Có nên cởi giày trước khi vào nhà? Một loại vi khuẩn độc hại có thể bám trên giày của bạn

Các nghiên cứu kiểm tra vi khuẩn gây bệnh trên đế giày cho thấy thói quen cởi giày trước khi vào nhà có thể làm giảm sự lây nhiễm

Nhiều người trong chúng ta có thể vô tình vận chuyển một loại “siêu vi khuẩn.”

Nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile (C. diff) từng được coi là một bệnh truyền nhiễm liên quan đến [hệ thống] chăm sóc sức khỏe vì người bệnh bị nhiễm từ bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe. Vi khuẩn C. diff dễ lây truyền và gây tử vong ở những người có hệ miễn dịch bị suy giảm do tuổi tác hoặc do sử dụng kháng sinh gần đây. Nhiễm vi khuẩn C. diff gây viêm đại tràng dẫn đến sốt và tiêu chảy nặng lên tới 15–30 lần mỗi ngày.

Các nghiên cứu mới hơn đã thách thức quan điểm cho rằng vi khuẩn C. diff chủ yếu được tìm thấy và lây truyền trong bệnh viện. Trên thực tế, nghiên cứu đang diễn ra tại Đại học Houston cho thấy vi khuẩn C. diff có mức độ gần như giống nhau trong và ngoài cơ sở chăm sóc sức khỏe, và trong tất cả các vị trí được xét nghiệm, và đế giày nơi tỷ lệ dương tính cao nhất ở mức 45%.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đôi giày của chúng ta đang đóng vai trò như một “siêu xa lộ” thu hút những kẻ quá giang mang mầm bệnh đến khắp mọi nơi chúng ta đi qua. Ngày càng có nhiều bằng chứng nhấn mạnh rằng phương thức lây truyền vi khuẩn thường bị bỏ qua này có liên quan đến một thói quen không phải ai cũng sẵn sàng thay đổi—đi giày trong nhà. Mặc dù là một thói quen ở nhiều nền văn hóa khác nhưng nhiều người Mỹ không cởi giày trước khi vào nhà.

Thói quen mang giày vào nhà và chạm vào đế giày của người Mỹ

Theo một cuộc thăm dò của CBS vào năm 2023, khoảng 37% người Mỹ mang giày vào trong nhà và 76% cho phép khách mang giày trong nhà. Tuy nhiên, cuộc thăm dò tương tự cho thấy 90% mọi người cho rằng việc yêu cầu cởi giày trước khi vào nhà khi đến thăm nhà người khác là hợp lý.

Dù có cởi giày trước khi vào nhà hay không thì hầu hết mọi người đều không nghĩ đến việc khử trùng đế giày. Nhiều người thậm chí có thể tiếp xúc trực tiếp với đế giày của họ – hoặc giày của con họ – khi họ mang giày vào và cởi giày ra.

Theo ông Kevin Garey, đồng tác giả của nghiên cứu về giày và chủ tịch tại Đại học Dược Đại học House, không phải là không có lý khi nghĩ rằng bàn tay bị ô nhiễm có thể chạm vào mặt ai đó và gây nhiễm trùng cho người đó.

“Có một nghiên cứu tuyệt vời của tác giả Curtis Donskey cho thấy bánh xe của xe lăn có thể là vật trung gian truyền bào tử C. diff. Vì vậy, việc đưa từ sàn nhà và giày lên tay, vào miệng có lẽ không khó đến thế”, ông Garey, người có bằng tiến sĩ dược, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Khoảng 1/4 số mẫu do nhóm nghiên cứu của ông lấy từ năm 2014 đến năm 2017 đều cho kết quả dương tính với vi khuẩn C. diff. Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác có đại diện trong các mẫu được lấy từ các khu vực công cộng, cơ sở chăm sóc sức khỏe và đế giày—được đưa vào để khái niệm hóa sự lây truyền.

Giày: Vật trung gian lây truyền mầm bệnh

Một nghiên cứu khác của ông Garey từ năm 2014 được công bố trên Anaerobe đã thu thập từ 3 đến 5 vật thể hoặc bụi môi trường từ 30 ngôi nhà ở Houston và xem đi xét nghiệm để tìm vi khuẩn C. diff. 41 trong số 127 mẫu được thu thập từ bụi sàn nhà, phòng tắm và các bề mặt khác trong gia đình cũng như đế giày đều cho kết quả dương tính. Các miếng gạc từ đế giày cho thấy tỷ lệ dương tính với vi khuẩn C. diff cao nhất là gần 40%.

Ông Garey không phải là nhà nghiên cứu duy nhất đưa ra kết nối này. Một phân tích gộp năm 2016 trên Journal of Applied Microbiology (Tập san Vi sinh Ứng dụng) đã kiểm tra các nghiên cứu về việc liệu đế giày có thể là vật trung gian lây truyền mầm bệnh truyền nhiễm hay không. Tổng cộng, có 13 nghiên cứu ghi nhận vi khuẩn C. diff—cũng như các mầm bệnh kháng thuốc khác như Staphylococcus Aureus—trên đế giày ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe, cũng như trong cộng đồng và trong số những công nhân chế biến thực phẩm.

Một nghiên cứu năm 2019 về vi khuẩn C. diff trên các mẫu đế giày ở Úc cũng minh họa cách loại vi khuẩn này lây lan bên ngoài hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như được đưa vào bệnh viện từ cộng đồng.

Theo tờ báo The Daily Wildcat, trong nỗ lực tìm hiểu xem giày bị ô nhiễm nhanh như thế nào, nhà nghiên cứu Charles Gerba của Đại học Arizona đã mang một đôi giày mới trong hai tuần và sau đó kiểm tra đế giày đã tìm ra 440,000 đơn vị vi khuẩn.

Có vẻ như không chỉ đôi giày mới có thể mang theo vi khuẩn trong nhà của chúng ta. Nhóm nghiên cứu của ông Garey cũng phát hiện bàn chân chó có thể bị nhiễm vi khuẩn C. diff. Ông nói với The Epoch Times rằng bất cứ thứ gì chạm vào đất, nơi C. diff cư trú và không được rửa sạch thường xuyên đều có khả năng cao chứa vi khuẩn.

“Tôi nghĩ nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng vi sinh vật này đang tồn tại xung quanh chúng ta. Bệnh nhân có nguy cơ cao cần được kiểm soát nhiễm khuẩn tốt và cần rửa tay thường xuyên,” ông Garey nói với The Epoch Times.

Nhóm của ông Gerba cũng cho thấy rằng vệ sinh giày có thể mang lại hiệu quả. Mười tình nguyện viên đã mang giày mới ra ngoài trong hai tuần. Sau khi rửa giày bằng nước lạnh và chất tẩy rửa, 99% vi khuẩn đã được loại bỏ.

Vệ sinh kém là một trong nhiều lý do khiến tình trạng nhiễm trùng tiếp tục lây lan. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), có khoảng 223,900 trường hợp nhiễm C. diff hàng năm, dẫn đến khoảng 12,800 trường hợp tử vong.

Kỷ nguyên của siêu vi khuẩn

Một nghiên cứu năm 2023 trên Microorganisms (Tập san Vi sinh vật) đã lập luận ủng hộ việc phân loại nhiễm trùng C. diff—đôi khi được gọi là CDI—là siêu vi khuẩn. CDC coi CDI, một bệnh nhiễm trùng thường kháng kháng sinh, là một “mối đe dọa khẩn cấp.” Siêu vi khuẩn là bệnh nhiễm trùng trên toàn thế giới có tỷ lệ tử vong cao và khó điều trị.

Nghiên cứu viết, “Cho đến cuối thế kỷ 20, CDI vẫn được chấp nhận như một biến chứng của liệu pháp kháng sinh, chủ yếu gặp ở bệnh viện và không được chấp nhận là một vấn đề lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe.”

Vì những lý do chưa được hiểu rõ, các chủng vi khuẩn C. diff đã tiến hóa để trở nên độc hại hơn, gây ra những đợt bùng phát tại nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, và đôi khi ảnh hưởng đến những người không có nguy cơ đáng kể.

Bà Tanya Dunlap, giám đốc điều hành của Perio Protect, giải thích trong một buổi đào tạo gần đây của Học viện Sức khỏe Hệ thống Răng miệng Hoa Kỳ rằng, “Đây thực sự là một vấn đề lớn và đang trở thành một tình huống sức khỏe cộng đồng cấp bách hơn.”

“Cứ năm lần đến phòng cấp cứu do tác dụng phụ của thuốc thì có một trường hợp liên quan đến kháng sinh. Đây là một tình huống nghiêm trọng mà tôi không nghĩ chúng ta đã nhận thức rõ ràng”, bà nói. “Chúng tôi coi kháng sinh là một loại thuốc an toàn, đáng tin cậy đã thay đổi cách chăm sóc sức khỏe và đúng như vậy. Nhưng [kháng sinh] vẫn còn nhiều tác dụng phụ và chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của siêu vi khuẩn.”

Bà cho biết rằng một báo cáo lớn của CDC về tình trạng kháng kháng sinh ban hành vào tháng 12/2019 đã bị che đậy bởi một thế giới bị ám ảnh bởi COVID-19 — có ý nghĩa sâu sắc với cách mà người Mỹ vượt qua các bệnh nhiễm trùng gây bệnh.

Cựu giám đốc CDC, Tiến sĩ Robert Redfield viết trong báo cáo: “Hãy ngừng đề cập đến thời kỳ hậu kháng sinh sắp tới. Nó đã đến rồi. “Quý vị và tôi đang sống trong giai đoạn mà một số loại thuốc thần kỳ không còn có tác dụng thần kỳ nữa và các gia đình đang bị một kẻ thù rất rất nhỏ xé nát.”

Vi khuẩnC. diff ở khắp mọi nơi

Nghiên cứu năm 2023 trên Microorganisms (Tập san Vi sinh vật) nêu rõ rằng vi khuẩn C. diff có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi và lập luận ủng hộ vaccine.

Trong số những nơi vi khuẩn C. diff có thể được tìm thấy là:

  • Vật nuôi trong nhà thường không có triệu chứng nhưng có thể truyền mầm bệnh qua lại cho con người.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi có thể mang vi khuẩn C. diff không có triệu chứng.
  • Có tới 17.5% dân số trưởng thành khỏe mạnh, cũng như tỷ lệ cao hơn nhiều trong cộng đồng bệnh viện.
  • Khoảng 30% bệnh nhân đã có CDI. Tỷ lệ tái phát đã tăng khoảng 10% và tỷ lệ tử vong tăng đều đặn.

Khi chúng ta bắt đầu đánh giá cao sự phơi nhiễm thường xuyên với các vi khuẩn có khả năng gây hại này, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng cơ thể của chúng ta phải chật vật đến mức nào để không bị nhiễm các vi khuẩn này.

Theo báo cáo của CDC năm 2019, gần 50,000 người Mỹ tử vong hàng năm do nhiễm trùng kháng kháng sinh.

CDC, nhiều tổ chức phi lợi nhuận, liên minh bác sĩ và những tổ chức khác đã nhấn mạnh rằng việc lạm dụng kháng sinh và dùng kháng sinh không phù hợp đang góp phần làm gia tăng siêu vi khuẩn. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:

  • Đang nhập viện hoặc sống trong viện dưỡng lão.
  • Trên 65 tuổi.
  • Nữ giới.
  • Bị suy giảm miễn dịch.
  • Đã từng nhiễm vi khuẩn C. diff.

Nâng cao khả năng phục hồi

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn có cách bảo vệ có vẻ hữu ích, bao gồm cởi giày trước khi vào nhà và rửa tay trước khi vào nhà.

Một chiến lược khác dường như cũng có thể giúp chúng ta tăng sức đề kháng để chống lại nhiễm trùng là tạo ra một hệ vi sinh vật với nhiều loại vi khuẩn, virus, nấm và các vi khuẩn khác. Càng nhiều vi khuẩn hội sinh thì hệ thống miễn dịch của cơ thể càng có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn xấu.

Ngay cả một đợt kháng sinh cũng làm gián đoạn sự cân bằng hệ vi sinh vật và có thể khiến mầm bệnh cơ hội sinh sôi nảy nở. Nhưng hầu hết những ai không dùng kháng sinh gần đây đều có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng cao hơn.

May mắn thay, những việc rất đơn giản như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước nói chung là đủ tốt để giảm khả năng lây nhiễm.

Một số chuyên gia cũng đề nghị sử dụng men vi sinh khi dùng thuốc kháng sinh, đặc biệt đối với những người đã cắt bỏ ruột thừa hoặc có các tổn thương khác. Một khẩu phần ăn uống đa dạng với nhiều màu sắc khác nhau của trái cây và rau quả cũng có liên quan đến hệ vi sinh vật đa dạng.

Mặt khác, dùng quá nhiều thuốc sát khuẩn và các chất tẩy rửa khác sẽ tiêu diệt tất cả vi khuẩn (bao gồm cả những vi khuẩn tốt), do đó, chưa được chứng minh là có hiệu quả đặc biệt ở bệnh viện hoặc tại nhà. Các vi trùng truyền nhiễm thường quay trở lại trong vòng vài giờ.

Một ý tưởng khử nhiễm mới

Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy kết quả đầy hứa hẹn khi sử dụng tia cực tím (UV) làm chất khử trùng trong các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe.

Theo nghiên cứu, gần như tất cả các đơn vị hình thành khuẩn lạc ở các chủng vi khuẩn đã bị loại bỏ hoàn toàn sau 12 đến 20 giây tiếp xúc với tia UV-C bằng cách sử dụng tấm thảm lót chân tiếp xúc với ánh sáng ở đế giày.

Phát hiện này cung cấp bằng chứng quan trọng về hiệu quả của việc khử trùng bằng tia UV-C.

Hàng ngàn lý do để cởi giày trước khi vào nhà

Vi khuẩn C. diff không phải là lý do duy nhất để bạn để giày ngoài cửa khi bước vào nhà. Những nguy hiểm sau đây có thể tránh được khi bạn cởi giày trước khi vào nhà bao gồm:

  • Phân bón cỏ thương mại và thuốc diệt cỏ được áp dụng cho các sân có bụi và bề mặt trong nhà.
  • Các hóa chất độc hại và vi nhựa được tìm thấy trong nhiều loại giày cũng như những chất tồn tại ở đế giày. Vật liệu chống thấm và PFA. Hóa chất vĩnh cửu cũng có thể theo giày của bạn đi khắp nơi.
  • Dư lượng nhựa đường gây ung thư.
  • Đất nhiễm chì. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra cho thấy ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em và cần phải cởi bỏ giày.
  • Các vi khuẩn gây bệnh khác.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn