Nhà sáng lập Evergrande trở thành dê thế tội để xoa dịu căng thẳng xã hội giữa cuộc khủng hoảng địa ốc
Ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) đã có được thành công rất lớn nhờ ĐCSTQ. Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng địa ốc đang diễn ra ở Trung Quốc, một chiến dịch bôi nhọ ác ý đang cố gắng đánh lạc hướng sự phẫn nộ của công chúng.
Kể từ khi vụ bắt giữ ông Hứa Gia Ấn được đưa tin hồi cuối tuần trước, truyền thông Trung Quốc tràn ngập tin tức về sự thất bại gây chấn động của nhà sáng lập Evergrande này, cũng như những chi tiết tai tiếng về lối sống xa hoa trước đây của ông. Các nhà phân tích cho rằng, bị tố cáo là “kẻ thù công khai,” ông trùm địa ốc này đang bị xem là dê thế tội trong nỗ lực xoa dịu hoặc đánh lạc hướng khỏi những căng thẳng ngày càng gia tăng do cuộc khủng hoảng gây ra.
Hôm 01/10, không lâu sau khi vụ bắt giữ ông Hứa được đưa tin, một bài báo đã lan truyền trên truyền thông Trung Quốc, liệt kê “ba tội lỗi của ông Hứa Gia Ấn” chống lại đất nước, ngành địa ốc, và người dân.
Bài báo này, và đưa tin của truyền thông sau đó, dường như đã có ý định tách ông Hứa ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi cáo buộc rằng ông đã để lại khoản nợ hàng ngàn tỷ USD và hàng triệu khu nhà chưa hoàn thiện cho chính quyền — điều mà các nhà phê bình cho rằng chính quyền đã không giải quyết được sau đó — và hủy hoại ngành địa ốc, gây thiệt hại cho vô số người mua nhà.
Ông Hứa “gần như đã gây ra cuộc khủng hoảng phiên bản Lehman tại Trung Quốc,” một bài báo trên cổng thông tin Trung Quốc Tencent cho biết, đồng thời gọi ông là “khối u của thời đại” cần được “lịch sử xét xử.”
Một người cùng ngành, ông Hoàng Hoành Sinh (Huang Hongsheng), nhà sáng lập công ty công nghệ hàng đầu Skyworth, đã chỉ trích ông Hứa trong một video hôm 02/10 như kẻ địch của người dân Trung Quốc, nói rằng ông Hứa đang “sử dụng luật pháp Hoa Kỳ để bảo vệ sự phá sản của mình và biến tài sản Trung Quốc thành tài sản của cá nhân ông tại Hoa Kỳ” và rằng ông đang hợp tác với “các thế lực thù địch,” đó là “một sai lầm lớn.”
Ở một mức độ lớn, kiểu chiến dịch dư luận này là một chiến thuật đánh lạc hướng khi ĐCSTQ cố gắng tránh sự phẫn nộ của công chúng nhắm vào chính quyền trong bối cảnh khủng hoảng địa ốc. Các nhà quan sát vấn đề Trung Quốc cho rằng ông Hứa Gia Ấn (còn có tên là Hui Ka Yan) là dê thế tội thích hợp cho ĐCSTQ.
Ông Tô Tử Vân (Su Zi-yun), Giám đốc Nghiên cứu Công nghiệp và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, gọi sự leo thang này của dư luận là “thủ đoạn thông thường” của ĐCSTQ để đổ mọi trách nhiệm lên một con dê thế tội.
ĐCSTQ đang cố gắng tránh tình trạng bất ổn xã hội. Ông Tô nói với The Epoch Times hôm 05/10 rằng các cổ đông đã mất hết tiền và những chủ sở hữu không hài lòng về những tòa nhà chưa hoàn thiện được coi là “những yếu tố gây bất ổn” có thể đe dọa sự cai trị của ĐCSTQ.
Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận thời sự, cũng có quan điểm tương tự. Ông Đường nói, “Vụ việc ông Hứa Gia Ấn có thể mang lại nhiều bất ổn hơn cho xã hội Trung Quốc và có tác động toàn diện tới chế độ ĐCSTQ. Trong làn sóng dư luận này, chúng ta có thể thấy ĐCSTQ lại đứng ngoài và thao túng trường hợp của ông Hứa.”
Khủng hoảng địa ốc dẫn đến nhiều trường hợp biểu tình, tự tử
Cuộc khủng hoảng địa ốc đã gây ra sự phẫn nộ của hàng triệu chủ nhà và các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều nơi ở Trung Quốc.
Anh Vương Vĩ (một bí danh) đến từ Sơn Đông, một tỉnh duyên hải thuộc miền đông Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng vào năm 2019, anh đã chi 2.73 triệu nhân dân tệ (khoảng 390,000 USD) để mua một ngôi nhà rộng 100 mét vuông của Evergrande ở thành phố cảng Nhật Chiếu của tỉnh. Ngôi nhà là để cho cha anh. Anh vẫn chưa nói với cha rằng ngôi nhà đang bị bỏ dở vì sợ ông cụ không chịu nổi tin này.
Sau khi biết tin ông Hứa bị bắt, anh Vương đã vội vã đến Nhật Chiếu. Anh nhận thấy công trường xây dựng được phong tỏa bằng hàng rào sắt và lực lượng an ninh được bố trí canh gác 24/24 tại công trường.
Tại hiện trường là một đám đông giận dữ từ khắp nơi trên cả nước, hô khẩu hiệu và giương cao biểu ngữ. Một số phụ nữ xông vào tòa nhà với ý định phản đối bằng cách nhảy lầu tự tử. “Cảnh tượng thật hỗn loạn,” anh kể lại.
Anh Vương cho biết chính quyền lo ngại các chủ nhà sẽ “gây rối,” cướp bóc hoặc phá hủy các dự án phát triển thất bại của Evergrande.
Anh Vương cho biết, một số chủ nhà đã đến ngân hàng địa phương để nộp đơn yêu cầu vay vốn nhưng được thông báo rằng nhân viên ngân hàng không thể giúp họ. Anh cho biết rất may mắn vì đã mua được căn nhà mà không vay nên ít nhất anh không gặp khó khăn về khoản vay. Ông nói, “Nếu không tôi sẽ nhảy lầu tự tử” trong tuyệt vọng.
Theo ước tính của giới truyền thông, số lượng tòa nhà chưa hoàn thiện của Evergrande tại Trung Quốc đã lên tới 1.62 triệu căn và liên quan tới 6 triệu chủ sở hữu.
Các nhà phân tích cho biết, sự sụp đổ của ngành địa ốc bắt nguồn từ chính sách đất đai và tài chính của ĐCSTQ cũng như tư lợi của chính quyền này. Trong nhiều thập niên, cả chính quyền trung ương và địa phương đều đã bòn rút của cải tư nhân thông qua các nhà phát triển địa ốc bằng cách áp đặt giá đất cao và thuế cao.
Đổi lại, các doanh nghiệp tư nhân như Evergrande, bằng sự trợ giúp và hậu thuẫn của chính quyền các cấp của ĐCSTQ, đã có thể vay những khoản tiền rất lớn để đầu tư và mở rộng.
Ông Đường cho rằng ĐCSTQ đã thao túng dư luận thông qua chiến dịch tuyên truyền trong trường hợp của ông Hứa Gia Ấn. Tuy nhiên, ông Hứa sẽ không thể vươn lên tầm cao ngay từ đầu, “nếu không được quyền lực của chính quyền [ĐCSTQ] và ‘các gia đình đỏ’ hậu thuẫn,” ông Đường nói. Vì vậy, ông cảm thấy ông Hứa không phải là người đã gây ra nỗi đau cho những người chủ nhà đang phải gánh chịu hậu quả, cuối cùng thì bên có lỗi là ĐCSTQ.
Ông ấy nợ ĐCSTQ mọi thứ
Trong nhiều dịp công khai, ông Hứa đã tuyên bố rằng “mọi thứ ở Evergrande đều do đảng cấp cho.” Nói cách khác, ông nợ ĐCSTQ mọi thứ.
Ông Hứa từ lâu đã đảm nhận vai trò “găng tay trắng”, tích lũy và quản lý tiền bạc cho các gia đình hàng đầu Trung Quốc. Vai trò đó bao gồm mối quan hệ thân thiết của ông với gia đình cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong).
Theo cuốn sách “Red Roulette” của tác giả doanh nhân người Anh Desmond Shum, Evergrande cũng được hậu thuẫn bởi gia đình của một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, ông Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin). Ông Giả là thành viên của Ủy ban Trung ương, cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ.
Không phải ngẫu nhiên mà hồi tháng 08/2002, Evergrande đã làm gương cho các doanh nghiệp tư nhân khác ở Quảng Châu, thành lập 35 cấp ủy, 18 chi bộ đảng, và 1,023 chi bộ đảng trong tập đoàn Evergrande, cuối cùng quản lý hơn 10,000 đảng viên. Rốt cuộc, ông Hứa đã nợ ĐCSTQ mọi thứ.
Tuy nhiên, giờ đây khi ngành địa ốc, và ông Hứa đã sụp đổ, thì “chuyện riêng tư” của ông — những bí mật sâu xa về lối sống xa hoa trước đây của ông — đang được công bố rộng rãi.
Truyền thông Trung Quốc gần đây xôn xao với những câu chuyện về Đoàn Ca Múa Evergrande của ông Hứa. Được thành lập vào năm 2010, nhóm biểu diễn đã có hàng trăm vũ công hấp dẫn. Ngân sách hàng năm của đoàn này rất lớn, với chỉ riêng tiền lương đã tiêu tốn khoảng 100 triệu nhân dân tệ (13.7 triệu USD) hàng năm. Những tin đồn xã hội cho rằng nhiệm vụ của đoàn kịch không chỉ dừng lại ở việc khiêu vũ; những người biểu diễn được cho là cung cấp dịch vụ riêng tư cho các giám đốc điều hành của Evergrande hoặc các quan chức của ĐCSTQ.
Mới hơn hai năm trước, ông Hứa được mời đến Tháp Quảng trường Thiên An Môn để kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ. Ông là nhà lãnh đạo kinh doanh duy nhất nhận được “vinh dự” như vậy. Tuy nhiên, ông Tô nói, “găng tay trắng” rất trung thành với đảng giờ đây đã trở thành “kẻ thù” theo chỉ thị của ĐCSTQ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times