Mất thính lực có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ, kể cả ở người trẻ

Mất thính lực tiến triển theo thời gian và có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ. Bảo vệ đôi tai của bạn khi còn trẻ là điều quan trọng và càng quan trọng hơn khi chúng ta già đi.

Điện thoại bắt đầu đổ chuông vào khoảng 2 giờ sáng. Tôi nghĩ tôi đã nhấc máy khi chuông đổ tiếng thứ hai. Đó là từ bệnh viện, và tôi cần đến đó. Không phải trường hợp cấp cứu, nhưng khẩn cấp. Tôi đứng dậy, vớ lấy đôi tất, dụng cụ vệ sinh, và “đôi giày phẫu thuật” may mắn của tôi trước khi tắm rửa và hôn tạm biệt cô vợ hiện đang rất tỉnh táo của tôi.

Tôi luôn ngạc nhiên rằng cô ấy rất tỉnh táo khi tôi chuẩn bị rời đi bởi những cuộc gọi vào sáng sớm. Tôi đã tìm ra lý do cho điều đó sau 10 năm, khi tôi lần đầu tiên được lắp máy trợ thính. Tôi đã luôn phàn nàn, chính xác hơn là vợ tôi đã luôn phàn nàn rằng tôi luôn yêu cầu mọi người lặp lại [những gì họ nói với tôi]. Đêm đầu tiên với những chiếc máy trợ thính đã khiến đôi tai tôi trở nên “thính” hơn.

Lần này, chuông điện thoại lại đổ vào khoảng 3 giờ sáng. Tôi lắp máy trợ thính vào và thực hiện công việc thường ngày của mình. Lần này, vợ tôi có vẻ ngủ say khi tôi rời đi. Tôi chưa bao giờ nhận thấy mọi thứ ồn ào đến mức nào. Tôi chưa bao giờ biết rằng các ngăn kéo có thể tạo ra nhiều tiếng ồn như vậy khi chúng được đóng lại hoặc một việc đơn giản như đi bộ trên sàn gỗ cứng cũng thực sự tạo ra âm thanh.

Cô vợ ngọt ngào của tôi sau đó đã nói với tôi rằng, cô ấy nghĩ tôi chỉ đang muốn gây hấn thụ động (một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết) khi tạo ra tất cả những tiếng ồn đó vào buổi sáng. Cả hai chúng tôi đều sớm nhận ra rằng tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng ồn mà mình tạo ra. Tôi chưa bao giờ nghe được những gì cô ấy nghe.

Theo một thống kê tóm tắt về sức khỏe người trưởng thành tại Hoa Kỳ trong Khảo sát Phỏng vấn Y tế Quốc gia năm 2012, khoảng 15% người Hoa Kỳ, tương đương hơn 1/7 số người trên 18 tuổi có một số chứng mất thính lực.

Đàn ông trưởng thành có nguy cơ bị mất thính lực cao gấp đôi phụ nữ. Theo Viện Quốc gia về Chứng điếc và Các Rối loạn Thông thường khác (NIDC), 8.5% người lớn trong độ tuổi từ 55-64 bị mất thính lực. Những con số này tăng lên đáng kể thành 25% ở những người từ 65-75 tuổi. Theo NIDC, khoảng 28 triệu người Hoa Kỳ có thể được hưởng lợi từ máy trợ thính.

Ngay từ thế kỷ 13, những người bị lãng tai đã sử dụng sừng động vật rỗng để cố gắng thu được nhiều âm thanh hơn. Kèn tai được phát minh vào thế kỷ 18, là một sự cải tiến từ sừng cừu đực thô sơ.

Vào năm 1819, vị vua gần như bị điếc của Bồ Đào Nha đã chế tạo ra một chiếc ghế nghe âm thanh đặc biệt. Chiếc ghế lộng lẫy này có một bộ phận trông giống như cái miệng đang há của một con sư tử trên mỗi cánh tay vịn. Những chiếc miệng mở ra này thực sự là nơi tiếp nhận âm thanh (giống như phần loa mở rộng của kèn tai), sau đó truyền qua các ống dẫn đến lưng ghế và cuối cùng truyền đến tai vua.

Ludwig Van Beethoven đã sử dụng một chiếc kèn tai khi ông bị điếc sau này.

Phát minh điện thoại của Alexander Graham Bell đã dẫn đường cho sự phát triển của máy trợ thính hiện đại đầu tiên. Điều đáng quan tâm là cả mẹ và vợ của Bell đều bị mất thính lực đáng kể. Mẹ ông phải sử dụng kèn tai, trong khi vợ ông, Mable cũng gần như bị điếc và phải dựa vào khẩu hình để giao tiếp. Cả vợ và mẹ ông đều không thể sử dụng phát minh vĩ đại của ông.

Những người bị mất thính lực sớm nhận thấy rằng họ thực sự có thể nghe thấy tiếng một người qua điện thoại tốt hơn là nghe trực tiếp. Thomas Edison, một nhà khoa học bị khiếm thính, đã phát triển một bộ phát carbon cho điện thoại để khuếch đại tín hiệu điện.

Năm 1898, Miller Reese Hutchison đã phát minh ra máy trợ thính điện đầu tiên. Đây là sự khuếch đại đơn giản của một tín hiệu [âm thanh] yếu. Năm 1913, chúng ta đã được chứng kiến ​​những chiếc máy trợ thính thương mại đầu tiên, rất cồng kềnh và không khả thi. Bảy năm sau, các ống chân không đã có thể biến lời nói thành tín hiệu điện sau đó khuếch đại lên.

Bóng bán dẫn được phát minh vào năm 1948 cho phép thu nhỏ và thay thế các ống chân không cồng kềnh. Trong vài thập kỷ tiếp theo, những tiến bộ trong quá trình thu nhỏ đã cải thiện khả năng đeo vào tai và hiệu quả của máy trợ thính. Ngày nay, chúng ta còn có các thiết bị hỗ trợ Bluetooth.

Đáng buồn thay, chứng mất thính lực là một phần bình thường trong quá trình lão hóa. Tuy nhiên, mới đây người ta đã phát hiện ra những rủi ro đi kèm với nó. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng “mất thính lực có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở người trưởng thành.” Một số nhà nghiên cứu ước tính rằng, nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ tăng gấp 5 lần đối với những người bị mất thính lực từ trung bình đến nặng.

Theo một báo cáo năm 2020 về phòng ngừa và chăm sóc chứng sa sút trí tuệ từ Ủy ban Lancet, mất thính lực do tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất có thể được điều chỉnh đối với chứng sa sút trí tuệ. Mất thính lực ở tuổi trung niên chiếm 8,2% tổng số trường hợp sa sút trí tuệ. Đại đa số mọi người, khoảng 80%, không tìm kiếm bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Tiến sĩ Alexander Chern đã xuất bản một bài báo thú vị trên The Laryngoscope với tiêu đề “Liệu thiết bị trợ thính có ngăn ngừa suy giảm nhận thức” vào năm 2021.

Ông viết: “Liệu việc điều trị chứng mất thính giác có làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của chứng sa sút trí tuệ hay không vẫn cần phải xem xét.”

Theo Chern, có một số bằng chứng cho thấy máy trợ thính có thể bảo vệ một số người bị mất thính lực nhẹ, nhưng dữ liệu vẫn chưa rõ ràng.

Một nghiên cứu khác được trích dẫn trên Science Daily vào năm 2019 với tiêu đề khiến chúng ta mở rộng tầm mắt như sau: “Máy trợ thính có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ, trầm cảm và té ngã.” Nghiên cứu ban đầu, được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ, đã xem xét 115,000 người trên 66 tuổi.

Các tác giả nghiên cứu cho biết: “Máy trợ thính là một phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng và những người bị khiếm thính hiểu được mối liên quan tiềm ẩn giữa việc sử dụng máy trợ thính và các khía cạnh sức khỏe khác.”

Mất thính lực tiến triển theo thời gian. Bảo vệ đôi tai của bạn khi còn trẻ là điều quan trọng và có thể trở nên quan trọng hơn khi chúng ta già đi. Chúng ta cần luôn luôn đặt câu hỏi rằng: “Bạn có nghe thấy điều gì đó mà tôi không nghe thấy không?” Và nếu câu trả lời là “Có”, thì bạn nên tìm cách giải quyết tình trạng này càng sớm càng tốt.

Theo Helen Keller: “Chứng mù ngăn cách con người với mọi thứ; chứng điếc ngăn cách con người với con người.”

Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Peter Weiss
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Peter Weiss là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình, báo chí và đài phát thanh địa phương và quốc gia. Ông là trợ lý giáo sư lâm sàng về Sản phụ khoa tại Trường Y David Geffen UCLA trong 30 năm,. Ông cung cấp các dịch vụ lâm sàng của mình cho những người có nhu cầu khi đại dịch COVID xảy ra. Ông cũng là cố vấn chăm sóc sức khỏe quốc gia cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của Thượng nghị sĩ John McCain.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn