Câu chuyện Trung y: Nỗi đau ngoài da

Một thanh niên đang ghi danh tại quầy, vừa ghi danh vừa mắng: “Bác sĩ chữa bệnh tiểu đường đều là những kẻ gian lận đồ ăn thức uống.” Giọng anh ấy the thé và chói tai. Mọi người trong phòng khám đều nghe lời tố cáo đầy vẻ oán trách của anh.

Tuy nhiên, không phải người thanh niên này muốn khám bệnh, mà anh ấy ghi danh giúp người mẹ bị bệnh tiểu đường. Bà mẹ 70 tuổi, đã dùng thuốc Tây y để hạ đường huyết hơn 30 năm. Lượng đường trong máu trước bữa ăn có khi lên tới 370, lượng đường trong máu sau bữa ăn lên tới 500. Sau khi dùng insulin, lượng đường trong máu vẫn không ổn định. Thân hình người mẹ hơi còng, đen gầy, khập khiễng, khuôn mặt đầy vẻ đau đớn và nhiều nếp nhăn, lông mày nhíu chặt, ánh mắt đầy lo lắng.

Bà bước đi từng bước rất khó khăn, người con trai cũng không dìu bà. Lúc bà đến gần, tôi mới nhìn thấy bàn chân và các ngón chân của bà đều bị hoại tử, chẳng trách bà lại đau đớn như vậy. Người thanh niên đi bên cạnh bà mẹ bước vào phòng khám, lại lớn tiếng nói: “Tôi dám nói rằng, tất cả các bác sĩ điều trị bệnh tiểu đường đều là kẻ gian dối về đồ ăn thức uống.” Tác dụng phụ của thuốc Tây hạ đường huyết có thể gây ra bệnh tim, bệnh thận, đột quỵ thậm chí còn làm tăng tỷ lệ tử vong lên tới 64%.

Từ mắt cá chân đến ngón chân của người mẹ bị phù nề và đau nhức dữ dội. Da ở mắt cá chân và ngón chân có màu nâu xám, gần cuối ngón chân gần như đen. Bác sĩ Tây y cho rằng, nếu điều trị không tốt, có khả năng phải cắt bỏ ngón chân cái. Khi nghe con trai nói những lời này, bà mẹ bật khóc, sau này sẽ đi lại như thế nào? Tôi lấy giấy đưa cho bà mẹ lau những giọt nước mắt già nua đau lòng!

Ngón chân của bà đau nhức vào ban ngày, đến ban đêm thì càng đau đớn hơn. Ngồi cũng đau mà đi cũng đau, đây là biến chứng đau đớn nhất của bệnh tiểu đường. Không những vậy, tình trạng đau nhức ở chân khiến bà bồn chồn, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Hơn nữa, tai bà ngày càng khó nghe, thị lực ngày càng kém, thân thể càng lúc càng gầy, làm sao có thể sống một cuộc đời dày vò như vậy!

Với ánh mắt hoảng hốt, bà ấy lo lắng hỏi tôi: “Chân tôi có thể khỏi không?” Tôi chưa kịp trả lời thì con trai bà ấy đã lập tức nói bằng tiếng Đài Loan: “Bà đi chết đi, chết rồi mới khỏi được!” Nghe xong lời này thực khiến lòng người đau đớn. Tôi vội nắm tay bà mẹ, xoa nhẹ huyệt Hợp cốc, sợ bà ấy không thể chịu đựng được nỗi đau từ lời nói kia.

Đáng thương cho bà ấy, tai hơi khó nghe, nên bà hỏi lại con trai: “Con nói gì thế?” Tôi đang lo con trai bà ấy sẽ nhẫn tâm nói ra những lời không hay khác, không ngờ rằng, anh ta lại lặp lại câu nói đó, những lời độc ác và vô nhân tính. Tôi lập tức yêu cầu anh ta ra ngoài đợi. Cũng may người mẹ chăm chú nghe, ngơ ngác nhìn tôi, lại ngơ ngác hỏi: “Vừa rồi nó nói cái gì vậy?”

Bà ấy rất sợ kim tiêm, cũng sợ uống thuốc. Bà nói bà đã uống rất nhiều thuốc nhưng không khỏi. Bà hỏi tôi có loại thuốc mỡ nào tốt hơn không, chỉ cần bôi lên chân cho bà.

Lúc này, người con trai lại lao vào chửi rủa: “Bà đúng là đồ vô dụng! Nếu bà không nghe lời, tôi sẽ không nói chuyện với bà nữa. Tôi sẽ để bà cắt cụt ngón chân và chặt đứt nó đi.” Khuôn mặt bà mẹ rơi đầy nước mắt, tôi bèn hứa sẽ nhẹ nhàng giúp bà châm cứu. Dỗ dành hồi lâu bà mới đồng ý châm cứu. Trước đây thính lực của bà cũng rất tốt, người nhà nghe nói bị bệnh tiểu đường lâu ngày sẽ gây điếc nên họ xem việc bà ấy bị lãng tai là điều đương nhiên, và không giúp bà điều trị thính lực.

Châm cứu điều trị

Châm cứu cho người già, kim đầu tiên nhất định phải châm huyệt Bách Hội nhằm gây tác dụng tăng dương khí, để khi châm vào các huyệt khác thì khí lưu thông thuận lợi hơn. Lúc tôi muốn giúp bà ấy châm cứu huyệt Bách Hội, bà ôm đầu không chịu cho tôi châm vào. Bà nói là sợ đầu kim và bảo tôi châm trực tiếp vào chân, không chịu cho tôi châm kim.

Tôi không còn cách nào khác ngoài việc dùng kim nhỏ 5 phân, châm một vòng quanh vùng bị ảnh hưởng, ở các huyệt Công Tôn, Thái Xung, Xung Dương, Địa Ngũ Hội, Khâu Hư. Mỗi lần hạ kim, bà ấy rên rỉ, thậm chí kim còn chưa đâm vào, bà đã kêu đau. Tôi phải một tay nắm lấy tay bà ấy, tay kia châm cứu và nói: “Xin lỗi!” Sau khi châm cứu, bà ấy liền hỏi: “Khi nào tôi mới khỏi bệnh?”

Đến lần chẩn trị thứ hai, vết sưng ở chân của bà ấy đã thuyên giảm đôi chút nhưng vẫn sưng tấy và đau nhức rất nhiều. Tôi hỏi: “Bà có muốn sớm khỏi bệnh không?” Bà ấy vội gật đầu. Tôi bèn nói: “Vậy bà phải dũng cảm lên! Có như thế mới sớm khỏi bệnh được”. Lần này, bà chỉ trả lời: “Tôi sợ đau.”

Tôi nhẹ nhàng nắm lấy tay bà nói: “Tôi sẽ châm kim nhẹ nhàng! Đừng sợ! Càng sợ sẽ càng đau. Châm cứu là đẩy khí đi, bà càng chấp nhận thì càng bớt đau. Cơn đau khi châm cứu sẽ không bằng cơn đau ở chân. Châm cứu không khủng khiếp hơn việc cắt cụt ngón chân của bà.” Bà ấy gượng cười, lẩm bẩm một mình: “Đúng vậy.”

Bệnh tiểu đường của bà ấy lâu ngày đã gây ra bệnh tâm thần. Cảm giác bàn chân không tốt, máu lưu thông kém và vết thương không dễ lành. Để bổ máu và dưỡng huyết, châm các huyệt Khúc Trì, Huyết Hải, Tam Âm Giao. Nhìn vào bước đi khập khiễng của bà ấy, có khả năng động mạch bị tắc nghẽn, gây thiếu máu tuần hoàn và thiếu oxy ở chi dưới, dẫn đến hoại tử tứ chi. Để thúc đẩy lưu thông máu ở các chi dưới, châm các huyệt Huyết Hải, Túc Tam Lý, Khâu Hư, Côn Luân.

Vết loét có khả năng là nhiễm trùng tạo mủ. Để giải độc, châm cứu huyệt Trúc Tân, Huyết Hải. Dịch mô tiết ra từ vùng bị ảnh hưởng, châm cứu tại các huyệt Âm Lăng Tuyền và Tam Âm Giao. Bệnh tiểu đường lâu ngày gây ra bệnh miễn dịch, cộng với sự suy giảm chức năng của các cơ quan và chức năng bạch cầu kém, khả năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn ngày càng yếu đi, hình thành hoại tử. Vi khuẩn có thể lây lan khắp cơ thể thông qua quá trình tuần hoàn máu, gây nhiễm trùng máu, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, để điều tiết hệ thống miễn dịch, châm cứu các huyệt Hợp Cốc, Túc Tam Lý và Tam Âm Giao.

Vào lần chẩn trị thứ ba, bà ấy đồng ý cho tôi châm cứu ở huyệt Bách Hội để tăng cường dương khí. Bà ấy bị hoại tử nhiều hơn về đêm, vì thiếu năng lượng, suy dinh dưỡng, cung lượng tim giảm. Để tăng cường cho tim, ban đầu cần phải châm cứu vào huyệt Nội Quan. Thấy bà không chịu nổi kim châm nữa, tôi xoa bóp huyệt Nội Quan cho bà.

Vốn dĩ thị giác và thính giác của bà vẫn còn có thể chữa trị, những bệnh khác như đau lưng, cảm lạnh, thận tinh yếu, tiểu đường, tôi cũng muốn chữa trị giúp một lần. Thế nhưng bà lại sợ kim tiêm, biết người con trai không nhẫn nại, nếu thời gian dài đưa bà đi chữa trị thì quả thực rất khó, nên trước tiên tôi phải cấp cứu hoại tử.

Đơn thuốc

Mặc dù bà ấy luôn tỏ vẻ không muốn uống thuốc, tôi vẫn thuyết phục bà ấy thử. Với bệnh hoại tử nặng như thế, chỉ châm cứu thôi là chưa đủ. Hơn nữa, bà sợ kim châm như vậy, luôn dùng kim 5 phân, kích thích nhẹ, nên không thể phát huy hết tác dụng châm cứu. Cuối cùng sau khi tôi kiên trì thuyết phục, bà chỉ chịu uống thuốc trong 3 ngày.

Sử dụng thuốc Trung y khoa học, thuốc sắc ‘Đương quy tứ nghịch,’ đi đến tận cùng mạch, làm ấm và đả thông kinh lạc, xua tan lạnh buốt tứ chi, bổ máu và thông mạch.

Thuốc ‘Quế chi phục linh,’ thúc đẩy lưu thông máu, loại bỏ máu ứ, trị viêm tĩnh mạch huyết dạng khối, bổ tỳ ích khí.

Thêm Kê huyết đằng, thúc đẩy tuần hoàn máu, thanh nhiệt giải độc, làm giãn huyết quản, tăng cường lực lưu thông máu, điều hòa khả năng miễn dịch và tăng sắc tố máu. Thêm Ngưu tất để dẫn máu lưu thông xuống phía dưới.

Trên vết thương dùng Thạch cao, gừng khô, Phổ hoàng trộn đều rồi rắc bên ngoài, giúp khép miệng vết thương. Dùng bột Hoàng liên rắc bên ngoài giúp tăng xuất nhiều dịch tiết. Thoa thuốc mỡ đặc biệt lên ngoài da và dặn bà thường xuyên xịt nước Thiên la.

Lời dặn đặc biệt

  • Hoại tử do bệnh tiểu đường dễ xảy ra vào mùa thu đông, vì thế hãy chú ý giữ ấm đôi chân.
  • Ngâm chân trong nước ấm 10 phút mỗi ngày. Không tắm nước quá nóng.
  • Không đi dép xăng-đan, dép xỏ ngón, giày cao gót, giày mũi nhọn.
  • Không đi chân trần để tránh bị thương do đá hoặc bị thương mà không biết.
  • Cắt móng chân mà không làm tổn thương ngón chân hoặc da. Chân có vết chai dày cần phải chăm sóc kỹ.
  • Mua giày nên mua vào buổi tối, đó là lúc kích thước bàn chân lớn nhất. Lúc thử giày nên đứng lên. Phần đầu trước của giày phải chừa một khoảng trống rộng bằng ngón tay cái, đồng thời nên đi giày có đế đàn hồi để tránh làm dày màng đáy vi mạch và rối loạn vi tuần hoàn.
  • Tự thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cho tim: duỗi lòng bàn tay và các ngón tay của cả hai tay trong 9 giây, nắm tay trong 9 giây và thực hiện 5 lần liên tiếp để tăng lưu lượng máu từ tim đến chi dưới.
  • Chụm mười đầu ngón tay sau khi thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cho tim. Sử dụng đầu ngón tay để điều trị ngón chân cũng có thể ngăn ngừa cục máu đông.

Đến lần chẩn trị thứ hai, người mẹ nhờ con trai đưa bà đi châm cứu. Bà ấy thấy dễ chịu hơn và chân cũng không còn nặng nề nên sẵn sàng uống thuốc. Đến lần điều trị thứ ba, tình trạng sưng tấy ở chân bắt đầu giảm bớt, màu da trở nên sáng và ẩm ướt hơn. Đến lần điều trị thứ tư, mô vết thương dần lành lại, đi lại cũng đỡ đau hơn, phải mất một tháng mới thấy cải thiện, hiệu quả hơi chậm, bà mẹ cuối cùng cũng mỉm cười.

Trước và sau điều trị phải mất hai tháng mới ổn định được bệnh tình. Bà vẫn còn chặng đường dài phía trước, dù thời gian trôi nhanh như nước chảy, nhưng cuộc đời vẫn còn dài! Bệnh tiểu đường liên quan đến gan, gan liên quan đến việc giải tỏa cảm xúc. Đôi chân hoại tử của người mẹ từng dìu dắt con trai bước đi từng bước, từ một đứa trẻ mới chập chững biết đi cho đến khi trưởng thành. Bây giờ chính là lúc bà ấy cần con trai nắm lấy bàn tay già nua nhăn nheo gầy gò, thế nhưng bàn tay người con trai vẫn không chịu chìa ra!

Nếu thái độ của người con trai đối với mẹ có thể tốt hơn thì bệnh của bà sẽ nhanh lành hơn. Lòng hiếu thảo có thể tiết kiệm chi phí y tế, và cũng là một loại thuốc đặc trị.

(Bài viết được trích từ cuốn “Thất tình quải tâm – Mê vân già tuệ nguyệt” (Tạm dịch: Cảm xúc trong tim- Mây mù che phủ ánh trăng trí tuệ), Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp.)

Trang bìa cuốn “Thất tình quải tâm”. (Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Trang bìa cuốn “Thất tình quải tâm”. (Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Lý Quân biên tập

Tường Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn