PHÂN TÍCH: Trung Quốc, Trung Đông mất mức tăng giá dầu kể từ đầu năm đến nay
Sự biến động trên thị trường toàn cầu có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2024.
Thị trường năng lượng toàn cầu đã bỏ qua căng thẳng địa chính trị và tái tập trung vào các yếu tố bên cung ứng. Kết quả là, giá dầu thô dự kiến sẽ ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp, bổ sung thêm vào mức giảm từ đầu năm đến nay.
Hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Intermediate (WTI) đang giao dịch ở mức khoảng 77 USD/thùng trên Sở Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX). Dầu Brent, tiêu chuẩn quốc tế về giá dầu, đang cố gắng lấy lại mức 82 USD trên sàn giao dịch ICE Futures ở London.
Phải chăng các nhà đầu tư đã trở nên bi quan với dầu thô, hay các nhà giao dịch đang tính toán đến nhiều yếu tố ngắn hạn?
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc đã tiếp tục gây thất vọng cho thị trường tài chính.
Trong tháng Mười, xuất cảng của Trung Quốc đã giảm 6.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái, tệ hơn mức ước tính đồng thuận 3.3%.
Đây là tháng thứ sáu liên tiếp xuất cảng trượt dốc, báo hiệu sự suy yếu kéo dài của nhu cầu từ ngoại quốc.
Nhập cảng tăng với tốc độ tốt hơn dự kiến là 3% hàng năm trong tháng trước, vượt qua mức dự báo âm 4.8% của thị trường.
Kết quả này có tính đến mức tăng đáng chú ý 13.5% về nhập cảng dầu thô và tăng 15.5% về nhập cảng khí đốt tự nhiên.
Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập cảng khối lượng dầu thô kỷ lục do mở rộng số lượng nhà máy lọc dầu trong nước và nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế hậu khủng hoảng. Bắc Kinh đã nhập cảng trung bình 11.4 triệu thùng mỗi ngày, tăng 12% so với cùng thời kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong khi lượng nhập cảng dầu thô tăng đáng kể nên là đủ để thúc đẩy giá lên, thì một góc nhìn về “bức tranh lớn” cho thấy đây không phải là xu hướng lạc quan, nhà phân tích năng lượng Anas Alhaji cho biết.
Ông cho biết trong một ghi chú phân tích, “Thông thường, mức tăng như vậy được xem là lạc quan. Nhưng một khi chúng ta nhìn vào bức tranh lớn, thì kết quả đó không trông lạc quan đến vậy!”
“Hoạt động lọc dầu và xuất cảng dầu của Trung Quốc đang giảm trong khi tồn kho dầu đang tăng! Tuy nhiên, tin tốt là nhu cầu trong nước chưa suy giảm.”
“Tin xấu là tăng trưởng nhu cầu không mạnh như nhiều người mong đợi.”
Rủi ro giảm phát cũng cho thấy tiêu dùng trong nước đang giảm sút. Tháng trước (10/2023), tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm 0.2%, thấp hơn một chút so với mức kỳ vọng âm 0.1% của các nhà kinh tế.
Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với mức giảm 2.7% được dự báo.
Còn về phía cầu, thì bức tranh về Trung Quốc đang cho thấy những tín hiệu trái ngược, theo ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING.
Ông cho biết trong một nghiên cứu: “Có những lo lắng về nhu cầu của Trung Quốc khi mùa đông sắp đến, mặc dù trong khi nền kinh tế Trung Quốc gây lo ngại, thì số liệu về nhu cầu dầu vẫn tăng mạnh trong phần lớn thời gian của năm, tính đến thời điểm này.”
Mức bù giá rủi ro chiến tranh bất thường
Sau cuộc tấn công khủng bố gây thương vong lớn đối với Israel của Hamas vào hôm 07/10, giá dầu thô ở Hoa Kỳ đã tăng khoảng 4%, đạt mức 86 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn mức cao nhất 93.68 USD của năm 2023, nhưng giao dịch trong bối cảnh lo ngại này đã gây ra một đợt tăng giá.
Tuy nhiên, kể từ đó, giá dầu đã mất đi mức tăng kể từ đầu năm cho đến nay.
Mối lo ngại chính của các nhà phân tích là xung đột ở Israel sẽ lan rộng ra khắp khu vực và dẫn đến các biện pháp trừng phạt tăng cường đối với dầu Iran.
Ngành năng lượng của Tehran đã có thời kỳ bùng nổ mới trong năm nay, với sản lượng và xuất cảng tăng trở lại mức năm 2018.
Khi chiến tranh nổ ra, người ta kỳ vọng rằng một lệnh cấm do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với lĩnh vực năng lượng của Iran sẽ cắt giảm nguồn cung toàn cầu, khiến nguồn cung quốc tế càng thêm thâm hụt và dẫn đến giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, theo một nhà quan sát thị trường, các nhà đầu tư đã lùi lại một bước và đánh giá các khả năng khác, bao gồm cả tác động của nhu cầu yếu hơn ở châu Á.
Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cao cấp tại Swissquote Bank, cho biết trong một ghi chú gần đây rằng, “Câu chuyện mới trên thị trường là, ngay cả khi dầu của Iran bị cấm, thì việc đó cũng không thành vấn đề vì một là các chuyến hàng của Iran đã giảm do nhu cầu của châu Á yếu hơn, và hai là 90% các chuyến hàng của Iran đều đến Trung Quốc, mà Trung Quốc thì không quan tâm đến lệnh cấm mua dầu của Iran, họ vẫn sẽ cứ tiếp tục mua.”
Ông Patterson lưu ý rằng Venezuela cũng có thể đóng một vai trò nào đó nếu nguồn cung từ Iran bị ngưng trệ.
Tổng thống Joe Biden và chính phủ của ông đã thiết lập một thỏa thuận với giới lãnh đạo Venezuela để giảm bớt các biện pháp trừng phạt nếu Caracas tổ chức các cuộc bầu cử công bằng vào năm 2024.
Nếu các điều khoản của thỏa thuận này được thực hiện, thì sẽ có thêm 200,000 thùng dầu mỗi ngày có thể được đưa vào thị trường trong suốt năm tới. Nhưng vẫn có những rủi ro.
Ông Patterson nói, “Kể từ sau thỏa thuận này, Tòa án Tối cao Venezuela đã đình chỉ kết quả bầu cử sơ bộ của phe đối lập. Rõ ràng, có nguy cơ là Hoa Kỳ sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nếu chính phủ Venezuela không tuân thủ thỏa thuận.”
Hướng tới năm 2024
Gần đây những dự báo cho năm 2024 đã trở nên trái ngược nhau.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn thế giới được dự đoán gần như nhất định sẽ xảy ra vào năm 2024 nay đã biến chuyển theo chiều hướng khác: hiện đã có những dự báo về tình trạng dư thừa, ít nhất là trong những ngày đầu của năm dương lịch mới.
Các chiến lược gia của ING tin rằng thị trường dầu mỏ sẽ ghi nhận dư thừa nguồn cung trong quý 1 năm 2024, điều có thể khiến giá giảm.
Nghiên cứu của ING cho biết: “Tuy nhiên, thị trường sau đó sẽ thắt chặt trong thời gian còn lại của năm 2024, đặc biệt là trong nửa cuối năm, báo hiệu rằng giá sẽ tiếp tục tăng.”
“Hiện nay chúng tôi dự báo giá dầu Brent ICE sẽ đạt trung bình 90 USD/thùng vào năm 2024 và 95 USD/thùng vào nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, khả năng mất nguồn cung từ Iran sẽ khiến thị trường thâm hụt sâu hơn và khiến mức giá 100 USD/thùng dầu quay trở lại.”
Các điều kiện bên cung đã tạo ra một môi trường dự báo mờ mịt.
Saudi Arabia và Nga gần đây đã gia hạn cắt giảm sản lượng đến hết năm 2023. Các chuyên gia trong ngành tin rằng hai cường quốc năng lượng này có thể sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tới đầu năm 2024.
Riyadh đã nhắm mục tiêu vào các nhà đầu cơ trong đợt bán tháo và bán khống mới đây nhất của quỹ phòng hộ, khiến các nhà quan sát cho rằng vương quốc này có thể sẽ cắt giảm sản lượng để trừng phạt việc bán khống.
Đồng thời, một yếu tố khác là sản lượng của Hoa Kỳ đã chạm mức cao nhất mọi thời đại 13.2 triệu thùng/ngày trong tháng Mười, vượt mức 13.1 triệu cao nhất trước đại dịch. Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) dự đoán đây sẽ là sản lượng tiêu chuẩn trong suốt năm 2024.
Trong khi đó, một số người đặt câu hỏi liệu mức sản lượng này có bền vững hay không dựa trên hoạt động khoan dầu chậm lại trong năm qua.
Số lượng giàn khoan dầu của Baker Hughes đã giảm xuống còn 496 trong tuần kết thúc hôm 03/11, giảm từ mức 504 của tuần trước (30/10-05/11). Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 01/2022.
Ông Phil Flynn, chiến lược gia năng lượng tại The PRICE Futures Group, cho biết thị trường năng lượng vẫn “dễ bị tổn thương” và giá dầu thô có thể đang được định giá thấp ít nhất là 10 USD so với giá trị thực.
Ông Flynn cho biết trong một ghi chú phân tích: “Dù được hưởng mức giá rớt mạnh đến mấy, thì chúng ta vẫn có thể phải chịu một mức giá tăng trở lại ngay lập tức vì có quá nhiều người ở cùng một phía mạn thuyền (của bên cầu).”
“Điều đó có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với số phận tương tự như tàu Titanic hoặc chúng ta có thể sẽ chứng kiến một đợt phục hồi mạnh mẽ trong thời gian ngắn chỉ sau một đợt dữ liệu nữa.”
Theo một nhà phân tích của Goldman Sachs thì về lâu dài, giá dầu có thể sẽ vẫn tăng cao, ngay cả khi thị trường toàn cầu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Ông Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của Goldman Sachs, cho biết việc không chắc chắn về tương lai đã gây khó khăn cho các công ty năng lượng, và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt thường xuyên.
Ông nói: “Vì triển vọng nhu cầu rất không chắc chắn nên các công ty đang trì hoãn việc đầu tư vào các dự án đắt tiền, có chu kỳ dài hạn.”
“Khi các dự án hiện tại dần cạn kiệt, nguồn cung dầu có thể giảm — và thay vì dư thừa dầu, chúng ta có thể thấy mình thường xuyên rơi vào tình trạng thâm hụt.”
Ông Struyven nói thêm, ngay cả trong môi trường tiêu thụ dầu thô sụt giảm, thì giá dầu “có thể vẫn tăng mạnh đáng kể.”
Nền kinh tế
Một loạt dự báo về một nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu chậm chạp, bắt nguồn từ những bình luận gần đây từ Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Jerome Powell, đã gây áp lực thêm lên giá dầu thô.
Trình bày tại hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 09/11, ông Powell cảnh báo rằng chính sách tiền tệ có thể đang không đủ thắt chặt và các quan chức có thể tăng lãi suất nếu dữ liệu kinh tế cho thấy việc tăng lãi suất là cần thiết.
Nhưng theo CME FedWatch Tool, thị trường tương lai vẫn cho rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đã kết thúc việc tăng lãi suất.
Hơn nữa, các nhà đầu tư đang bắt đầu dự đoán lần cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 06/2024.
Một nhóm các nhà kinh tế và thậm chí cả một vị lãnh đạo ngân hàng trung ương khu vực đều cho rằng điệp khúc về việc lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” mà Fed áp dụng cuối cùng có thể sẽ làm nảy sinh vấn đề.
Chủ tịch Ngân hàng Fed Richmond Tom Barkin cho rằng tác động ròng của tất cả các biện pháp thắt chặt của ngân hàng trung ương kể từ tháng 03/2022 “cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nhiều hơn mức hiện tại.”
Nhìn về tương lai, Goldman Sachs dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Hoa Kỳ sẽ là 2.1% vào năm 2024 và 1.9% vào năm 2025.
Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 2.6% trong năm tới và 2.7% vào năm 2025.
Bất chấp mức tăng trưởng 4.9% của Hoa Kỳ trong quý 3, những dự báo sắp tới không cho thấy mức tăng trưởng tương tự.
Cả hai mô hình GDPNow của Fed Atlanta và Nowcast của Fed New York đều dự báo mức GDP khoảng 2% trong quý 4.
Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng đang sa sút khi lạm phát trên mức xu hướng tiếp tục kéo dài và chi phí vay nợ đè nặng lên ngân sách của các gia đình.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã giảm xuống mức 60.4 thấp hơn dự kiến trong tháng Mười Một, giảm từ mức 63.8 trong tháng Mười.
Kỳ vọng lạm phát một năm tới cũng tăng lên 4.4% trong tháng này, tăng từ mức 4.2% của tháng Mười.
Vẫn còn phải chờ xem liệu tâm lý bi quan về nền kinh tế có dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng giảm hay không.
Nhu cầu xăng của Hoa Kỳ gần như vẫn tương đương một năm trước, với mức tiêu thụ khoảng 8.7 triệu thùng.
Để so sánh, vào tháng 10/2019, mức tiêu thụ xăng là gần 10 triệu thùng.
Năm tới, EIA dự đoán trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) mới nhất của mình rằng mức tiêu thụ xăng sẽ giảm 1%, “điều này sẽ dẫn đến mức tiêu thụ xăng trung bình trên dân số thấp nhất trong hai thập niên.”
Họ cho biết: “Việc xu hướng làm việc từ xa ở Hoa Kỳ gia tăng, hiệu suất sử dụng nhiên liệu trong các phương tiện đi lại của Hoa Kỳ cải thiện, cùng giá xăng cao và lạm phát cao kéo dài đã làm giảm nhu cầu xăng trung bình trên dân số.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times