng tham gia cuộc nổi loạn. Ông Nhậm Địch Giản lại một lần nữa bị tống giam. Ông thỉnh cầu quân tạo phản cho phép ông từ chức. Không lâu sau đó, ông Nhậm dẫn binh quay trở lại tiến đánh quân phản loạn, một nhát chém hạ Trương Tá Nguyên.
Ông Nhậm Địch Giản rất được lòng quân, và nhận được sự ủng hộ của các tướng sĩ. Một lần nữa, ông chưởng quản sự vụ trong quân.
Tiết độ sứ Trương Mậu Chiêu đã đề cập ở trên, để lại một mớ hỗn độn sau khi rời đi. Bởi vì Trương Mậu Chiêu là người tiêu xài hoang phí, nên “Cựu Đường Thư” ghi chép người này: “Xa đãng bất tiết, công tư đàn khánh” (Hoang phí không biết tiết chế, lãng phí sạch của công). Dân chúng gặp phải một Tiết độ sứ như vậy, vì lo sợ quyền uy của ông ta, nên mặc dù phẫn uất nhưng không dám lên tiếng.
Trương Mậu Chiêu tiêu xài công quỹ một cách không thương tiếc, chỉ cần một cái xua tay, ngân khố quân đội chẳng còn lại bao nhiêu tiền. Nguồn tài nguyên dự trữ mà quân đội cần cũng cạn kiệt. Sau khi nhậm chức, ông Nhậm Địch Giản muốn nuôi dưỡng quân đội, nhưng trong quân không có tiền, thật sự không có cách nào ban thưởng cho mọi người. Ông chỉ có thể chuẩn bị gạo thô, ngày ngày ăn ngủ cùng các tướng sĩ. Ông ở trong quân doanh suốt một tháng trời.
Thân là mệnh quan triều đình, ông Nhậm Địch Giản cam tâm tình nguyện buông bỏ địa vị, cùng ăn uống, cùng chung sống và đồng cam cộng khổ với các tướng sĩ. Tất cả binh lính trong quân đều vô cùng cảm động. Thế nên, mọi người bàn bạc rằng, trong quân dù không có tiền cũng sẽ bảo vệ tốt cương thổ, không thể để Hành Quân Tư Mã mỗi ngày đều phải ngủ trong quân doanh như mọi người được. Điều kiện ở đây quá gian khổ, vậy nên mọi người đã tận lực thỉnh mời Nhậm Địch Giản hồi về dinh phủ.
Sau khi Hoàng đế Đường Hiến Tông biết được tin này, ông đã hạ chiếu ban thưởng cho các tướng sĩ ở Dịch Châu và Định Châu mười vạn xếp vải lụa, đồng thời bổ nhiệm Nhậm Địch Giản làm Nghĩa Vũ Tiết độ sứ. Nhậm Địch Giản từ trải nghiệm uống giấm với các quan quân khi mới đầu nhậm chức [cho đến sau này] luôn được người đời truyền tụng. Sau khi ông ấy được thăng chức Tiết độ sứ, mọi người đều gọi ông là “Hạp thố Tiết soái” (Tiết soái uống giấm.)
Tư liệu tham khảo:
“Cựu Đường Thư – Nhậm Địch Giản truyện” quyển 185 hạ
“Tân Đường Thư – Nhậm Địch Giản truyện” quyển 170
Vương Đảng: “Đường Ngữ Lâm” quyển 3