Nghiên cứu mới trên 9,500 phụ nữ cho thấy vaccine COVID-19 có thể dẫn đến rong kinh

Theo một nghiên cứu mới, phụ nữ được chích vaccine COVID-19 có nguy cơ rong kinh mức độ nhẹ cao hơn.

Nghiên cứu kiểm tra 7,401 phụ nữ đã được chích vaccine và 2,154 phụ nữ chưa chích, các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng máu kinh tăng ở 40 trên 1,000 người sau một liều chích.

Tiến sĩ Alison Edelman, bác sĩ kiêm nhà khoa học từ Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon cho biết: “Kinh nguyệt là một chức năng bình thường của cơ thể và là chỉ dẫn chính về sức khỏe tổng thể. Do đó điều quan trọng là chúng ta phải hiểu vấn đề này trên phạm vi dân số toàn cầu.”

“Càng hiểu rõ hơn về những thay đổi được báo cáo này, chúng ta càng có thể tư vấn hiệu quả hơn cho mọi người về những điều có thể xảy ra với vaccine COVID-19 và cách đưa ra quyết định sáng suốt về việc chích vaccine.”

Chu kỳ kinh nguyệt được xem là một 'dấu hiệu quan trọng' của sức khỏe tổng thể. (Ảnh: Dreamstime/TNS)
Chu kỳ kinh nguyệt được xem là một ‘dấu hiệu quan trọng’ của sức khỏe tổng thể. (Ảnh: Dreamstime/TNS)

Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa vaccine COVID-19 và rong kinh, đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét tác động của mũi chích đối với lượng máu kinh.

Ủy ban an toàn của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu định nghĩa rong kinh là tình trạng chảy máu nhiều hơn hoặc trong thời gian dài hơn “ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống về thể chất, xã hội, cảm xúc và sức khỏe”.

Đồng tác giả Blair Darney cho biết “việc trải qua một sự thay đổi bất ngờ trong chu kỳ kinh nguyệt có thể đáng báo động” nhưng những bất thường này ở cấp độ dân số là nhỏ và có khả năng là do kích hoạt tạm thời các phản ứng miễn dịch liên quan đến vaccine.

Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ các cơ chế sinh học diễn ra và những phụ nữ có những biến đổi nên tìm kiếm sự hướng dẫn từ bác sĩ lâm sàng.

Các thử nghiệm vaccine COVID-19 không xem xét tác động của vaccine đối với kinh nguyệt. (Ảnh: Fizkes/Shutterstock)
Các thử nghiệm vaccine COVID-19 không xem xét tác động của vaccine đối với kinh nguyệt. (Ảnh: Fizkes/Shutterstock)

Các phát hiện này được xây dựng dựa trên công trình trước đó của cùng một nhóm nghiên cứu được công bố vào tháng 09/2022, khi họ lần đầu tiên xác định được mức gia tăng trung bình độ dài của chu kỳ kinh nguyệt là 3.7 ngày sau khi chích 2 mũi vaccine COVID-19 so với không chích liều nào.

Những phụ nữ cũng đã báo cáo một loạt các thay đổi khác về thai kỳ và chu kỳ kinh nguyệt sau khi chích vaccine COVID-19, bao gồm đau, chảy máu bất thường, dị tật thai nhi, mất tim thai và thai chết lưu.

Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine COVID-19 không thu thập thông tin chi tiết như kết quả về kinh nguyệt, hạn chế khả năng trả lời các câu hỏi về tác động của vaccine đối với sức khỏe kinh nguyệt từ các nhà sản xuất, tổ chức y tế công cộng và bác sĩ lâm sàng.

Cũng rất khó để xác nhận liệu các sự kiện y tế đã được quan sát thấy sau khi chích vaccine có thật sự liên quan đến vaccine hay không.

Các nhà nghiên cứu đã viết trong nghiên cứu được công bố vào ngày 10/04 trên Tập san British Journal of Obstetrics and Gynaecology: “Phụ nữ trải qua những biến đổi vốn có và bình thường về thời gian và kiểu chảy máu một cách tự nhiên, khiến việc xác định nguyên nhân do chích vaccine COVID-19 là một thách thức.”

Nhà khoa học nói tạm dừng chích vaccine

Vào tháng 09/2022, dựa trên các báo cáo được gửi tới Hệ thống báo cáo biến cố bất lợi của vaccine (VAERS), các nhà nghiên cứu đã nhận thấy các bất thường về thai kỳ và kinh nguyệt sau khi chích vaccine COVID-19 nhiều hơn đáng kể so với chích vaccine cúm.

Một lệnh cấm trên toàn thế giới về việc sử dụng vaccine COVID-19 trong thai kỳ đã được khuyến nghị cho đến khi có sự ghi nhận về độ an toàn trong thai kỳ và việc theo dõi thế hệ sau trong các thử nghiệm tiến cứu ngẫu nhiên.

“Có đủ tín hiệu an toàn trong nghiên cứu của chúng tôi khi xem xét VAERS, chúng ta thực sự nên tạm dừng vaccine cho đến khi nghiên cứu sâu hơn,” một trong những tác giả của báo cáo, bà Claire Rogers nói với The Epoch Times.

Trong một bản cập nhật về độ an toàn của vaccine được công bố vào tháng 11/2022, Cơ quan Dược phẩm Âu Châu đã phát hiện ra rằng “9,000 trường hợp bị rong kinh trên toàn thế giới đã được báo cáo sau khi chích ngừa liều đầu tiên, thứ hai và liều nhắc lại của Comirnaty và Spievax,” khi đề cập đến các mũi chích Pfizer và Moderna.

Sau đó, cơ quan quản lý thuốc này đã khuyến nghị thêm “rong kinh” như một tác dụng phụ của vaccine mRNA COVID-19 đối với cả 2 loại vaccine trên.

Phụ nữ mang thai và vaccine

Lời khuyên hiện tại dành cho phụ nữ mang thai về việc chích vaccine COVID-19 là lợi ích lớn hơn tác dụng phụ.

Theo bộ y tế Úc, “COVID-19 có thể trầm trọng đối với phụ nữ đang mang thai. Cách tốt nhất để giảm rủi ro [là] chích tất cả các loại vaccine COVID-19 được khuyến nghị cho nhóm tuổi hoặc nhu cầu sức khỏe cá nhân của bạn.”

Tuy nhiên, vì COVID-19 vẫn còn tương đối mới và vẫn còn thiếu bằng chứng về tính an toàn nên nhiều phụ nữ mang thai do dự về việc chích vaccine.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ Open trên 6,000 phụ nữ Úc đang mang thai hoặc sinh con trong hai năm đầu tiên xảy ra đại dịch, cứ mười người thì có một người do dự trong việc chích vaccin COVID-19.

Những người thể hiện sự do dự này có nhiều khả năng sống ở một tiểu bang khác ngoài New South Wales, dưới 30 tuổi và cũng ít có khả năng có các yếu tố nguy cơ mang thai.

Người ta ước tính rằng khoảng một phần ba phụ nữ Úc mang thai đã chích ngừa đầy đủ và một phần ba chưa chích ngừa, với những lo ngại về an toàn là một trong những lý do hàng đầu để từ chối chích ngừa khi mang thai.

Cô Jessie Zhang là một ký giả có trụ sở tại Sydney đưa tin về Úc, tập trung vào sức khỏe và môi trường. Quý vị có thể liên hệ với cô tại [email protected]

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jessie Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jessie Zhang là một phóng viên thường trú tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các tin tức của Úc, tập trung vào vấn đề về sức khỏe và môi trường. Quý vị có thể liên hệ với cô Zhang qua [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn