Sau cuộc biểu tình của người đàn ông dũng cảm, Bắc Kinh vội vàng thuê người gác cầu
Đứng trước tất cả những chiếc camera giám sát ở Bắc Kinh, một người đàn ông trong bộ y phục công nhân xây dựng đã giăng hai tấm biểu ngữ trên một cây cầu vượt hôm 13/10, yêu cầu chấm dứt các chính sách zero COVID hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và bãi nhiệm ông Tập Cận Bình với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Sau đó China Change, một nền tảng thông tin về nhân quyền, pháp quyền, và xã hội dân sự ở Trung Quốc, đã xác định được danh tính của người đàn ông này. Bà Tào Nhã Học (Yaxue Cao), một nhà sáng lập China Change, đã đăng trên Twitter hôm 14/10 rằng người đàn ông đó tên là Bành Lập Phát (Peng Lifa), với bút danh trực tuyến là Bành Tải Châu (Peng Zaizhou).
Anh Bành viết trên một tấm biểu ngữ: “Chúng tôi không muốn xét nghiệm PCR; chúng tôi muốn ăn. Chúng tôi không muốn phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Chúng tôi không muốn những lời dối trá; chúng tôi muốn sự tôn nghiêm. Chúng tôi không muốn ‘Cách mạng Văn hóa’; chúng tôi muốn cải tổ. Chúng tôi không muốn một nhà lãnh đạo; chúng tôi muốn phiếu bầu. Chúng tôi không muốn làm nô lệ; chúng tôi muốn làm công dân.”
Identity of the Man Who Pulled Off Protest on Beijing Overpass Amid Unprecedented Security Before the CCP Congress https://t.co/RpaUuRzrfo #彭立发 #彭载舟
— Yaxue Cao (@YaxueCao) October 14, 2022
Trên một biểu ngữ khác, anh Bành ủng hộ các cuộc biểu tình đình công của sinh viên, giáo viên, và người lao động. Anh cũng yêu cầu bãi nhiệm ông Tập Cận Bình, người mà anh gọi là một “kẻ độc tài phản bội.”
Những đoạn video clip và hình ảnh cho thấy anh Bành treo hai tấm biểu ngữ và sử dụng loa phóng thanh để phát những gì anh viết trên tấm hai biểu ngữ này đã nhanh chóng lan rộng trên các mạng xã hội ở trong và ngoài Trung Quốc. Có thể nhìn thấy cột khói bốc lên từ cầu Tứ Thông, khi anh Bành đốt thứ nhìn trông giống như những chiếc lốp xe để tạo ra khói nhằm thu hút sự chú ý của người qua đường.
Cây cầu này nằm ở phía tây bắc quận Hải Điến thuộc thành phố Bắc Kinh, là nơi tọa lạc của một số trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, trong đó có Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, và ngay cạnh Trung Quan Thôn — thung lũng silicon của Trung Quốc.
Ngay sau đó anh Bành đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ. Kể từ đó, không có thông tin về nơi ở hoặc tình trạng sức khỏe của anh, gây ra mối lo ngại ở trong lẫn ngoài Trung Quốc về sự an toàn của anh.
Kiểm duyệt
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhanh chóng hành động để ngăn không cho thông tin về cuộc biểu tình này lan truyền trên mạng, diễn ra chỉ vài ngày trước đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ — một sự kiện được tổ chức 5 năm một lần, là dịp ĐCSTQ thực hiện cải tổ chính trị và đưa ra quyết sách cho 5 năm tới.
Các từ nhạy cảm bổ sung đã được thêm vào nỗ lực kiểm duyệt trực tuyến vốn đã bành trướng của nhà cầm quyền.
Ngoài các từ và cụm từ trên hai tấm biểu ngữ trên, các cụm từ như cầu Tứ Thông, Bắc Kinh, Hải Điến (quận), biểu ngữ, người đàn ông dũng cảm, và dũng khí đã bị các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc kiểm duyệt.
Những người chia sẻ hình ảnh và video về cuộc biểu tình của anh Bành đã thấy tài khoản xã hội của họ bị đình chỉ hoặc bị cấm.
Cụm từ “Tôi đã đọc rồi!” cũng đã bị cấm trên mạng xã hội Trung Quốc, sau khi người dân bắt đầu sử dụng câu nói đó để ám chỉ cuộc biểu tình.
Theo China Change, một ký giả cho biết tài khoản của anh đã bị đình chỉ trong 60 ngày vì chỉ nói “Tôi đã đọc rồi.”
Một bài hát có nhan đề “Tứ Thông Kiều” cũng đã bị xóa khỏi các nền tảng âm nhạc trực tuyến của Trung Quốc, theo The Associate Press hôm thứ Năm (13/10).
Tuyển dụng nhân viên canh gác cầu
Chính quyền Bắc Kinh đã đáp lại cuộc biểu tình của một người đàn ông bằng cách siết chặt hơn nữa an ninh xung quanh đại hội toàn quốc diễn ra vào ngày 16/10.
Bên cạnh việc cảnh sát tuần tra và kiểm tra người dân tại các khu vực gần cầu Tứ Thông, chính quyền địa phương ở Bắc Kinh còn gấp rút dán quảng cáo tuyển dụng nhân viên an ninh thời vụ với mục đích duy nhất là để mắt tới các cây cầu ở Bắc Kinh. Chức danh của những nhân viên bảo vệ này là “người gác cầu”, được dịch trực tiếp từ cụm từ tiếng Hoa.
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã xem các quảng cáo tuyển dụng này và liên lạc với một số người trong đó để xin bình luận.
Một trong các cơ quan nhân sự nói với The Epoch Times rằng họ chỉ cần tuyển nam nhân viên canh gác cầu.
Theo tin tuyển dụng, mức lương hàng ngày của người gác cầu dao động từ 240 nhân dân tệ (33 USD) đến 360 nhân dân tệ (50 USD). Các ứng viên phải cao từ 5.5 feet (1 mét 67) trở lên, tuổi từ 18 đến 45. Họ được cung cấp một chiếc lều gác ở trên hoặc dưới cầu nơi họ được chỉ định làm việc. Thông thường một chỗ sẽ có có hai bảo vệ làm cùng nhau, có thể thay phiên nhau nghỉ ngơi.
Nhân viên một công ty tuyển dụng khác nói với The Epoch Times rằng công ty đó muốn tuyển người nào có thể canh gác các cây cầu trọn tháng Mười. Anh nói rằng cơ quan của anh cần khoảng 20 người, nhưng anh ấy biết một số cơ quan khác muốn tuyển dụng ít nhất 100 người.
Các bài đăng trực tuyến cho thấy những người gác cầu này mặc áo vest huỳnh quang trên đó có ghi “Dân quân Trung Quốc”.
Một nhân viên của một cơ quan tuyển dụng nói với The Epoch Times rằng họ lúc nào cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân viên bảo vệ thời vụ, không chỉ cho đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ mà còn cho mục đích “duy trì ổn định xã hội” thường xuyên theo đề nghị của chính quyền.
Nhà cầm quyền Trung Quốc xem những người bất đồng chính kiến, các nhóm tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền, cựu chiến binh, và người khiếu kiện là những phần tử “gây bất ổn” cho Trung Quốc, trong khi các nhà phê bình chỉ ra rằng những nhóm này chỉ gây bất ổn cho sự cai trị chuyên chế của chính quyền. Mỗi năm, nhà cầm quyền đều chi một phần trăm ngân sách khổng lồ của mình cho cảnh sát, an ninh nhà nước, dân quân tự vệ có vũ trang, tòa án và nhà tù, cũng như công nghệ và thiết bị giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để trấn áp nhóm người này ở Trung Quốc.
The Epoch Times đã đưa tin hồi năm 2018 cho biết ĐCSTQ đã chi cho an ninh nội địa nhiều hơn chi cho quốc phòng trong các năm 2009, 2011, và 2013 và rằng Bộ Tài chính của nhà cầm quyền Trung Quốc đã ngừng đưa các khoản ngân sách đó vào tổng ngân sách hàng năm của mình. Năm 2013, chính quyền nước này đã chi 121 tỷ USD cho an ninh nội địa so với 114 tỷ USD cho quốc phòng.
Anh Lý Đại Vũ (Li Dayu), một cựu ký giả Trung Quốc trở thành Youtuber, hiện sống tại Hoa Kỳ, đã nói trong một bài đăng gần đây rằng nhà cầm quyền cộng sản tuyển dụng “người gác cầu” là “thiếu khôn ngoan” vì các biểu ngữ cũng có thể xuất hiện ở những nơi khác, như là trên tường, trên các cành cây, và cột điện. “Nhà cầm quyền cộng sản phải tuyển thêm bao nhiêu người nữa?” anh Lý cho biết trong chương trình mới nhất của mình, “Không biết chừng sau này họ cũng cần thuê cả ‘người gác tường’ và ‘người gác cột’ nữa.”
The Epoch Times đã liên lạc với Phòng Hành chính Đô thị và Chấp pháp quận Hải Điến, và một nữ nhân viên trả lời rằng chính ủy ban phường đang tuyển người gác cầu. The Epoch Times đã liên lạc với ủy ban phường Hải Điến và không nhận được phản hồi nào tính đến thời điểm phát hành bài báo này. Ủy ban phường Tây Tam Kỳ, một trong những ủy ban thuộc ở quận Hải Điến, đã phủ nhận việc tuyển dụng nhân viên bảo vệ để giám sát cầu trong phạm vi quyền hạn của mình.
Hôm 14/10, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng tin cho hay chính quyền các quận khác nhau của Bắc Kinh đang gấp rút đăng quảng cáo tuyển dụng “người gác cầu” luân phiên nhau gác cầu 24 giờ một ngày, chia thành hai ca.
Ông Vương Đan (Wang Dan), một cựu lãnh đạo sinh viên trong cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989, đã ca ngợi người biểu tình Bành Lập Phát là “người chặn xe tăng” (tankman) của thời hiện đại hay “người biểu tình trên cầu” của Trung Quốc vì dũng khí dám lên tiếng và hành trình tìm kiếm dân chủ tự do của anh.
Bút danh trực tuyến của anh Bành là “Tải Châu” dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “giữ vững con thuyền” và nó bắt nguồn từ một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc, “Nước nâng thuyền, thì nước cũng có thể lật thuyền — câu này khuyên những người trị quốc hãy đối đãi tốt với người dân của họ, vì người dân là những người sẽ lật đổ họ.”
Bản tin có sự đóng góp của Tiêu Luật Sinh, Hồng Ninh, và Trương Đình
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times