Những món ‘cấm kỵ’ với người bị gút trong mùa thu và đông

Bước vào mùa thu đông, nhiều người thường thích ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng. Các quán ăn nấu món lẩu vịt gừng và lẩu dê kinh doanh phát đạt. Tuy nhiên, các bác sĩ nhắc nhở những người có tiền sử bệnh gút nên tiết chế ăn uống, để tránh việc càng ăn càng có hại.

Vị trí tấn công đầu tiên của bệnh gút thường là khớp đầu tiên của ngón chân cái, sau đó là mắt cá và đầu gối. (Đồ họa Shutterstock / Epoch Times)
Vị trí tấn công đầu tiên của bệnh gút thường là khớp đầu tiên của ngón chân cái, sau đó là mắt cá và đầu gối. (Đồ họa Shutterstock / Epoch Times)

BS Lâm Lý Tín, Khoa Thấp khớp và Miễn dịch tại bệnh viện Giai Lý Kỳ Mỹ đã chỉ ra rằng: Ngày nay tỷ lệ mắc bệnh gút ở nam giới trên 30 tuổi ở Đài Loan là 3,3%, cao gấp 5 đến 10 lần so với các nước tiên tiến như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Bước vào mùa thu đông, các quán lẩu, lẩu vịt, lẩu dê làm ăn phát đạt. Nhiều bệnh nhân gút đến đây ăn uống tẩm bổ no nê, nhưng qua ngày hôm sau liền phải đến viện khám.

Lâm Lý Tín cho biết, một số bệnh nhân bị gút đã ngừng uống thuốc sau khi hết bị sưng và đau khớp vì nghĩ rằng chỉ cần kiểm soát chế độ ăn uống thì không cần điều trị. Họ thậm chí còn tin nhầm vào các phương thuốc gia truyền và các bài thuốc thảo dược, thuốc Bắc có thành phần lợi tiểu, khiến bệnh tình càng trở nên trầm trọng.

Ông cho biết, đa số bệnh nhân gút ở Đài Loan có yếu tố di truyền bẩm sinh và thói quen ăn uống kém lành mạnh. Chỉ riêng việc kiểm soát chế độ ăn uống thì không thể giảm lượng axit uric xuống dưới mức lý tưởng. Thuốc lợi tiểu không chỉ khiến cơ thể bị mất nước mà còn làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, khiến bệnh gút dễ dàng phát tác hơn.

Do vậy, ngoài việc uống nhiều nước, bệnh nhân gút nên tránh các thực phẩm chứa nhiều purin như hải sản và nội tạng, thức ăn nhiều calo, rượu bia, khi ăn lẩu vào mùa đông nên kiểm soát lượng nước uống vào để tránh bệnh gút phát tác.

Dương Tư Thuỵ
Minh Sơn biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn