Mức chi tiêu của người Mỹ cho 20 loại thuốc hàng đầu gần gấp đôi phần còn lại của thế giới gộp lại
Hoa Kỳ đã chi tiêu nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới gộp lại khi nói đến 20 loại dược phẩm bán chạy nhất, theo một phân tích gần đây về báo cáo tài chính công ty do tổ chức Public Citizen thực hiện.
Người Mỹ đã chi tổng cộng 101.1 tỷ USD, trong khi phần còn lại của thế giới chỉ chi 56.8 tỷ USD cho 20 loại thuốc hàng đầu này. Các phát hiện chủ chốt của báo cáo phân tích (pdf) trên chỉ ra rằng người tiêu dùng Hoa Kỳ chi trả quá mức cho thuốc và không nhất thiết phải tiêu thụ nhiều hơn những người từ các quốc gia khác.
20 loại thuốc bán chạy nhất đã mang lại 157.8 tỷ USD tổng doanh thu toàn cầu cho các công ty dược phẩm với Hoa Kỳ chiếm 64% trong biểu đồ tròn về doanh thu. Sự chênh lệch khá lớn khiến Hoa Kỳ về cơ bản là một thị trường hấp dẫn cho Big Pharma, những hãng đang đấu tranh với các nỗ lực cắt giảm chi tiêu.
Báo cáo này cho biết, “Những quảng cáo lừa dối trên truyền hình do Big Pharma chi trả đang cố gắng khiến cho người Mỹ sợ hãi và hiểm lầm về những nỗ lực lập pháp mới sẽ cho phép Medicare thương lượng giá thuốc.”
Medicare hiện đang bị cấm định giá thuốc. Nếu Medicare được trao quyền đàm phán với các nhà sản xuất thuốc, thì người Mỹ có thể sẽ chứng kiến chi phí thuốc giảm đáng kể. “Khoản tiết kiệm hàng tỷ dollar chi phí này có thể được sử dụng để cải thiện và mở rộng Medicare, bao gồm cả việc tăng cường khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị cũng như chăm sóc răng miệng, thính giác và thị giác.”
Theo các phát hiện chính của báo cáo này, “11 trong số 13 công ty dược phẩm bán những loại thuốc hàng đầu này đã kiếm được nhiều tiền hơn ở Hoa Kỳ từ những loại thuốc này so với những gì họ đã kiếm được ở phần còn lại của thế giới cộng lại.”
Trở lại năm 2019, Hạ viện đã thông qua H.R. 3, một dự luật cho phép Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) thương lượng giá với các công ty dược phẩm trong chương trình Medicare. Điều này áp dụng cho 250 loại thuốc theo toa mỗi năm, bao gồm 125 loại đắt tiền được cung cấp theo Medicare Phần D hoặc được bán thương mại.
Theo H.R. 3, giá bán sẽ được so sánh và dựa trên giá cả ở Anh Quốc, Canada, Úc, Đức, Pháp và Nhật Bản. Giá bán cũng sẽ được cung cấp cho các công ty bảo hiểm và tổ chức tài trợ cho Medicare Phần D, và họ sẽ có thể đàm phán thêm để có thêm chiết khấu. Nếu nhà sản xuất từ chối tham gia thương lượng, thì công ty đó có thể sẽ bị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 95% doanh thu bán thuốc.
“Việc đàm phán sử dụng một giới hạn cao hơn dựa trên giá quốc tế, chẳng hạn như một đề nghị trong H.R. 3, được dự kiến sẽ giảm chi phí cho các bệnh nhân trong Medicare Phần D và thị trường thương mại thông qua phí bảo hiểm cho người thụ hưởng thấp hơn và sự chia sẻ chi phí,” theo một báo cáo trong Quỹ Thịnh vượng Chung.
Một số loại thuốc có sự chênh lệch doanh số bán hàng lớn nhất bao gồm thuốc điều trị HIV của công ty Gilead Sciences, thuốc Biktarvy và thuốc Humira, một loại thuốc chữa bệnh tự miễn của công ty AbbVie, có doanh thu bán hàng tại Hoa Kỳ lần lượt cao gấp 5 lần và gấp 4 lần so với phần còn lại của thế giới.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: