Hội chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp liên quan đến vaccine COVID-19

Một nghiên cứu được công bố gần đây trên Tập san Vaccine cho thấy vaccine ngừa COVID-19 có thể kích hoạt hội chứng Parsonage - Turner — một căn bệnh gây đau dữ dội và teo cơ 

Một phân tích gộp mới đây cho thấy vaccine COVID-19 có thể gây ra chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh bên ngoài hệ thần kinh trung ương, gây đau, teo cơ và trong một số trường hợp là tê liệt.

Nghiên cứu được công bố hôm 14/3 đăng trên Tập san Vaccine cho thấy hội chứng Parsonage – Turner (PTS) có thể xảy ra sau khi chích các loại vaccine ngừa COVID-19 và có thể tái phát khi dùng thêm liều vaccine tương tự hoặc không liên quan.

Để xác định xem liệu có tồn tại mối liên quan giữa vaccine ngừa COVID-19 và PTS hay không, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm cơ sở dữ liệu về COVID-19 của LitCOVID và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho đến ngày 25/1 và đã tìm thấy 59 trường hợp PTS được báo cáo trong y văn chích ngừa COVID-19. Trong số 59 trường hợp đó, 36 bệnh nhân (61%) đã được chích vaccine mRNA và 18 bệnh nhân (30%) đã được chích vaccine vector virus.

Sau khi thực hiện đánh giá quan hệ nhân quả, các nhà nghiên cứu phát hiện 32 trường hợp “có thể do chích ngừa” – 22 trường hợp sau khi chích vaccine mRNA, 7 trường hợp sau khi chích vaccine vector virus và 3 trường hợp không xác định được vaccine.

Hội chứng Parsonage – Turner là gì?

PTS, hay teo cơ thần kinh, là một rối loạn ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại biên, đặc trưng bởi sự khởi phát nhanh chóng của các cơn đau dữ dội, sau đó là teo cơ nghiêm trọng. Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến hộp sọ, vai, chi trên và thành ngực ở một bên của cơ thể. Theo Tổ chức Quốc gia về các Rối loạn Hiếm gặp, PTS ảnh hưởng đến đám rối dây thần kinh cánh tay – có nhiệm vụ kiểm soát chuyển động và cảm giác ở vai và cánh tay. Trong một số trường hợp, dây thần kinh ở chân cũng có thể bị ảnh hưởng.

Những người bị PTS thường bị đau dữ dội, liên tục, cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi cử động và có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong 1 năm hoặc lâu hơn và hầu hết sẽ hồi phục trong vòng 2 năm. Khi cơn đau giảm bớt, thường sẽ chuyển sang tình trạng yếu dần hoặc tê liệt. Người bệnh cũng có thể bị teo cơ, mất phản xạ hoặc giảm phản xạ hoặc mất cảm giác.

Nguyên nhân chính xác của PTS vẫn chưa được biết nhưng nghiên cứu cho thấy ít nhất 50% người bị nhiễm PTS là do bị kích hoạt bởi các trường hợp như nhiễm trùng, thủ thuật y tế, hoạt động thể chất quá mức hoặc chích ngừa. Mặc dù một số người hồi phục mà không cần điều trị, nhưng những người khác lại bị nhiều đợt tái phát.

Kết quả nghiên cứu

Theo nghiên cứu, hầu hết bệnh nhân PTS xuất hiện các triệu chứng thần kinh trong vòng 14 ngày sau chích ngừa, bất kể loại vaccine và chủ yếu có các triệu chứng ở một bên cơ thể được chích ngừa. PTS xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới bất kể chích loại vaccine nào và phổ biến hơn ở những bệnh nhân trong độ tuổi từ 41 đến 50 so với những bệnh nhân cao tuổi.

Trong số những bệnh nhân được chích vaccine mRNA, 15 người bị PTS sau liều đầu tiên và 16 người bị PTS sau liều thứ hai. Một bệnh nhân lần đầu tiên xuất hiện các triệu chứng thần kinh sau khi được chích mũi bổ sung mRNA và một bệnh nhân khác xuất hiện PTS sau khi nhận được liều vaccine thứ 4, 3 người trong số những bệnh nhân đó đã chích vaccine Pfizer và người thứ 4 chích vaccine Moderna. Trong 3 trường hợp, vaccine không được biết chính xác là loại nào.

6 bệnh nhân được chích vaccine vector virus đã bị PTS sau liều đầu tiên và 3 bệnh nhân bị PTS sau liều thứ 2. 9 bệnh nhân PTS không biết thông tin chi tiết về loại vaccine đã được chích ngừa trước đó.

Chỉ có 1 bệnh nhân trong nhóm vaccine mRNA bị PTS trước đây đã nhiễm COVID-19 trước đó và không có bệnh nhân nào trong nhóm vector virus nhiễm COVID-19, vì vậy các triệu chứng PTS không thể quy cho việc nhiễm SARS-CoV-2. Hơn một nửa số bệnh nhân ở cả hai nhóm vaccine đều báo cáo không có bệnh đi kèm nào khác.

Trong vòng 2 tuần kể từ khi xuất hiện cơn đau, bệnh nhân bị suy giảm vận động, teo cơ – hoặc đau nhức hoặc nóng rát ở hông và đùi – yếu và teo cơ ở các chi dưới, bị ngứa như “kim châm” và mất cảm giác .

Những người được chích vaccine vector virus bị tổn thương dây thần kinh bên ngoài đám rối dây thần kinh cánh tay nhiều hơn. Các xét nghiệm sâu hơn cho thấy sự phân ly tế bào albumin trong dịch não tủy ở 33% những người được chích vaccine mRNA và 100% những người được chích vaccine vector virus. Tình trạng này thường liên quan đến hội chứng Guillain Barré. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra bệnh hạch nách cùng bên, một tình trạng liên quan đến việc chích vaccine mRNA, trong đó các hạch bạch huyết ở nách ở bên cơ thể được chích thuốc bị sưng lên.

Theo nghiên cứu, có 2 trường hợp PTS có tiến triển trầm trọng hơn sau liều vaccine mRNA thứ 2 và 1 trường hợp khác đã khỏi đợt tái phát sau khi chích vaccine cúm. Một bệnh nhân khác dung nạp được liều thứ 2 của vaccine vector virus, trong khi một bệnh nhân khác thì không và các triệu chứng lại xuất hiện.

Kết quả và sự cải thiện triệu chứng có sự khác nhau giữa các bệnh nhân. 12% bệnh nhân được chích vaccine mRNA đã hồi phục hoàn toàn và 25% bệnh nhân được chích vaccine vector virus cũng hồi phục hoàn toàn.

Các tác giả cho biết, những trường hợp được xem xét trong chương trình nghiên cứu cho thấy vaccine ngừa COVD-19 làm tăng khả năng gây ra PTS.

“Việc thu thập các báo cáo liên quan đến các biến chứng như vậy có ý nghĩa quan trọng vì cuối cùng đó có thể được coi là một tín hiệu và đưa ra các giả thuyết về mối liên quan tiềm ẩn giữa việc chích ngừa và biến chứng đang được đề cập. Do đó, có thể thiết kế các nghiên cứu cụ thể để kiểm tra sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả,” các tác giả nghiên cứu viết.

Các nghiên cứu khác báo cáo về PTS hậu vaccine

Một Báo cáo ca bệnh năm 2023 được công bố Tập san Journal of the American Academy of Orthopaedic Surgeons (Tập san của Học Viện Chỉnh Hình Hoa Kỳ) mô tả một cậu bé 15 tuổi bị nhiễm PTS bốn tuần sau khi chích vaccine COVID-19, cho thấy mối tương quan giữa PTS và vaccine. Theo các tác giả, PTS có liên quan đến các loại vaccine khác như vaccine ngừa virus u nhú ở người (HPV vaccine) và vaccine cúm, cũng như vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà ở trẻ em. Mặc dù 63% trẻ em hồi phục hoàn toàn nhưng các tác giả cũng cho biết rằng việc thực hiện phương pháp vật lý trị liệu phải được áp dụng sớm để đạt được kết quả tốt hơn. Các phương pháp điều trị PTS khác bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, corticosteroid và thuốc chống co giật.

Trong một Báo cáo ca bệnh năm 2023 được công bố trên European Journal of Case Reports in Internal Medicine (Tập san Báo Cáo Ca Bệnh về Nội Khoa Âu Châu), một phụ nữ đã bị tình trạng xương bả vai nhô lên cao do PTS sau khi chích vaccine COVID-19. Một ngày sau khi chích liều vaccine Pfizer thứ 2, cô đã bị đau dữ dội ở toàn bộ chi trên bên trái. Mặc dù cơn đau đã thuyên giảm trong vòng hai tuần nhưng cô vẫn gặp khó khăn khi cử động vai trái và kết quả chụp phim cho thấy cô bị PTS. Xương bả vai nhô lên cao là tình trạng xương bả vai nhô ra bất thường từ phía sau.

Các tác giả của nghiên cứu viết, “PTS nên được xem xét ở những bệnh nhân bị liệt vận động sau khi bị đau dây thần kinh ở một bên chi trên, có thể xảy ra sau khi chích vaccine COVID-19.”

Trong một Báo cáo ca bệnh và tổng quan y văn năm 2023 được xuất bản trên Tập san Cureus, các nhà nghiên cứu đã xác định được 42 trường hợp bị viêm dây thần kinh cánh tay, còn được gọi là PTS sau khi chích vaccine COVID-19 và báo cáo một trường hợp là nam bác sĩ 44 tuổi bị PTS sau khi chích vaccine liều thứ 4. Cơn đau của vị bác sĩ này lúc mới đầu chỉ “âm ỉ” rồi sau đó trở nên không thể chịu nổi đến mức phải gọi dịch vụ cấp cứu. Anh bị đau ngực dữ dội và đau nhói ở cánh tay, mức đau ngày càng trầm trọng hơn, cơn đau lan ra xương bả vai trái đến cẳng tay và các ngón tay. Bất kỳ cử động nào của chi bị ảnh hưởng đều gây ra cơn đau dữ dội và các ngón tay bị ngứa ran.

“Viêm đám rối dây thần kinh cánh tay là một tình trạng hiếm gặp và ít được chẩn đoán, có thể gây suy nhược, quá trình hồi phục kéo dài phải mất từ 2 đến 3 năm. Đó là một biến chứng được thừa nhận sau khi bị nhiễm trùng hoặc chích ngừa,” các tác giả của nghiên cứu viết. Họ cho biết thêm, tình trạng này ngày càng được báo cáo nhiều hơn trên toàn cầu với nguyên nhân là từ vaccine COVID-19 và “dường như không có mối tương quan rõ rệt nào với loại, nhãn hiệu hoặc số liều chích ngừa” liên quan đến tình trạng này.

Một nghiên cứu năm 2022 đăng trên Tập san Neurology (Tập san Thần kinh học) đã mô tả 6 bệnh nhân bị PTS hậu vaccine COVID-19. Sau khi được chích vaccine COVID-19 trong vòng từ 5 ngày đến 8 tuần, các bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng và bị đau ở vai/chi trên, sau đó là yếu cơ trong vài ngày. 3 bệnh nhân không có sự cải thiện nào về tình trạng yếu tay/bàn tay, trong khi nửa còn lại đã hồi phục phần nào sức lực. Các nhà nghiên cứu đã quyết định nghiên cứu những bệnh nhân này sau khi nhận thấy có sự gia tăng các trường hợp chẩn đoán PTS trong 6 tháng đầu năm 2021 và một phân tích cho thấy sự gia tăng này có thể liên quan đến những bệnh nhân được chích vaccine COVID-19.

“PTS có thể xảy ra sau khi chích vaccine COVID-19 và nên xem xét đến những bệnh nhân có các triệu chứng và dấu hiệu bị bệnh đám rối dây thần kinh cánh tay cấp tính. Các nghiên cứu trên một số lượng bệnh nhân lớn hơn có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các yếu tố ảnh hưởng,” các tác giả kết luận.

Các tác giả cũng phát hiện ra rằng PTS có liên quan đến các loại vaccine khác, bao gồm vaccine thủy đậu, viêm gan B, đậu mùa, cúm lợn, bạch hầu, ho gà và uốn ván, cho thấy rằng kháng nguyên virus trong vaccine có thể kích hoạt sự nhiễm bệnh của PTS sau chích ngừa.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Megan Redshaw
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Megan Redshaw là một luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là người áp dụng liệu pháp tự nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và thể dục.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn