Bệnh tự miễn dịch như tiểu đường có thể chữa khỏi? Các nhà khoa học nói chúng ta đang gần đến đích

Những nỗ lực nhằm tìm ra những phương pháp chữa bệnh tự miễn có thể đang đi đúng hướng.

Các nhà nghiên cứu đã nỗ lực chế ngự những tế bào gây ra rối loạn tự miễn dịch trong nhiều thập niên qua. Giờ đây, họ tin rằng nghiên cứu thay đổi cuộc sống, với tiềm năng chữa khỏi các bệnh tự miễn dịch, cuối cùng đã sắp thành hiện thực.

Lịch sử tìm kiếm phương pháp chữa trị

Năm 2001, nhà miễn dịch học Pere Santamaria đã đưa ra một ý tưởng sáng tạo khi tiến hành nghiên cứu bệnh tiểu đường trên chuột. Ông đã sử dụng các hạt nano oxide sắt để theo dõi những tế bào miễn dịch, sau đó phát triển ý tưởng sử dụng chúng như một liệu pháp nhắm mục tiêu, vô hiệu hóa và thậm chí tiêu diệt các tế bào gây ra bệnh tiểu đường. Một bài báo đăng trên tập san Nature lưu ý rằng nghiên cứu của ông Santamaria với chuột cho thấy “cả hạt nano đối chứng và hạt nano thử nghiệm đều đảo ngược các triệu chứng bệnh tiểu đường.”

Giờ đây, hơn hai mươi năm sau, liệu pháp mang tính cách mạng của ông Santamaria sẽ sớm được thử nghiệm trên người lần đầu tiên.

Trong hơn 50 năm, các nhà nghiên cứu đã phải giải quyết được nhiệm vụ to lớn là cố gắng tạo ra các liệu pháp nhắm đích cho các rối loạn tự miễn dịch. Hiện tại có một vài chiến lược khác nhau đang được nghiên cứu. Tất cả những phương pháp này đều có khả năng cách mạng hóa phương pháp điều trị các bệnh tự miễn.

Hầu hết những liệu pháp đang được áp dụng hiện nay đều ngăn chặn toàn bộ hệ thống miễn dịch, thay vì nhắm mục tiêu cụ thể vào các tế bào gây ra phản ứng tự miễn. Mặc dù các phương pháp điều trị này có thể giảm bớt các triệu chứng nhưng thường dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và ung thư cao hơn.

“Nghiên cứu này thực sự đem đến hứa hẹn cho tương lai của việc điều trị bệnh tự miễn. Chúng ta cần chuyển từ ức chế miễn dịch trên diện rộng sang điều tiết miễn dịch có mục tiêu để điều trị bệnh tự miễn hiệu quả và an toàn hơn,” Tiến sĩ Menka Gupta nói với The Epoch Times trong email. Tiến sĩ Gupta là bác sĩ y học chức năng chuyên điều trị các bệnh tự miễn.

Bệnh tự miễn ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Các bệnh tự miễn dịch là kết quả của sự trục trặc trong hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch bình thường có thể nhận biết sự khác biệt giữa tế bào khỏe mạnh và tế bào lạ. Tuy nhiên, nếu hệ thống miễn dịch bị tổn thương, nó sẽ tấn công nhầm vào các tế bào, mô hoặc cơ quan khỏe mạnh.

Cơ chế gây hại này có biểu hiện khác nhau tùy theo bệnh tự miễn. Ví dụ, trong bệnh đa xơ cứng cơ thể tấn công vỏ myelin bao quanh các dây thần kinh, trong khi ở bệnh celiac thì gluten kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công niêm mạc ruột.

Tiến sĩ Gupta giải thích, “Bệnh tự miễn là hệ thống miễn dịch không có khả năng phân biệt giữa kháng nguyên ngoại lai và kháng nguyên tự thân, dẫn đến tấn công các mô của chính cơ thể. Nếu các protein trong mầm bệnh (như vi rút hoặc vi khuẩn) gần giống với protein của chính cơ thể, thì khi hệ thống miễn dịch nhắm vào các protein mầm bệnh này, nó có thể tấn công nhầm các protein tương tự của cơ thể, có khả năng gây ra phản ứng tự miễn dịch.”

Các bệnh tự miễn dịch có thể nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng. Theo Tiến sĩ Gupta, “chúng có thể gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng, viêm nhiễm toàn thân nghiêm trọng hoặc bị nhiễm trùng do khả năng miễn dịch bị tổn thương.”

Có hơn 80 bệnh tự miễn đã được biết đến và mặc dù có nhiều lựa chọn để kiểm soát các triệu chứng nhưng hầu hết đều không có phương pháp chữa trị dứt điểm. Rối loạn tự miễn dịch có thể khiến cơ thể suy nhược trầm trọng và nhiều người cần điều trị suốt đời để giảm nhẹ các triệu chứng.

Tiến sĩ Gupta cho biết, “Các bệnh tự miễn dịch thường được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống viêm và các chất sinh học điều chỉnh hệ thống miễn dịch.”

Khám phá những con đường tiềm năng

Quyết định phương pháp chữa bệnh tự miễn nào là tốt nhất cho con người là một trong những thách thức chính mà các nhà khoa học đang phải đối mặt. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách khôi phục khả năng dung nạp của cơ thể đối với các kháng nguyên cụ thể, với hy vọng có thể điều trị các bệnh tự miễn mà không ảnh hưởng đến khả năng chống lại các mối đe dọa thực sự của hệ thống miễn dịch.

Những nỗ lực nghiên cứu trước đây đã cố gắng làm giảm độ nhạy của hệ thống miễn dịch bằng cách truyền một lượng lớn kháng nguyên có vấn đề, nhưng phương pháp này có mức độ thành công khác nhau. Vấn đề còn phức tạp hơn bởi thực tế là một số tình trạng khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với nhiều kháng nguyên chứ không chỉ một kháng nguyên.

Ông Santamaria tin rằng ông đã tìm ra một cơ chế có thể hoạt động như một loại “công tắc chính”, tắt hiệu quả phản ứng tự miễn dịch trong khi vẫn đảm bảo hệ thống miễn dịch không bị tổn hại. Trong các thí nghiệm của mình, ông Santamaria đã có thể hướng các phân tử kháng nguyên được gắn nhãn đến gan, nơi các tế bào tự miễn dịch giả mạo có thể bị tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa.

Hiện tại các nhà khoa học đang khám phá ba con đường chính để cơ thể dung nạp được với kháng nguyên, đó là thông qua gan, các chất mang hạt nano và tiêu diệt tế bào B.

“Phương pháp điều trị chính cho đến nay là ức chế hệ thống miễn dịch hoặc giảm triệu chứng. Việc giải quyết nguyên nhân cơ bản là một thách thức đối với các cách điều trị truyền thống. Ngoài ra còn có một mức độ khác nhau lớn trong biểu hiện bệnh. Sự phức tạp của hệ thống miễn dịch và các nguyên nhân đa yếu tố (di truyền, môi trường, tinh thần, vi sinh vật) càng làm tăng thêm thách thức,” Tiến sĩ Gupta giải thích.

Hy vọng cho tương lai

Dù chiến lược điều trị của ông Santamaria vẫn chưa được thử nghiệm trên người, nhưng cuộc thử nghiệm đầu tiên sẽ sớm bắt đầu trong năm nay. Các thử nghiệm lâm sàng khác trên người cũng sẽ bắt đầu trong năm nay tại các phòng thí nghiệm khác.

Tuy vậy vẫn còn nhiều điều cần nghiên cứu. Các liệu pháp tế bào mang lại một số thách thức, bao gồm chi phí cao và các tác dụng phụ có thể xảy ra. Có thể khó xác định liều lượng tế bào phù hợp vì những tế bào này bắt đầu tái tạo trong cơ thể ngay sau khi được đưa vào và không thể dễ dàng loại bỏ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc tìm ra phương pháp chữa trị bệnh tự miễn, và việc bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người trong năm nay được hy vọng là sẽ thu hẹp khoảng cách giữa khả năng và thực tế.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Ayla Roberts
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ayla Roberts là y tá có chứng nhận và là nhà văn tự do. Cô có bằng cử nhân và thạc sĩ về điều dưỡng và đã làm việc ở nhiều vai trò lâm
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn