Đằng sau lớp phủ thực phẩm Edipeel

Lớp phủ bảo vệ mới dành cho trái cây và rau củ này là cách tránh lãng phí thực phẩm hay mối nguy hại tiềm ẩn cho sức khỏe?

Trái cây và rau quả là những thực phẩm lành mạnh—nhưng chúng không giữ được lâu. Trước khi bạn được thưởng thức trái bơ, cam hoặc táo, chúng có thể bị hỏng. Chỉ vài ngày sau khi mua về, nhiều loại thực phẩm bắt đầu phân hủy thành rác.

Đây không chỉ là vấn đề của các hộ gia đình riêng lẻ; đây còn là trách nhiệm pháp lý xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 30-40% nguồn cung cấp thực phẩm của quốc gia luôn bị lãng phí.

Một công ty đã phát triển một sản phẩm nhằm giải quyết vấn đề này bằng cách tăng đáng kể thời hạn sử dụng của thực phẩm có xu hướng nhanh hỏng.

Công ty này có tên là Apeel Science, và giải pháp giải quyết rác thải thực phẩm của họ là Edipeel: một loại màng mỏng, không mùi, không vị và không màu được dùng để bọc trái cây và rau quả. Edipeel được thiết kế để làm chậm quá trình mất ẩm và giảm quá trình oxy hóa ở sản phẩm, giúp thực phẩm có nhiều khả năng được đưa từ trang trại đến bàn ăn hơn.

Có thể bạn không nhận ra lớp vỏ vô hình này, nhưng bắt đầu từ vài năm trước, Edipeel đã được phủ lên nhiều loại sản phẩm ở khắp nơi trên thế giới. Và tầm với của sản phẩm này vẫn tiếp tục phát triển. Vào tháng 05, Apeel hợp tác với Limoneira, một công ty trồng chanh và bơ quy mô lớn có trụ sở tại California, cho phép Edipeel được phủ lên sản phẩm của họ. Limoneira cũng có quyền cấp phép Edipeel cho các nhà sản xuất chanh khác.

Trong nỗ lực phối hợp nhằm giảm lãng phí thực phẩm, mục tiêu lớn nhất của công ty là biến Edipeel trở thành tiêu chuẩn công nghiệp. Chủ sở hữu của Limoneira, ông Harold Edwards, cho biết mục tiêu của ông là phủ mọi quả chanh trên thế giới bằng lớp phủ của Apeel.

Với tuyên bố rằng Edipeel giúp kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm lên gấp 5 lần, thật dễ dàng để thấy sản phẩm này có sức hút thế nào với người trồng trọt và nhà phân phối.

Tuy nhiên, một số bác sĩ, người ủng hộ thực phẩm và người tiêu dùng không cảm thấy chắc chắn về Edipeel.

Phần lớn sự nghi ngờ hướng đến các tổ chức có tư tưởng toàn cầu hóa đằng sau công ty. Giám đốc điều hành và người sáng lập của Apeel là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới. Và khoản tài trợ để khởi động công ty vào năm 2012 đến từ Quỹ Bill và Melinda Gates.

Tuy nhiên, mối lo ngại không chỉ dừng lại ở Edipeel. Đó còn là mối quan tâm tương tự với bất kỳ loại phụ gia thực phẩm mới nào: Liệu chúng có tốt cho sức khỏe và an toàn không?

Điều đó phụ thuộc vào đối tượng mà bạn đặt câu hỏi. Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đã chứng minh Edipeel là an toàn. Tuy nhiên, hạn chế của Edipeel với mỗi khu vực lại rất đa dạng. Sản phẩm này được áp dụng trên tất cả các loại trái cây và rau quả ở Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia, Nhật Bản, Kenya, Mexico, Peru và Nam Phi. Tuy nhiên, ở Liên minh Âu Châu, Na Uy, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh, Edipeel chỉ được phép dùng trên những sản phẩm có vỏ không ăn được: bơ, cam quýt, xoài, đu đủ, dưa, chuối, dứa và lựu.

Edipeel thường được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận là an toàn (GRAS) và thậm chí được phê duyệt để phủ lên các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.

Edipeel có nguồn gốc từ đâu?

Tiền đề của Edipeel không có gì mới mẻ. Màng bảo vệ thực phẩm đã có từ hàng trăm năm nay. Các nhà phân phối phủ lên sản phẩm nhiều loại sáp có thể ăn được từ những năm 1920 để duy trì độ tươi của chúng.

Những màng thực phẩm này được làm chủ yếu từ thực vật. Ví dụ, sáp Carnauba có nguồn gốc từ cây cọ Brazil.

Nhưng chính xác Edipeel là gì? Trang web của công ty tuyên bố rằng Edipeel có nguồn gốc từ thực vật, thuần chay, không biến đổi gen và “chỉ bao gồm các thành phần cấp thực phẩm được làm từ nguyên liệu vỏ, hạt và cùi của tất cả loại trái cây và rau quả ăn được.”

Nhưng nguồn gốc xác định của màng thực phẩm lại không quá rõ ràng. Công ty cung cấp rất nhiều thông tin chi tiết về những gì không chứa trong màng thực phẩm—đặc biệt là chất gây dị ứng phổ biến, chẳng hạn như đậu nành, lúa mì và đậu phộng.

Tuy nhiên, các thành phần thô thực tế trong lớp phủ của Apeel có thể khác nhau. Theo một bài báo năm 2016 trên The New York Times, Edipeel được sản xuất “từ lá, thân, vỏ chuối và các nguyên liệu thực vật tươi khác còn sót lại sau khi trái cây và rau quả được hái hoặc chế biến.”

Theo trang web Apeel, các yếu tố cơ bản mà công ty dùng để sản xuất Edipeel có thể được tìm thấy trong hầu hết các loại cây trồng.

Công ty cho biết: “Chúng tôi nỗ lực rất nhiều trong việc lựa chọn và điều chỉnh các thành phần dựa trên sự cân bằng giữa tính bền vững và kinh tế.”

Tác hại là gì?

Nguyên liệu nguồn không phải là điều khiến mọi người lo lắng, thay vào đó là sản phẩm cuối cùng của quá trình biến đổi. Các nhà phê bình Edipeel lên án sự biến đổi hóa học của sản phẩm còn sót lại đã qua chế biến này mà cuối cùng sẽ là thứ mà bạn tiêu thụ.

Mặc dù có nguồn gốc từ trái cây và rau củ, Edipeel lại là một chất béo. Trong đơn đăng ký GRAS cho FDA, Apeel giải thích rằng sản phẩm của họ được sản xuất thông qua “quá trình xúc tác este hóa acid béo với glycerol được bảo vệ” và “xúc tác khử bảo vệ các este béo được bảo vệ”.

“Các dung môi và chất phản ứng còn sót lại được theo dõi để bảo đảm sản phẩm tuân thủ các quy định về thực phẩm phù hợp,” tài liệu nêu rõ.

Sản phẩm cuối cùng là chất nhũ hóa monoglyceride và diglyceride, là một loại chất béo chuyển hóa.

Chất béo chuyển hóa thường được làm từ một loại dầu (thường là đậu nành hoặc cải dầu) ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng nhưng được biến đổi thành chất béo dạng rắn với nhiệt độ tương tự. Mục đích của quá trình này là làm chậm sự thiu thối và kéo dài thời hạn sử dụng. Nhờ những thuộc tính này, chất béo chuyển hóa là thành phần chính của thực phẩm chế biến sẵn trong nhiều thập niên. Nhưng khi có nhiều bằng chứng tiết lộ rằng chất béo biến đổi hóa học làm tăng nguy cơ bệnh tim, các nhà sản xuất thực phẩm đã dần từ bỏ chúng. Đến năm 2016, FDA xác định chất béo chuyển hóa là “không an toàn cho người dùng.”

Tuy nhiên, sự phân biệt của FDA chỉ áp dụng cho triglyceride, không phải monoglyceride hoặc diglyceride, được tìm thấy trong Edipeel.

Trong một video ngắn thảo luận về Edipeel, cô Jane Ruby, cựu nghiên cứu viên dược phẩm và người dẫn chương trình “Dr. Jane Ruby Show,” nói rằng chất béo này có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim với một số người.

Cô Ruby nói: “Đây là điều rất nghiêm trọng vì sản phẩm này chứa đầy mono- và diglyceride, gây bão hòa máu và theo thời gian sẽ khiến bạn bị bệnh.”

Nhưng nếu hợp chất này thực sự nguy hiểm, mối lo ngại về sức khỏe của chúng thậm chí còn vượt xa Edipeel. Rất nhiều thực phẩm chế biến chứa chất nhũ hóa này, để kéo dài thời hạn sử dụng, ngăn ngừa sự tách lớp hoặc cải thiện kết cấu. Bạn có thể tìm thấy chúng trong các loại bánh nướng, kem, đồ uống, kẹo cao su, kem đánh bông, v.v.

Trên thực tế, trong một bài báo năm 2017 từ Tập san Hóa học Thực phẩm Thực nghiệm, khoảng 70% chất nhũ hóa được dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm là monoglyceride hoặc diglyceride.

Nhưng không có sự đồng thuận nào về mức độ an toàn của chất nhũ hóa này. Trong đơn đăng ký GRAS, Apeel tuyên bố rằng monoglyceride (hoặc monoacylglyceride) “được hình thành tự nhiên ở đường tiêu hóa trong quá trình phân hủy triglyceride.”

“Với phần tiếp theo của quá trình chuyển hóa được mô tả ở trên và bằng cách áp dụng các quy trình khoa học, có thể kết luận rằng hỗn hợp monoacylglyceride không gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào cho sức khỏe khác với các loại dầu ăn kiêng thông thường có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật,” đơn đăng ký nêu rõ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trực tuyến trong ấn bản tháng 12/2019 của Bản tin dinh dưỡng Wiley tiết lộ mối lo ngại rằng “ chất nhũ hóa có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh đường ruột và bệnh chuyển hóa do làm thay đổi vi hệ đường ruột và lớp chất nhầy trong ruột, tăng khả năng chuyển vị của vi khuẩn và phản ứng viêm liên quan.”

Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ ăn bao nhiêu thứ này? Đơn đăng ký GRAS coi việc tiêu thụ hỗn hợp monoglyceride như một thành phần thực phẩm bổ sung là an toàn ở mức lên tới 218 mg mỗi ngày.

Một người thực sự sẽ ăn bao nhiêu Edipeel một ngày là câu hỏi hoàn toàn khác.

Tuy nhiên, cuối cùng việc bạn ăn bao nhiêu tùy vào loại sản phẩm được phủ Edipeel. Đối với cam, bơ và các loại trái cây hoặc rau củ khác cần gọt vỏ trước khi ăn, lớp Edipeel sẽ bị loại bỏ. Apeel Science tuyên bố sản phẩm của họ “dự kiến không thể thấm vào phần ăn được qua vỏ trái cây của những thực phẩm này.”

Nguồn tiếp xúc chính của người tiêu dùng với Edipeel là trái cây tươi có vỏ ăn được. Và trừ khi bạn muốn gọt vỏ tất cả sản phẩm trước khi ăn, nếu không, rất có thể bạn sẽ ăn một ít Edipeel. Trang web của Apeel cho biết bạn có thể loại bỏ một ít lớp phủ bằng cách xả qua nước và cọ rửa, nhưng không chắc có thể loại bỏ tất cả mà không làm hỏng sản phẩm. Đó là bởi vì nếu lớp phủ dễ dàng bị loại bỏ, nó sẽ không đem lại hiệu quả bảo vệ.

Ảo tưởng về sự tươi mới

Sản phẩm phủ Edipeel được thiết kế để bảo quản thực phẩm tốt hơn trong siêu thị so với sản phẩm thường, nhưng nó có thực sự giữ được độ tươi?

Trong một bài báo thảo luận về sản phẩm của Apeel, Tổ chức Weston A. Price, một nhóm thường xuyên cảnh báo người dùng về những đổi mới đi ngược với cách ăn uống truyền thống, tuyên bố rằng sản phẩm của Edipeel chỉ tạo ra ảo giác về sự tươi mới.

“Người tiêu dùng có kiến thức từ lâu đã hiểu rằng cách tốt nhất để có được trái cây và rau quả có mật độ dinh dưỡng cao là tiêu thụ sản phẩm đúng mùa được trồng hữu cơ hoặc sinh học tại địa phương. Điều này cho phép họ kiểm tra sản phẩm một cách trực quan và dùng hình thức bên ngoài như một chỉ báo đại diện để đánh giá độ tươi và mật độ dinh dưỡng. Lớp phủ bảo vệ của Apeel có thể ngăn chặn sự thối rữa của trái cây và rau quả (một hiện tượng xảy ra sau thu hoạch tự nhiên), khiến người dùng không biết sản phẩm được thu hoạch cách đây bao lâu và do đó, gây khó khăn cho việc suy luận về mật độ dinh dưỡng,” bài báo viết.

Một trường hợp điển hình gần đây đã được đăng lên Twitter. Một người tiêu dùng vô tình mua phải dưa chuột phủ Edipeel đã quyết định thực hiện một thí nghiệm tại nhà để xem loại rau này sẽ già đi như thế nào theo thời gian. Trong vòng sáu tuần, quả dưa chuột đã mất gần hết màu nhưng vẫn rất chắc.

Như với bất kỳ phát kiến thực phẩm mới nào, một số sẽ chấp nhận và một số sẽ phản đối. Ngay cả khi bạn chọn sản phẩm hữu cơ, Apeel có công thức Edipeel được phê duyệt cho Sản phẩm hữu cơ được USDA chứng nhận. Vì Edipeel không thể trông thấy được bằng mắt thường, những người muốn tránh lớp phủ này cần phải là người mua sắm tinh ý.

“Chúng tôi làm việc với đối tác của mình để bảo đảm sản phẩm của Apeel được dán nhãn để bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt,” trang web của công ty nêu rõ.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Conan Milner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Conan Milner là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Anh tốt nghiệp Đại học Bang Wayne với bằng Cử nhân Mỹ thuật và là thành viên của Hiệp hội Lương y Hoa Kỳ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn