Nha Đam: Thảo dược sơ cứu trị bệnh trĩ, khô da, bỏng, vết thương và nhiều tổn thương khác

Sơ cứu bằng thảo dược: Điều trị tổn thương cấp tính bằng thuốc tự nhiên (Phần 6)

Trong loạt bài “Sơ cứu bằng thảo dược,” chúng tôi xem xét các lựa chọn thay thế tự nhiên cho phương pháp sơ cứu hiện đại, thường bao gồm các thuốc làm từ hóa chất tổng hợp. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp tự nhiên cho tình huống cấp tính, loại thảo mộc được đề cập dưới đây chính là lựa chọn an toàn, hiệu quả và dễ kiếm dành cho bạn.

Lần đầu tiên tôi dùng nha đam là để điều trị vết cháy nắng khiến da tôi đỏ, nóng và đau. Tôi đã lấy gel từ lá của cây nha đam và bôi lên vùng bị tổn thương nhiều lần trong ngày.

Khi thức dậy vào sáng hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện rằng cảm giác nóng và đau đã biến mất và vết mẩn đỏ đã chuyển sang màu da rám nắng.

Kết quả dường như không thể tin được, vì vậy tôi đã lặp lại thí nghiệm với vết cháy nắng tiếp theo và vết bỏng nhiệt do vô tình nắm lấy cái chảo nóng. Trong cả hai tình huống, gel nha đam đã nhanh chóng chữa lành vết thương và giảm đau. Kể từ đó, tôi luôn có một cây nha đam trong nhà.

Nha đam (tên khoa học là aloe barbadensis miller) là một loại cây mọng nước lâu năm với những chiếc lá dày, nhiều thịt, dài, màu xanh giống đậu hà lan.

Nha đam đã được sử dụng trong y học trong nhiều thiên niên kỷ. Những bảng đất sét có niên đại 1750 trước Công nguyên tiết lộ rằng cây nha đam đã được dùng làm thuốc tại khu vực Lưỡng Hà.

Người Ai Cập gọi nha đam là “cây trường sinh.” Các nữ hoàng Ai Cập Nefertiti và Cleopatra đã sử dụng nha đam như một phần trong thói quen làm đẹp hàng ngày của họ. Sách Ai Cập từ năm 550 trước Công nguyên ghi nhận rằng nha đam đã chữa khỏi nhiễm trùng da.

Các nhà khoa học Hy Lạp ca ngợi nha đam là “thần dược vạn năng.” Vào năm 74 sau Công nguyên, thầy thuốc người Hy Lạp Discordes, đã viết một cuốn sách có tựa đề De Materia Medica (Tạm dịch: Nguyên dược liệu), trong đó liệt kê nha đam là một phương pháp điều trị vết thương, nhiễm trùng, nứt nẻ, rụng tóc và bệnh trĩ.

Vào khoảng năm 1200, cây nha đam được dùng để chữa bệnh chàm (eczema). Cả Alexander Đại đế và ông Christopher Columbus đều sử dụng nha đam để điều trị vết thương cho binh lính.

Vào đầu những năm 1800, nha đam được dùng làm thuốc nhuận tràng ở Hoa Kỳ. Vào giữa những năm 1930, nha đam đã thành công trong điều trị viêm da nặng do phóng xạ.

Ngày nay, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng nha đam có nhiều đặc tính chữa bệnh, bao gồm kháng khối u, kháng viêm, kháng tiểu đường, chống lão hóa, kháng khuẩn, kháng virus, sát trùng và bảo vệ da.

Nha đam cũng giúp điều trị nhiều loại vết thương, bao gồm vết thương sau phẫu thuật, bệnh vẩy nến, loét da, bệnh herpes sinh dục, loét do tì đè và bỏng.

Nhờ khả năng chữa lành vết thương, gel nha đam có thể thay thế một số loại thuốc nhân tạo thường thấy trong bộ sơ cứu hiện tại.

Bỏng nhiệt

Khi bị bỏng nhiệt, tôi tìm đến gel nha đam thay vì sáp dầu khoáng (petroleum jelly) hoặc kháng sinh bôi.

Trong khi nha đam được sử dụng trong y học cổ truyền để chữa lành vết bỏng do lửa, thì thời nay, giải pháp khắc phục hiệu quả là sáp dầu khoáng (như Vaseline), có nguồn gốc từ dầu thô.

Theo Hiệp hội Da Hoa Kỳ, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho vết bỏng cấp độ 1 bao gồm bôi sáp dầu khoáng và băng lại bằng băng vô trùng. Tuy nhiên theo khoa học hiện đại, gel nha đam có thể là lựa chọn tốt hơn.

Nha đam chứa chất glucomannan và gibberellin giúp tăng sản xuất collagen bằng cách kích thích hoạt động và tăng sinh các thụ thể của yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi, giúp da lành vết thương.

Nha đam cũng làm tăng tốc độ chữa lành vết thương và cải thiện sức mạnh của mô sẹo bằng cách thay đổi thành phần collagen và tăng số lượng liên kết chéo của collagen.

Nghiên cứu năm 1995 đã so sánh [hiệu quả chữa thương của] nha đam với Vaseline trên 27 bệnh nhân bị bỏng. Các nhà nghiên cứu đã viết, “[Các] tổn thương được điều trị bằng gel nha đam nhanh lành hơn vùng [điều trị bằng] gạc Vaseline.” Nha đam chữa lành vết thương trong 11.89 ngày và gạc Vaseline chữa lành vết thương trong 18.19 ngày.

Gel nha đam kích thích “sự phát triển nhanh chóng” của các tế bào da, cũng như mô collagen. Theo các nhà nghiên cứu, “Những phát hiện này không được nhìn thấy ở vùng da được điều trị bằng gạc Vaseline.”

Phương pháp điều trị bỏng nhiệt thứ hai thường được khuyên dùng là kháng sinh bôi ngoài da. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu so sánh được công bố trên tập san Y học Thay thế và Bổ sung năm 1996, nha đam hiệu quả hơn trong việc chữa lành vết thương. Các tác giả kết luận rằng nha đam làm “tăng tốc độ thu hẹp vết thương một cách đáng kể.” Ngược lại, mafenide acetate (một loại thuốc kháng sinh bôi ngoài da) “chậm lành vết thương.”

Một nghiên cứu năm 2013 đã đồng ý với quan điểm rằng gel nha đam hiệu quả hơn trong điều trị bỏng nhiệt so với thuốc kháng sinh.

Theo các nhà nghiên cứu, “Những bệnh nhân bỏng nhiệt được bôi gel nha đam cho thấy lợi thế hơn so với những bệnh nhân được bôi SSD [kem sulfadiazine bạc].” Gel nha đam giúp vết thương lành nhanh và giảm đau nhanh hơn so với khi sử dụng kháng sinh.

Cháy Nắng

Khi bị cháy nắng, tôi tìm đến gel nha đam thay vì sơ cứu bằng thuốc không kê đơn như kem hydrocortisone, Dermoplast hoặc Solarcaine.

Nghiên cứu năm 2008 được công bố trên tập san Dược lý và Sinh lý Da đã cho 40 tình nguyện viên tiếp xúc với tia UVB. Sau hai ngày điều trị bằng gel nha đam, các nhà nghiên cứu kết luận rằng gel nha đam “có một số tác dụng chống viêm” và “có thể hữu ích trong điều trị tại chỗ các tình trạng viêm da như ban đỏ do tia cực tím.”

Điều trị bằng gel nha đam cũng làm giảm tác dụng của bức xạ tia cực tím tốt hơn so với điều trị bằng hydrocortisone trong gel giả dược.

Một nghiên cứu năm 1996 đã kết luận rằng một hợp chất trong nha đam có hoạt tính chống viêm “tương đương” với thuốc bôi hydrocortisone khi điều trị những vết thương trên chuột.

Điều trị bằng hydrocortisone “làm giảm 50% trọng lượng tuyến ức,” trong khi điều trị bằng hợp chất nha đam không cho thấy tác dụng phụ nào đối với tuyến ức.

Các công ty dược phẩm hiện đại công nhận hiệu quả của nha đam; [đồng thời] nha đam là thành phần có trong hai loại kem sơ cứu hàng đầu khi bị cháy nắng: Dermoplast và Solarcaine.

Tuy nhiên, Dermoplast cũng chứa một số thành phần tổng hợp như polysorbate 85, PEG-400 monolaurate, hydrofluorocarbon 152a và butane.

Solarcaine cũng chứa một số thành phần tổng hợp, bao gồm propane, propylene glycol, isobutane, methylparaben, carbomer và propylparaben.

Bạn có thể tránh các hóa chất nhân tạo mà vẫn giảm vết bỏng do nắng và nhiệt bằng cách chọn gel nha đam.

Khi nào nên sử dụng gel nha đam

Gel nha đam có thể được dùng cho các tình trạng da cấp tính sau:

  • Cháy nắng
  • Bỏng nhiệt
  • Khô
  • Nứt
  • Bệnh trĩ
  • Loét tỳ đè
  • Vết thương sau phẫu thuật
  • Loét da
  • Ngứa da

Chất lượng gel nha đam

Lựa chọn tốt nhất cho bộ dụng cụ sơ cứu là cây nha đam, loại cây dễ trồng tại nhà và gel nha đam.

Khi nói đến gel, bạn cần lưu ý đến chất lượng, vì đã có báo cáo về việc gel nha đam bị pha trộn. Gel nha đam chứa nhiều polysaccharide, bao gồm cả pectin và acemannan. Các polysaccharide này được thay thế hoặc pha loãng bằng các loại carbohydrate rẻ tiền hơn như maltodextrin hoặc sucrose.

Ông Mark Blumenthal, người sáng lập của Hội Đồng Thực Vật Hoa Kỳ, đã cảnh báo trong một bản tin trên tập san của hội đồng rằng, “Từ lâu, nhiều chuyên gia trong ngành thảo dược đã biết rằng một số nguyên liệu nha đam đã bị pha trộn. Vì nhiều nguyên liệu nha đam ở dạng lỏng hoặc gel, nên các nhà sản xuất nha đam phi đạo đức tương đối dễ dàng ‘tăng số lượng’ nguyên liệu nha đam bằng cách thêm chất lỏng giá rẻ và nhiều loại đường khác nhau vào thành phần [sản phẩm] để tăng lợi nhuận.”

Chất bảo quản và chất độn tổng hợp cũng thường được thêm vào gel nha đam, ngay cả khi nhãn ghi rằng sản phẩm là “100% nha đam nguyên chất.”

Nếu mua gel nha đam, hãy chọn loại hữu cơ và đọc nhãn thành phần để bảo đảm sản phẩm không chứa hóa chất tổng hợp.

Cách thu hoạch gel từ cây nha đam

Cây nha đam cần phải trưởng thành – ít nhất vài năm tuổi – để bảo đảm nồng độ hoạt chất cao hơn.

Để thu hoạch nha đam trực tiếp từ cây:

  1. Chọn một chiếc lá dày từ phần bên ngoài của cây. Hãy chắc chắn rằng lá không bị mốc và hư hỏng.
  2. Cắt lá sát thân, tránh phần rễ.
  3. Dùng dao hoặc ngón tay rạch dọc lá để lộ gel.
  4. Sử dụng ngón tay của bạn, thoa đều gel nha đam lên da. Có thể thoa nha đam nhiều lần trong ngày. Tránh bôi lên vùng da hở.

Các giải pháp phòng ngừa và các tác động có thể xảy ra

Đã có những cảnh báo khi uống bằng đường miệng, nhưng bôi gel nha đam ngoài da hiếm khi gây biến chứng.

Mặc dù hiếm gặp nhưng gel nha đam có thể gây bỏng và ngứa da. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng nếu đang mang thai hoặc cho con bú hoặc nếu bị viêm da.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sina McCullough
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Sina McCullough là tác giả của "Go Wild: How I Reverse Chronic & Autoimmune Disease" - (tạm dich:Tôi đã chống lại bệnh mãn tính và bệnh tự nhiễm như thế nào), đồng thời là tác giả của cuốn "Hands Off My Food" và "Beyond Labels," (tạm dịch: Đừng can thiệp vào thức ăn của tôi" và “Phía bên kia của nhãn mác"). Cô có bằng tiến sĩ dinh dưỡng tại Đại học California – Davis. Cô ấy là một nhà thảo dược bậc thầy, bác sĩ được chứng nhận của Gluten Free Society và dạy học tại nhà cho ba đứa con của cô.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn