Các nhà nghiên cứu điều tra người đàn ông cố tình chích 217 liều vaccine COVID

Theo một nghiên cứu mới, một người đàn ông 62 tuổi đến từ Magdeburg, Đức đã cố tình chích hơn 200 liều vaccine COVID-19 thuộc 8 loại vaccine khác nhau trong vòng 29 tháng.

Trong một báo cáo trường hợp được công bố gần đây trên The Lancet Infectious Diseases (Tập san Bệnh truyền nhiễm của The Lancet), các nhà nghiên cứu đã kiểm tra một người đàn ông được chích ngừa quá mức và phát hiện ra rằng các mũi chích không có tác động tích cực hoặc tiêu cực đáng kể đến phản ứng miễn dịch, cũng như không có bất kỳ tác dụng phụ nào “do chích ngừa quá mức” được báo cáo.

Các nhà nghiên cứu đã biết về trường hợp của người đàn ông này qua các bài viết và liên hệ với anh ta để xem liệu anh ta có sẵn sàng tham gia nghiên cứu hay không, các tác giả cho biết trên trang web của Đại học Friedrich-Alexander. Người đàn ông cho biết ông đã chích 217 mũi vì lý do cá nhân và 134 mũi đã được xác nhận chính thức.

Cho đến nay, tác dụng của việc tăng cường chích ngừa phần lớn vẫn chưa được biết đến.

Để điều tra tác động miễn dịch của việc chích ngừa quá mức, các nhà nghiên cứu đã phân tích thông tin y tế, mẫu máu và nước bọt của người đàn ông. Theo nghiên cứu, 62 xét nghiệm từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2023 cho thấy chích ngừa quá mức làm tăng số lượng nhưng không làm tăng chất lượng của khả năng miễn dịch thích nghi.

Mức kháng thể cuối cùng đã giảm sau khi lặp lại mũi vaccine

Hệ thống miễn dịch có hai phần: hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thích ứng. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại mầm bệnh. Vaccine được thiết kế để hoạt động trên hệ thống miễn dịch thích ứng. Hệ thống miễn dịch thích ứng bao gồm các tế bào và kháng thể cụ thể sẽ đóng vai trò chính nếu hệ thống miễn dịch bẩm sinh không thể tiêu diệt mầm bệnh. Hệ thống miễn dịch thích ứng có khả năng ghi nhớ mầm bệnh để có thể phản ứng nhanh hơn vào lần tiếp theo gặp phải mầm bệnh tương tự.

Theo nghiên cứu, người đàn ông này có số lượng lớn tế bào T chống lại SARS-CoV-2 — và thậm chí còn nhiều hơn khi so sánh với nhóm đối chứng gồm 29 người chỉ được chích ba liều vaccine mRNA — nhưng nồng độ kháng thể giảm xuống khi được chích liều khuyến cáo thông thường.

Mặc dù người đàn ông này không có dấu hiệu nhiễm COVID-19, như đã được xác nhận bằng các xét nghiệm kháng nguyên và PCR lặp đi lặp lại, đồng thời hệ thống miễn dịch của anh ta không trở nên mệt mỏi, nhưng nghiên cứu cho thấy phản ứng miễn dịch của anh ta chỉ có thể được duy trì qua việc tái chích ngừa liên tục. Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Kilian Schober, nói với The New York Times rằng “những mức độ siêu cao này không bền vững” và cuối cùng sẽ giảm xuống mức bình thường.

Trong toàn bộ lịch trình chích ngừa quá mức, người đàn ông này không báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan đến vaccine, nhưng nghiên cứu không tiết lộ tình trạng sức khỏe của người đàn ông đó – liệu anh ta có các bệnh lý nền, các bệnh lý trở nên trầm trọng hơn hay tình trạng sức khỏe phát triển trong suốt 29 tháng qua. Nghiên cứu chỉ nêu rõ rằng bất kỳ dấu hiệu bất thường nào được phát hiện qua xét nghiệm đều không phải do vaccine COVID-19.

Tiến sĩ Schober cho biết rằng những bệnh nhân khác chích nhiều liều như vậy có thể gặp tác dụng phụ và sẽ là không khôn ngoan nếu mọi người bỏ qua lời khuyên y tế mà chích nhiều hơn số liều vaccine được khuyến nghị.

Tiến sĩ Schober nói với CNN, “Điều quan trọng cần nhớ là đây là một nghiên cứu điển hình riêng lẻ và kết quả không thể khái quát hóa được. Lợi ích sẽ không lớn hơn nhiều nếu bạn chích vaccine ba lần hoặc 200 lần.”

Người đàn ông này đã nhận được 8 loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau

Các công tố viên ban đầu đã mở một cuộc điều tra về trường hợp này và thu thập bằng chứng về 130 lần chích ngừa trong 9 tháng, các nhà nghiên cứu viết. Các liều bổ sung đã được tự báo cáo. Nếu người đàn ông nhận được 217 liều vaccine trong vòng 29 tháng, thì trung bình cứ bốn ngày ông ấy lại được chích một liều vaccine.

Theo lịch sử chích ngừa của người đàn ông này, lần đầu tiên anh ta được chích vaccine Johnson & Johnson vào tháng 06/2021. Các liều vaccine tiếp theo của anh ta bao gồm AstraZeneca, Moderna, Sanofi và GlaxoSmithKline, cũng như vaccine đơn trị, lưỡng trị và vaccine cập nhật của Pfizer.

Ngoài ra, người đàn ông này đã nhận được 16 mũi chích vào năm 2021, 48 mũi chích vào tháng 01/2022, 34 mũi chích vào tháng Hai và 6 mũi chích vào tháng Ba trước khi các công tố viên vào cuộc.

Vào tháng 04/2022, truyền thông Đức đưa tin một người đàn ông 60 tuổi ở cùng thành phố đã được chích ngừa 87 lần, được chích tới ba liều vaccine trong một ngày. Trước khi người ông ta có thể nhận thêm bất kỳ liều vaccine nào, ông ta đã bị cảnh sát giam giữ tại một trung tâm chích ngừa vì nghi ngờ rằng ông ta đang bán lại giấy chứng nhận chích ngừa cho bên thứ ba vào thời điểm cần phải có bằng chứng chích ngừa để thường xuyên đến một số địa điểm nhất định. Không có cáo buộc hình sự nào được đưa ra.

Các tác giả nghiên cứu cho biết, bất chấp những phát hiện của họ, họ không ủng hộ việc chích ngừa quá mức như một chiến lược để cải thiện khả năng miễn dịch thích ứng, cũng như kết quả không đủ để đưa ra các khuyến nghị sâu rộng cho công chúng.

“Nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng chích ba liều cùng với việc các mũi bổ sung thường xuyên cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương vẫn là cách tiếp cận được ưa chuộng,” họ cho biết trên trang web của trường đại học. “Không có dấu hiệu nào cho thấy cần thêm vaccine.”

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Megan Redshaw
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Megan Redshaw là một luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là người áp dụng liệu pháp tự nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và thể dục.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn