Nhật Bản đã đồng ý tham gia một hệ thống giải quyết tranh chấp thay thế cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi Cơ quan Phúc thẩm của WTO không hoạt động kéo dài khiến các vụ tranh chấp của nước này rơi vào tình trạng lấp lửng.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp Nhật Bản, hôm thứ Sáu (10/03), nội các Nhật Bản đã thông qua quyết định tham gia Thỏa thuận Phân xử Phúc thẩm Tạm thời Nhiều bên (MPIA).

Điều này sẽ đưa Nhật Bản trở thành thành viên thứ 26 của MPIA, trong đó có Trung Quốc, Úc, Brazil, Canada, Liên minh Âu Châu, Ukraine, Pakistan, và Singapore.

Người ta nói rằng Cơ quan Phúc thẩm của WTO đã “ngừng hoạt động” trong hơn ba năm, và số vụ giải quyết tranh chấp của WTO hàng năm đã giảm xuống “chưa đến một nửa so với trước khi tình hình hiện tại bắt đầu”.

“Ngoài ra, hai trong số các trường hợp tranh chấp mà Nhật Bản đệ trình lên WTO đã bị ‘kháng cáo vô hiệu’ rồi, và những trường hợp đó hầu như bị bỏ ngỏ,” bộ này cho biết trong một tuyên bố.

“Với tư cách là một biện pháp tạm thời cho đến khi chức năng giải quyết tranh chấp được khôi phục, chính phủ Nhật Bản đã quyết định tham gia MPIA,” bộ này nói thêm.

Năm 2019, chính phủ Tổng thống Trump đã quyết định không bổ nhiệm các thành viên mới vào Cơ quan Phúc thẩm này cho một loạt vấn đề với WTO, trong đó có việc các thành viên của tổ chức này vi phạm pháp luật, các phán quyết nhất quán chống lại thuế quan của Hoa Kỳ nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ, và quá trình ra quyết định chậm chạp.

Đổi lại, Cơ quan Phúc thẩm của WTO không thể xét xử các kháng cáo vì cơ quan này thiếu các số liệu để thành lập một cơ quan.

MPIA được thành lập sau khi Cơ quan Phúc thẩm của WTO bị đóng băng. Tuy nhiên, cả hai bên phải sẵn sàng tuân theo phán quyết của MPIA, đây có thể là một cách khác để “kết thúc” vụ việc một cách hiệu quả.

Ủy ban Âu Châu hoan nghênh quyết định tham gia MPIA của Nhật Bản, chỉ ra các quy định thương mại toàn cầu là “biện pháp bảo vệ tốt nhất trước sự phân mảnh kinh tế toàn cầu”.

Ủy ban này cho biết: “Đây cũng là một dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ việc khôi phục một hệ thống giải quyết tranh chấp được cải cách và hoạt động đầy đủ, mà các thành viên WTO đã cam kết thực hiện vào năm 2024”.

“EU nhắc lại rằng tư cách thành viên MPIA vẫn để ngỏ cho tất cả các thành viên, để cung cấp một công cụ thiết thực cho phân xử kháng cáo, trong khi chờ khôi phục một hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đã được cải cách và hoạt động đầy đủ,” ủy ban này nói thêm.

Tranh chấp WTO của Nam Hàn và Nhật Bản

Hôm thứ Hai (06/03), Nam Hàn cho biết họ sẽ dừng quá trình tranh chấp của WTO do một khiếu nại chống lại Nhật Bản khi hai nước thảo luận về những hạn chế xuất cảng của Nhật Bản đối với các vật liệu công nghệ cao sang Nam Hàn.

“Việc đình chỉ quy trình giải quyết tranh chấp của WTO không thực sự là một sự rút lui … mà là một sự tạm dừng,” ông Kamchan Kang, tổng giám đốc tại Bộ Thương mại Nam Hàn, nói với các phóng viên.

“Nếu vấn đề không tiến triển tốt, thì quy trình này có thể tiếp tục lại,” ông Kang nói thêm.

Tháng 07/2019, Nhật Bản đã áp đặt các hạn chế xuất cảng đối với các vật liệu được sử dụng cho các màn hình và vi mạch bán dẫn điện thoại thông minh trong bối cảnh diễn ra một sự tranh cãi kéo dài hàng chục năm qua với Seoul về việc những người Nam Hàn nói rằng họ bị buộc phải làm việc dưới thời Nhật Bản chiếm đóng Nam Hàn từ năm 1910–1945.

Các công ty công nghệ của Nam Hàn như Samsung Electronics Co. Ltd., SK Hynix Inc., và LG Display Co. Ltd. nằm trong số những công ty được cho là sẽ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Tokyo đối với polyimide flo hóa, chất quang dẫn, và hydro florua, mà trong đó Nhật Bản thống trị việc sản xuất.

Gần đây, Nam Hàn thông báo rằng các công ty của họ sẽ bồi thường cho những người bị buộc phải làm việc dưới thời Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910–1945, khi quốc gia này tìm cách chấm dứt một cuộc tranh chấp đã cản trở những nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm đưa ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc và Bắc Hàn.

Aldgra Fredly
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Bản tin có sự đóng góp của Daniel Y. Teng and Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn