Câu chuyện Trung y: Nhân sinh vô thường, hãy tỉnh giấc!

Trên con đường nhân sinh, lúc nào thì người ta sẽ thức tỉnh? Là khi bị tổn thương? Ai là người dễ gây tổn thương cho chúng ta nhất? Người xa lạ? Bằng hữu? Hay người thân? Những tổn thương bình thường, là có thể dùng thời gian để chữa lành. Nhưng nếu tổn thương đến từ người mà chúng ta quan tâm, để ý nhất, thường sẽ là tổn thương sâu nhất, đau đớn nhất, và cũng kéo dài nhất. Nếu tổn thương do người thân gây nên, và không thể nào tránh được, thì phải làm thế nào để giải quyết đây?

Một người phụ nữ 51 tuổi, chưa kết hôn, là con thứ hai trong gia đình có ba chị em gái. Cô làm nhân viên tạp vụ trong một công ty thương mại, bởi vì không giỏi giao tiếp nên cô thường bị người khác chèn ép bắt nạt. Cô thường phải nhẫn nhịn chịu đựng, cứ nhẫn nhịn như vậy suốt hơn 10 năm. Khi đi làm, cô phải đối mặt với cả áp lực tinh thần lẫn áp lực công việc đan xen.

Sau khi đi làm về nhà, cuộc sống của cô cũng không mấy dễ chịu. Mẹ của cô theo chủ nghĩa hoàn mỹ, ý muốn kiểm soát rất mạnh mẽ, luôn bắt bẻ những lỗi sai của cô, hay cằn nhằn, trách móc bằng lời lẽ cay nghiệt. Tình trạng cứ như thế diễn ra suốt hơn 30 năm. Cô vẫn luôn không dám cãi lại, chỉ một mình chịu đựng. Hết thảy nỗi oán hận, cô chôn vùi vào trong tuổi thanh xuân của mình.

Thanh xuân ngắn ngủi, chẳng mấy chốc cô đã đến thời kỳ mãn kinh. Các triệu chứng đặc trưng của thời kỳ này cũng xuất hiện như: nóng bừng, đổ mồ hôi trộm, tim đập nhanh, mất ngủ, mắt khô, đau lưng mỏi eo, vú có khối cứng … Tất cả những điều này như lửa đổ thêm dầu, mãnh liệt thiêu đốt cơ thể. Phải làm như thế nào đây?

Cô từ miền Bắc đến khám bệnh, đôi mắt đen nhánh kia ẩn giấu những sợi tơ cảm xúc, giống như con đường tơ lụa cát phủ mênh mông, lộ ra nỗi buồn khổ vô hạn. Thân hình gầy yếu, tựa như mang trong mình nỗi ưu sầu thiên cổ. Khi tôi kiểm tra vú của cô, vú bên trái có một khối cứng khác thường, bề mặt da bên ngoài có màu xanh tím, nhiệt độ hơi nóng.

Tôi hỏi cô, “Cô có biết vú của cô bị bệnh gì không?” Cô nhỏ giọng nói, “Có lẽ là ung thư vú.” Tôi tiếp tục hỏi: “Cô cũng không đi khám Tây y ư? Người thân của cô có biết không?” Cô nói, cô không muốn bác sĩ Tây y cắt bỏ vú của mình, cô cũng không cho cha mẹ biết, thậm chí còn không nói cho chị em gái của mình biết. Ngay cả đồng nghiệp, bạn bè thân thiết cũng không ai biết, trên thế giới này chỉ có mình tôi biết.

Nhìn cô ấy một mình buồn khổ chịu đựng nỗi đau của căn bệnh, tôi nhẹ nhàng nắm lấy tay cô và nói, “Có phải ở nhà cô phải chịu áp lực rất lớn không?” Cô cúi đầu, không biết là phải bắt đầu nói từ đâu? Lời còn chưa nói, mà nước mắt đã chảy dài thay cho lời muốn nói. Nỗi chua xót và bi thương trong lòng ấy, từng giọt từng giọt nước mắt thương tâm kia, giống như những hạt châu đứt đoạn rơi xuống, ướt đẫm vạt áo, rơi đầy trên đất.

Điều trị bằng châm cứu

Trong điều trị ung thư vú trước đây, chủ yếu bắt đầu từ bệnh lý, chuyên nhắm vào tiêu diệt khối u. Nhưng sau nhiều năm tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, tôi nhận thấy việc điều trị ung thư vú, cần phải bắt đầu trị liệu từ tâm lý và cảm xúc của bệnh nhân. Vì vậy, tôi đã dành rất nhiều thời gian, cố gắng tháo bỏ những khúc mắc trong tâm tình của bệnh nhân, chú trọng châm cứu, đặc biệt chú trọng vào sự điều tiết của Can kinh (kinh mạch gan).

Đầu tiên, tiến hành châm cứu nhằm giải tỏa tâm lý, châm huyệt Thần Đình, châm xuyên qua theo hướng huyệt Ấn Đường, châm xuyên huyệt Ấn Đường từ trên xuống dưới, nhằm khai thông khí ở Nhâm mạch và lồng ngực, đồng thời điều trị chứng mất ngủ, tức ngực. Giải thông ứ nghẽn trong gan, châm các huyệt Thái Trùng, Kỳ Môn, Tam Âm Giao. Đối với triệu chứng tức ngực, tim đập nhanh, châm cứu huyệt Nội Quan, Thiên Trung. Ung thư vú, thì châm các huyệt Kiên Tỉnh, Trung Phủ, Nhũ Căn, Thiên Trung, Thái Uyên. Giải độc máu, châm cứu huyệt Huyết Hải, Khúc Trì, Tam Âm Giao.

Cô ấy cảm thấy không thèm ăn, rất gầy ốm, châm cứu các huyệt Túc Tam Lý, Trung Quản, đồng thời giúp đả thông Vị kinh ở vú. Ung thư vú cũng thuộc “đông bị tổn thương do khí lạnh, xuân tất bệnh nóng.” Vì thiếu âm phục tà, khư hàn, châm huyệt Quan Nguyên. Bổ sung dinh dưỡng, châm huyệt Túc Tam Lý, Tam Âm Giao. Mỗi lần tùy theo chứng mà điều chỉnh tăng hay giảm. Ba tháng đầu, mỗi tuần châm cứu một lần, ngoài ra dùng thuốc sắc nước uống thêm.

Bệnh tình của cô, sau nửa năm châm cứu, uống thuốc, kết hợp điều trị tâm lý, các triệu chứng có cải thiện. Do công việc bận rộn, đường sá xa xôi, nên tôi giới thiệu cô đến bác sĩ khác để điều trị. Trước khi đi, cô nói rằng cô đang cố gắng để thuyết phục chị gái cô đến gặp tôi khám bệnh, chị gái của cô bị ung thư vú giai đoạn 1, đang tiếp nhận phương pháp cắt bỏ của Tây y.

Tôi nghe xong cảm thấy rất sửng sốt! Cả hai chị em đều bị ung thư vú, đều bị bên trái. Với nhiều năm kinh nghiệm và quan sát, tôi biết rằng tính chất gia đình của bệnh ung thư vú không hoàn toàn là vấn đề do gene di truyền, mà còn là do môi trường chung sống lớn lên cùng nhau, đặc biệt là môi trường gia đình. Người ta cũng quan sát thấy người bị ung thư vú bên phải phần lớn có liên quan đến tình cảm, có mối quan hệ căng thẳng với bạn trai, với chồng. Đặc biệt nếu người đàn ông độc đoán, có người thứ ba mà người phụ nữ không dám lên tiếng, hoặc cãi vã không ích lợi gì, thì dễ bị mắc bệnh nhất.

Còn người bị ung thư vú bên trái, phần lớn có liên quan đến áp lực gia đình, mặc dù có chồng rất tốt nhưng mẹ chồng như quả bom địa lôi, không cẩn thận thì sẽ dẫm phải, oán khí ngày ngày tích lũy chồng chất mà không giải quyết. Ngày xưa con dâu sợ mẹ chồng, thời hiện đại mẹ chồng sợ con dâu. Loại quan hệ mẹ chồng – nàng dâu căng thẳng, đã đổi sang mối quan hệ căng thẳng giữa mẹ ruột và con gái, khiến người ta dường như không thở nổi. Vì vậy, căn nguyên khiến hai chị em gái này mắc bệnh rất có thể là do người mẹ gây ra.

Người chị gái lớn làm việc trong một công ty ngoại thương danh tiếng, thường xuyên đi công tác ở ngoại quốc. Vì cô thông minh nhanh nhẹn, có năng lực nên được ông chủ đánh giá rất cao. Cô có thể đảm nhận mấy công việc cùng lúc, có thể làm việc mười tiếng một ngày cũng không biết mệt, tinh lực hơn người. Trong thời gian ngắn, cô đã được thăng chức lên làm quản lý. Thật là quá liều, quá xem thường sức khỏe bản thân!

Một lần, người chị tự kiểm tra và phát hiện có khối sưng đau ở vú. May mắn là cô có một người bạn học cũ đang làm việc tại khoa ung thư. Người bạn này đã dẫn cô đi khám. Kiểm tra cho thấy cô có một khối u kích thước 2.5 cm ở vú trái, kết quả chụp cắt lớp xác định là u ác tính. Do đó, cô chị từ bỏ tiền đồ tốt đẹp, chia tay người bạn trai ngoại quốc, chuyên tâm điều trị ung thư vú. Sau ca phẫu thuật, cô chị đã tiến hành 4 lần hóa trị, sử dụng loại thuốc hóa trị tốt nhất, mỗi lần tự chi trả 30 ngàn Đài tệ tiền phí điều trị. Khi đến lần hóa trị thứ 3, cô chị đã chấp thuận lời đề nghị của em gái, đồng thời kết hợp điều trị với Trung y.

Một buổi chiều nắng rực rỡ, cô em thứ hai gọi điện cho tôi, nói rằng cuối cùng cô ấy cũng dám nói lại người mẹ, mạnh miệng phản biện. Sau khi nói một hồi, cảm xúc như được phát tiết, cô cảm thấy mình thoải mái chưa từng có, ngực không còn nặng nề, khó chịu. Thế nhưng, tính cách của người mẹ vẫn y như cũ, khói lửa trong nhà vẫn liên tục lóe lên muốn bốc cháy.

Sau hai tháng điều trị, người chị đã bình an vượt qua giai đoạn hóa trị, không gặp phải bất kỳ vấn đề khó chịu gì, cảm thấy mọi tình trạng đều tốt đẹp. Sau đó, cô chị đã đưa cha mẹ của mình cùng tới kiểm tra điều dưỡng sức khỏe. Cuối cùng, tôi cũng gặp được nhân vật quan trọng trong “truyền thuyết.”

Bà mẹ 80 tuổi, nhưng ánh mắt sắc sảo, thỉnh thoảng còn giống như chỉ huy ra lệnh. Người cha 82 tuổi thì có phong cách ôn hòa hơn, kiểu như: “Cứ theo bà ấy đi! Hết cách rồi, chấp nhận hoàn toàn để tránh xảy ra tranh chấp.” Triệu chứng của hai ông bà là triệu chứng của người già thường gặp, như mất ngủ, váng đầu, đau lưng, chân tay yếu, mắt mờ khô rát. Bà mẹ yêu cầu tôi đặc biệt điều trị cho bà ấy. Còn người cha có triệu chứng ù tai, nghe kém, gần như điếc, hay quên, có hiện tượng mất trí nhớ của người lớn tuổi.

Qua hai tháng điều dưỡng sức khỏe, bà mẹ rất hài lòng, tình trạng thân thể của cả hai ông bà đều có sự cải thiện rất lớn. Thế nhưng, người cha vẫn luôn giữ vẻ mặt thờ ơ, lạnh nhạt. Cho dù tôi pha trò đùa ông thế nào, thì khuôn mặt ông vẫn không có biểu cảm gì. Chỉ cần có vợ ngồi ở bên cạnh, ông sẽ không dám có thái độ tùy ý, không dám sai sót, tránh tai bay vạ gió.

Người chị trải qua nhiều lần nói chuyện giải tỏa tâm lý, mặc dù thân đang trong bệnh tật, nhưng ngược lại sinh mệnh như được xoay chuyển. Sau khi nhìn lại cuộc đời mình, cô cảm thấy hết thảy khúc mắc đều tiêu tan, cuộc sống rộng mở tươi sáng, không còn sầu lo và sợ hãi về bệnh ung thư vú nữa. Trái lại, trong họa đắc phúc, cô cảm thấy bản thân mình chưa bao giờ nhẹ nhàng, hạnh phúc đến thế, cô đã tìm lại được tâm hồn của mình. Người ta thường nói “tướng do tâm sinh.” Gương mặt của cô chị bừng lên vẻ tươi sáng xinh đẹp, trẻ ra rất nhiều, càng thêm nét thu hút.

Ngược lại, người em thứ đã hơn nửa năm không đến khám. Cô gọi điện cho tôi kể về tình huống của mình gần đây: vì lưng của cô bị đau đột ngột, nên bác sĩ giúp cô chích máu. Đối với người có sức khỏe yếu như cô, thì việc chích máu giống như thoát lực vậy. Cô gần như suy sụp, toàn thân yếu ớt, không thở được, buộc phải xin nghỉ phép tĩnh dưỡng.

Tình trạng sức khỏe của cô ấy sao có thể xấu đi được? Có phải là ung thư đã di căn vào xương rồi hay không? Khi nói chuyện, cô ấy thở gấp, và thường tạm dừng nửa chừng. Tôi thực sự lo lắng, liệu có phải ung thư đã di căn đến phổi rồi không? Tôi nhận thấy tình trạng sức khỏe của cô ấy không ổn.

Tôi hỏi người chị gái: “Cô có biết em gái thứ hai của cô bị bệnh gì không?” Người chị lắc đầu. Tôi lại hỏi bà mẹ câu hỏi đó, bà mẹ vẫn lắc đầu. Tôi rất ngạc nhiên! Sao không ai quan tâm đến cô con gái thứ hai hết vậy? Tình trạng của cô ấy vốn đã rất tệ rồi, sao không một ai nhận ra bệnh tình của cô ấy chứ? Tôi nghĩ nên để người thân giúp đỡ cô ấy, phải tạo một cơ hội để cho cô con gái thứ hai và bà mẹ giải trừ nỗi oán hận.

Vì vậy, sau khi tôi nói với họ sự thật về sức khỏe của cô con gái thứ hai, cả hai mẹ con đều rất kinh ngạc! Tôi nặng nề nói với bà mẹ: “Bà có biết nguyên nhân lớn khiến cho con của bà bị bệnh là do bà không? Muốn tháo chuông thì phải tìm người buộc chuông. Mong bà hãy hạ khẩu lưu tình, miệng vàng lời ngọc của bà chính là một lưỡi kiếm sắc bén, luôn gây tổn thương cho con gái bà. Con gái đều đã lớn như vậy rồi, bà cũng đã già như thế này rồi, vậy mà bà vẫn còn muốn quản nữa ư? Nhà là nơi cần yêu thương, không phải là nơi quan trường để thể hiện quyền uy.”

Nghe xong, bà mẹ tức giận đến mức không thể kìm nén, trợn tròn đôi mắt, ánh mắt chứa sát khí, như muốn nói: “Chuyện nhà tôi, ai cần cô lo.” Cô chị lớn đang đứng đằng sau lưng bà mẹ, chìa ngón tay cái lên với tôi ra hiệu khen ngợi.

Chờ khi bà mẹ đến phòng châm cứu, cô chị gái mới nói, bệnh ung thư vú của cô cũng là do bị người mẹ mắng nhiếc mà ra. Bà ấy từ trước tới giờ không hề nói lý, chỉ cần không làm theo lời bà, là bà liền nổi trận lôi đình, trong nhà giống như đang trình diễn tiết mục ‘Thủy mạn Kim Sơn’ (nước nhấn chìm Kim Sơn tự) trong ‘Bạch Xà truyện’ vậy. Sóng lớn cuộn trào mãnh liệt, khiến cho cả nhà không yên. Cuối cùng, mọi người trong nhà đều không còn muốn tranh cãi. Hiện giờ cô chị lớn đã học cách buông bỏ, mặc cho bà mẹ gào rống thế nào, cũng không muốn gây thêm sóng gió gì nữa. Nhưng cô em gái thứ thì vẫn còn trong dày vò, lung lay muốn gục ngã.

Vì vẫn còn đang tức giận, nên bà mẹ không còn đến khám nữa. Cô chị lớn vẫn tiếp tục đưa cha đến châm cứu. Không có bà mẹ ở bên cạnh, người cha vừa bước vào cửa đã tươi cười, còn chủ động tán gẫu nói cười, so với trước đây giống như một con người hoàn toàn mới vậy. Ông thảo luận về việc đầu tư cổ phiếu của mình, ông rất giỏi đọc báo cáo tài chính do các công ty niêm yết. Khi nói về đánh golf, ông càng vui vẻ nhiều hơn. Thì ra người cha dễ mến đến vậy, thính lực của ông hiển nhiên là bình thường, chỉ là ông giả vờ điếc khi ở trước mặt vợ mình, còn giả bộ ngây ngơ. Quả thực là thông minh!

Một ngày nọ, người cha 82 tuổi, không biết bị động dây thần kinh nào, ấy vậy mà dám lớn tiếng quát bà mẹ vốn đang ra lệnh rằng: “Bà đừng có xem tôi như con rối để điều khiển nữa. Bà còn như vậy, tôi sẽ ly hôn với bà.” Người cha bất ngờ vùng lên khiến cho bà mẹ khiếp sợ, các con gái đều kinh ngạc không thôi! Nhà này sắp trở trời rồi sao?

Một lần, cô con gái thứ hai không thở được, người nhà vội đưa cô vào bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh ung thư vú của cô đã di căn đến phổi, gan và xương. Sao lại nghiêm trọng như vậy? Người mẹ lúc này mới hoảng hốt, dốc lòng chăm sóc cho con gái, người tóc trắng chăm sóc người tóc đen! Mặc dù dịch viêm phổi do COVID-19 đang hoành hành khiến người ta hoang mang lo sợ, cũng không kinh hoàng và đau xót bằng chứng kiến ​​căn bệnh ung thư vú của con gái bộc phát ra. Mùi hôi thối bốc ra ngoài, khiến bà mẹ cảm thấy lo sợ. Nhà bị dột còn gặp mưa gió suốt đêm, cô con gái thứ ba cũng được xác nhận đã mắc bệnh ung thư vú ngay sau đó.

Trong thiên hạ không có cha mẹ nào là không thương con, hổ dữ còn không ăn thịt con. Mặc dù cô con gái thứ hai được bà mẹ tận tâm chăm sóc, nhưng mọi thứ đều đã quá muộn rồi! Cuối cùng, vẫn là cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

(Bài viết được trích từ cuốn sách “Bát diện đương phong – Tuyệt xử phùng sinh” của bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung, do Nhà xuất bản Bác Đại – Đài Loan ấn hành).

Trang bìa cuốn sách “Bát diện đương phong”. (Ảnh: Do nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Trang bìa cuốn sách “Bát diện đương phong”. (Ảnh: Do nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn