Bản tin đặc biệt

Cà chua tím biến đổi gene: Một loại cây trồng nhằm mục đích xâm nhập vào các khu vườn của Mỹ

Người làm vườn có thể mua một hạt giống mới, một loại cà chua biến đổi gene mà FDA hầu như không để mắt đến, còn những người ủng hộ GMO hy vọng sẽ thuyết phục được người Mỹ ưa chuộng các loại thực phẩm biến đổi gene hơn.

Khi công việc làm vườn mùa xuân đang đến, một đối thủ mới đã bước vào cuộc cạnh tranh—Cà chua tím biến đổi gene. Không giống như những loại cây trồng biến đổi gene trước đây, cà chua tím biến đổi gene không chỉ riêng dành cho lĩnh vực nông nghiệp thương mại – nó đã ra mắt lần đầu tiên tại sân sau của những người làm vườn tại nhà trên khắp nước Mỹ.

Với những tuyên bố về hàm lượng chất chống oxy hóa cao và lợi ích sức khỏe tiềm năng, sáng tạo mới này đã khuấy động cả sự phấn khích lẫn tranh cãi giữa người tiêu dùng cũng như các nhà khoa học. Các nhà đầu tư công nghệ sinh học hy vọng nó có thể mở ra một kỷ nguyên mới về niềm tin của công chúng đối với thực phẩm biến đổi gene trong khi những người hoài nghi lo ngại việc gần như thiếu hoàn toàn các quy định hoặc đánh giá về cà chua có thể ẩn chứa những mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người và/hoặc môi trường.

Sự phát triển của giống cà chua tím biến đổi gene

Cà chua tím biến đổi gene được tạo ra bởi các nhà khoa học tại Norfolk Plant Sciences ở Anh quốc. Được dẫn dắt bởi nhà hóa sinh Cathie Martin và nhóm của bà, dự án nhằm mục đích khai thác các đặc tính tự nhiên của anthocyanin, hợp chất có trong trái việt quất và trái mâm xôi, để nâng cao thành phần dinh dưỡng của cà chua.

Trong bức ảnh minh họa trên tờ rơi năm 2008 này, cà chua tím biến đổi gen được đặt bên cạnh cà chua đỏ. (Ảnh: John Innes Centre UK via Getty Images)
Trong bức ảnh minh họa trên tờ rơi năm 2008 này, cà chua tím biến đổi gene được đặt bên cạnh cà chua đỏ. (Ảnh: John Innes Centre UK via Getty Images)

Bằng cách sử dụng các kỹ thuật di truyền, Martin và các đồng nghiệp của bà đã chèn hai gene chịu trách nhiệm tạo ra màu tím ở hoa mõm chó ăn được vào cây cà chua. Quá trình này cho phép cà chua biểu hiện gene từ hoa mõm chó và sau đó tạo ra hàm lượng anthocyanin cao, từ đó làm cho cà chua có màu tím riêng biệt và có khả năng mang lại lợi ích sức khỏe.

Theo Norfolk Healthy Produce, công ty con của Norfolk Plant Sciences tại Hoa Kỳ, cà chua tím là “nguồn dồi dào chất chống oxy hóa” do hàm lượng anthocyanin tăng lên. Không giống như cà chua thuần hóa có chứa anthocyanin trong vỏ, cà chua tím chứa anthocyanin trong toàn bộ quả cà chua.

Sự ra đời của cà chua tím biến đổi gene đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nền công nghệ sinh học nông nghiệp. Không giống như các loại cây trồng biến đổi gene trước đây chủ yếu nhắm vào các nhà sản xuất thương mại, loại cà chua này là cây lương thực biến đổi gene đầu tiên được tiếp thị trực tiếp cho những người làm vườn tại nhà ở Hoa Kỳ, tạo cơ hội cho các cá nhân tham gia vào công nghệ sinh học ở sân sau của chính họ.

Cà chua tím biến đổi gene: Một loại cây trồng nhằm mục đích xâm nhập vào các khu vườn của Mỹ

Theo Norfolk Healthy Produce, hơn 13,000 đơn đặt hàng hạt giống cà chua tím đã được giao.

Phê chuẩn theo quy định

Vào năm 2022, Cà chua tím biến đổi gene đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đưa ra khỏi quy định. Theo tuyên bố từ USDA, cà chua tím biến đổi gene không phải tuân theo quy định của USDA vì nó không gây nguy cơ dịch hại thực vật:

“Đối với cà chua tím của Norfolk Plant Sciences, chúng tôi không xác định được bất kỳ con đường hợp lý nào làm tăng nguy cơ sâu bệnh thực vật so với các loại cà chua được trồng khác và đã đưa ra thư phản hồi cho biết loại cây này không phải tuân theo quy định.”

Vào năm 2023, cà chua tím đã nhận được thư “không nghi vấn” từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có nghĩa là cà chua tím được coi là “Thường được Công nhận là An toàn” (GRAS) và do đó, không yêu cầu đánh giá hoặc phê chuẩn bởi FDA trước khi đưa ra thị trường.

Norfolk Plant Sciences đã gửi dữ liệu từ các thử nghiệm được tiến hành nội bộ để đủ điều kiện có được GRAS.

Công ty Norfolk Plant Sciences đã tạo ra cà chua tím bằng cách ghép gen từ mõm chó tím vào cà chua. (Ảnh minh họa của The Epoch Times, Shutterstock, Getty Images)
Công ty Norfolk Plant Sciences đã tạo ra cà chua tím bằng cách ghép gene từ hoa mõm chó tím vào cà chua. (Ảnh minh họa của The Epoch Times, Shutterstock, Getty Images)

Việc thiếu thử nghiệm về an toàn từ hai cơ quan USDA và FDA, cũng như việc phụ thuộc vào dữ liệu do công ty tạo ra sẽ có lợi cho việc phê chuẩn sản phẩm của chính công ty , đã khiến một số chuyên gia kêu gọi một cuộc đánh giá về tính an toàn toàn diện hơn.

Các lo ngại về vấn đề an toàn và về sức khỏe

Dữ liệu do Norfolk Plant Sciences cung cấp cho FDA chứng tỏ công ty đã tiến hành nhiều thử nghiệm an toàn khác nhau. Tuy nhiên, các nhà phê bình biện luận rằng các cuộc thử nghiệm không đủ để bảo đảm về mặt an toàn của cà chua tím cho người dùng.

Theo bản ghi nhớ của FDA ngày 13/6/2023, các thử nghiệm do công ty Norfolk Plant Sciences thực hiện chủ yếu tập trung vào sáu lĩnh vực. Trong số đó, 4 lĩnh vực tương đối đơn giản trong khi 2 lĩnh vực khiến các chuyên gia lo ngại về an toàn, theo GM Watch.

Các thử nghiệm của công ty được chuyển thẳng đến cơ quan quản lý

  1. Phân tích PCR và Southern blot được thực hiện bởi Norfolk Plant Sciences để xác định xem DNA ngoại lai từ hoa mõm chó có được đưa vào DNA cà chua hay không.
  • Công ty (Norfolk Plant Sciences) tuyên bố rằng việc đưa DNA ngoại lai vào đã được xác nhận.
  1. PCR và so sánh trình tự các mẫu DNA đã được tiến hành để xác nhận tính ổn định của khả năng di truyền qua các thế hệ. Cây đã được nhân giống để xác định xem kiểu hình màu tím có được di truyền theo kiểu phân ly Mendel hay không.
  • Công ty cho biết kiểu hình gene màu tím có thể di truyền được.
  1. Phân tích thành phần được tiến hành để xác định xem cà chua tím có chứa các chất dinh dưỡng tương tự ở mức tương tự so với cà chua không biến đổi gene hay không, bao gồm protein, chất béo, carbohydrate, chất xơ, chất khoáng, carotenoids, vitamin và alpha-tomatine.
  • Công ty xác định mức độ của hầu hết các thành phần dinh dưỡng là tương tự nhau hoặc có “sự khác biệt nhỏ”.
(Ảnh: The Epoch Times)
(Ảnh: The Epoch Times)
  1. Norfolk Plant Sciences đã đánh giá mức độ phơi nhiễm trong bữa ăn giả định rằng việc thay thế hoàn toàn cà chua đỏ trong bữa ăn của con người bằng cà chua tím trong hai ngày.
  • Công ty kết luận mức độ tiếp xúc với anthocyanin trong bữa ăn cũng giống như việc tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng anthocyanin cao. Ví dụ, 8 ounce nước ép cà chua tím (#230ml) tương đương với việc tiêu thụ 1 cốc quả việt quất.

Các thử nghiệm gây tranh cãi

  1. Phân tích tin sinh học được sử dụng để xác định xem có bất kỳ khung đọc mở nào được tạo ra hoặc bị gián đoạn bằng cách chèn DNA ngoại lai hay không. Norfolk Plant Sciences đã tìm kiếm các trình tự DNA bên cạnh trình tự chèn vào cà chua.

Công ty báo cáo không có khung đọc mở nào ở vị trí chèn.

  • Vì Norfolk Plant Sciences không đánh giá được thiệt hại có thể xảy ra đối với toàn bộ bộ gene bằng các kỹ thuật phòng thí nghiệm tiên tiến nên nhà di truyền học Michael Antoniou đã bày tỏ lo ngại trong một tuyên bố do GM Watch công bố.

“Không có bằng chứng nào cho thấy các nhà phát triển cà chua tím biến đổi gene đã thực hiện loại phân tích phân tử (hệ protein và chất chuyển hóa) có thể giúp xác định xem liệu họ có nhận được sự thay đổi như mong muốn mà không có những thay đổi ngoài ý muốn hay không. Kết quả là chúng tôi không biết liệu những quả cà chua này có an toàn để ăn hay không,”ông Antoniou nói.

Cà chua tím biến đổi gene: Một loại cây trồng nhằm mục đích xâm nhập vào các khu vườn của Mỹ

“Chúng ta cũng phải nhớ rằng quá trình biến đổi gene (nuôi cấy mô thực vật và biến đổi tế bào thực vật) chắc chắn sẽ làm phát sinh hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn vị trí DNA bị tổn hại ngoài ý muốn (đột biến). Những đột biến quy mô rộng này có thể thay đổi mô hình chức năng gene cũng như thay đổi thành phần và sinh hóa, gây ra những hậu quả chưa rõ về sức khỏe,” ông nói.

  1. Việc đánh giá các peptide mới có hàm lượng bằng hoặc lớn hơn 30 acid amin tại vị trí chèn của DNA ngoại lai được tiến hành để loại trừ các mối lo ngại về độc tính hoặc dị ứng.
  • Công ty đã xác định được một peptide “giả định, tuy nhiên, họ tuyên bố rằng, “peptide này không tương đồng với bất kỳ chất gây dị ứng hoặc protein nào đã biết và không có bằng chứng nào cho thấy trình tự này được phiên mã ở cà chua.” Họ kết luận rằng các kết quả “không gây lo ngại về an toàn thực phẩm.”

Dị ứng là mối lo ngại đang diễn ra liên quan đến việc biến đổi gene của thực phẩm. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature năm 1999 đã báo cáo rằng cây đậu đã được biến đổi gene để tạo ra hàm lượng methionine và cysteine cao hơn nhưng đã bị loại bỏ vì protein biểu hiện của gene chuyển rất dễ gây dị ứng.

Mặc dù Norfolk Plant Sciences không xác định được sự trùng khớp với bất kỳ chất gây dị ứng nào đã biết nhưng điều đó không bảo đảm rằng peptide được hình thành thông qua quá trình chỉnh sửa gene không phải là chất gây dị ứng. Do gần 11% người lớn và 5.6 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ bị dị ứng thực phẩm, nên có thể áp dụng nguyên tắc phòng ngừa khi sửa đổi cấu trúc di truyền của thực phẩm là điều rất đáng thực hiện.

Thử nghiệm mà mọi người đã nói đến

Mặc dù không có trong bản ghi nhớ năm 2023 của FDA, nhưng Norfolk Plant Sciences, kết hợp với Cathie Martin, đã công bố một nghiên cứu thí điểm về việc cho ăn vào năm 2008 trên Nature Biotechnology (Tập san Công nghệ Sinh học Tự nhiên) nhằm kiểm tra tác động của việc bổ sung cà chua tím lên tuổi thọ của những con chuột dễ bị ung thư.

Theo nghiên cứu này, những con chuột được cho ăn cà chua biến đổi gene sống lâu hơn trung bình 40 ngày so với những con chuột được cho ăn cà chua đỏ không biến đổi gene.

Việc công bố nghiên cứu thí điểm đã khiến Trung tâm John Innes xuất bản một thông cáo báo chí có tựa đề “Cà chua tím có thể ngăn ngừa ung thư”. (Norfolk Plant Sciences là một công ty phụ của Trung tâm John Innes.)

Tin tức về cà chua tím phần lớn ca ngợi những lợi ích dinh dưỡng và ung thư tiềm tàng của nó. (Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)
Tin tức về cà chua tím phần lớn ca ngợi những lợi ích dinh dưỡng và ung thư tiềm tàng của nó. (Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Tuyên bố về sức khỏe không có căn cứ đó đã dẫn đến một loạt các tựa đề truyền thông điên rồ về chuyện “cà chua chống ung thư,” bao gồm “Cà chua tím có thể đánh bại ung thư” do tờ báo Daily Express đăng và “Các nhà khoa học phát triển cà chua tím chống ung thư” do hãng tin Reuters xuất bản.

Với sự ra mắt của Cà chua tím biến đổi gene vào năm 2024, những tuyên bố về sức khỏe không có căn cứ đã xuất hiện trở lại. Ví dụ, Maddie Hall, giám đốc điều hành (CEO) của Living Carbon, đã đăng trên Twitter/X rằng, “BigPurpleTomato giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và chống lại bệnh ung thư ở người.”

Theo một bài báo đăng trên NHS Choices, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh (NHS) cho biết các tuyên bố về sức khỏe không dựa trên những lợi ích được ghi nhận ở người mà thay vào đó là từ “một nghiên cứu quy mô nhỏ trên chuột.”

Cà chua tím biến đổi gene: Một loại cây trồng nhằm mục đích xâm nhập vào các khu vườn của Mỹ

Theo NHS:

“… cỡ mẫu nhỏ được sử dụng có nghĩa là kết quả có thể xảy ra một cách tình cờ. Ngoài ra, cho đến khi cà chua được thử nghiệm trên người, chúng tôi không thể chắc chắn rằng nó sẽ mang lại những lợi ích tương tự hay sẽ không có bất kỳ tác hại bất ngờ nào.”

Tiêu thụ quá nhiều anthocyanin có thể gây ra tác hại không ngờ. Mặc dù người ta thường tin rằng chất chống oxy hóa là có lợi và nên dùng nhiều hơn, nhưng Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh cho rằng giả định này thiếu sự hỗ trợ khoa học.

“Có rất nhiều bằng chứng cho thấy một số chất chống oxy hóa trong thực phẩm của chúng ta có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư ở một số người. Nhưng sự phức tạp của bằng chứng này thường được cánh truyền thông diễn giải và quảng bá thành “chất chống oxy hóa ngăn ngừa bệnh tật.” Và đó không phải là những gì khoa học nói.”

Nghịch lý về chất chống oxy hóa

Mặc dù hợp chất anthocyanin có liên quan đến những lợi ích sức khỏe tiềm năng do đặc tính chống oxy hóa, nhưng khái niệm “càng nhiều càng tốt” không giải thích được sự cân bằng mong manh trong cơ thể con người.

Nhu cầu cân bằng dinh dưỡng được ghi nhận ở các chất dinh dưỡng phổ biến khác. Ví dụ, vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với thị lực, nhưng hàm lượng vitamin A cao có thể gây độc, dẫn đến rụng tóc, mờ mắt, đau đầu, suy nhược và đau xương, theo một nghiên cứu đăng trên Journal of Molecular Sciences (Tập san Quốc tế về Khoa học Phân tử ) năm 2022.

Tương tự như vậy, sắt cần thiết để vận chuyển oxy và tổng hợp DNA, tuy nhiên, quá nhiều sắt có thể dẫn đến tổn thương mô, theo một nghiên cứu tổng quan năm 2014 đăng trên Journal of Research in Medical Sciences (Tập san Nghiên cứu Khoa học Y tế.)

Anthocyanin có thể tuân theo mô hình tương tự “một chút thì tốt nhưng quá nhiều có thể không tốt.”

Theo một nghiên cứu năm 2022 được viết bởi Ray Seidler, cựu khoa học gia của Cơ quan Bảo vệ Môi trường có đoạn:

“Khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải, các hợp chất chống viêm như anthocyanin có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nhưng cái gì nhiều quá cũng có thể không tốt. Người ta đã chứng minh rằng việc tiêu thụ quá nhiều anthocyanin (ví dụ khi dùng dưới dạng thuốc bổ sung) có thể gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe của thận, gan và hormone tuyến giáp. Anthocyanin là một phần của nhóm hợp chất gọi là polyphenol, chất này cũng có thể hạn chế hoặc cản trở quá trình hấp thụ sắt.”

Theo một nghiên cứu tổng quan năm 2023 trên Antioxidants (Tập san Chất chống oxy hóa,) việc bổ sung chất chống oxy hóa cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Chất chống oxy hóa hoạt động một phần bằng cách trung hòa các loại oxy phản ứng (ROS), chẳng hạn như anion superoxide, hydro peroxide và các gốc hydroxyl. Những ROS này được tạo ra một cách tự nhiên trong quá trình hô hấp dựa trên oxy ở tất cả các sinh vật sống.

Theo một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Archives of Toxicology (tập san Lưu trữ Độc chất học,) ROS có thể gây hại cho các phân tử, bao gồm DNA, protein và màng tế bào, góp phần hình thành các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, Alzheimer, trầm cảm, tiểu đường và lão hóa.

Tuy nhiên, ROS cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại bệnh tật và duy trì sức khỏe tổng thể. Ví dụ, một số tế bào miễn dịch nhất định tạo ra ROS để loại bỏ vi khuẩn, nấm và nấm men xâm nhập, do đó làm giảm tác hại của chúng. Ngoài ra, ROS hoạt động như các phân tử truyền tín hiệu, kích hoạt các con đường sinh hóa thiết yếu và điều chỉnh biểu hiện gen.

Điều cần thiết là phải đạt được sự cân bằng—sản xuất đủ ROS để điều chỉnh các chức năng quan trọng trong cơ thể mà không tạo ra quá nhiều dẫn đến tổn thương hoặc bệnh tật.

Do đó, ông Seidler đã nêu lên mối lo ngại về lượng anthocyanin mà người Mỹ có thể tiêu thụ nếu cà chua tím biến đổi gene thay thế loại cà chua thông thường.

“Người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng 12.5 miligam chất chống oxy hóa này mỗi ngày. Hàm lượng anthocyanin từ cà chua biến đổi gene trung bình khoảng 500mg/100g quả tươi, gấp khoảng 40 lần so với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày. Một trăm gam cà chua chưa bằng nửa cốc. Các loại trái cây có màu tím tự nhiên khác (anh đào ngọt, dâu đen, dâu tây, quả mâm xôi đỏ, nho đen) chứa anthocyanin trong khoảng 3-143mg/100g, ít hơn tới 160 lần so với cà chua tím biến đổi gene.”

Ông Antoniou lặp lại quan điểm bảo lưu tương tự trong tuyên bố do GM Watch công bố: “Tôi lo ngại rằng việc tiêu thụ một lượng lớn chất chống oxy hóa, chẳng hạn như anthocyanin từ một phần nhỏ cà chua tím biến đổi gene, có thể cản trở sự cân bằng mong manh giữa quá nhiều và quá ít ROS, dẫn đến kết cục xấu về sức khỏe.”

Giải pháp: Các lựa chọn thay thế được nhân giống theo truyền thống

Các kỹ thuật nhân giống cây trồng truyền thống đã tạo ra nhiều loại cà chua tím có hàm lượng anthocyanin cao mà không cần dùng đến công nghệ biến đổi gene.

Người trồng đã có thể tiếp cận với nhiều loại giống cà chua tím lâu đời, gồm hai giống Black Zebra and Black Beauty.

Cà chua được lai tạo theo truyền thống, giống như trái anh đào ngọt đen, có chứa anthocyanin trong vỏ nhưng không chứa thịt cà chua. (Ảnh: chang/Getty Images)
Cà chua được lai tạo theo truyền thống, giống như trái anh đào ngọt đen, có chứa anthocyanin trong vỏ nhưng không chứa thịt cà chua. (Ảnh: chang/Getty Images)

Hơn nữa, vào năm 2011, Jim Myers, một nhà nhân giống cây trồng và giáo sư tại Đại học Bang Oregon, đã cho ra đời giống cà chua tím được lai tạo theo phương pháp truyền thống đầu tiên với hàm lượng anthocyanin cao hơn, theo một nghiên cứu được xuất bản bởi Đại học Tiểu Bang Oregon.

Không giống như cà chua thuần hóa thường chứa anthocyanin trong cấu trúc thực vật và đôi khi là vỏ, cà chua dại được sử dụng trong chương trình nhân giống thể hiện những hợp chất có lợi này trong thịt quả của chúng, như ông Myers đã nhấn mạnh. Trong nhiều năm, ông Myers và nhóm của ông đã lai tạo gen, thường bằng tay, từ cà chua dại với các giống hiện đại, cho đến khi tìm thấy hàm lượng anthocyanin cao hơn trong thịt quả.

Cà chua tím biến đổi gene: Một loại cây trồng nhằm mục đích xâm nhập vào các khu vườn của Mỹ

Hơn hai thập niên kể từ khi bắt đầu chương trình nhân giống này, các giống cây “biến đổi gene” đã sinh sôi nảy nở với hơn 50 biến thể trên toàn thế giới, xuất hiện ở cả các trang trại quy mô nhỏ và các doanh nghiệp nông nghiệp của công ty.

Những lựa chọn thay thế hiện có trên thị trường nhấn mạnh sức mạnh của các phương pháp nhân giống truyền thống trong việc giải quyết nhu cầu về dinh dưỡng và tăng sự đa dạng của nông nghiệp mà không cần nhờ đến biến đổi gene.

Các toan tính sâu rộng hơn

Những làn sóng cây trồng biến đổi gene đầu tiên chủ yếu được bán trên thị trường với mục tiêu giúp nông dân cung cấp lương thực cho thế giới. An ninh lương thực được đặt lên hàng đầu khi cây trồng được thiết kế để tăng năng suất, chống lại thuốc diệt cỏ và có khả năng chống chịu tốt hơn trước các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như côn trùng gây hại và bệnh tật.

Trong lịch sử, hầu hết các loại cây trồng không được biến đổi gene để tăng mật độ dinh dưỡng mà chỉ là để chống chịu thuốc diệt cỏ và sâu bệnh tốt hơn. Một trong số ít trường hợp ngoại lệ là gạo vàng, được thiết kế vào những năm 1990 để chứa hàm lượng beta-carotene cao hơn nhằm chống lại tình trạng thiếu vitamin A. Tuy nhiên, giống lúa này đã không được chấp nhận.

Dứa hồng là một loại trái cây biến đổi gen được giới thiệu gần đây trên các kệ hàng. Trong khi đó, lúa vàng là loại ngũ cốc biến đổi gen không được chấp nhận. (Ảnh: RANDALL CAMPOS/AFP qua Getty Images và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế/Wikipedia)
Dứa hồng là một loại trái cây biến đổi gene được giới thiệu gần đây trên các kệ hàng. Trong khi đó, gạo vàng là loại ngũ cốc biến đổi gene không được chấp nhận. (Ảnh: RANDALL CAMPOS/AFP qua Getty Images và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế/Wikipedia)

Dứa hồng được tạo ra vào năm 2020 bởi Fresh Del Monte, một công ty có trụ sở tại California. Thịt trái màu hồng chứa hàm lượng lycopene cao – một chất chống oxy hóa giúp đào, cà chua và dưa hấu có màu hồng. Tuy nhiên, chỉ có Fresh Del Monte mới được phép trồng dứa hồng trong khi nông dân hoặc người tiêu dùng trên khắp Hoa Kỳ có thể trồng cà chua tím.

Không giống như hầu hết các sản phẩm biến đổi gene trước đây, cà chua tím lần này được tiếp thị như một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng được thiết kế để cải thiện sức khỏe. Tại sao chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch tiếp thị từ an ninh lương thực sang sức khỏe cá nhân?

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2019, 51% người Mỹ xem GMO có hại cho sức khỏe của họ hơn so với thực phẩm không biến đổi gene. Hơn nữa, chỉ có 7% người Mỹ được thăm dò xem GMO là lành mạnh hơn.

Ông Nathan Pumplin, Giám đốc điều hành của Norfolk Healthy Produce, cho biết: “Chúng tôi mong muốn giới thiệu sản phẩm này và công ty này, rằng có rất nhiều lợi ích có thể mang đến cho người tiêu dùng thông qua công nghệ sinh học, hương vị ngon hơn, dinh dưỡng tốt hơn là những ví dụ điển hình.”

Ông Nathan nói thêm: “Rồi sau này, [GM Purple Tomato] cà chua tím biến đổi gene sẽ loại bỏ nhận thức tiêu cực về GMO và điều đó sẽ cho phép các sản phẩm khác được tung ra thị trường mang lại lợi ích thực sự vững chắc.”

Cà chua tím có thể là một con ngựa thành Troy, tự hào về những tuyên bố về sức khỏe được cải thiện cho cá nhân trong khi rải hạt giống biến đổi gene vào vườn để được người tiêu dùng chấp nhận GMO? Chỉ có thời gian mới trả lời được.

Trong khi đó, nếu những người làm vườn muốn tránh cà chua tím biến đổi gene thì có thể sẽ là một thách thức. Một khi hạt giống biến đổi gene được những người làm vườn ở sân sau gieo trồng, tình trạng trôi dạt hạt giống sẽ trở thành mối lo ngại. Theo thông tin liên lạc cá nhân với Norfolk Health Produce:

“Bạn có thể thụ phấn chéo [cà chua tím] với các giống khác. Vì cà chua thường tự thụ phấn nên bạn sẽ cần phải thụ phấn thủ công. Đặc điểm màu tím của chúng ta sẽ tách biệt. Tùy thuộc vào nơi bạn đến, bạn có thể không biết cây nào mang đặc điểm này cho đến khi chúng ra trái.”

Trong một tuyên bố với Epoch Times, ông Joel Salatin, một nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững và đồng sở hữu Trang trại Polyface, bày tỏ lo ngại về hiện tượng hạt giống trôi dạt và việc vi phạm bằng sáng chế:

“Một trong những mối lo ngại lớn nhất của người làm vườn là sự pha trộn do phấn hoa trôi dạt. Các công ty hạt giống thường đề nghị khoảng cách giữa các giống cây lên tới một dặm để duy trì độ thuần chủng của cây trồng. Nếu bạn ở khu vực thành thị hoặc ngoại ô và đặc biệt nếu bạn không biết tất cả hàng xóm của mình hoặc hoạt động của họ thì loại khoảng cách này hầu như không thể được bảo đảm. Đột nhiên bạn có một sinh vật trong khu vườn của mình mà bạn không muốn. Và theo cách mà tòa án đã ra phán quyết, nếu chủ sở hữu bằng sáng chế giống cây trồng phát hiện một trong những quả cà chua của bạn có DNA bị nhiễm, bạn có thể phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm bằng sáng chế. Thật là hỗn loạn.”

Bà Cathie Martin và đồng nghiệp của bà là Jonathan Jones từ Norfolk Healthy Produce nắm giữ các bằng sáng chế đang trong thời hạn bảo hộ độc quyền về các phương pháp biến đổi gene thực vật có hợp chất chống oxy hóa cao hơn, cũng như các thực vật được tạo ra bằng các phương pháp đó.

Kết luận

Việc ra mắt cà chua tím biến đổi gene thể hiện một bước ngoặt trong công nghệ sinh học nông nghiệp khi hạt giống GM đầu tiên được bán cho người làm vườn. Tuy nhiên, giữa lòng nhiệt thành và phấn khởi, chúng ta không được phép quên đi sự phức tạp và bất ổn đi kèm với sự đổi mới đó. Các câu hỏi vẫn còn liên quan đến tính an toàn, hiệu quả và ý nghĩa lâu dài của nó đối với sức khỏe con người và môi trường.

Khi các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng tìm hiểu địa hình phức tạp của GMO, tính minh bạch, ra quyết định dựa trên bằng chứng và sự tham gia của công chúng là điều cần thiết để thúc đẩy đối thoại có hiểu biết khi chúng ta định hình tương lai của ngành nông nghiệp và nguồn cung cấp thực phẩm.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times