Nghiên cứu: Các chuyên gia y tế trên Twitter đã phóng đại quá mức nguy cơ trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ

Một nghiên cứu mới đây cho thấy trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ vào mùa hè năm ngoái, các chuyên gia y tế trên Twitter có thể đã phóng đại quá mức nguy cơ virus lây lan ở trẻ em với số bài đăng cao gấp bốn lần so với bài đăng chia sẻ thông tin chính xác về căn bệnh này.

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp gần, như quan hệ tình dục, hôn và dùng chung giường hoặc quần áo. Dữ liệu từ Hoa Kỳ và một số quốc gia khác cho thấy bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới có quan hệ tình dục đồng giới—một mô hình xuất hiện sớm và vẫn tồn tại trong suốt đợt bùng phát năm 2022. Không có bằng chứng cho thấy trường học là môi trường có nguy cơ cao lây truyền bệnh đậu mùa khỉ hoặc trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.

Với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học George Washington và Đại học California tại San Francisco đã xác định 262 bài viết được đăng bởi 188 tài khoản Twitter có uy tín, bao gồm tài khoản của các chuyên gia y tế và phóng viên y tế, từ tháng 05-10/2022. Tất cả bài đăng đều thảo luận về nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em và thanh thiếu niên trong trường học và chứa các từ khóa như “trường học,” “đậu mùa khỉ,” và “đậu mùa.”

Trong số 262 bài đăng, theo phân tích, 47 bài (18%) là chính xác, trong khi 215 (82%) bài đã phóng đại nguy cơ nhiễm đậu mùa khỉ ở trẻ em, dự đoán rằng đậu mùa khỉ sẽ lan rộng trong trường học và lập luận nên đóng cửa hoặc trì hoãn trường học để ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình lây lan đậu mùa khỉ. Trong số tất cả các tác giả, có tới 163 người (87%) đã đăng thông điệp dựa trên nỗi sợ hãi như vậy.

Ngoài ra, 95 trong số 111 (86%) bài đăng trên Twitter của các chuyên gia y tế là không chính xác. Mặc dù hơn một nửa (56%) bài đăng của phóng viên y tế cung cấp thông tin chính xác, nhưng chỉ một phóng viên có 14 bài đăng chính xác.

Thông tin sai lệch trở nên phổ biến

Phiên bản in sẵn của bài báo, được tải lên MedRxiv vào ngày 11/05, chứa 10 ví dụ chọn lọc về các bài đăng không chính xác hoặc phóng đại. Nhiều bài đăng trong số này kêu gọi hoặc ủng hộ một số hình thức can thiệp của chính phủ để hạn chế sự lây lan đậu mùa khỉ ở trẻ em, những người đang quay trở lại lớp học, một viễn cảnh vốn không bao giờ thành hiện thực.

“Các quan chức y tế công cộng cần phải đi trước về vấn đề này và trường học đang mở cửa trở lại → làm thế nào để chúng ta có thể hướng dẫn và đưa ra biện pháp vệ sinh phù hợp để dịch bệnh không bùng phát ở trẻ em trong trường học?” trích bài đăng ngày 02/08/2022 của một giáo sư tại Đại học Edinburgh ở Scotland, người có khoảng 320,000 người theo dõi. “Bệnh đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu qua tiếp xúc da kề da kéo dài.”

“Bệnh đậu mùa khỉ, nếu không được ngăn chặn nhanh chóng, chắc chắn sẽ lây lan sang trẻ em ở nhà trẻ, trường học và các giải đấu thể thao,” một giáo sư tại Đại học Montréal ở Canada đã viết trong một bài đăng ngày 22/07/2022, nhận được hơn 3,600 lượt thích và hơn 1,300 lượt chia sẻ. “Vaccine hiện được dùng không phải là viên đạn bạc vì nguồn cung hạn chế và không được nghiên cứu ở trẻ em, nên không được chấp thuận cho [những người dưới 18 tuổi]. Vậy kế hoạch ở đây là gì?”

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện người dùng Twitter có thể gặp phải những thông tin không chính xác nhiều gấp khoảng 974 lần so với thông tin chính xác.

Con số này được tính bằng cách nhân tỷ lệ không chính xác trên chính xác (4.6) với chênh lệch chia sẻ cho các bài đăng không chính xác so với chính xác (5.4) với số lượng người theo dõi và chênh lệch đăng lại cho mỗi bài đăng cho thấy số lượt xem thực tế (39.2). Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng đánh giá trên có thể thấp hơn so với thực tế.

“Trên thực tế, sự khác biệt gấp 974 lần có thể là một đánh giá thấp khi xem xét các tweet không chính xác có nhiều khả năng bị tác giả xóa trước khi chúng tôi xác định được chúng trong khi tìm kiếm,” họ viết.

Các tác giả kết luận: “Người dùng Twitter được xác thực thường tweet không chính xác cao hơn 4.6 lần so với tin nhắn chính xác. Chúng tôi cũng đã chứng minh làm thế nào các tweet không chính xác có thể nhanh chóng được khuếch đại bởi retweet và các tài khoản phổ biến. Với bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em và thanh niên, thông tin không chính xác bị phóng đại nguy cơ 100% ở mọi thời điểm.

“Những người tìm kiếm thông tin sức khỏe từ Twitter nên biết về tỷ lệ thông tin không chính xác rất cao ngay cả từ tài khoản của chuyên gia y tế có uy tín.”

CDC cho biết đợt bùng phát đậu mùa khỉ ‘vẫn chưa kết thúc’

Nghiên cứu được đưa ra khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nâng cao cảnh báo, nói rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ “vẫn chưa kết thúc” và có thể quay trở lại trong những tháng tới.

“Vào mùa xuân và hè năm 2023, sự bùng phát của đậu mùa khỉ có thể quay trở lại khi mọi người tụ tập tham dự các lễ hội và sự kiện khác,” CDC cho biết trong một cảnh báo ngày 15/05. Tháng Tự hào LGBT thường được tổ chức hàng năm vào tháng Sáu.

Cơ quan y tế công cộng liên bang cho biết họ đang làm việc với các đối tác địa phương để điều tra một loạt các trường hợp đậu mùa khỉ được báo cáo gần đây ở khu vực Chicago, bao gồm 12 ca được xác nhận và một ca nghi ngờ.

“Tất cả các ca đều là nam giới có triệu chứng,” CDC cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng 9 trong số 13 người đã chích hai mũi vaccine JYNNEOS đậu mùa khỉ. Người trẻ nhất trong số họ là một nam thanh niên 24 tuổi.

Tính đến ngày 10/05, tổng số 30,395 ca mắc bệnh và 42 ca tử vong đã được báo cáo tại Hoa Kỳ. Đợt bùng phát này đạt đỉnh với khoảng 460 ca mỗi ngày vào tháng 08/2022 và sau đó giảm dần. CDC cho biết đây có thể là kết quả của sự kết hợp giữa “những thay đổi tạm thời trong hành vi tình dục,” chích ngừa và khả năng miễn dịch sau nhiễm trùng. Khoảng 23% dân số ước tính có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ đã nhận được tất cả hai liều vaccine JYNNEOS.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bill Pan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Bill Pan là một phóng viên của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn