Rèn luyện sức mạnh đôi chân giúp tăng 41% khả năng sống sót sau nhồi máu cơ tim

Một nghiên cứu mới của Nhật Bản cho thấy người có cơ chân khỏe ít có khả năng bị suy tim sau nhồi máu cơ tim. Phát hiện này làm sáng tỏ tầm quan trọng của cơ tứ đầu và khả năng phòng ngừa suy tim của việc rèn luyện sức bền.

Nghiên cứu dài hạn trên 932 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đã được trình bày tại hội nghị khoa học Heart Failure 2023 của Hiệp hội Tim mạch Âu Châu.

Ông Kensuke Ueno, tác giả nghiên cứu, nhà vật lý trị liệu tại Đại học Khoa học Y khoa Kitasato, cho biết trong một tuyên bố hôm 20/05: “Tuy chưa có nghiên cứu lặp lại, nhưng những phát hiện này cho thấy nên khuyến nghị huấn luyện sức mạnh cơ tứ đầu ở những bệnh nhân từng bị nhồi máu cơ tim để ngăn ngừa suy tim.”

Ông Ueno cho biết: “Việc đo lực cơ tứ đầu chính xác là rất dễ và đơn giản trong thực hành lâm sàng.”

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lực cơ tứ đầu có thể giúp xác định những bệnh nhân có nguy cơ bị suy tim cao hơn sau cơn nhồi máu cơ tim, nhờ đó bệnh nhân có thể được theo dõi chặt chẽ hơn.”

Phương pháp nghiên cứu

Để điều tra mối liên quan giữa sức mạnh cơ chân và nguy cơ suy tim sau cơn nhồi máu cơ tim, nghiên cứu này đã phân tích những bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim từ năm 2007 đến 2020 với độ tuổi trung bình là 66.

Những bệnh nhân này không bị suy tim trước khi nhập viện và không có các biến chứng suy tim trong thời gian nằm viện.

Bệnh nhân ngồi trên ghế và co cơ tứ đầu hết sức có thể trong 5 giây để các nhà nghiên cứu có thể đo cơ lực tối đa.

Trong thời gian theo dõi 4 năm rưỡi, 67 bệnh nhân (7.2%) đã phát triển chứng suy tim.

Sau khi điều chỉnh độ tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể, tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn kinh niên, bệnh động mạch ngoại biên, và chức năng thận, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nguy cơ suy tim gần như tăng lên gấp đôi ở những người có cơ lực của cơ tứ đầu dưới trung bình.

Các tác giả viết: “So với mức cơ lực thấp ở cơ tứ đầu đùi, mức cơ lực cao có liên quan đến nguy cơ suy tim thấp hơn 41%.”

“Lực co cơ tứ đầu đùi tăng thêm mỗi 5% trọng lượng cơ thể có liên quan đến khả năng bị suy tim thấp hơn 11%.”

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng sức mạnh của đôi chân có liên quan đến nguy cơ bị suy tim thấp hơn sau nhồi máu cơ tim. (Ảnh: Lightspring/Shutterstock)
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng sức mạnh của đôi chân có liên quan đến nguy cơ bị suy tim thấp hơn sau nhồi máu cơ tim. (Ảnh: Lightspring/Shutterstock)

Người cao tuổi tập tạ sống lâu hơn

Trong thập niên qua, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu chứng minh các lợi ích của việc rèn luyện sức mạnh để cải thiện các căn bệnh kinh niên như tiểu đường, loãng xương, đau thắt lưng, và béo phì.

Các nghiên cứu nhỏ đã quan sát thấy rằng sức mạnh cơ lớn hơn có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn.

Trong một nghiên cứu của Đại học Y khoa tiểu bang Penn (Penn State College of Medicine), người ta phát hiện những người cao tuổi rèn luyện sức mạnh ít nhất 2 lần/tuần có tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 46% so với những người không rèn luyện sức mạnh trong thời gian theo dõi.

Họ cũng phát hiện rằng tỷ lệ tử vong do bệnh tim thấp hơn 41% và tỷ lệ tử vong do ung thư thấp hơn 19%.

Bà Jennifer L. Kraschnewski, giáo sư độc lập về y khoa và khoa học sức khỏe cộng đồng cho biết: “Nghiên cứu này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rèn luyện thể lực ở người cao tuổi đem lại lợi ích hơn cả việc cải thiện sức mạnh cơ bắp và hoạt động thể chất.”

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jessie Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jessie Zhang là một phóng viên thường trú tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các tin tức của Úc, tập trung vào vấn đề về sức khỏe và môi trường. Quý vị có thể liên hệ với cô Zhang qua [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn