Người xưa và người hiện đại đều mắc bệnh răng miệng, Trung y điều trị bệnh nha chu như thế nào?

Người xưa thường có những câu nói rằng: Làm người chớ nhổ răng cọp, ăn miếng trả miếng; Chớ nghiến răng liều miệng nhiều lời; Đừng giơ nanh bặm môi, tranh cãi náo loạn; Chẳng phải răng gây nên họa, họa từ miệng mà ra. Người xưa cũng khuyên rằng: Nhớ kỹ, nếu răng đau như đốt cơ thể thì giống như có tiền mà chuốc họa vậy. Phải biết rằng môi hở răng lạnh, quan hệ này lợi hại như thế! Trên đời này làm gì có ai không từng khổ sở vì răng?

Khi nói đến các ghi chép về việc điều trị răng, ngay từ 3,500 năm trước, trong Giáp cốt văn đã có những mô tả về bệnh răng miệng, sâu răng. Sách “Hoàng đế nội kinh” mô tả chi tiết về đau răng, sâu răng, triệu chứng và cách châm cứu. Vào thời nhà Đường đã có chuyên khoa về răng miệng, có khả năng nhổ răng, trám răng và y thuật trồng răng giả, sớm hơn nha khoa ở Âu Châu hơn 1,000 năm. Theo ghi chép của “Sử ký”, Thuần Vu Ý, một thầy thuốc vĩ đại thời Tây Hán, đã chữa khỏi bệnh sâu răng cho Tề Trung đại phu bằng phương pháp cứu ngải, dùng gốc cây khổ sâm súc miệng.

Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cũng từng đau răng, không biết có phải vì nàng thích ăn vải hay không. Đại sư Trương Đại Thiên còn từng vẽ bức tranh về chiếc răng sâu của Dương Quý Phi.

Thi nhân nổi tiếng Lục Du đã có hơn 9,300 bài thơ được truyền lại hậu thế, trong đó có 150 bài đề cập đến răng, các bệnh răng miệng, bệnh nha chu đã làm khổ ông trong suốt quãng đời tuổi già. Hàn Dũ, một trong “Bát đại gia” thời Đường Tống, ở tuổi 36 thì “mắt mờ, tóc bạc, răng lung lay.” Năm 1789, khi Washington nhậm chức tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, chính là lúc trong miệng chỉ còn lại một chiếc răng, suýt chút nữa trở thành “vô sỉ chi đồ” (tức người không có răng), khiến người ta thật khó quên.

Tương truyền, Bồ Đề Đạt Ma đã đến Kim Lăng giảng Kinh của Pháp sư Thần Quang, sau đó đi đến thích quán (tức nhà đấu võ). Bất ngờ, ông bị Thần Quang pháp sư dùng tràng hạt bằng sắt đánh vào mặt, khiến hai răng cửa của Đạt Ma rơi ra, nội công vô cùng lợi hại. Đạt Ma không đành lòng để răng cửa rụng xuống đất, vì một khi răng rụng sẽ bị trời khiến cho nơi này bị hạn hán. Đạt Ma bèn nuốt hai chiếc răng cửa cùng với phần máu chảy vào bụng, đây chính là điển cố “Đả lạc nha xỉ hòa huyết thống”.

Lại nói đến Tăng Quốc Phiên, vị quan nổi tiếng thời nhà Thanh, ông được biết đến là một vị tướng bại trận, trước khi tiêu diệt Thái Bình Thiên Quốc, ông thường chịu thất bại nhưng càng ngày càng trở nên dũng mãnh. Danh ngôn của ông là: “Càng bại thì càng đánh, đánh đến lúc nuốt máu và răng vào bụng”, quả thực là chí khí ngất trời.

***

Một người phụ nữ 42 tuổi làm nhân viên văn phòng trong ngành dịch vụ, rất khổ sở vì miệng có vị khác thường. Con trai ngại bà bị hôi miệng, sợ sẽ gây phiền toái khi tiếp xúc với khách hàng, khi đánh răng còn bị chảy máu, vì vậy cô ấy đã đến khám tại khoa tai mũi họng. Sau khi bác sĩ kiểm tra, tai mũi họng không có vấn đề gì, đề nghị cô ấy nên đi khám nha khoa. Sau khi nha sĩ kiểm tra xong, nói rằng bệnh nha chu của cô rất nghiêm trọng, cần làm phẫu thuật nha chu, phải chỉnh từng cái răng, tất cả cần làm sạch sẽ, sau đó thì khâu lại. Nữ bệnh nhân nghe xong thì hoảng, cảm giác chuyện này thật đáng sợ! Có cách nào khác để điều trị không?

Vì vậy, cô ấy đã từ miền Bắc xa xôi ngàn dặm đến nhờ sự giúp đỡ của tôi.

Nha chu là gì?

Nha chu là chỉ các mô liên quan tổ chức hỗ trợ răng, bao gồm nướu (lợi), xương ổ răng, xương răng và dây chằng quanh răng. Độ chắc của răng phụ thuộc vào mô nha chu, đặc biệt là nướu.

Nướu được ví như nền móng, nướu khỏe và đẹp thì phải ở trạng thái nào? Nó mềm như da, bao bọc nâng đỡ xương răng. Nướu tạo thành các khớp nối chặt chẽ xung quanh răng, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Nướu thường có màu hồng nhạt, hoặc đỏ san hô nhạt, các chủng tộc khác nhau có màu nướu khác nhau.

Tại sao bị bệnh nha chu?

Có hai tác nhân chính gây bệnh nha chu: một là mảng bám răng, và hai là vôi răng. Hai “hung thủ” này cấu kết với nhau làm việc xấu, náo loạn cả cung răng.

Bệnh nha chu là tình trạng nhiễm trùng các mô xung quanh răng do vi khuẩn gây ra, các cụm vi khuẩn bám vào bề mặt răng, tạo thành mảng bám. Khi có quá nhiều mảng bám, nó sẽ tích tụ giữa răng và rìa nướu, vôi hóa thành vôi răng, khiến răng biến thành màu vàng và đen, đồng thời gây phá hủy các mô xung quanh răng, cùng với đó là nướu răng, và các mô dây chằng. Ở Đài Loan, cứ 4 người thì có 3 người mắc bệnh nha chu, người cao niên thì bệnh nặng hơn. Bệnh nha chu không di truyền nhưng phụ nữ mang thai mắc bệnh nha chu dễ sinh non; mang răng giả vẫn bị nha chu.

Mảng bám răng gây nên điều gì?

Trong khi con người thống trị thế giới, thì vi khuẩn thống trị con người. Một người trưởng thành trung bình có 10 nghìn tỷ tế bào, và có khoảng 100 nghìn tỷ vi khuẩn, nhiều gấp mười lần tế bào. Con số thực sự đáng sợ, vi sinh vật đến từ bên ngoài thật đáng sợ! Trong khoang miệng của con người có hơn 300 loại vi khuẩn cộng sinh với con người, trong đó có hơn 10 loại liên quan đến bệnh nha chu, và phá hoại nhiều nhất là vi khuẩn kỵ khí.

Hai giờ sau bữa ăn, vi khuẩn rất nhanh sinh sôi và tích tụ dọc theo đường viền nướu, nơi nướu và răng gặp nhau, tạo thành một lớp vi khuẩn, hình thành mảng bám trong suốt và dính. Độc tố của vi khuẩn gây kích ứng nướu, làm suy yếu độ khít của răng-nướu, tạo ra các khoảng trống nhỏ và thậm chí cả túi. Mảng bám răng sẽ tiết ra acid mạnh ăn mòn chân răng, gây sâu răng, nứt thân răng, chảy mủ chân răng và cuối cùng là hoại tử dây thần kinh răng.

Nếu vi khuẩn lâu ngày không được loại bỏ, sẽ xảy ra phản ứng viêm, răng có biểu hiện đỏ, sưng tấy, chảy máu, lung lay. Khi hệ miễn dịch kém, vi khuẩn sẽ phá hủy mô răng, gây áp xe răng, sau đó phá hủy xương ổ răng và khiến nướu bị teo lại. Vi khuẩn làm cho thức ăn thừa thối rữa và lên men, gây hôi miệng và ảnh hưởng đến xã giao. Túi bao mở rộng khoảng cách giữa các răng, làm lộ nướu và chân răng, và ảnh hưởng đến vẻ ngoài.

Mảng bám răng được ví như một căn bệnh ung thư răng, nó không chỉ xâm lấn vào mô răng mà còn gây viêm nhiễm và suy giảm các cơ quan khác. Những người dễ bị bám dính mảng bám là người cao niên, người bị thoái hóa tuyến nước bọt, những người đang dùng thuốc hạ huyết áp, chống trầm cảm, đeo răng giả.

Răng bị vôi hóa sẽ như thế nào?

Tình trạng viêm nướu diễn ra lâu ngày, vi khuẩn và chất nước bọt hình thành nên vôi răng, vôi răng xếp thành lớp, tích tụ liên tục tạo thành hình dạng giống như san hô. Trong vôi răng chứa 75% canxi photphat, 15 – 25% nước, chất hữu cơ, photphat, axit khoáng, v.v.

Túi nha chu là gì?

Nướu bị vi khuẩn làm tổn thương và tách khỏi răng, tạo thành túi dễ cất giấu chất bẩn. Túi này là hải quan của nha chu, một khi thất thủ, vi khuẩn có thể đột nhập, xâm nhập vào xương ổ răng. Nó còn chảy ra toàn bộ cơ thể theo đường tuần hoàn máu, gây ra các bệnh tim mạch, viêm màng não, ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường. Khi nướu và răng bị vi khuẩn làm tổn thương nghiêm trọng như nền bị rỗng, răng không vững chắc, dễ lung lay, thậm chí có thể bị rơi rụng.

Các triệu chứng của bệnh nha chu

  • Chảy máu nướu khi đánh răng, thường là khi bạn chạm vào răng, điều đó có nghĩa là nướu của bạn đang bị viêm.
  • Có mùi hôi miệng và hơi thở có mùi.
  • Màu nướu chuyển từ hồng sang đỏ sẫm.
  • Sưng nướu, tấy đỏ hoặc thậm chí là mụn mủ. Răng khỏe mạnh sẽ không bị sưng tấy.
  • Răng lung lay hoặc không thể ăn nhai. Khi các chất gây viêm được loại bỏ, răng sẽ không bị lung lay.
  • Răng nhạy cảm với thức ăn nóng và lạnh và cảm thấy khó chịu. Bệnh nha chu không đau và nhức như sâu răng.
  • Răng mọc lệch lạc, vị trí di chuyển hoặc không thể cắn đúng khớp.
  • Tích tụ mảng bám và vôi răng, có liên quan đến sự mất cân bằng miễn dịch.

Bệnh nha chu được chia thành hai loại, một là viêm nướu và hai là viêm nha chu.

Viêm nướu: Có quá nhiều mảng bám tích tụ giữa các kẽ răng, khiến nướu sưng đỏ, chảy máu khi bạn đánh răng.

Viêm nha chu: Nướu bị chảy máu, sưng đỏ và đau. Nướu bị bong ra khỏi răng dần dần, vi khuẩn xâm nhập vào xương ổ răng và dây chằng dưới nướu khiến túi nha chu sâu hơn, nướu bị teo lại, thậm chí lộ cả chân răng, răng lung lay.

Làm thế nào để kiểm tra bệnh nha chu?

Chiều dài trung bình của răng bình thường khoảng 1.9-2.3 cm. Răng có thể nhìn thấy là nửa trên của răng. Nơi răng và nướu gặp nhau, có một thứ bao quanh răng, được gọi là rãnh nướu. Rãnh này là ranh giới, có thể phân biệt răng tốt và xấu. Khi đưa dụng cụ dò nha chu vào rãnh nướu chỉ sâu 1-3mm là răng khỏe mạnh. Nếu nó lớn hơn 3mm, túi nha chu sẽ hình thành. Nếu độ sâu lớn hơn 4mm, đó là bất thường về nha chu. Nếu nó lớn hơn 5mm thì cần phải phẫu thuật nha chu.

Trung y điều trị bệnh nha chu

Phương pháp điều trị bằng châm cứu cho bệnh nhân này:

Trước tiên phải khử trùng, giải độc, châm cứu để phục hồi các mạch máu; sở dĩ vi khuẩn có thể phát triển là do ẩm ướt, để loại bỏ ẩm ướt, cần châm cứu các huyệt Túc Tam Lý, Tam Âm Giao, Phong Trì. Ẩm ướt thoát ra đường kinh lạc của hệ thần kinh, cần khơi thông kinh mạch, dùng phép châm cứu da đầu, châm kim phía sau hai bên đỉnh đầu vòng xuống 2/5, khoảng trũng đi xuyên đến huyệt Khúc Mai; ổn định nướu răng để tránh bị vi trùng xâm nhập, châm cứu vào khoảng thứ hai, thứ ba, từ huyệt Giáp Xa thấu đến huyệt Đại Nghênh. Để tăng cường dây chằng răng, châm cứu tại các huyệt Dương Lăng Tuyền, huyệt Túc Tam Lý. Rãnh nướu đã được vi khuẩn xây dựng thành ổ trong một thời gian dài, nên trước hết phải chính lại khí hư, bổ dương khí, châm cứu tại các huyệt Bách Hội, Trung Quản, Khí Hải; Tu chỉnh bảo vệ tổ chức nha chu bị tổn thương, châm cứu tại các huyệt Hợp Cốc, Túc Tam Lý, Tam Âm Giao. Thúc đẩy sự tăng cường của nướu răng, tăng cường cho thận, châm cứu ở các huyệt Quan Nguyên, Thái Khê; châm cứu làm teo và thư giãn nướu, bổ sung máu và giúp cơ bắp thêm mạnh, châm cứu tại huyệt Huyết Hải, Tam Âm Giao. Hôi miệng thì châm ở các huyệt Trung Thử, Đại Lăng.

Đặc biệt Lưu ý: không ăn uống đồ lạnh, đồ ăn quá thô cứng, quá nóng. Đặc biệt không ăn sashimi (hải sản sống) và rau diếp. Không ăn trái cây vào buổi sáng và buổi tối. Ít ăn các món điểm tâm ngọt. Ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng, hoặc 10 trái táo đỏ vào buổi sáng, một quả trứng để nguyên vỏ, luộc trong 20 phút, ăn trứng và uống nước canh, là đầy đủ dinh dưỡng nhất. Nhai kỹ hơn khi ăn để kích thích tuyến nước bọt hoạt động, tiết ra men tiêu hóa, giảm quá trình lên men thức ăn, còn có thể tiệt trùng.

Yêu cầu bệnh nhân bấm thêm các huyệt Nhị Gian, Tam Gian, Hợp Cốc và Giáp Xa, mỗi huyệt ấn 9 hoặc 36 lần.

Đánh răng không chỉ là để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn mà nó còn là để loại bỏ vi khuẩn. Sử dụng bột đánh răng của Trung y, thỉnh thoảng dùng muối, sau khi súc miệng trong 3 phút thì đánh răng. Lông bàn chải phải làm sạch đến nướu, các kẽ răng cũng nên được làm sạch bằng chỉ nha khoa. Lần lượt súc miệng bằng nước muối, nước trà qua đêm, nước lá tía tô và thỉnh thoảng dùng giấm, mỗi lần một thứ, thay nhau súc miệng. Khi súc miệng, cần để nước trong miệng lên xuống, qua lại dọc theo nướu trái phải 2 đến 3 lần, sau đó ngửa cổ và súc vài lần, cuối cùng súc miệng lại với nước sạch. Sau khi làm sạch, gõ nhẹ răng 36 lần. Sau đó xịt nước Thiên la (nước chế từ trái mướp khía) vào răng.

Đối với hơi thở có mùi, hãy dùng 3 đến 5 miếng lá chè chưa vò nát, ngậm trong miệng từ 3 đến 5 phút rồi nhổ ra.

Sáu tháng một lần nên đến nha sĩ để làm sạch răng.

Nữ nhân viên bán hàng này rất siêng năng, trong 3 tháng đầu tiên, mỗi tuần châm cứu một lần, còn uống thuốc Đông y hiện đại. Sau đó châm cứu hai tuần một lần. Sau nửa năm, tình trạng hôi miệng chỉ thỉnh thoảng xuất hiện. Phần thịt của nướu đã chuyển từ nhợt nhạt sang hồng hào, và sẽ mất một năm để nướu có thể mọc lại. Đánh răng chỉ thỉnh thoảng bị chảy máu, khoảng cách giữa các răng nhỏ hơn và khít hơn. Ăn uống, có thể dùng được thức ăn chua và lạnh hơn. Má bớt hóp và nếp nhăn giảm hẳn. Tuy nhiên, nếu thức khuya, quá mệt mỏi và tâm tình kích động quá lớn, răng miệng sẽ bị ảnh hưởng.

Nha chu là bệnh kinh niên, răng vĩnh viễn chỉ mọc một lần và tồn tại suốt đời. Răng thật luôn tốt hơn răng giả, chỉ khi nâng niu chúng, bạn mới có thể thưởng thức những món ăn ngon trên đời, có thể lắng nghe âm thanh của răng nhai thức ăn, và truyền đi những hỉ, nộ, ai, lạc của cuộc đời.

Tác giả: Bác sĩ Ôn Tân Dung (Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ)

Lý Thanh Phong biên tập

Thiên Lý biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn