Ngũ cốc ăn sáng được kiểm tra kỹ lưỡng để tìm loại thuốc trừ sâu có thể gây hại cho sức khỏe sinh sản

Liên quan đến những lo ngại về sinh sản, hóa chất chlormequat không được chấp thuận sử dụng trên cây trồng ở Hoa Kỳ—tuy nhiên, chất này đang xâm nhập vào nguồn cung thực phẩm của chúng ta thông qua hàng nhập khẩu.

Hãy tưởng tượng rằng việc bạn bắt đầu ngày mới với một chén ngũ cốc có thể âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và gia đình. Các nghiên cứu gần đây cho thấy chlormequat, một loại thuốc trừ sâu có liên quan đến vấn đề sinh sản, được tìm thấy trong các loại ngũ cốc ăn sáng phổ biến như Quaker Oats và Cheerios. Khi chất này xâm nhập vào nguồn cung thực phẩm của Mỹ, những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe của thế hệ tương lai sẽ ngày càng to lớn, đặt ra câu hỏi cấp bách về sự an toàn trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày của chúng ta.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Journal of Exposure Science & Environmental Epidemiology (Tập san Khoa học Tiếp xúc & Dịch tễ học Môi trường) vào ngày 15/02/2024, các tác giả đã tiết lộ những phát hiện đáng báo động về mức độ phổ biến của chlormequat.

Chlormequat có mặt trong nước tiểu của 4 trên 5 người hay 80% người Mỹ được xét nghiệm. Ngoài ra, 92% thực phẩm làm từ yến mạch được thử nghiệm có chứa chlormequat, bao gồm Quaker Oats và Cheerios.

Nghiên cứu này—lần đầu báo cáo về chỉ số chlormequat trong nước tiểu ở người trưởng thành tại Hoa Kỳ—nhấn mạnh khả năng hiện diện rộng rãi của chlormequat và sự cần thiết phải minh bạch cũng như điều tra sâu hơn về những tác động tiềm ẩn của chlormequat lên sức khỏe của người tiêu dùng.

Chlormequat là gì?

Chlormequat, được biết đến rộng rãi ở dạng muối chlormequat chloride, là một hóa chất nông nghiệp được đăng ký lần đầu tại Hoa Kỳ vào năm 1962 với vai trò điều hòa sinh trưởng thực vật. Theo một nghiên cứu năm 2006 trên International Journal of Andrology (Tập san Quốc tế về Nam học), chất điều hòa sinh trưởng thực vật là các chất hóa học giúp kiểm soát và điều chỉnh sự phát triển, ra hoa và cho quả của thực vật.

Việc sử dụng chlormequat ở cây trồng lấy hạt làm giảm chiều cao thân cây, do đó giảm thiểu hiện tượng đổ ngã (uốn cong), một điều có thể giảm hiệu suất thu hoạch.

Chlormequat là chất điều hòa sinh trưởng thực vật phổ biến nhất trên thế giới theo một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tập san Toxicology (Độc chất học). Theo nghiên cứu năm 2024, “Clormequat là thuốc trừ sâu có dư lượng được phát hiện nhiều nhất trong các hạt và ngũ cốc, như được ghi lại trong các cuộc khảo sát giám sát kéo dài vài năm.” Chất này được chấp thuận ở Âu Châu và một số vùng của Bắc Mỹ.

Tại Hoa Kỳ, chlormequat chỉ được sử dụng trên cây cảnh và bị cấm ở cây lương thực được trồng trong nước. Do đó, sự hiện diện của chlormequat trong Cheerios và các thực phẩm làm từ yến mạch tại Hoa Kỳ đã đặt ra câu hỏi về chuỗi cung ứng thực phẩm.

Chlormequat xâm nhập vào nguồn cung thực phẩm Hoa Kỳ như thế nào?

Vào tháng 4/2018, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã cho phép chlormequat được có mặt trong nguồn cung thực phẩm bằng cách thiết lập mức độ dung nạp thực phẩm chấp nhận được với chlormequat chloride trong yến mạch, lúa mì, lúa mạch nhập khẩu và các sản phẩm động vật chọn lọc. Hành động này cho phép nhập khẩu và bán những sản phẩm nông nghiệp có chứa chlormequat.

Do đó, người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể vô tình ăn phải thực phẩm nhập khẩu bị nhiễm độc—có khả năng tiếp xúc với chlormequat hoặc dư lượng của chất.

Vào năm 2020, nồng độ chlormequat cho phép đối với yến mạch đã tăng lên. Tháng 4/2023, EPA đề xuất cho phép sử dụng chlormequat lần đầu tiên trên lúa mạch, yến mạch, lúa mì và triticale (tiểu hắc mạch) được trồng ở Hoa Kỳ. Nếu được thông qua, mức độ phơi nhiễm chlormequat có thể tăng lên, gây lo ngại về vấn về sức khỏe và an toàn thực phẩm.

Mối lo ngại về sức khỏe xung quanh chlormequat

Chlormequat, mặc dù không khét tiếng như các thuốc trừ sâu khác, nhưng từ lâu đã có liên quan đến các vấn đề về sinh sản và phát triển trong nghiên cứu động vật.

Theo một bài báo năm 2006 trên International Journal of Andrology (Tập san Quốc tế về Nam học), vào những năm 1980, người chăn nuôi heo ở Đan Mạch đã quan sát thấy sự suy giảm khả năng sinh sản ở những con heo tiêu thụ ngũ cốc có chứa chlormequat.

Sự quan sát đã dẫn đến một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm có đối chứng, xác nhận khả năng sinh sản bị suy giảm. Cụ thể, những con heo nái được ăn ngũ cốc có dùng chlormequat bị suy giảm khả năng sinh sản, chủ yếu là gián đoạn chu kỳ động dục và khó giao phối, theo một bài báo năm 2006.

Những phát hiện này khiến ngành chăn nuôi heo ở Đan Mạch đưa ra khuyến nghị hạn chế sử dụng cây trồng có dùng chlormequat và các chất điều hòa sinh trưởng khác (tối đa 30% năng lượng khẩu phần) do các vấn đề tiềm ẩn về sinh sản.

Theo một nghiên cứu trên tập san Reproductive Toxicology (Độc học sinh sản), những phát hiện tương tự cũng được quan sát thấy vào năm 1999 khi chuột đực tiếp xúc với chlormequat qua thức ăn hoặc nước uống. Kết quả cho thấy “tỷ lệ thụ tinh và phân chia ở tinh trùng giảm đáng kể,” nghĩa là có sự suy giảm chức năng tinh trùng.

Điều quan trọng là lượng chlormequat ước tính với các thí nghiệm ở heo (0.0023 miligam (mg)/kilogram (kg) trọng lượng cơ thể (bw)/ngày) và chuột (0.024 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày) đều thấp hơn liều tham chiếu được công bố bởi EPA (0.05 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày) và lượng tiêu thụ hàng ngày chấp nhận được do Cơ quan An toàn Thực phẩm Âu Châu công bố (0,04 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày) đưa ra, theo nghiên cứu năm 2024. Những phát hiện trên làm dấy lên lo ngại về các giới hạn được thiết lập hiện tại do các cơ quan quản lý đặt ra.

Các nghiên cứu gần đây chứng minh thêm độc tính về sinh sản và phát triển của chlormequat, bao gồm:

  • Dậy thì muộn: Theo một nghiên cứu năm 2020 trên tập san Toxicology Letters, chuột đực tiếp xúc với chlormequat từ ngày thứ 23 đến 60 sau sinh cho thấy trọng lượng tuyến tiền liệt giảm và dậy thì muộn.
  • Giảm khả năng vận động của tinh trùng: Theo một nghiên cứu năm 2021 trên tập san Toxicology Letters, chuột đực tiếp xúc với chlormequat khi còn trong tử cung có biểu hiện dậy thì muộn cũng như giảm khả năng vận động của tinh trùng.
  • Giảm testosterone: Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tập san Toxicology Letters, chuột đực trưởng thành tiếp xúc với chlormequat bằng đường uống (đưa chất trực tiếp vào dạ dày qua kim có đầu bóng đèn) cho thấy trọng lượng tinh hoàn thấp hơn, giảm khả năng vận động tinh trùng và giảm testosterone ở tinh hoàn.

Hơn nữa, các nghiên cứu về độc tính liên quan đến quá trình phát triển cho thấy việc tiếp xúc với chlormequat trong thời kỳ mang thai có thể làm gián đoạn sự phát triển và chuyển hóa của thai nhi sau sinh, cho thấy tác động lâu dài đến sự phát triển của chuột con. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tập san Toxicology báo cáo rằng việc chuột mẹ tiếp xúc với chlormequat dẫn đến những tác động bất lợi đối với sức khỏe của chuột non, bao gồm hạ đường huyết, tăng lipid máu và tăng protein máu bảy ngày sau khi sinh so với nhóm đối chứng.

Một nghiên cứu năm 2007 về Analytical and Bioanalytical Chemistry (Hóa phân tích và phân tích sinh học) báo cáo rằng đã phát hiện thấy nồng độ chlormequat trong máu cũng như sự chuyển chất này vào sữa ở heo tiếp xúc với chlormequat. Mặc dù những dấu hiệu này chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng ở người nhưng cũng làm dấy lên mối lo ngại về tác động tiềm tàng của chlormequat khi thai nhi trong bụng mẹ và trẻ sơ sinh khi bú mẹ phơi nhiễm với chất này.

Một số nghiên cứu đã không phát hiện tác động đáng kể nào của chlormequat đối với khả năng sinh sản ở chuột cái hoặc heo đực, hoặc khả năng thụ tinh ở chuột đực tiếp xúc với chlormequat trong quá trình phát triển và sau sinh. Những phát hiện không rõ ràng trong tài liệu về độc tính liên quan đến chlormequat có thể xuất phát từ sự thay đổi về liều lượng thử nghiệm, thước đo kết quả và/hoặc nguồn tài trợ. Theo một nghiên cứu năm 2006 trên International Journal of Andrology, “Các báo cáo từ ngành này không cho thấy bất kỳ ảnh hưởng nào ở nồng độ thấp.”

Mục đích của nghiên cứu mang tính đột phá mới

Xem xét mối lo ngại về sức khỏe được nhấn mạnh trong các tài liệu khoa học, mục tiêu của nghiên cứu năm 2024 là đánh giá tác động của việc cho phép chlormequat có mặt trong nguồn cung cấp thực phẩm ở Hoa Kỳ của EPA.

Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu năm 2024 đã đánh giá nồng độ chlormequat trong nước tiểu của các cá nhân từ ba vùng địa lý riêng biệt tại Hoa Kỳ kéo dài từ năm 2017-2023. Cụ thể, 21 mẫu nước tiểu được thu thập tại Nam Carolina vào năm 2017, 25 mẫu được thu thập tại Missouri từ năm 2017-2022, và 50 mẫu được lấy ở Florida vào năm 2023.

Nghiên cứu cũng kiểm tra hàm lượng chlormequat trong yến mạch và các sản phẩm làm từ lúa mì được mua ở Hoa Kỳ trong năm 2022 và 2023. Cụ thể, 25 mặt hàng thực phẩm làm từ yến mạch thông thường đã được phân tích trong giai đoạn này, cùng với 8 sản phẩm làm từ yến mạch hữu cơ và 9 thực phẩm làm từ lúa mì thông thường.

Kết quả nghiên cứu

Phân tích nước tiểu

Chlormequat được phát hiện trong 80% (77 trên 96) mẫu nước tiểu.

Các tác giả ghi nhận xu hướng tiếp xúc với chlormequat tăng lên theo thời gian, với tần suất phát hiện tăng đáng kể ở các mẫu năm 2023 so với mẫu từ năm 2017 và từ 2018-2022. Cụ thể, vào năm 2017, 69% mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính, trong khi từ năm 2018-2022, 74% mẫu có kết quả dương tính. Ngược lại, 90% mẫu vào năm 2023 đều dương tính, thể hiện mức tăng đáng kể so với tất cả các năm được kiểm tra trước đó.

Theo các tác giả, “Những dữ liệu này cho thấy khả năng tiếp xúc liên tục với chlormequat do thời gian bán hủy ngắn của chất này [2–3 giờ].”

Để đánh giá xem liệu nồng độ tăng lên trong các mẫu nước tiểu có phản ánh khả năng tiếp xúc với chlormequat trong khẩu phần ăn uống hay không, các nhà nghiên cứu đã phân tích nồng độ chlormequat trong các sản phẩm làm từ yến mạch và lúa mì được mua ở Hoa Kỳ.

Phân tích phơi nhiễm thực phẩm

Kết quả phân tích thực phẩm cũng rất đáng lo ngại: một tỷ lệ cao các sản phẩm làm từ yến mạch thông thường được xét nghiệm dương tính với chlormequat, trong đó các thương hiệu nổi tiếng như Quaker Oats và Cheerios cũng nằm trong số đó.

Cụ thể, theo nghiên cứu, 92% (23 trên 25) sản phẩm làm từ yến mạch thông thường có kết quả dương tính với chlormequat, “cho thấy tỷ lệ phổ biến cao của chlormequat trong yến mạch.” Điều này nêu bật nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, đối tượng có thể tiêu thụ các sản phẩm này thường xuyên.

Chlormequat được phát hiện trong 12.5% (1/8) sản phẩm làm từ yến mạch hữu cơ được thử nghiệm. Ngoài ra, 22% (hai trong số chín) sản phẩm làm từ lúa mì thông thường có kết quả dương tính với chlormequat.

Nói chung, dữ liệu từ nước tiểu và thực phẩm “có thể phản ánh kết quả của việc đưa chlormequat vào nguồn cung thực phẩm Hoa Kỳ gần đây do những thay đổi về hành động quản lý của EPA liên quan đến chlormequat, bao gồm việc thiết lập giới hạn về chlormequat trong thực phẩm vào năm 2018 và nâng cao giới hạn đó đối với yến mạch vào năm 2020,” theo nghiên cứu.

Kết luận

Nghiên cứu đột phá này làm sáng tỏ sự phổ biến rộng rãi của chlormequat trong nguồn cung thực phẩm Hoa Kỳ, như được ghi nhận trong cả phân tích nước tiểu và thực phẩm. Các phát hiện này cho thấy xu hướng tăng phơi nhiễm chlormequat theo thời gian, với tần suất phát hiện đã tăng đột biến trong những năm gần đây.

Các độc tính được ghi nhận của chlormequat, đặc biệt là liên quan đến vấn đề sinh sản và phát triển, làm dấy lên lo ngại đáng kể về tác động lâu dài đối với sức khỏe con người. Hơn nữa, hiện nay không có sự giám sát về chlormequat nào trong các sản phẩm thực phẩm ở Hoa Kỳ, khiến người tiêu dùng dễ gặp rủi ro tiềm ẩn.

Với đề xuất mở rộng sử dụng chlormequat của EPA đối với cây trồng trong nước, kết quả của nghiên cứu đóng vai trò là lời kêu gọi hành động quan trọng nhằm đạt được minh bạch trong việc giám sát và sử dụng thuốc trừ sâu, cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để chúng ta có thể nỗ lực hướng tới nguồn cung thực phẩm bảo vệ sức khỏe của cá nhân.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Sina McCullough
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Sina McCullough là tác giả của "Go Wild: How I Reverse Chronic & Autoimmune Disease" - (tạm dich:Tôi đã chống lại bệnh mãn tính và bệnh tự nhiễm như thế nào), đồng thời là tác giả của cuốn "Hands Off My Food" và "Beyond Labels," (tạm dịch: Đừng can thiệp vào thức ăn của tôi" và “Phía bên kia của nhãn mác"). Cô có bằng tiến sĩ dinh dưỡng tại Đại học California – Davis. Cô ấy là một nhà thảo dược bậc thầy, bác sĩ được chứng nhận của Gluten Free Society và dạy học tại nhà cho ba đứa con của cô.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn