Bệnh Alzheimer có liên quan đến nhiễm virus COVID-19 và các virus thông thường khác

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer, nhưng tình trạng nhiễm các loại virus thông thường có thể là âm thầm nhất.

Bên cạnh nguyên nhân lão hóa, tình trạng nhiễm virus cũng là yếu tố góp phần gây ra Alzheimer. COVID-19 ngày càng có liên quan đến sự suy giảm nhận thức, vốn được xác nhận bởi một bài tổng quan mới về các triệu chứng thần kinh liên quan đến COVID-19.

Theo các nhà nghiên cứu, nhiễm virus làm tăng đáng kể nguy cơ sa sút trí tuệ ở người cao niên. Trên thực tế, Alzheimer và COVID dường như phối hợp với nhau để gây tổn hại cho não.

Tác giả tương ứng của nghiên cứu Thomas E. Lane, người có bằng tiến sĩ về vi sinh và miễn dịch học, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Tôi tin rằng trong vài năm tới, bằng chứng mới nổi sẽ ủng hộ cho mối liên quan giữa nhiễm trùng vi sinh và các bệnh thoái hóa thần kinh.”

Chẩn đoán bệnh Alzheimer có thể gia tăng sau nhiễm COVID

Theo bài tổng quan, COVID-19 và Alzheimer có chung các đặc điểm gây viêm và yếu tố nguy cơ. Tình trạng viêm thường góp phần vào sự khởi phát và gây bệnh của Alzheimer. Với phạm vi tiếp cận toàn cầu và tác động sâu rộng đến thần kinh của COVID-19, các chuyên gia lo ngại tình trạng này có thể đóng vai trò là yếu tố nguy cơ dẫn đến Alzheimer hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý hiện có. Nếu COVID-19 làm tăng nguy cơ bị Alzheimer, tác động tổng hợp của các bệnh lý này này có thể để lại hậu quả lớn cho sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới.

Các nghiên cứu trước đây cũng liên kết tình trạng nhiễm virus với bệnh thoái hóa bộ não.

Một nghiên cứu hồi cứu trên 6.2 triệu người từ 65 tuổi trở lên cho thấy nguy cơ bị Alzheimer tăng 69% trong vòng một năm kể từ khi nhiễm COVID-19, đặc biệt là ở phụ nữ và người trên 85 tuổi.

Tiến sĩ Pamela Davis, giáo sư nổi tiếng tại Case Western Reserve University và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết trong một thông cáo báo chí: “Các yếu tố góp phần vào sự phát triển của Alzheimer chưa được hiểu rõ, nhưng có hai điều quan trọng, đó là các bệnh nhiễm trùng trước đó, đặc biệt là virus, và tình trạng viêm.”

Bà nói thêm, sự gia tăng liên tục về số ca mắc bệnh Alzheimer sau COVID-19 có thể gây căng thẳng đáng kể cho nguồn lực chăm sóc dài hạn.

Tiến sĩ Davis cho biết, “Chúng ta tưởng rằng đã phần nào xoay chuyển tình thế [Alzheimer] bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ chung như cao huyết áp, bệnh tim, béo phì và lối sống ít vận động. Hiện nay, rất nhiều người ở Hoa Kỳ bị nhiễm COVID và gặp phải những hậu quả lâu dài sau đó. Điều quan trọng là, chúng ta phải tiếp tục theo dõi các tác động của căn bệnh này với tình trạng khuyết tật trong tương lai.”

Các loại virus khác làm tăng nguy cơ bị Alzheimer

Một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia công bố vào tháng Tư cho thấy, tình trạng nhập viện do virus cúm gây viêm phổi có liên quan đến một số rối loạn thần kinh như sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson và xơ cứng teo cơ một bên (ALS) tới 15 năm sau chẩn đoán.

Mối liên quan lớn nhất là viêm não do virus và Alzheimer.

Một nghiên cứu khác gần đây đã phát hiện virus gây cảm cúm thông thường (virus herpes simplex) có thể làm tăng nguy cơ bị Alzheimer. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus thường cư ngụ trong các dây thần kinh, và tình trạng căng thẳng có thể tái kích hoạt loại virus này.

DNA của virus herpes simplex-1 đã được tìm thấy trong não của nhiều bệnh nhân cao niên.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện bệnh zona có thể tái kích hoạt virus và gây ra sự tích tụ amyloid giống Alzheimer.

Trong khi các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa virus và bệnh thần kinh, bao gồm cả Alzheimer, thì “cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu rõ,” Tiến sĩ Nikhil Palekar, giám đốc Stony Brook Center of Excellence for Alzheimer’s Disease và Stony Brook Alzheimer’s Disease Clinical Trials Program, nói với The Epoch Times.

Nhiễm virus làm trầm trọng thêm bệnh Alzheimer

Theo Tiến sĩ Palekar, nghiên cứu cho thấy các loại virus như cúm A, murine cytomegalovirus (một loại virus herpes phổ biến) và COVID-19 có thể khiến mảng protein amyloid tích tụ trong não. Ông nói thêm, “Sự tích tụ và hình thành mảng bám amyloid là một trong những đặc điểm bệnh lý cốt lõi của Alzheimer.”

Một nghiên cứu gần đây về virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra COVID-19, cho thấy sự gián đoạn của protein amyloid-beta và tau, làm tăng tác dụng gây độc thần kinh và có khả năng dẫn đến Alzheimer.

Tiến sĩ Palekar cho biết, nghiên cứu về tác động của virus, nhất là COVID-19, với sự thoái hóa thần kinh là điều cần thiết, đồng thời lưu ý rằng hàng triệu người từng bị nhiễm bệnh và “phần lớn trong số họ” gặp phải các triệu chứng thần kinh ngắn hạn hoặc dài hạn.

Ông nói thêm, “Hiểu được các cơ chế cụ thể mà virus ảnh hưởng đến chức năng não là rất quan trọng và giúp ích rất nhiều cho việc phát triển các phương pháp nhắm trúng đích trong giảm hoặc thậm chí ngăn ngừa sự thoái hóa thần kinh do virus.”

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn