Câu chuyện Trung y: Đau bụng 12 năm

Khi tiếng sấm mùa xuân vang lên khắp nơi, vạn vật bừng tỉnh sau mùa đông lạnh giá. Quan sát chiết tự chữ Xuân” , trên là bộ ‘thảo’ (nghĩa là cỏ cây), dưới là chữ ‘nhật’ (chỉ mặt trời), mang ý nghĩa là dương khí của mặt trời đã thấm xuống cỏ cây và đi vào lòng đất, đánh thức sức sống của đại địa. “Mùa xuân” cũng là cơ hội cho những hạt giống nhỏ, côn trùng nhỏ, những sinh vật nhỏ sẵn sàng muốn chui ra. Nhưng nếu lúc này, những hạt giống nhỏ, côn trùng nhỏ và những sinh vật nhỏ này có khả năng gây bệnh thì cũng sẽ nhân cơ hội mùa xuân sinh sôi dữ dội mà gây nhiều phiền toái cho sức khỏe con người.

Một phụ nữ 70 tuổi, bị đau âm ỉ ở vùng bụng dưới vào mỗi dịp mùa xuân. Mặc dù không đau dữ dội, cũng không phải là chứng bệnh nghiêm trọng, nhưng lại rất khó chịu và ảnh hưởng đến tâm trạng. Bà đã bệnh viện khám nhưng không tìm ra nguyên nhân nên bà phải vật lộn với chứng đau bụng suốt 12 năm. Bà còn bị cao huyết áp, mất ngủ, tức ngực, đau lưng, nấc cụt và đại tiện không thành khuôn. Tôi hỏi bà: “Khi ấy nguyên nhân khiến bà đau bụng là gì? Bà có bị tiêu chảy không? Bà có uống thuốc cầm tiêu chảy không? Có bị cảm lạnh không?” Ở tuổi 70, ký ức của bà bắt đầu mờ nhạt và không thể nhớ được bất cứ điều gì.

Về mặt lâm sàng, nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng kéo dài là viêm ruột do vi khuẩn tại thời điểm nhiễm bệnh. Một ngày có thể bị tiêu chảy tới 20 lần. Theo lý mà nói, nên để vi khuẩn thải ra ngoài hoặc dùng thuốc diệt vi khuẩn thì triệu chứng tiêu chảy sẽ tự nhiên chấm dứt. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều dùng thuốc cầm tiêu chảy, muốn hết tiêu chảy càng sớm càng tốt. Kết quả là sau khi hết tiêu chảy, vi khuẩn không bị tiêu diệt mà còn có thể nằm im ẩn nấp và sinh sản tiếp. Khi người bệnh dùng đồ ăn nhiều dầu mỡ thì tiêu chảy sẽ bị tái phát hoặc bụng sẽ bi đau âm ỉ.

Bà cụ trước mặt tôi có sắc mặt vàng vọt, thân hình gầy gò, cơ bắp nhão, đại tiện không thành hình là biểu hiện của tỳ khí hư. Người mệt mỏi lại không ngủ được, nói nhanh, mắt nhấp nháy, tính tình cáu kỉnh và hay lo lắng, mạch tượng căng như dây đàn, là hiện tượng kinh gan dẫn lưu kém. Rất có thể là di chứng viêm ruột do vi khuẩn gây nên, lại phát tác vào mùa xuân, phát tác vào thời gian sau nửa đêm càng tệ hơn. Mà xuân khí nhập vào gan, và sau nửa đêm là thời gian tuần hành của kinh gan và túi mật. Tôi suy đoán chứng đau bụng là kinh gan đang rối, mộc gan khắc thổ tỳ gây ra.

Cơ bụng dưới hai bên sườn của bà tương đối căng, ấn vào thấy hơi cứng. Bà còn bị tức ngực, mất ngủ và gặp một số vấn đề về cảm xúc. Vì thế tôi hỏi bà: “Bà hay lo lắng phải không? Rất hay phiền muộn đúng không?” Con gái bà ở bên cạnh cứ gật đầu, nhưng bà có vẻ như không tiện nói chuyện bởi vì con gái đang ở bên cạnh. Tôi nhẹ nhàng nói với bà: “Bà đã ngoài 70 tuổi rồi, không phải nên ngừng lo lắng lại ở đây sao? Bà nghĩ lại mà xem, 95% những điều bà lo lắng sẽ không xảy ra, mà chỉ có 5% là sẽ xảy ra, đúng không? Thật lãng phí tinh thần khi lo lắng về những điều sẽ không xảy ra. Lo lắng về những điều sẽ xảy ra cũng vô ích. Điều gì nên đến thì sẽ đến, và điều gì phải đi thì sẽ đi. Đó là việc của ông Trời. Chúng ta chỉ cần giữ tấm lòng thiện lương thì sẽ gặp dữ hóa lành.” Nghe tôi nói xong, bà mỉm cười.

Điều trị bằng châm cứu

Giải khí ứ đọng ở gan, châm cứu huyệt Thái xung. Vì gan thận âm hư nên phối hợp với huyệt Chiếu hải để điều hòa âm và làm dịu tâm trí; lại châm thêm huyệt Tam âm giao để bổ gan thận.

Trị đau bụng kinh niên dùng huyệt Tam âm giao có tác dụng bổ tỳ, nhuận gan. Dùng huyệt Hành gian để xoa dịu khí ứ trong gan, giảm đau. Dùng huyệt Nội quan thông các mạch Hội duy, không đi qua Tam tiêu mà khai thông khí ở ngực.

Dùng huyệt Túc tam lý giảm chiều nghịch, thay đổi mức độ đục của khí. Sử dụng huyệt Lương khâu, đây là Khích huyệt (huyệt chỗ giáp ranh) trên Dương minh vị kinh, có khí và máu tích tụ sâu, với đặc tính nhiều khí huyết, có tác dụng điều hòa khí huyết và giảm đau.

Đối với chứng mất ngủ, châm các huyệt Thần môn và Nội quan. Tôi cũng dặn dò bà, nên hạn chế ăn dưa và hoa quả lạnh cùng đồ ăn có dầu mỡ.

Tôi lại hướng dẫn bà, khi bị đau bụng thì vừa ấn vào huyệt Hợp cốc hoặc Nội quan, vừa hít vào vùng bụng bị đau, sau đó hãy thở ra từ từ. Dùng muối ăn nhét vào rốn rồi dùng giấy và băng dính dán bên ngoài, có thể dán cả ngày rồi lấy ra khi tắm. Cũng có thể dùng hạt ngải cứu hoặc nhánh cây ngải cứu để cứu trên rốn, hoặc dùng máy sấy tóc thổi khí nóng trong 10 phút.

Đơn thuốc chữa bệnh

Sử dụng bài thuốc chữa đau bụng kinh điển do suy nhược cơ thể – Tiểu Kiến Trung Thang, cho thêm vào Tứ nghịch tán, một đơn thuốc cổ điển để làm dịu và bổ sung khí gan; lại cho thêm vị thuốc làm từ cây ngô thù du, chuyên dùng để điều trị gan, thận và lá lách, có thể làm giảm tắc nghẽn khí trong ruột già, điều trị đau bụng âm ỉ, giảm nôn mửa và nấc cụt.

Sau lần chẩn bệnh đầu tiên, bà cụ đã lâu không trở lại tái khám. Trong tâm tôi luôn nhớ về bà ấy, không biết sau khi điều trị thì tình hình hiện tại của bà ra sao. Khoảng hai tháng sau, bà đến khám bệnh do bị cảm lạnh. Khi tôi hỏi về tình hình bệnh đau bụng của bà, bà vui vẻ nói: “Sau một lần châm cứu và uống thuốc đã khỏi hoàn toàn.”

Mùa xuân vẫn chưa kết thúc, bà có thể nhảy múa cùng khung cảnh mùa xuân, và kể từ đó bệnh không còn tái phát nữa.

Làm thế nào mà hiệu quả điều trị có thể tốt như vậy? Thành thật mà nói, ngoài việc khen ngợi trí tuệ của tổ tiên, tôi còn cảm thấy như mình đã chữa khỏi bệnh cho bà một cách không thể lý giải được.

(Bài viết được trích từ cuốn “Minh Huệ chẩn gian – Dung quang tất chiếu” [Phòng khám Minh Huệ – Vẻ đẹp tỏa sáng], Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).

Tịnh Tâm biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn