Sử dụng máy trợ thính có liên quan đến giảm nguy cơ tử vong và sa sút trí tuệ

Nguy cơ tử vong ở những người dùng máy trợ thính thường xuyên thấp hơn 24% so với những người không bao giờ dùng.

Theo hai nghiên cứu mới, những người bị mất thính lực và sử dụng máy trợ thính có nguy cơ tử vong và sa sút trí tuệ thấp hơn so với những người không bao giờ sử dụng thiết bị này.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san The Lancet vào ngày 03/01, đã xem xét mối liên quan giữa tình trạng mất thính lực, việc sử dụng máy trợ thính và tỷ lệ tử vong ở người dân Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 9,985 người trưởng thành, trong đó có 1,863 người mất thính lực. Cô Janet Choi, nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu cho biết, “Chúng tôi nhận thấy rằng những người mất thính lực thường xuyên dùng máy trợ thính có nguy cơ tử vong thấp hơn 24% so với những người không bao giờ đeo máy trợ thính.”

“Điều thú vị là những kết quả này cho thấy máy trợ thính có thể đóng vai trò bảo vệ sức khỏe con người và ngăn ngừa tử vong sớm.”

Dữ liệu về 9,985 người trưởng thành được thu thập từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia từ năm 1999 đến năm 2012. Những người tham gia đã hoàn thành bài kiểm tra thính lực để đo khả năng nghe. Tình trạng tử vong của những người tham gia được theo dõi trong thời gian trung bình khoảng 10 năm.

Trong số 1,863 người lớn được xác định là bị mất thính lực, có 237 người dùng máy trợ thính “thường xuyên,” 143 người dùng “không thường xuyên” và 1,483 người “không bao giờ sử dụng.”

[Các nhà] nghiên cứu cho biết, “Khi điều chỉnh độ tuổi và mức độ trầm trọng của tình trạng mất thính lực, nguy cơ tử vong ở những người trưởng thành dùng máy trợ thính ‘thường xuyên’ thấp hơn so với những người ‘không bao giờ’ dùng máy trợ thính.”

Tuy nhiên, “khi so sánh những người ‘không thường xuyên’ dùng máy trợ thính với những người ‘không bao giờ’ dùng, không có sự khác biệt đáng kể nào về nguy cơ tử vong.” Điều này có thể gợi ý rằng việc dùng không dùng máy trợ thính thường xuyên không mang lại bất kỳ lợi ích kéo dài cuộc sống nào cho những người bị mất thính giác khi so sánh với việc sử dụng thường xuyên.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy mức độ suy giảm thính lực trầm trọng hơn có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng những nghiên cứu trước đó [cũng] đã xác nhận điều này, trong đó “xác định mất thính lực là yếu tố nguy cơ chính gây ra những kết quả bất lợi cho sức khỏe bao gồm giảm chất lượng cuộc sống, trầm cảm, sa sút trí tuệ và tử vong.”

“Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu việc điều trị mất thính lực bằng sử dụng máy trợ thính có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong hay không.” Nghiên cứu này nhằm mục đích giải quyết lỗ hổng kiến ​​thức này.

Nghiên cứu đã tuyên bố có nhiều xung đột về lợi ích. Tác giả Janet Choi cho biết đã nhận được một khoản trợ cấp từ Tổ chức Thính giác Lions. Một tác giả khác thuộc hội đồng cố vấn y tế cho Advanced Bionics, công ty sản xuất máy trợ thính.

Tác giả thứ ba là nhà tư vấn cho công ty công nghệ sinh học Frequency Therapeutics và Apple. Người này cũng là giám đốc một trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng được tài trợ một phần từ sự quyên góp của nhà sản xuất thiết bị trợ thính Cochlear cho Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg.

Các tác giả tuyên bố không nhận được tài trợ cho nghiên cứu.

Những lợi ích của máy trợ thính đến chứng sa sút trí tuệ

Nghiên cứu thứ hai, được công bố trên Tập san JAMA (Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) vào ngày 04/01, đã điều tra xem việc mất thính lực có liên quan đến nguy cơ bị sa sút trí tuệ ở những người sử dụng hoặc không sử dụng máy trợ thính.

Nghiên cứu này được thực hiện ở Đan Mạch và thu thập dữ liệu từ hơn 500,000 người từ 50 tuổi trở lên trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2017, trong đó có hơn 23,000 trường hợp sa sút trí tuệ được xác định. Những người tham gia được theo dõi trong khoảng thời gian trung bình là 8.6 năm.

Nghiên cứu cho biết, “Mất thính lực có liên quan đến việc tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Mất thính lực nặng ở tai nghe tốt và tai nghe kém có liên quan đến nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn.”

Các tác giả cho biết, “So với những người không bị mất thính lực, nguy cơ sa sút trí tuệ ở những người bị mất thính lực không dùng máy trợ thính cao hơn những người bị mất thính lực và đang dùng máy trợ thính.”

Nghiên cứu gợi ý rằng “máy trợ thính có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát và tiến triển của sa sút trí tuệ.”

Tác dụng phụ của máy trợ thính

Mặc dù hai nghiên cứu đều mô tả những lợi ích tiềm năng của máy trợ thính, nhưng các thiết bị này cũng có một số tác dụng phụ cần phải tính đến.

Ví dụ, một số người có thể bị đau đầu và ù tai khi dùng máy trợ thính nếu âm lượng không ở mức phù hợp. Máy trợ thính không vừa vặn có thể gây khó chịu và kích ứng da. Ngứa ống tai cũng là nguyên nhân gây lo ngại cho những người đeo các thiết bị này.

Một khảo sát năm 2019 trên 512 người bị mất thính lực và thường xuyên dùng máy trợ thính. Nghiên cứu đã hỏi những người tham gia về tác dụng phụ khi dùng thiết bị này. Bảng câu hỏi liệt kê 32 tác dụng phụ tiềm ẩn về thể chất, tâm lý và xã hội.

Kết quả là một số người dùng cho biết đã gặp phải các tác dụng phụ như đau đầu, phồng rộp, chóng mặt và khó nhai hoặc nuốt khi dùng máy trợ thính.

Theo dữ liệu từ Viện Quốc Gia Về Điếc Và Các Rối loạn Giao Tiếp Khác, cứ 8 người Mỹ từ 12 tuổi trở lên thì có 1 người bị mất thính lực ở dựa trên kết quả kiểm tra thính giác tiêu chuẩn.

Khảo sát cho thấy rằng, “Khoảng 28.8 triệu người lớn ở Hoa Kỳ có thể được hưởng lợi từ việc sử dụng máy trợ thính. Trong số những người từ 70 tuổi trở lên bị suy giảm thính lực có thể được hưởng lợi từ máy trợ thính, chưa đến 1/3 người (30%) có dùng máy trợ thính.”

“Thậm chí tỷ lệ người sử dụng máy trợ thính trong số những người có thể hưởng lợi từ máy trợ thính trong độ tuổi 20 đến 69 tuổi còn thấp hơn (khoảng 16%).”

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn